Trung Quốc dành 'siêu đãi ngộ' cho du học sinh châu Phi, họ đang mưu đồ gì ở Lục địa đen?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc dành ‘đãi ngộ siêu quốc dân’ cho các du học sinh châu Phi đã không còn là điều gì bí mật. So sánh với các sinh viên nước ngoài, đãi ngộ mà các sinh viên bản địa Trung Quốc nhận được quả là ‘một trời một vực’. Vậy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mưu tính điều gì đằng sau những đãi ngộ ‘siêu cấp’ kia?

Theo thông tin công khai, hiện tại, Trung Quốc trao rất nhiều loại học bổng như Học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC), học bổng Viện Khổng Tử… cho du học sinh các nước để thúc đẩy trao đổi, giao lưu giáo dục, văn hóa, thương mại, v.v. Ví dụ, với học bổng CSC, du học sinh được nhận trợ cấp sinh hoạt theo các mức: Hệ Đại học 2.500 nhân dân tệ (hơn 8 triệu VND)/ tháng; Hệ Thạc sĩ 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu VND)/ tháng; Hệ Tiến sĩ 3.500 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu VND)/ tháng.

Đó là mức ở mặt bằng chung, còn trên thực tế, du học sinh đến từ Lục địa đen – châu Phi còn được hưởng cái gọi là “đãi ngộ siêu quốc dân”.

“Đãi ngộ siêu quốc dân” có nghĩa là chính phủ của một quốc gia trao cho người nước ngoài hoặc một cá nhân cụ thể, cũng như các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài những đặc quyền mà vượt trên cả đãi ngộ người dân nước đó được hưởng. Đây thường được coi là một loại phân biệt đối xử đối với công dân của chính nước mình.

Liên quan đến du học sinh người da đen ở Trung Quốc, phóng viên tờ Vision Times đã tổng hợp tin tức và các đoạn video từ Twitter như sau:

Phỏng vấn đường phố: Du học sinh người châu Phi tiêu 18.000 tệ mỗi tháng

Theo một video phỏng vấn đường phố Trung Quốc được đăng trên tài khoản Twitter @henry20092021 hôm 18/5, hai du học sinh người Congo đang học tập tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang nói rằng, mức chi tiêu trong một tháng của họ là 18.000 nhân dân tệ (gần 60 triệu VND). Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Congo chỉ có hơn 600 USD (khoảng 14 triệu VND), đây là quốc gia nghèo nhất thế giới.

Trong video, một trong hai người châu Phi nói rằng họ đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo và là sinh viên nước ngoài đang học chuyên ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Hàng Châu. Khi được hỏi mỗi tháng tiêu hết bao nhiêu tiền, người này nói "hơn 18.000" nhân dân tệ. Người phỏng vấn thốt lên: “Chà, không thấp nhỉ!”. Hai người châu Phi được phỏng vấn cảm thấy rằng “Trung Quốc rất tốt”.

Trường học ở Trung Quốc yêu cầu 'Nhận du học sinh người da đen về nhà'

Ngoài ra, vào ngày 13/5, cư dân mạng “Yunge Tansuo” đến từ tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đăng bài cho biết, "Nửa tháng trước, trường học của mẹ tôi đã thực hiện hoạt động 'Nhận du học sinh người da đen về nhà'". Cư dân mạng này cho hay, mẹ của anh là giáo viên dạy múa ba lê và bà đã đưa một người da đen cao to lực lưỡng về nhà. Nó tương tự như hình thức du học sống cùng người bản xứ.

Trước sự việc trên, cư dân mạng chế giễu rằng "Tình yêu thương của chính phủ [ĐCSTQ] dành cho người da đen quả là tỉ mỉ chu đáo”.

Gần đây, trên Internet còn xuất hiện video quay cảnh một lớp học ở Trung Quốc, trong đó mỗi bàn có một nam sinh người da đen ngồi giữa hai nữ sinh Trung Quốc mặc đồng phục. Các cư dân mạng bình luận: "Các sinh viên người da đen du học ở Trung Quốc quả là ‘hạnh phúc’, hai nữ kèm một nam – ĐCSTQ tà ác hãm hại các nữ sinh viên đại học Trung Quốc", "Cái phễu đạo đức của ĐCSTQ đã khiến toàn thể nhân loại bị ô nhiễm và tha hóa".

