Trung Quốc lại khai trừ giáo sư đại học vì tự do ngôn luận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Chu Hiếu Chính (Zhou Xiaozheng), một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Nhân dân Trung Quốc (Renmin University of China), vừa bị khai trừ khỏi đảng vì các vấn đề phát ngôn. Ông Chu nói rằng: "Nói là phẩm giá của tôi", "Trước đây tôi nói, hôm nay tôi nói, sau này tôi vẫn phải nói".

Giáo sư Chu hiện đang sống ở Hoa Kỳ. Ông nhận được cuộc gọi từ Đại học Nhân dân vào ngày 28/12, thông báo rằng ông đã bị khai trừ, quyết định có hiệu lực vào ngày 17/12.

Trong một cuộc phỏng vấn qua video với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vào ngày 29/12, ông Chu cho rằng việc bị khai trừ có liên quan đến việc ông tiếp tục lên tiếng trên Internet. Ông nói sẽ không hối hận vì điều này, vì con người phải được lên tiếng, bất kể nói đúng hay không, thì quyền tự do ngôn luận và quyền biểu đạt ý kiến là quyền cơ bản của con người.

"Tôi sẽ nói cả 10 năm nữa, tôi năm nay 74, 75 tuổi, tôi sẽ nói đến 85 tuổi, nhiều nhất là 95 tuổi”, ông nói, "Vì sao? Vì đây là phẩm giá của tôi".

Ông cũng hy vọng rằng nhà trường sẽ gửi thông báo bằng văn bản, ông nói: "Tôi đã dạy học 55 năm, và tôi đã dạy ở Đại học Nhân dân hơn 30 năm. Đại học Nhân dân khai trừ tôi cũng được, nhưng cho tôi một cái quyết định bằng văn bản được không, đó là sự tôn trọng cơ bản nhất. Không thể chỉ một cuộc điện thoại là xong, phải không".

Tiểu sử Giáo sư Chu Hiếu Chính

Ông Chu Hiếu Chính sinh ra ở Bắc Kinh vào năm 1947. Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, ông cũng nằm trong lớp thanh niên trí thức phải "về nông thôn" và bị đưa đến vùng đất hoang ở phía Bắc (khu vực phía bắc Hắc Long Giang) để khai khẩn.

Năm 1977, ông thi vào Khoa Vật lý của Đại học Sư phạm Thủ đô và trở thành lứa sinh viên đại học đầu tiên của Trung Quốc sau khi khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học. Năm 1988, ông vào giảng dạy tại Khoa Xã hội học của Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Bị phong sát trên Internet, bị khai trừ khỏi đảng vì tự do ngôn luận

Trước khi bị khai trừ, ông Chu đã bị phong sát toàn bộ trên Internet Trung Quốc. Ông thường bình luận về những vấn đề thời sự trên mạng xã hội. Do có lời lẽ sắc sảo và cách nhìn độc đáo, ông được mệnh danh là “bình luận viên nổi tiếng của kinh thành”.

Sau khi chuyển đến Mỹ vào năm 2017, ông Chu bắt đầu tự mở kênh truyền thông cá nhân, cộng tác với nhiều blogger trên các chương trình bình luận thời sự và nhận lời phỏng vấn với nhiều kênh truyền thông.

Về việc bị khai trừ, ông nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, "Họ chặn tất cả các tiếng nói bất đồng, chặn quyền biểu đạt và quyền được biết của tôi. Đó là vì có tật giật mình. Không phải là do Đại học Nhân dân hay Ủy ban Giáo dục ra quyết định, rõ ràng là do những người ở trên ra lệnh".

Về việc bị khai trừ có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không, ông Chu thẳng thắn nói: “Tài khoản lương hưu mà Đại học Nhân dân mở cho tôi, tôi chưa từng rút tiền từ đó, một xu tôi cũng không cần, thậm chí không thèm nhìn. Tôi đã nói với họ cách đây rất lâu rằng, tôi sẽ quyên góp hết [số tiền trong tài khoản] sau khi chết".

Hôm 29/12, ông Chu đã bình luận về mô hình phòng chống dịch cực đoan của chính quyền Trung Quốc trên tài khoản Twitter cá nhân. Ông nói: "Chính sách phong thành của Trung Quốc đi theo phương thức phòng dịch cúm gia cầm. ... Để người dân tự sinh tự diệt”. Nhưng chính quyền không cho phép báo cáo về số người tử vong.

Trước ông Chu, Trung Quốc cũng từng khai trừ một giáo sư khác vì lý do tương tự

Trước đó, một giáo sư về hưu khác của Trường Đảng trung ương Trung Quốc, là bà Thái Hà (Cai Xia) cũng bị khai trừ đảng vì chỉ trích chế độ. Vào tháng 6/2020, đoạn thu âm về việc bà Thái Hà chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc là "thây ma chính trị" và ông Tập Cận Bình là trùm xã hội đen trong một cuộc tụ họp đã được lan truyền rộng rãi trên Internet và gây chấn động.

Vào ngày 17/8 cùng năm, bà bị Trường Đảng Trung ương khai trừ và các quyền lợi hưu trí của bà bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bà Thái Hà, người hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói công khai rằng bà rất hạnh phúc vì cuối cùng đã vạch rõ ranh giới với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc lại khai trừ giáo sư đại học vì tự do ngôn luận