Lợi dụng “khoảng trống” của quân đội Mỹ, Trung Quốc lộng hành tại biển Đông... (Kỳ 9)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lợi dụng lệnh “đình chỉ” mọi hoạt động triển khai quân đội của Mỹ ở nước ngoài trong vòng 60 ngày nhằm tránh sự lây lan của virus Vũ Hán, Trung Quốc đã tung ra các đòn hiểm chèn ép các quốc gia láng giềng, trong đó có việc thử vũ khí để thị uy, tăng cường tập trận nhằm “dằn mặt”, triệt để khai thác năng lượng trong vùng biển tranh chấp, và tấn công đánh chìm tàu cá Việt Nam…

Khi các hàng không mẫu hạm của Mỹ vắng bóng tại Thái Bình Dương và các quốc gia Đông Nam Á đang vật lộn với đại dịch virus Vũ Hán, Trung Quốc đã tận dụng cuộc khủng hoảng này như là một cơ hội có một không hai để khẳng định quyền kiểm soát tại Biển Đông.

Quân đội Mỹ “tổn thương” bởi virus Trung Quốc

Vào cuối tháng 3, khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu lan rộng tại Mỹ, khó có ai tưởng tượng được rằng, Lầu Năm Góc lại bất ngờ bị “tổn thương” với khoảng gần 1.000 nhân viên bị lây nhiễm.

Điều này đã buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Mark Esper phải cân nhắc hoãn các hoạt động và tập trận chung giữa các đồng minh cũng như đối tác châu Á, để tránh sự lây nhiễm giữa binh sĩ Mỹ và các nước chủ nhà, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đồng thời, ông Mark Esper cũng đặt ra các hạn chế khi công bố những thông báo công khai liên quan đến số liệu chính xác các quân nhân Hoa Kỳ bị nhiễm bệnh, do lo ngại sự minh bạch có thể làm tổn hại đến an ninh của quân đội Mỹ, cũng như sẽ khiến các đối thủ triệt để khai thác, cụ thể là Trung Quốc, Nga và Iran.

Do lo ngại Trung Quốc, Nga và Iran nắm được thông tin và lợi dụng thời cơ để bành trướng, ông Mark Esper đã đặt ra một số hạn chế trong việc công khai thông tin dịch bệnh nội bộ quân đội Mỹ. (Ảnh: Getty)
Do lo ngại Trung Quốc, Nga và Iran nắm được thông tin và lợi dụng thời cơ để bành trướng, ông Mark Esper đã đặt ra một số hạn chế đối với việc công khai thông tin dịch bệnh trong nội bộ quân đội Mỹ. (Ảnh: Getty)

Lầu Năm Góc đã nâng điều kiện bảo vệ y tế (HPCON) lên mức Charlie - cấp độ cao thứ hai - một chỉ định cho thấy mức độ truyền nhiễm vượt ra ngoài sự kiểm soát. Để tránh virus Vũ Hán lây lan nhanh chóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài trong vòng 60 ngày, bao gồm cả nhân viên quân sự và dân sự làm việc cho Lầu Năm Góc.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ phải hủy bỏ hàng trăm hoạt động quân sự và các cuộc tập trận chung với các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á.

Điều này có thể được liên hệ với trường hợp đầy “kịch tính” của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, khi có khoảng 100 binh sĩ trong tổng số 4.000 người trên tàu đã bị dương tính với virus.

Việc đình chỉ hoạt động 60 ngày theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper là nhằm mục đích “không để virus phát tán trong quân đội”, nhưng cũng đồng nghĩa tạo “cơ hội” tiềm năng cho gã khổng lồ Trung Quốc chớp lấy để tiếp tục khuấy đảo tại khu vực Biển Đông, giữa lúc các cường quốc phương Tây và Mỹ đang bù đầu đối phó với virus Vũ Hán.

Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi địa chấn trong cán cân sức mạnh hàng hải ở khu vực châu Á, và tất nhiên ĐCSTQ trở thành ngư ông đắc lợi trong một “kịch bản” mà chính nó thiết kế ra, nhằm đưa các nước vào lộ trình Thống trị và Hủy diệt.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tạm thời vắng mặt tại biển Đông do hơn 100 binh sĩ bị lây nhiễm virus Vũ Hán, đã tạo cơ hội cho Trung Quốc quay lại độc chiếm khu vực này. (Ảnh: Getty)
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tạm thời vắng mặt tại biển Đông do hơn 100 binh sĩ bị lây nhiễm virus Vũ Hán, đã tạo cơ hội cho Trung Quốc quay lại độc chiếm khu vực này. (Ảnh: Getty)

Cậy “khỏe” hung hăng lấn lướt

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự và triển khai các tài sản quân sự quy mô lớn đến khu vực hàng hải “nóng bỏng” nhất hiện nay: Biển Đông. Thông qua các hoạt động phô trương cơ bắp, ĐCSTQ muốn củng cố quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp trên biển và đưa các nước Đông Nam Á nhỏ bé vào thế bị “giám sát”.

Việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc cố tình đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào ngày 2/4 tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) cho thấy Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng, “tranh thủ” khai thác tình trạng “suy yếu” của quân đội Mỹ nhằm đảm bảo lợi thế mới tại điểm nóng này.

Sau khi đâm chìm tàu Việt Nam, phía Trung Quốc còn bắt giữ 8 ngư dân Việt Nam. Các tàu cá Việt Nam gần đó tìm cách giải cứu đồng hương của mình cũng bị tàu Trung Quốc vây ráp, lục soát, tịch thu và đập phá hết trang thiết bị trên tàu.

Đây là vụ mới nhất trong chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á.

Với việc quân đội Mỹ đang bị “phân tâm” bởi dịch bệnh trong nước, các quốc gia Đông Nam Á đang có những dấu hiệu đoàn kết hiếm hoi khi phải đối mặt với mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc. Philippines, vốn nghiêng về phía Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã bất ngờ đứng về phía Việt Nam sau sự cố chìm tàu cá.

Bất chấp những cử chỉ “thân thiết” với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte, trong đó có việc ông này bày tỏ lòng biết ơn đối với việc Trung Quốc cung cấp thiết bị y tế trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, người dân Philippines lại tỏ ra hoài nghi về sự “tốt bụng” của ĐCSTQ.

Tất nhiên sự hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở khi gần đây, lợi dụng lúc Philippines đang vật lộn với Covid-19, Trung Quốc đã đồng thời đẩy mạnh việc quân sự hóa Rạn san hô Mischief nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough, nằm cách hai căn cứ quân sự chiến lược Subic và Clark của Philippines chỉ hơn 100 hải lý.

Bắc Kinh đã triển khai tàu hải cảnh khổng lồ 5302 thuộc lớp Shucha II nặng 4.000 tấn, được trang bị pháo 30 mm và có bãi đáp trực thăng tới bãi cạn Scarborough. Với thân xác “cồng kềnh”, tàu 5302 thường được chính quyền Bắc Kinh điều tới tham gia các chiến dịch gây áp lực với các nước có chủ quyền tại Biển Đông, và nó cũng xuất hiện trùng với thời điểm khi những chuyến hàng cung cấp viện trợ y tế của Trung Quốc tới Philippines.

Tàu hải cảnh Trung Quốc chuẩn bị neo đậu tại cảng Manila vào ngày 14/01/2020. (Ảnh: Getty)
Tàu hải cảnh Trung Quốc chuẩn bị neo đậu tại cảng Manila vào ngày 14/01/2020. (Nguồn: Getty)

Động thái này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Philippines, về nỗi lo việc Bắc Kinh sẽ quân sự hóa tiềm năng đối với bãi cạn mà Trung Quốc đang tranh chấp sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte bãi bỏ một thỏa thuận phòng thủ quan trọng với Mỹ để được “bắt tay” hợp tác với Trung Quốc.