Đãi ngộ ‘một trời một vực’ giữa sinh viên bản địa và du học sinh

Theo một bài viết trên trang tin tức NetEase của Trung Quốc, các du học sinh người da đen tại Đại học Thanh Hoa được "mặc sức tiêu xài 200.000 nhân dân tệ (khoảng 665 triệu VND) một năm". Trong khi đó, một sinh viên đại học Trung Quốc ở Hà Nam lại phải ăn dưa chua và lao động tại một công trường để kiếm 6.000 nhân dân tệ (khoảng 20 triệu VND) học phí.

Đài Á châu Tự do (RFA) từng đưa tin, năm 2017, bài viết có tiêu đề "Người nước ngoài không cần thi để vào Đại học Thanh Hoa? Mười năm khổ luyện không bằng một cái quốc tịch, chính sách mới của Thanh Hoa khiến thí sinh Trung Quốc khóc không ra nước mắt” được lan truyền với tốc độ chóng mặt ở Trung Quốc. Bài viết phản ánh tình trạng sinh viên Trung Quốc trầy trật để thi đậu Đại học Thanh Hoa nhưng lại không được đối xử công bằng.

Cùng năm đó, bộ phim tài liệu phỏng vấn với tiêu đề "Một quốc gia, Hai loại ký túc xá" cũng được lan truyền rầm rộ. Trong đó phơi bày sự khác biệt “một trời một vực" giữa cách đối xử của nhà trường với sinh viên Trung Quốc và sinh viên nước ngoài.

Ngoài ra còn ba video khác cũng vạch trần hiện thực về du học sinh ở Trung Quốc. Tuy nhiên hiện vẫn chưa thể xác minh được nội dung, thời gian và địa điểm cụ thể quay các video này nên thông tin dưới đây chỉ để tham khảo.

Trong một đoạn video, người đàn ông ngồi trên ghế sofa đang gọi điện thoại và giận dữ nói: “Mỗi năm, mỗi người da đen bị AIDS ở Đại học Sơn Đông được trợ cấp tối thiểu từ 59.200 (197 triệu VND) đến 99.800 tệ (332 triệu VND) và cao nhất là 200.000 (665 triệu VND) đến 300.000 tệ (998 triệu VND). Thế rồi khi tên lưu manh da đen đó mắc bệnh, có 25 tình nguyện viên tới phục vụ, đây là cái trường học lưu manh gì vậy!"; "Các nữ sinh viên của Đại học Sơn Đông đã kể lại rằng những ai theo cùng hỗ trợ [du học sinh] người da đen trong 3 tháng đều từng phá thai!".

Trong một video khác, người đàn ông đeo kính, thắt cà vạt cho hay, một sinh viên Thái Lan nói rằng anh ta không thể tìm được việc làm ở Thái Lan nên đã tới Trung Quốc du học. "Vì học ở Trung Quốc không mất học phí, nhà trường còn trợ cấp tiền, ký túc xá cũng miễn phí. Mỗi tháng được nhận 1.500 nhân dân tệ (5 triệu VND) sinh hoạt phí, nếu học thạc sĩ hay tiến sĩ thì còn được nhiều hơn".

Người này cho biết thêm: "Mỗi năm, số tiền tối đa mà Đại học Giao thông Thượng Hải trợ cấp cho một sinh viên nước ngoài là 112.300 nhân dân tệ (373 triệu VND). Nếu nhân với 4 năm học thì tính ra Trung Quốc chi khoảng 450.000 nhân dân tệ (1,498 tỷ VND) cho một sinh viên nước ngoài".

Video còn lại ghi cảnh một người da đen mặc áo trắng có in hai chữ “Trung Quốc” trên áo đang nhận một cọc tiền với vẻ mặt vui vẻ. Sau đó người này còn hôn lên hai chữ được in trên áo và quay ra nhảy múa ăn mừng với những người da đen đứng dàn hàng phía sau. Cuối video là cảnh hai người đàn ông da đen hôn vào hai chữ “Trung Quốc” in trên áo và nói bằng tiếng Trung câu “Tôi yêu Trung Quốc”.

Hai người đàn ông da đen hôn vào hai chữ “Trung Quốc” in trên áo và nói bằng tiếng Trung câu “Tôi yêu Trung Quốc”. (Ảnh chụp màn hình)

Trung Quốc muốn trở thành điểm đến du học lớn nhất ở châu Á

Năm 2021, tờ RFA đưa tin, Trung Quốc đã triển khai "Kế hoạch Du học Trung Quốc" vào năm 2010 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc quốc tế hóa nền giáo dục Trung Quốc và phải trở thành điểm đến du học lớn nhất ở châu Á trong năm 2020. Mục tiêu là tăng số lượng sinh viên học tập tại Trung Quốc từ khoảng 260.000 người một năm lên đến 500.000 người.

