Trung Quốc: Khủng hoảng thiếu điện tồi tệ hơn, nhiều nhà máy tạm ngừng hoạt động trong nắng nóng kéo dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn khiến nhiều nhà máy đóng cửa vào lúc một đợt nắng nóng khắc nghiệt lan rộng khắp vùng tây nam nước này.

Chính quyền thành phố Trùng Khánh đã ra lệnh cho tất cả các nhà máy, bao gồm cả các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài, tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 24/8/2022 để tiết kiệm điện, vì đợt nắng nóng khiến nhu cầu điện tăng cao do việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, theo Nikkei Asia đưa tin.

Nhiều ngành công nghiệp chủ chốt tập trung nhiều ở khu vực Lưỡng Giang của Trùng Khánh, chủ yếu trong lĩnh vực ô tô, điện tử, và máy tính.

Các công ty trong khu vực đô thị bị ảnh hưởng bao gồm công ty Ô tô Trùng Khánh Trường An thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ford Motor, BYD Auto, và các nhà sản xuất điện tử chủ chốt của Đài Loan.

Isuzu Motors và Honda thuộc sở hữu của Nhật Bản, cũng như các nhà sản xuất phụ tùng ô tô quan trọng khác, đều có nhà máy ở đó.

"Bên cạnh COVID-19 và sự sụp đổ của bất động sản, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những đợt nắng nóng và hạn hán, đồng nghĩa với việc mất mùa và thiếu hụt thủy điện", Arminius Capital chia sẻ trên Twitter. "Các nhà máy, văn phòng và nhà ở đang phải đối mặt với tình trạng cắt điện. Bức ảnh này chụp lòng sông khô cạn tại Trùng Khánh, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc".

Thành phố này theo sát bước chân thành phố láng giềng Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên — vốn đã đình chỉ hoạt động sản xuất của các nhà máy vào đầu tuần này, sau khi sản xuất thủy điện suy giảm đã buộc một số công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới, bao gồm cả Toyota, phải tạm ngừng hoạt động ở đó cho đến ngày 20/8.

Tỉnh Tứ Xuyên đã cung cấp nhiều điện năng cho các khu vực lân cận, nhưng không thể tiếp tục nữa do nắng nóng khắc nghiệt đã ập đến nơi này vào tháng Bảy.

Các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ ở Tứ Xuyên vào đầu tuần này đã cảnh báo rằng tỉnh này hiện đang phải đối mặt với một trong những tình trạng thiếu điện "nghiêm trọng và cực độ" nhất từng có, theo tờ Nhật báo Tứ Xuyên thuộc ĐCSTQ cho biết.

Việc thủy điện không thể cung cấp năng lượng cần thiết trong đợt nắng nóng sẽ chỉ thúc đẩy thêm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào than đá, Phó chủ tịch kiêm Chuyên viên tín dụng cấp cao của Moody’s là Boris Kan nhận xét.

Tứ Xuyên cũng là trung tâm khai thác lithium chính của Trung Quốc, rất quan trọng đối với pin, chip, và tấm pin mặt trời, với các công ty điện tử nước ngoài, chẳng hạn như Apple, Foxconn, và Intel đang duy trì hoạt động ở đó.

Những tình hình mới nhất tại Trung Quốc đã gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước này, khi ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất chính trong một nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đang xuống dốc, sau nhiều tháng phong tỏa "không COVID", một cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản, đột biến rút tiền gửi số lượng lớn, và bây giờ là một đợt nắng nóng khủng khiếp.

Việc giảm lãi suất diễn ra sau khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc tháng 7 cho thấy doanh thu xấu một dấu hiệu của suy thoái kinh tế lớn.

Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đề cập đến tình hình nguy cấp vào ngày 18/8, kêu gọi chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nam bị ảnh hưởng nặng nề phải giải quyết mối đe dọa với nguồn cung cấp điện vốn đã trở thành mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Ông Tập cũng hứa rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thương mại toàn cầu ngày càng trầm trọng đang gây ra suy thoái trên toàn thế giới.

Việc nhiều nhà máy đóng cửa trên khắp Trung Quốc đang có tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Khủng hoảng thiếu điện tồi tệ hơn, nhiều nhà máy tạm ngừng hoạt động trong nắng nóng kéo dài