Trung Quốc không để người nhà cử hành tang lễ cho các binh sĩ tử vong trong cuộc xung đột Trung - Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình báo Mỹ cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như “không muốn thừa nhận” cái chết của những người lính Trung Quốc trong cuộc xung đột Trung - Ấn, nên đã cấm gia đình của những người lính này tổ chức lễ tang, cũng không cho phép người thân đến dự đám tang.

Hôm 15/6, một cuộc đụng độ đẫm máu đã xảy ra giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ, cả 2 bên đều phải chịu nhiều tổn thất và thương vong. Ngay sau đó, Ấn Độ thông báo rằng hơn 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột; những người lính này được chính phủ và người dân ca ngợi là anh hùng.

Hôm 28/6, trong chương trình phát thanh hàng tháng “Mann ki Baat”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn tới các gia đình binh sĩ thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan và nói rằng sự hy sinh của các gia đình này đáng được "tôn trọng".

Tuy nhiên, một tháng sau cuộc xung đột Trung - Ấn, Trung Quốc vẫn không tiết lộ có bao nhiêu binh sĩ tử vong trong vụ việc này. Cho đến nay, ĐCSTQ chỉ thừa nhận cái chết của một vài quan chức. Truyền thông Ấn Độ tiết lộ rằng, 43 người Trung Quốc đã thiệt mạng và bị thương nặng, còn các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng 35 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng.

Truyền thông Mỹ đưa tin hôm 13/7, theo đánh giá của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã không thừa nhận thực tế rằng binh lính của họ đã bị giết bởi người Ấn Độ, để che đậy lỗi lầm của ban lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh.

Bài báo nói rằng, các gia đình Trung Quốc mất người thân trong cuộc xung đột đang bị ĐCSTQ "ngược đãi". Đầu tiên, chính phủ từ chối công nhận các binh sĩ đã tử vong trong trận đụng độ, và bây giờ họ từ chối chôn cất thi thể của những người lính này.

Bộ Nội vụ Trung Quốc đã thông báo cho các gia đình binh sĩ thiệt mạng rằng họ không thể thực hiện các nghi thức tang lễ truyền thống, mà sẽ phải hỏa táng hài cốt của các binh sĩ.

Chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng dịch bệnh như một cái cớ để không tổ chức các nghi thức tang lễ. Tuy nhiên, truyền thông Hoa Kỳ phân tích rằng đây là cách làm cho cuộc xung đột Trung - Ấn tan biến nhanh nhất có thể trong ký ức của người dân, vậy nên họ phải xử lý thi thể một cách lặng lẽ.

ĐCSTQ là chuyên gia trong việc kích động "chủ nghĩa dân tộc" ở nước này dựa trên những “sự hy sinh”, như sự cố va chạm máy bay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ năm 2001, và vụ Mỹ oanh tạc Đại sứ quán Trung Quốc ở Beograd, Serbia năm 1999. Tuy nhiên, vào giữa tháng 6/2020, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc đụng độ tàn khốc ở biên giới, nhưng các phương tiện truyền thông và quan chức đại lục lại giữ im lặng về những người tử trận.

Tờ Breitbart News của Mỹ đưa tin rằng, các gia đình Trung Quốc mất người thân trong cuộc xung đột Trung - Ấn rất đau khổ. Họ cố gắng trút giận và bày tỏ sự thất vọng trên Weibo và các mạng xã hội khác, nhưng đều bị chính phủ Trung Quốc áp chế.

Bài báo cho biết, ĐCSTQ lo ngại rằng nếu những bức ảnh trên bia mộ của những người lính Trung Quốc được đăng lên mạng xã hội trong nước hoặc quốc tế, nó có thể sẽ càng khiến người dân trong nước bị kích động.

Nguồn tin cho biết: "Họ (ĐCSTQ) đã cấm bạn bè và gia đình thực hiện lễ tưởng niệm cho những người đã khuất này".

Đông Phương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc không để người nhà cử hành tang lễ cho các binh sĩ tử vong trong cuộc xung đột Trung - Ấn