Theo bài báo này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chi gần 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 34 nghìn tỷ VND) tiền công quỹ để trợ cấp cho sinh viên nước ngoài học tập tại Trung Quốc trong ba năm trước đó. Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, chính sách “Một vành đai, Một con đường” đã thu hút một lượng lớn sinh viên từ các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi đến Trung Quốc học tập.

Bài báo trên RFA chỉ ra rằng, trong Kỳ họp Lưỡng Hội của ĐCSTQ vào tháng 5/2020, một ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã đề xuất hủy bỏ "đãi ngộ siêu quốc dân" đối với sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc. Đề xuất này được đông đảo cư dân mạng Trung Quốc ủng hộ nhưng cuối cùng không được chính quyền Trung Quốc thông qua. Một số cư dân mạng tỏ ra bất bình, cho rằng chính phủ Trung Quốc luôn đối xử khoan dung với người nước ngoài nhưng lại khắc nghiệt với người dân Trong nước. Trên mạng cũng tràn ngập những từ ngữ kỳ thị như "rác rưởi nước ngoài", "cặn bã nước ngoài", "bọn quỷ da đen", v.v.

Bức ảnh được chụp vào ngày 1/3/2018, một nhân viên bảo vệ ở Trung Quốc nhìn sang lối đi vào quận "Tiểu Châu Phi" (Little Africa) ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (FRED DUFOUR/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, sự thực đằng sau chiêu trò “tài trợ học bổng” của ĐCSTQ là gì? Chỉ đơn giản là thúc đẩy giao lưu giáo dục, văn hóa, thương mại… hay còn ẩn giấu mưu đồ nào khác?

‘Đàn cừu con’ châu Phi trước nanh vuốt của ‘chó sói’ ĐCSTQ

Người châu Phi vừa thoát khỏi nhiều thế kỷ cai trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc thì nay đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm còn kinh khủng hơn: Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bề ngoài, ĐCSTQ dường như duy trì mối quan hệ cùng có lợi với Lục địa đen, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nhu cầu phát triển cấp bách của châu Phi. Nhưng thực chất, ĐCSTQ lạm dụng và bóc lột nghiệt ngã châu Phi. Song song với việc thúc đẩy chủ nghĩa Mao-xít, thôn tính nền văn hóa bản địa, ĐCSTQ còn kiểm soát tài nguyên và con người của lục địa này.

ĐCSTQ gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng tỷ lệ trẻ châu Phi sinh ra bị dị tật, gây ngộ độc gia súc, phá hủy đất đai màu mỡ cũng như làm nhiễm độc các dòng sông.

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các quốc gia châu Phi thông qua các dự án BRI (hay còn gọi là Một vành đai, Một con đường; hoặc Vành đai và Con đường). Theo một bài báo do truyền thông nước này đăng tải, tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền mà châu Phi vay từ Trung Quốc là 145 tỷ USD. Tuy nhiên, vào tháng 8/2022 tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC), Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xóa 23 khoản vay không lãi suất, đáo hạn vào cuối năm 2021 cho 17 quốc gia châu Phi.

Trung Quốc bành trướng đế quốc chủ nợ của họ để đổi lấy lợi ích về địa chính trị và nô lệ nợ mới trên khắp toàn cầu. Trung Quốc muốn thống trị và khai thác Lục địa đen.

ĐCSTQ muốn xuất khẩu mô hình độc tài sang Lục địa đen. Ngoài việc thông qua các khoản vay bẫy nợ và đầu tư kinh tế thì con đường nhanh nhất chính là tài trợ học bổng. Khi các du học sinh – thế hệ lãnh đạo tương lai của Lục địa đen – tới Trung Quốc học tập, nhận lợi ích từ ĐCSTQ, bị tiêm nhiễm những tư tưởng của ĐCSTQ, họ đã trở thành “thuộc hạ” của chế độ này một cách không tự biết, cuối cùng mang mô hình độc tài này trở về áp dụng vào đất nước mình.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc dành 'siêu đãi ngộ' cho du học sinh châu Phi, họ đang mưu đồ gì ở Lục địa đen?