Trung Quốc có đang rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguồn cung điện ở Trung Quốc đang trong tình trạng khẩn cấp, nhiều tỉnh đã phát đi thông báo cắt điện. Ngay từ hơn một thập kỷ trước, nhiều nơi ở Trung Quốc đã phải cắt điện luân phiên, nhưng tại sao trong khi chính quyền nước này tuyên bố rằng “Trung Quốc là quốc gia sản xuất điện nhiều nhất thế giới”, “lịch sử đen” về cắt điện luân phiên vẫn lặp lại?

Theo thông báo khẩn cấp gần đây do Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Hồ Nam đưa ra, phụ tải tối đa của tỉnh đã đạt 30,93 triệu kW, vượt kỷ lục lịch sử mùa đông. Mức tiêu thụ điện tối đa hàng ngày là 606 triệu kWh và nguồn cung điện tồn tại một lỗ hổng khá lớn.

Ngay sau khi thông báo chính thức được đưa ra, các thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam như Trường Sa, Tương Đàm, Nhạc Dương, Chu Châu, Thường Đức, v.v. đã yêu cầu người dân tiết kiệm điện.

Chính quyền yêu cầu trong quá trình sử dụng điện và gas theo thứ tự, ngoại trừ các thiết bị đầu mối giao thông then chốt, các điểm y tế và phòng chống dịch bệnh, thì tất cả các công trình chiếu sáng công cộng và chiếu sáng mặt tiền của tòa nhà đều phải tắt.

(Ngắt điện luân phiên ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam)

Hồ Nam không phải là trường hợp duy nhất. Theo tờ Tin tức năng lượng Trung Quốc đưa tin ngày 20/12, ngoài Hồ Nam thì các tỉnh khác như Giang Tây, Chiết Giang, Nội Mông, v.v. gần đây cũng đã xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên.

(Cắt điện ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang)

Ngoài ra, những người trong ngành dự đoán rằng ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Giang Tô, Vân Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông và những nơi khác cũng sẽ thiếu điện trong giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, tình hình cung ứng rất nghiêm trọng.

Ngay từ năm 2002, đã có 12 tỉnh và khu tự trị ở Trung Quốc thực hiện cắt điện luân phiên, khi đó công suất lắp đặt của Trung Quốc chưa đến 360 triệu kW.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các kênh truyền thông chính thức, công suất lắp đặt của Trung Quốc đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, công suất phát điện của Trung Quốc đã vượt 6 nghìn tỷ kWh, đứng đầu thế giới. Vậy tại sao đến giờ lịch sử cắt điện vẫn lặp lại?

Ngoại giới cho rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng quá mức các trạm thủy điện ở trung và thượng lưu sông Trường Giang và phá hủy môi trường sinh thái đã gây ra lũ lụt ở trung và hạ lưu sông vào mùa hè, còn vào mùa đông thì mùa nước cạn kéo dài đến vài tháng và tình hình ngày càng trầm trọng hơn.

Một người trong ngành cho biết: “Không giống như mùa lũ trong mùa hè, thủy điện Hồ Nam rất khó tăng sản lượng trong mùa khô vào mùa đông, mà thủy điện chiếm hơn 30% tổng công suất lắp đặt của tỉnh Hồ Nam; sản xuất điện gió và điện mặt trời không ổn định, chỉ dựa vào 2 loại điện năng này thì không thể đáp ứng được phụ tải điện giờ cao điểm".

Theo dữ liệu công khai, mặc dù Trung Quốc có nhiều nguồn cung cấp điện khác nhau, bao gồm năng lượng gió, thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, v.v., nhưng nhiệt điện vẫn là nguồn sản xuất điện chính của Trung Quốc, và than đá là nhiên liệu chính để sản xuất nhiệt điện.

Trang mạng Caixin đưa tin rằng do tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện ở miền Trung Trung Quốc vào mùa đông năm nay, và công suất sản xuất điện gió và quang điện thấp hơn nhiều so với mùa hè, khiến khả năng truyền tải điện ra bên ngoài Hồ Nam cũng sẽ bất ổn định.

Họa vô đơn chí là, Kỳ Thiều UHV, công trình đường dây truyền tải điện áp siêu cao đầu tiên của Trung Quốc truyền tải năng lượng mới trên quy mô lớn đặt tại Hồ Nam, cũng không đủ khả năng để đáp ứng lượng cầu.

