Trung Quốc kích hoạt cấp độ kiểm duyệt khẩn cấp sau các cuộc biểu tình rầm rộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nhiều nguồn tin, các quan chức Trung Quốc đã kích hoạt cấp độ kiểm duyệt khẩn cấp đối với các nội dung xoay quanh cuộc biểu tình, đồng thời tăng cường đàn áp các công cụ được sử dụng để vượt tường lửa. Đây cũng được cho là một trong những thách thức khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Từ thủ đô Bắc Kinh cho đến vùng Korla xa xôi, người dân Trung Quốc đã xuống đường biểu tình, kêu gọi chấm dứt các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 và kêu gọi tự do. Tại Thượng Hải, người dân bày tỏ sự phẫn nộ, kêu gọi ĐCSTQ hạ đài và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình từ chức.

Các nhà chức trách mô tả những khẩu hiệu người dân Thượng Hải hô vang trong các cuộc biểu tình là "khẩu hiệu chính trị nguy hiểm", đồng thời kêu gọi các trang web "tăng cường kiểm duyệt nội dung", theo thông báo bị rò rỉ được tờ China Digital Times đưa tin, một trang web có trụ sở tại Berkeley lưu trữ những nội dung bị kiểm duyệt được xuất bản ở Trung Quốc.

Chỉ thị bị rò rỉ này được cho là diễn ra sau cuộc họp ngày 28/11 của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc. Theo đó các quan chức đã ra lệnh cho nền tảng trực tuyến kích hoạt mức độ "Ứng phó Khẩn cấp Internet Cấp 1, cấp kiểm duyệt nội dung cao nhất".

“Với các sự kiện nổi bật gần đây ở nhiều tỉnh khác nhau, thông tin về các cuộc biểu tình trên đường phố và các nguồn tin liên quan từ các hãng tin nước ngoài được chia sẻ trên internet của đất nước “phải được xác định, xử lý và báo cáo nhanh chóng", thông báo được đăng bởi người dùng Twitter Li Laoshi, một người tổng hợp thông tin liên quan đến cuộc biểu tình.

Cựu nhà ngoại giao Trung Quốc: World Cup và vụ hỏa hoạn ở Tân Cương đã thức tỉnh người dân
Mọi người hô khẩu hiệu khi tập trung trên một con phố ở Thượng Hải vào ngày 27/11/2022, nơi diễn ra cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid của Trung Quốc sau vụ hỏa hoạn chết người ở Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Với bộ máy giám sát và kiểm duyệt trực tuyến tinh vi và rộng lớn nhất thế giới, được gọi là Great Firewall (“Tường lửa vĩ đại” hay được gọi với cái tên mĩ miều “Vạn Lý Trường Thành trên mạng”), chính quyền Trung Quốc đã chặn quyền truy cập vào các trang web từ Google cho đến The New York Times. Các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây cũng bị cấm ở nước này.

Các quan chức được yêu cầu duy trì tình trạng cảnh giác cao độ và tăng cường “kiểm tra nội dung sơ bộ” vào “những ngày nhạy cảm” sắp tới, bao gồm cả ngày 10/12, Ngày Nhân quyền Thế giới.

Biểu tình ở Trung Quốc
Người biểu tình giương cao tờ giấy trắng, một biểu tượng phản đối phản đối chính sách kiểm duyệt và chính sách Zero Covid của chính quyền Trung Quốc vào ngày 27/11/2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Hạn chế truy cập vào VPN

Trong một thông báo riêng, các quan chức được yêu cầu tiến hành "xóa sổ triệt để" các mạng riêng ảo, được gọi là VPN, cùng các công cụ khác mà người dân sử dụng để phá vỡ các hạn chế về internet của đất nước.

Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ video và các tài liệu khác giải thích cách vượt tường lửa, thứ được gọi là “nội dung có hại” trong thông báo bị rò rỉ. Theo đó, các quan chức này cũng yêu cầu các công cụ tìm kiếm loại bỏ kết quả cho các cụm từ tìm kiếm có liên quan.

Thống đốc Florida: Apple hành xử như bề tôi của Bắc Kinh, Apple hạn chế việc sử dụng ứng dụng AirDrop trên iPhone ở Trung Quốc
Một người đàn ông bị cảnh sát bắt khi cuộc biểu tình phản đối zero-COVID nổ ra ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Khi các cuộc biểu tình nổ ra vào cuối tuần trước, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã nghĩ ra những cách sáng tạo để vượt qua kiểm duyệt và chạy đua để lan truyền các video và hình ảnh liên quan đến các cuộc biểu tình. Mọi chi tiết về cuộc biểu tình xuất hiện trên internet đều bị chính quyền gỡ xuống nhanh chóng.

Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cũng chặn các bình luận và hình ảnh của "tờ giấy trắng", hiện đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng về việc người dân bị hạn chế quyền tự do ngôn luận ở nước này.

Trong bối cảnh kiểm duyệt gắt gao trong nước, Twitter - vốn bị chặn tại Trung Quốc - nay đã trở thành một nền tảng để cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ thông tin cập nhật về cuộc biểu tình. Mọi người sử dụng VPN và các công cụ khác để chia sẻ hình ảnh và cảnh quay về các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Đầu tuần này, cảnh sát ở Bắc Kinh đã ra lệnh kiểm tra điện thoại của khách du lịch để xem liệu họ có sử dụng ứng dụng VPN và các ứng dụng nước ngoài ở Trung Quốc hay không, theo các nguồn tin và video trên mạng xã hội.

Cảnh sát Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp an ninh tại các địa điểm biểu tình ở Bắc Kinh và Thượng Hải, sau khi các cuộc biểu tình chưa từng có nổ ra ở ít nhất 10 thành phố của Trung Quốc vào cuối tuần qua.

Lần cuối cùng nổ ra những cuộc biểu tình với quy mô lớn như vậy ở Trung Quốc là vào năm 1989, khi hàng chục nghìn sinh viên đại học tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để kêu gọi dân chủ và cải cách. ĐCSTQ đã phản ứng bằng cách điều xe tăng và quân đội đến để đàn áp những người biểu tình trẻ tuổi.

Trong bối cảnh cảnh sát Trung Quốc tăng cường tuần tra, các cuộc biểu tình dự kiến ở Bắc Kinh trong những ngày gần đây đã bị hủy bỏ. Vào ngày 2/12, có rất ít dấu hiệu người dân tập trung để biểu tình.

Vào ngày 1/12, Quảng Châu và một số thành phố khác của Trung Quốc đã nới lỏng một phần các hạn chế phòng chống dịch Covid-19, trong khi các quan chức ở thành phố Cẩm Châu thuộc tỉnh Liêu Ninh, tây bắc Trung Quốc, nói với người dân rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid.

Huyền Anh

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc kích hoạt cấp độ kiểm duyệt khẩn cấp sau các cuộc biểu tình rầm rộ