Trung Quốc: Già hoá dân số gây khủng hoảng lương thực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo những bản tin mới nhất về vụ gieo trồng mùa xuân ở huyện Nhiêu Hà (Raohe), các nông dân Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thử thách do chi phí trồng ngũ cốc tăng và sản xuất nông nghiệp sa sút, gây ra bởi tình trạng già hoá dân số.

Huyện Nhiêu Hà, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, từng được công nhận là huyện sản xuất ngũ cốc hàng đầu Trung Quốc. Năm 1993, huyện này được chỉ định là thủ đô sản xuất đậu tương của Trung Quốc. Tuy nhiên, ba mươi năm sau, sản lượng ngũ cốc ở đây giảm đi trông thấy, và ngày càng có nhiều nông dân rời bỏ huyện Nhiêu Hà để tìm công việc tốt hơn ở nơi khác.

Vào tháng 4/2023, Cục Thống kê tỉnh Hắc Long Giang đã công bố một báo cáo khảo sát về quá trình chuẩn bị cho vụ xuân của huyện Nhiêu Hà. Bản báo cáo đã được trình bày chi tiết trên trang web của tỉnh và được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Theo The Paper của Trung Quốc đưa tin, bản báo cáo cho thấy chi phí vật tư nông nghiệp, lao động, đất đai và tiền thuê nhà đều tăng, khiến chi phí sản xuất ngũ cốc bị đội lên; ngoài ra còn rất nhiều các loại chi phí khác cũng gia tăng, dẫn đến việc ngành nông nghiệp Trung Quốc ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Thu nhập hàng năm của cả một gia đình nông dân có thể còn chưa bằng thu nhập của một công nhân nhập cư đang làm việc tại các xí nghiệp của Trung Quốc

Đây cũng không phải là vấn đề riêng của quận Nhiêu Hà. Trong một bài báo đăng ngày 20/2, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc cũng thừa nhận rằng năng suất ngũ cốc ở các vùng nông thôn Trung Quốc vẫn còn thấp, giá thuê đất và giá lao động vẫn ở mức cao. Trong khi đó, giá năng lượng và phân bón quốc tế tăng cao, làm cho chi phí sản xuất lương thực tiếp tục tăng.

Theo một báo cáo của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc công bố vào tháng 7/2022, lợi nhuận ròng trung bình của ba loại ngũ cốc chính (gạo, lúa mì và ngô) của Trung Quốc trong năm 2020 chỉ là 47 nhân dân tệ (khoảng 160.000 vnd) trên mỗi mẫu đất (1 mẫu đất tương đương với khoảng 667 m² đất).

Bản báo cáo nêu chi tiết chu kỳ lãi và lỗ của ngành nông nghiệp, được thúc đẩy bởi các biện pháp can thiệp chính sách, trong vài thập kỷ qua.

Từ năm 2004 đến năm 2011, Trung Quốc thực hiện chính sách giá mua tối thiểu, nhờ đó lợi nhuận ròng trung bình của ba loại ngũ cốc chính đã tăng từ 196,5 nhân dân tệ (khoảng 665.000 vnd) mỗi mẫu lên 250,8 nhân dân tệ (khoảng 850.000 vnd) mỗi mẫu. Sau năm 2014, giá mua gạo và lúa mì tối thiểu liên tục sụt giảm. Năm 2016, Trung Quốc hủy bỏ chính sách dự trữ ngô tạm thời dẫn đến giá ngô giảm. Trong khi đó, chi phí trồng ngũ cốc tăng cao, thu nhập từ ngũ cốc của Trung Quốc bước vào giai đoạn thua lỗ. Từ năm 2016 đến 2019, lợi nhuận ròng trung bình của ba loại ngũ cốc chính của Trung Quốc đều ở mức âm.

Một nông dân gieo hạt lúa mì vụ đông bằng máy khoan hạt ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, vào ngày 15/10/2019. (STR/AFP qua Getty Images)

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác, giá ngũ cốc của Trung Quốc tăng nhanh, và lợi nhuận ròng trung bình ba loại ngũ cốc chính đã phục hồi lên 47 nhân dân tệ (khoảng 160.000 vnd) mỗi mẫu.

Tuy nhiên, sự phục hồi trong năm 2020 chỉ là tạm thời. Chi phí sản xuất liên lục tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận của ngành nông nghiệp Trung Quốc.

Theo báo cáo, từ năm 2004 đến năm 2020, chi phí đầu vào trung bình của hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu cho ba loại ngũ cốc chính của Trung Quốc đã tăng 1,35 lần. Chi phí đất trung bình tăng 3,42 lần và chi phí lao động tăng 1,92 lần, chiếm gần 37% tổng chi phí sản xuất của năm 2020. Cũng trong năm 2020, chi phí vận hành cơ giới tăng 3,88 lần, chiếm 13,8% tổng chi phí sản xuất. Cuối cùng là chi phí thoát nước và thủy lợi tăng tới 59%.

Tất cả những chi phí này đã bóp nghẹt lợi nhuận của nông dân Trung Quốc, khiến các nông dân canh tác trên nông trại quy mô nhỏ hầu như không có lãi.

Các nông dân canh tác trên diện tích ruộng nhỏ vẫn đóng vai trò chính trong các hoạt động sản xuất ở vùng nông thôn Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin “trung bình một người có 1,3 mẫu đất; một hộ gia đình trung bình có không quá 10 mẫu đất”. Bài báo còn cho hay, ngành nông nghiệp Trung Quốc từ xưa tới nay vẫn luôn phụ thuộc vào sự cống hiến của các nông hộ nhỏ.

Theo báo cáo về huyện Nhiêu Hà, chi phí sản xuất gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến các hộ nông dân nhỏ, mà còn ảnh hưởng đến một số đơn vị trồng ngũ cốc quy mô lớn.

Bỏ việc canh tác để ra thành phố lớn

Vì năng suất canh tác thấp, nhiều người trẻ và trung niên Trung Quốc đã quyết định rời bỏ ruộng đồng để ra các thành phố lớn. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động ở vùng nông thôn hầu hết là người lớn tuổi, mang đến rất nhiều những thử thách, một ví dụ điển hình là sự khó khăn trong việc áp dụng các công nghệ canh tác mới; dẫn đến năng suất canh tác ngày càng thấp, chất lượng và lợi nhuận từ việc canh tác giảm đáng kể.

Theo báo cáo năm 2021 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc công bố, dân số vùng nông thôn Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa nghiêm trọng, với hơn 20% dân số ở độ tuổi 60 trở lên, và gần 14% dân số dân số ở độ tuổi 65 tuổi trở lên.

Một báo cáo khác cho thấy dân số già hóa ở các vùng nông thôn đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc.

Một nông dân Trung Quốc phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng lúa mì ở hạt Chiping, Liaocheng, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc vào ngày 15/3/2017. (STR/AFP/Getty Images)

Theo một bài báo có tựa đề “Già hóa dân số đe dọa tính bền vững của những nông hộ nhỏ ở Trung Quốc” được xuất bản vào tháng 2/2023 trên tạp chí Nature, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở vùng nông thôn Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2019. Việc dân số nông thôn già hóa được dự kiến ​​sẽ gây ra những thách thức kéo dài cho Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự già hóa của dân số ở nông thôn Trung Quốc đã làm quy mô đất trồng trọt trung bình của quốc gia này giảm 4% vào năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do các thương vụ nhượng quyền sở hữu và bỏ hoang đất đai, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực của Trung Quốc.

Dân số vùng nông thôn Trung Quốc già hóa và quy mô đất canh tác bị thay đổi dẫn đến lượng máy móc nông nghiệp nhập vào giảm 6%; lượng phân bón và phân bón hữu cơ nhập vào giảm lần lượt 2% và 64%; sản lượng nông nghiệp trên một đơn vị diện tích giảm 5%; năng suất lao động giảm 4%; và thu nhập của nông dân từ việc làm nông nghiệp giảm 15%. Ngoài ra, già hoá dân số ở vùng nông thôn Trung Quốc cũng dẫn đến lượng phân bón bị thất thoát theo các mạch nước nước tăng 3%, khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao.

Già hoá dân số vùng nông thôn gây ra nhiều rủi ro

Dân số vùng nông thôn Trung Quốc ngày càng già hóa sẽ dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng về mặt an ninh lương thực và gây ra những áp lực không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường. Theo những dự đoán trong bản báo cáo, nếu Trung Quốc không sớm có phương pháp để giải quyết vấn nạn này, càng ngày sẽ có nhiều vùng đất màu mỡ phù hợp với canh tác bị bỏ hoang, và quy mô đất canh tác sẽ ngày càng giảm.

Ông Fang Qi là một cố vấn tài chính tại Anh rất giàu hiểu biết với nền nông nghiệp Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn với tờ The Epoch Times, ông nói: “Nhiều năm nay, an ninh lương thực Trung Quốc đã phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn nhập khẩu… không chỉ vì nước này đang gặp các vấn đề về mặt sản xuất lương thực, mà còn vì giá nhập khẩu một số mặt hàng, ví dụ như ngô, rẻ hơn là tự sản xuất trong nước".

Ông Fang cho rằng nếu Trung Quốc muốn cải thiện nền nông nghiệp, thì chính quyền Bắc Kinh sẽ cần áp dụng một số những phương pháp tiếp cận đa hướng trong việc khắc phục những công nghệ nông nghiệp lạc hậu và giúp nông nghiệp có thể sinh lời.

“Nông nghiệp là một ngành có hệ thống. Không phải chỉ đơn giản là cứ có một mảnh đất thì sẽ có thể tạo ra lương thực", trích lời ông Fang.

Tuy nhiên, ông dự đoán rằng thời kỳ nhập khẩu lương thực rẻ hơn so với trồng trọt có thể đã qua, vì vậy việc hồi sinh nền nông nghiệp Trung Quốc sẽ là vô cùng trọng yếu. “Tiếp theo đây, sẽ có một làn sóng gia tăng về giá nhập khẩu ngũ cốc, lương thực và năng lượng. Trung Quốc gọi đây là ‘lạm phát nhập khẩu'”.

Một bài xã luận trên được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo hồi tháng 2/2023 đã cảnh báo rằng, “Chỉ khi nông dân có thể tạo ra nhiều lợi nhuận từ việc canh tác ngũ cốc, thì Trung Quốc mới có thể an toàn”. Trung Quốc cần phải tìm cách tăng sản lượng ngũ cốc sớm nhất có thể, bởi vì chuỗi cung ứng ngũ cốc thế giới đang gặp phải nhiều biến động.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy trong những năm gần đây, nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Theo thống kê chính thức, Trung Quốc đã nhập khẩu 124,7 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2015. Đến năm 2021, tổng lượng ngũ cốc nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, đạt tới 164,54 triệu tấn. Năm 2022, lượng ngũ cốc nhập khẩu của Trung Quốc tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao là 146,87 triệu tấn.

Nguồn cung đậu tương của Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Kể từ năm 2015, lượng đậu tương nhập khẩu của nước này được duy trì ở mức trên 80 triệu tấn. Năm 2020, lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc đã vượt quá 100 triệu tấn.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Già hoá dân số gây khủng hoảng lương thực