Một chuyên gia về quy hoạch điện ở tỉnh Hồ Nam tiết lộ với giới truyền thông rằng, công suất truyền tải thực tế của Kỳ Thiều UHV luôn thấp hơn so với mức mong đợi. Đánh giá từ kết quả hoạt động trong hai năm qua, công suất truyền tải hàng năm của đường dây này chỉ đạt hơn một nửa một chút so với công suất thiết kế 8 triệu kW.

Người phụ trách bộ phận nhiên liệu của một công ty phát điện ở khu vực miền Nam Trung Quốc cho rằng, việc cắt điện có liên quan đến tình hình "khan hiếm" than ở Hồ Nam. Hồ Nam mỗi năm cần nhập từ 60 đến 70 triệu tấn than từ các tỉnh khác, và trong hai năm qua, tỉnh Hồ Nam chỉ có chỉ tiêu nhập khẩu 500.000 tấn than mỗi năm, chỉ có giảm chứ không có tăng.

Gần đây, do chính phủ Úc yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus Viêm phổi Vũ Hán cùng nhiều nguyên nhân khác nên đã khiến quan hệ Trung - Úc trở nên xấu đi, ĐCSTQ đã tẩy chay nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Úc như than, quặng sắt, v.v., khiến giá than ở Trung Quốc tăng mạnh và nguồn cung điện cũng không đủ. Hơn nữa 57% than của Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung từ Úc, do đó, phạm vi cắt giảm điện ở Trung Quốc đại lục ngày càng được mở rộng.

Ngoài ra, Nga - nước được ĐCSTQ chính thức gọi là "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện", nhưng khi Trung Quốc đang trong thời điểm thiếu điện, thì InterRAO - công ty điện lực của nước này, đã quyết định cắt giảm đáng kể hoặc ngừng hoàn toàn việc cung cấp điện cho Trung Quốc với lý do "lỗ". Tin tức này đã làm dấy lên sự chú ý của dư luận Trung Quốc, một số cư dân mạng đã chế giễu ĐCSTQ là “lại bị bạn cũ đâm sau lưng”.

Cắt điện trong đêm ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. (Ảnh Weibo)

Sau Chiết Giang, Hồ Nam, Giang Tây, v.v., vào sáng sớm ngày 21/12, một số nơi ở tỉnh Quảng Đông đã xảy ra tình trạng mất điện và cắt nước không báo trước. Tháng trước, chính quyền Quảng Đông cũng tổ chức cuộc diễn tập khẩn cấp mất điện quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Truyền thông Hong Kong đưa tin, sáng sớm ngày 21/12, các thành phố Quảng Châu, Đông Quan, Thâm Quyến, Trung Sơn, Phật Sơn, Huệ Châu, v.v. ở tỉnh Quảng Đông đã bị cắt điện và nước không báo trước, đèn đường cũng bị ngắt, đường phố tối om. Việc mất điện không báo trước cũng ảnh hưởng đến các bệnh viện, viện dưỡng lão và ký túc xá trường học ở một số khu vực. Sự cố mất điện cũng khiến tín hiệu mạng điện thoại di động bị gián đoạn tạm thời. Chính quyền trả lời lúc 9 giờ sáng rằng sự cố mất điện là do lỗi thiết bị.

Ngoài tình trạng mất điện không báo trước ở nhiều thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, tình trạng mất điện cũng đã xảy ra ở Bắc Kinh và Thượng Hải, khiến người dân bất mãn và hoang mang. Tuy nhiên chỉ có một số ít kênh truyền thông đưa tin, điều này cũng làm dấy lên nghi ngờ.

Mặc dù mọi người đều cho rằng việc cắt điện luân phiên và hạn chế sử dụng điện ở Trung Quốc đại lục có liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc, nhưng chính quyền ĐCSTQ lại không thừa nhận. Theo Phoenix New Media, Công ty Điện lực Thượng Hải đã xác nhận tin tức về sự cố mất điện và nói rằng phạm vi ngắt điện đều "nằm trong kế hoạch kiểm tra an toàn, là công việc bảo trì điện lưới định kỳ". Chính quyền Bắc Kinh chưa phản hồi về tin tức cắt điện.

Sau thông báo khẩn của Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Hồ Nam, nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc khác ở Trung Quốc cũng “trùng hợp” xảy ra tình trạng mất điện. Liệu Trung Quốc có đang rơi vào một tình huống khó khăn khác?

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc có đang rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng?