Trung Quốc ‘bóp nghẹt’ sông Mê Kông - ‘huyết mạch’ của hàng triệu người dân châu Á, khiến hạn hán ngày càng trầm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đang “giữ” một lượng lớn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, điều này góp phần gây ra hạn hán ở khu vực hạ lưu các nước Đông Nam Á vào năm ngoái, theo báo cáo của Công ty Eyes on Earth, chuyên nghiên cứu và tư vấn vấn đề về nước, theo tin từ CNBC.

Sông Mê Kông chảy qua sáu quốc gia, bắt đầu từ Trung Quốc, trước khi chảy 5 quốc gia khác như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Sự thay đổi của sông Mê Kông là kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm mở một đoạn thông thương hàng hóa lớn, Fitch Solutions cho biết. Đoạn sông bắt đầu từ tỉnh Vân Nam chảy qua khu vực sông Mê Kông thuộc các nước (5 quốc gia trên) và cuối cùng đổ vào Biển Đông. Nhà nghiên cứu cho biết trong tương lai “đoạn thông thường này” có khả năng xuất hiện các tàu quân sự.

Từ lâu các hoạt động thượng nguồn của Trung Quốc dọc theo sông Mê Kông đã gây nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu gần đây làm dấy lên lo ngại về việc xây dựng đập của chính quyền Trung Quốc, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự hủy diệt đối với hàng triệu sinh kế.

Một nghiên cứu của công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth (do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ), phát hiện ra rằng các đập của Trung Quốc đang giữ lượng lớn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, khiến đợt hạn hán diễn ra từ năm 2019 ở hạ lưu các nước Đông Nam Á càng ngày càng trầm trọng.

Trung Quốc bác bỏ báo cáo khoa học này và cho rằng điều này là “vô căn cứ”.

Sông Mê Kông có chiều dài 4.350 km chảy qua sáu quốc gia. Bắt đầu từ Trung Quốc - với tên gọi là sông Lan Thương - chảy qua các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và đổ ra Biển Đông.

Sông Mê Kông là huyết mạch của các quốc gia Đông Nam Á này và mang lại sinh kế cho gần 200 triệu người, những người phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp và đánh bắt.

Trung Quốc đã xây dựng con đập đầu tiên trên thượng nguồn sông Mê Kông từ những năm 1990, đến nay đã có 11 con đập đang hoạt động. Chính quyền này hiện có nhiều kế hoạch xây dựng thêm những đập thủy điện khác.

Một vài con đập trong số này đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, dẫn đến việc hạ lưu sông Mê Kông trong năm vừa qua có “mực nước sông thấp nhất từ ​​trước đến nay”, theo nghiên cứu của Eyes on Earth. Báo cáo được công bố bởi “Hiệp hội đối tác cơ sở hạ tầng bền vững” do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, và “Sáng kiến ​​hạ lưu sông Mê Kông” - một quan hệ đối tác đa quốc gia của Hoa Kỳ với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Theo nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ năm 1992 đến 2019, đối với các phép đo vệ tinh về “độ ẩm bề mặt” ở ​​tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; cho thấy khu vực này có lượng mưa và tuyết tan trên trung bình từ tháng 5 đến tháng 10/2019.

Nhưng mực nước đo ở hạ lưu dọc biên giới Thái Lan-Lào tại cùng thời điểm lại có lúc thấp hơn mức dự tính, theo Alan Basist và Claude Williams, tác giả của báo cáo.

Điều này cho thấy Trung Quốc đang giữ nước trong các đập, trong khi các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông phải trải qua đợt hạn hán, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, đe dọa đến an ninh lương thực trong khu vực.

‘Thiệt hại không thể đảo ngược’ đối với hệ sinh thái

“Ban quản lý đập Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường và biến động mực nước ở hạ lưu”, theo Trung tâm Stimson, cơ quan tư vấn chính sách chiến lược có trụ sở ở Washington. Theo báo cáo ngày 13/4, “các vụ vỡ đập bất ngờ khiến mức nước sông dâng lên nhanh chóng, đã tàn phá các cộng đồng ở hạ lưu, gây ra hàng triệu thiệt hại bất ngờ cho sinh thái sông”.

