Đấu đá nội bộ căng thẳng đằng sau các ‘đơn từ chức’ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu đơn từ chức từ quan chức các cấp cũng như sự chấp nhận các lá đơn này từ lãnh đạo cấp cao hơn là hiện tượng hết sức bình thường ở các nền kinh tế khác thì ở Trung Quốc, nó luôn khiến người nghe suy luận theo hướng: lại một người ngã ngựa? Lại một vụ thanh trừng nội bộ? Vị này đang chuẩn bị bị thanh kiểm tra hoặc lãnh án?

Bình luận về mục tiêu của chế độ Bắc Kinh đằng sau cách buộc các “tội nhân” của chế độ phải “tự nộp đơn xin từ chức”, tác giả Mã Tân Vũ, trong một bài bình luận đăng trên Vision Times, cho rằng nó mang đặc trưng văn hoá riêng có của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đảng thích tránh tiếng ác, tỏ ra khoan dung. Bắc Kinh luôn thích khoác lên mình tấm áo lịch thiệp che cho một cơ thể đầy khiếm khuyết mà thôi. NTDVN trân trọng giới thiệu tới quý đọc giả bài bình luận này:

Trong cuộc đấu đá nội bộ ĐCSTQ, trước khi bị bắt, phe thua cuộc thường bị khai trừ chức vụ. Nhưng trước khi công bố quyết định khai trừ, tổ chức nhân sự hoặc “cấp trên” thường nói rằng “đã nhận được đơn xin từ chức của ông/bà …”.

Ví như vào ngày 31/3, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân tỉnh Giang Tây thông báo, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây quyết định chấp nhận đơn xin từ chức của đại biểu Lý Thu Bình (Li Qiuping), hủy bỏ tư cách đại biểu của vị này.

Hay trước đó hôm 29/3, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây cũng phát đi thông báo rằng, chấp nhận đơn xin từ chức của Thị trưởng Cửu Giang Dương Văn Bân (Yang Wenbin)...

Dĩ nhiên, sau các vụ việc chấp nhận đơn xin từ chức này chính là chuẩn bị tuyên bố cho kết quả kỷ luật, điều tra, thậm chí là khởi tố, tố tụng hình sự,...

Từ xưa tới nay, trước khi quan chức ĐCSTQ ngã ngựa hay lãnh án, khi bị tổ chức khai trừ họ đều bị ‘gắp lửa bỏ tay người’ – được tuyên bố là bản thân tự nộp đơn xin từ chức.

Cách làm này có phải thể hiện rằng tổ chức nhân sự của ĐCSTQ hay “cấp trên” rất khoan dung, rất khiêm nhường hay không? Tuyệt đối không. Họ chỉ đang tránh mang danh hành ác, hoặc là giữ thể diện cho “kẻ địch” sắp bị gán tội.

Cụm từ “Xin từ chức” vốn mang nghĩa “tôi không còn hứng thú với công việc, tôi muốn rời đi, chủ động xin được rời chức vụ”. Còn bên nhận đơn từ chức thường nghĩ rằng, cá nhân này có hướng phát triển tốt hơn, hoặc là chuyển sang công ty khác có chức vụ hay đãi ngộ cao hơn, v.v.

Nhưng trong hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ, thông tin được truyền ra thường ẩn giấu “mùi máu tanh”, người kia sẽ không những bị khai trừ chức vụ mà còn bị bôi nhọ thanh danh, chặt đứt kinh tế, giày vò thể xác…

Tại sao lại nói điều này phản ánh rằng chốn quan trường ĐCSTQ rất tàn khốc? Bởi vì ở một quốc gia bình thường, quan chức bị bắt thường là do tham ô, nhận đút lót hay các hành vi phạm pháp khác, nhưng ở đất nước do ĐCSTQ cai trị, thông thường là do người ấy sai lập trường, đứng sai chiến tuyến, hay không nghe lời… mà bị chỉnh đốn và gán cho tội danh phạm pháp. Nếu không, sẽ chẳng có chuyện hủy bỏ tư cách đại biểu hay ủy viên, lại càng không bị gán cho những danh xưng như “sâu mọt”, “kẻ thù chung của nhân dân”, thậm chí là “kẻ dã tâm”, “kẻ âm mưu”, “yêu ma hại đảng hại nước”... Còn về những quan chức tham ô hay nhận hối lộ, quốc gia nào mà không có, nhưng ĐCSTQ chẳng thà thả cho quan chức làm vậy, bởi chỉ có như thế thì họ mới ngoan ngoãn nghe lời mà bán mạng cho ĐCSTQ!

Bầu không khí máu tanh như chính trường ĐCSTQ là điều xưa nay chưa từng có, nhưng nó vẫn khoác lên mình chiếc áo lịch thiệp. Tuy vậy, tấm áo ấy chẳng thể giúp che đậy sự tà ác của chế độ này, nó toát lên ngay từ những câu chữ được chọn dùng.

Đây là một biểu hiện của loại văn hóa đặc trưng riêng có của ĐCSTQ, chính quyền này đã ngấm ngầm xây dựng văn hóa của riêng mình thông qua các cuộc đấu đá nội bộ và các cuộc vận động triền miên. Từ đó tạo nên một môi trường ‘sặc mùi’ tuyên truyền và lừa dối, khiến lối tư duy và hệ thống ngôn từ của người dân dần bị biến dị, trở nên thấm đẫm đặc tính “giả - ác - đấu” (giả dối - ác độc - đấu tranh) của ĐCSTQ.

Đối với nhân dân thì như vậy, còn về phần mình, ĐCSTQ tự tô vẽ ánh hào quang với quyết tâm “chống tham nhũng”, làm một “lãnh đạo ấm áp”. Khi dân chúng bất mãn trước hiện thực xã hội, họ vẫn buộc phải tin rằng tập thể lãnh đạo ĐCSTQ rất thanh liêm, phần tử tham nhũng hủ bại đều là quan chức cấp dưới, là những cá nhân đơn lẻ, rồi phải ca ngợi, biết ơn sự “vĩ đại, quang minh, chính xác” của ĐCSTQ, nhất định phải dựa vào ĐCSTQ thì mới giải quyết được vấn đề xã hội.

Nói cho cùng, ĐCSTQ đã vươn ‘xúc tu’ tới mọi ngóc ngách, thứ văn hóa biến dị của nó cũng vậy. Đấu đá văn hóa, đấu đá chính sách, đấu đá quyền bính; đấu với Đài Loan, đấu với Nhật Bản, đấu với Hoa Kỳ; đấu với người Trung Quốc, đấu với quan chức trong đảng và nhà nước… đâu đâu cũng thấy bóng dáng của ‘văn hóa ĐCSTQ’. Vậy nên khi đọc các văn bản do chế độ này ban bố, ví như thông báo quan chức nào bị khai trừ, điều tra…, chỉ khi độc giả nhận ra ‘ám khí’ của ĐCSTQ thì mới không bị ‘dắt mũi’.

Những người sinh sống trong đất nước do ĐCSTQ cai trị, hoặc ít hoặc nhiều đều bị ngấm thứ văn hóa đó. Trong hoàn cảnh chính trị ô trọc đa đoan, trước những thiên tai nhân họa liên miên không dứt, thì việc thanh tẩy tư tưởng của bản thân là vô cùng trọng yếu.

Bài viết chỉ thể hiện lập trường và quan điểm của tác giả Mã Tân Vũ (Ma Xinyu), không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đấu đá nội bộ căng thẳng đằng sau các ‘đơn từ chức’ ở Trung Quốc