Trong khi Trung Quốc là đối tượng chính của dự án “Nghiên cứu về Trái đất”, các bên có quyền lợi liên quan thừa nhận rằng tất cả các con đập - hơn một trăm đập hoạt động dọc sông Mê Kông, đều có tác động đến dòng sông, với mỗi cơ sở đều gây áp lực lên môi trường. Không chỉ riêng ở Trung Quốc.

‘Mối đe dọa gây thiệt hại đối với an ninh lương thực sẽ gây áp lực lạm phát đối với các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông’

Là quốc gia tại thượng nguồn, Trung Quốc có những con đập được coi là mối quan tâm chính trị chiến lược, vì các nước ở hạ nguồn có thể ngày càng trở nên “khó chịu đựng” đối với Bắc Kinh về vấn đề nguồn nước, các nhà phân tích cho biết.

Bà Pianporn Deetes, đại diện Thái Lan tại tổ chức phi chính phủ International Rivers cho biết, những cộng đồng sinh sống dọc theo sông Mê Kông đã ghi nhận sự biến động bất thường về mực nước liên quan đến việc xây dựng các đập mới. Có thể thấy hạn hán đến bất thường và mực nước tăng đột ngột, bà nói thêm.

Các hoạt động bất thường này “đã phá hủy hệ thống sinh thái tự nhiên của sông Mê Kông”. Các đập thủy điện đã phá hủy sinh kế của những đối tượng phụ thuộc vào hệ sinh thái, bao gồm cả thực vật và động vật thủy sinh, bà Pianporn cho biết trong một cuộc thảo luận trực tuyến vào ngày 8/5 do Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài của Thái Lan tổ chức.

Nghiên cứu từ Trung tâm Stimson cũng đưa ra kết luận tương tự.

Họ cho rằng những cộng đồng đánh bắt dọc theo Biển Hồ của Campuchia - nơi người Campuchia đánh bắt chiếm tới 70% lượng đầu vào của họ, đã báo cáo sản lượng đánh bắt thấp hơn 80-90% so với thông thường. Các tác giả của báo cáo, Brian Eyler và Courtney Weatherby đã cho biết: “Hiện nay, một số khu vực đông dân cư của Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam đã hoàn toàn mất khả năng tiếp cận với nước ngọt”.

Pianporn kêu gọi minh bạch dữ liệu và thông tin từ cả Trung Quốc và các nước hạ nguồn khác, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách xem sông Mê Kông là hệ thống toàn vẹn và là nguồn tài nguyên chung.

Một ngư dân kiểm tra lưới của mình dọc theo sông Mê Kông tại huyện Sangkhom, thuộc tỉnh Nong Khai phía đông bắc Thái Lan, ngày 31/10/2019. Dòng sông Mê Kông hùng vĩ đã chỉ còn là một vùng nước mỏng, bẩn thỉu trên khắp miền Bắc Thái Lan, điều này được xem là kết quả của hạn hán và của việc một con đập mới được mở kéo dài hàng trăm km về phía thượng nguồn.

Nhiều lưu ý được đưa ra về các mối đe dọa môi trường từ các đập dọc sông Mê Kông.

Giải pháp của Fitch trong một báo cáo tháng 2/2020: “Chúng tôi tin rằng mối đe dọa đối với an ninh lương thực từ thiệt hại này sẽ gây áp lực lên lạm phát đối với các nước ở hạ lưu sông Mê Kông”.

“Sự phá hủy hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong hoạt động kinh tế dọc theo bờ sông, từ nông nghiệp và hướng tới các dịch vụ sản xuất và khách sạn, du lịch” Fitch cho rằng [điều này gây ra] “thiệt hại không thể đảo ngược” đối với hệ sinh thái.

Fitch nhận định rằng các nước ở hạ nguồn sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc phủ nhận kết quả báo cáo

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trong báo cáo này, liên quan đến việc làm trầm trọng thêm một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất Đông Nam Á.

Trả lời CNBC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, lượng mưa giảm, gió mùa bất thường, kết hợp với sự kiện El Nino “cực đoan” là nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Bộ chỉ ra những phát hiện khoa học từ Ủy ban sông Mê Kông cho thấy có hạn hán lan rộng trên hầu hết các khu vực xung quanh toàn bộ dòng sông.

Tuyên bố cũng nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi cam kết vào tháng 2/2020 sẽ hợp tác với các nước hạ lưu sông Mê Kông để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước, ho thấy Trung Quốc tỏ “thái độ có trách nhiệm” khi là quốc gia ở thượng nguồn, theo một bản dịch của CNBC [về các nhận xét bằng tiếng Trung Quốc] cho biết.

Chính quyền Trung Quốc xem “nước” là một loại hàng hóa có chủ quyền để sử dụng tiêu hao, hơn là nguồn tài nguyên được chia sẻ công bằng cho các nước láng giềng ở hạ nguồn.

Trong cuộc họp báo thường kỳ vào tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Geng Shuang đã gọi báo cáo này là “vô căn cứ” và “đi ngược với sự thật”, theo một bản thảo chính thức.

Ông cho rằng “dòng chảy từ sông Lan Thương có tác động rất hạn chế đến khối lượng chung của sông Mê Kông, vì dòng chảy ở vùng hạ lưu chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và [lượng nước] đóng góp từ các nhánh sông. Không có lý do để biện minh cho việc cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hạn hán ở các nước hạ lưu”.

Vào đầu tháng 5/2020, Ủy ban sông Mê Kông - một cơ quan liên chính phủ gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, cho biết rằng “cần nhiều hơn những bằng chứng khoa học để kết luận hạn hán năm 2019 phần lớn là do lưu trữ nước ở đập thượng lưu sông Mê Kông”; đồng thời kêu gọi các nước liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, chia sẻ thông tin hơn nữa.

Những kế hoạch lớn với sông Mê Kông

Việc chuyển đổi kinh tế của dòng sông sẽ thay đổi quan hệ quyền lực xung quanh sông Mê Kông.

Dù ngày càng vắng bóng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hoa Kỳ từ lâu đã có những thách thức đối với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ quan ngại về báo cáo của Eyes on Earth. Vào năm 2019, ông cho rằng vấn đề hạn hán ở các nước hạ lưu sông Mê Kông là do “quyết định của Trung Quốc về việc ngăn nước ở thượng nguồn”.

Fitch Solutions cho biết, nguyên nhân chính của việc thay đổi sông Mê Kông là kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm “mở lối đi” cho việc thông thương hàng hóa lớn. Đoạn sông từ tỉnh Vân Nam qua các nước có dòng chảy sông Mê Kông và vào Biển Đông - trong tương lai có khả năng sẽ xuất hiện các tàu quân sự, nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Ảnh chụp màn hình từ một video trên không được chụp vào ngày 28/10/2019 cho thấy sông Mê Kông thuộc huyện Sungkom tỉnh Nong Khai, cách đập Xayaburi hơn 300 km.

Fitch Solutions lưu ý: Trung Quốc có kế hoạch dài hạn nhằm thiết lập các đặc khu kinh tế trên cả hai bờ sông Mê Kông, bao gồm: tài sản dân cư, cảng, đường sắt và đường bộ. Ưu điểm là điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia Mê Kông và khu vực Tam giác vàng - địa điểm giữa Lào, Myanmar và Thái Lan.

Các nhà nghiên cứu tại Stimson đưa ra lý do tại sao Trung Quốc kìm hãm tài nguyên nước. Các tác giả của báo cáo cho biết, đối với Bắc Kinh, nước được coi là một mặt hàng có chủ quyền để sử dụng tiêu hao hơn là nguồn tài nguyên được chia sẻ công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn.

Bắc Kinh coi thông tin về dòng chảy của nước và các hoạt động thủy điện là một bí mật của nhà nước, các nhà nghiên cứu tại Stimson cho biết. Sự thiếu minh bạch này cho phép Trung Quốc “đổ lỗi” cho sự thiệt hại chung là do hạn hán, và thiết lập nguyên nhân chung để Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực hạ nguồn thông qua Cơ chế hợp tác Lancang-Mekong.

Ngân Hà

Trung Quốc Việt Nam


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ‘bóp nghẹt’ sông Mê Kông - ‘huyết mạch’ của hàng triệu người dân châu Á, khiến hạn hán ngày càng trầm trọng