Trong khi thủ đô và các thành phố khác của Philippines và Malaysia đều đang trong tình trạng phong tỏa kéo dài hàng tuần lễ vì virus Vũ Hán, thì người ta lại phát hiện thấy tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang “lầm lũi” di chuyển hướng tới vùng biển phía nam gần Malaysia vào ngày 16/4, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông đang gia tăng.

Theo trang Marine Traffic, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 bắt đầu khảo sát ở vùng biển cách bờ biển Brunei và Malaysia 352 km. Con tàu này dường như ở phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần vùng biển mà cả Việt Nam và Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Theo một nguồn tin hàng hải giấu tên của Malaysia cho biết, tàu tuần duyên của Malaysia là KM Pekan đã theo dõi con tàu Trung Quốc này, nhưng từ chối xác định vị trí chính xác vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Trước đó vào tối ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông, giữa lúc xuất hiện thông tin tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng một nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã xuất hiện cách bờ biển Việt Nam 158 km, trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46001 đang đuổi theo và áp sát tàu cá Việt Nam gần khu vực giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 01/06/2014. (Ảnh: Getty)
Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46001 đang đuổi theo và áp sát tàu cá Việt Nam gần khu vực giàn khoan dầu của Trung Quốc, trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 01/06/2014. (Ảnh: Getty)

Quân sự hóa trá hình “nghiên cứu khoa học”

Lợi dụng sự bận tâm của các nước láng giềng đang quay cuồng lo chống dịch virus Vũ Hán, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng các địa điểm chiến lược tại Biển Đông.

Ngày 20/3, Trung Quốc âm thầm cho khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là nơi chịu trách nhiệm quản lý hai trạm nghiên cứu này và Tân Hoa Xã, vẫn với giọng điệu xuyên tạc cũ cho biết là “để giúp các nhà khoa học mở rộng nghiên cứu về sinh thái biển sâu, về địa chất học, môi trường, khoa học vật liệu và năng lượng biển”.

Với vỏ ngoài “nghiên cứu khoa học” nhưng thực chất là nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, hai trạm nghiên cứu trá hình này được thiết lập để nhằm thu thập thông tin, giúp Trung Quốc củng cố khả năng kiểm soát ở các thực thể nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp. Hai trạm này được cho là cùng tổ hợp với một trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc xây dựng trước đó ở Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

TS James R.Holmes tại ĐH Hải chiến Mỹ cho rằng: “Bằng cách xây dựng cái gọi là trung tâm nghiên cứu dành cho khoa học, Trung Quốc vô hình trung đã thiết lập sự kiểm soát. Với cách thức này, Bắc Kinh đặt sự đã rồi để các nước khó can thiệp đòi “phục hồi nguyên trạng”.

Ảnh chụp cho thấy Trung Quốc đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trên hòn đảo nhân tạo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa nhằm mục tiêu quân sự hóa và tăng cường kiểm soát. (Nguồn: chụp video)
Ảnh chụp cho thấy Trung Quốc đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trên một hòn đảo nhân tạo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, nhằm mục tiêu quân sự hóa và tăng cường kiểm soát vùng biển tranh chấp. (Nguồn: chụp video)

Triệt để khai thác nguồn năng lượng

Ngoài mục tiêu quân sự, Bắc Kinh cùng lúc thúc đẩy việc mở rộng các chiến lược kinh tế ở Biển Đông. Ngày 26/3, theo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc cho biết, nước này đã khai thác 861.400 mét khối khí tự nhiên từ khí metan tại khu vực phía bắc Biển Đông.

Metan đã được xác định là nguồn khí đốt mới tiềm năng cho Trung Quốc, và Biển Đông được cho là có chứa một số lượng khí metan dồi dào nhất trên thế giới hiện nay.

Giới chức năng lượng Trung Quốc tuyên bố rằng, đây là bước đột phá quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa khí metan, và đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ khoan giếng ngang để khai thác khí metan ở biển sâu.

Việc khai thác thử nghiệm này diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 17/2 đến ngày 18/3, khi dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu tàn phá các quốc gia phương Tây.

Việc Trung Quốc “khoe khoang” sở hữu công nghệ khai thác nguồn năng lượng này, không nằm ngoài ý đồ muốn loan báo với thế giới, nếu không muốn nói là sẽ độc chiếm các mỏ khí khổng lồ chưa được khai thác trong phạm vi “Đường Lưỡi bò”. Đường 9 đoạn này mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có chủ quyền, chiếm tới gần 85% diện tích Biển Đông, và chồng lấn với vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna ở phía bắc Indonesia.

Metan đã được xác định là nguồn khí đốt mới tiềm năng cho Trung Quốc, và Biển Đông được cho là có chứa một số lượng khí metan dồi dào nhất trên thế giới hiện nay.
Metan đã được xác định là nguồn khí đốt mới tiềm năng với Trung Quốc, và Biển Đông được cho là có chứa một số lượng khí metan dồi dào nhất trên thế giới hiện nay. (Ảnh chụp video)

Đẩy mạnh tập trận hòng thị uy

Theo hướng đó, Trung Quốc song song tiến hành các cuộc tập trận quân sự quan trọng ở các khu vực tranh chấp. Trong đó bao gồm các cuộc tập trận chống tàu ngầm, được tổ chức ngay sau khi Lầu Năm Góc triển khai tàu khu trực mang theo tên lửa dẫn đường USS McCamplell trong một hoạt động tuần tra tại vùng hàng hải tự do trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công nước Mỹ.

Trong tháng 3, một đội tàu thuộc Lực lượng Dân quân Biển Trung Quốc đã di chuyển khắp Cụm Đảo Sinh Tồn, Trường Sa. Đây là những con tàu được ngụy trang là tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc. Nhóm Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á đã ghi nhận sự hiện diện của đội tàu này vào tháng 1/2019 là rất đông, rất nhiều và rất hung hãn.

Trong khi ấy, Hải quân Trung Quốc phô trương cơ bắp thị uy các nước trong khu vực thông qua các cuộc tập trận do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu. Ngày 23/3, PLA Daily tuyên bố: “Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở eo biển Bột Hải, nhiều máy bay chiến đấu J-15 đã cất cánh từ boong tàu sân bay Liêu Ninh và hạ cánh thành công vài giờ sau đó, cho thấy khóa huấn luyện kỹ thuật cho phi công của ĐH Hàng không Hải quân thực sự thành công”.

Thậm chí, truyền thông Nhà nước Trung Quốc còn “nắn gân” đến mức miêu tả các cuộc tập trận trên biển như là một phần của cuộc chiến chống virus Trung Quốc: “Việc huấn luyện chuẩn bị cho chiến tranh sẽ không dừng lại ngay cả khi xảy ra dịch viêm phỗi Vũ Hán”.

Khi Biển Đông bỗng rộng “thênh thang” bởi vắng bóng các chiến hạm của Mỹ thì vào ngày 11/4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và truyền thông Đài Loan loan tin phát hiện nhóm 5 tàu chiến do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu, đã đi qua eo biển Miyako và Bashir rồi tiến vào khu vực Biển Đông.

Thiếu vắng sự có mặt của hải quân Mỹ, Trung Quốc không hề che giấu ý đồ bá quyền độc chiếm của nó tại biển Đông. (Ảnh: Getty)
Thiếu vắng sự có mặt của hải quân Mỹ, Trung Quốc không hề che giấu ý đồ bá quyền độc chiếm của nó tại biển Đông. (Ảnh: Getty)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn phát biểu của một chuyên gia quân sự Trung Quốc rằng, “dịch viêm phổi Vũ Hán không gây tác động gì đến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, do đó nhóm tác chiến vẫn tiến hành hoạt động diễn tập theo như kế hoạch”.

Cũng theo tờ báo của ĐCSTQ này, hoạt động của nhóm tác chiến do tàu Liêu Ninh dẫn đầu gây nên suy diễn tại Đài Loan rằng, sự vắng mặt của Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt vì có thủy thủ nhiễm virus Vũ Hán, “tạo cơ hội cho Trung Quốc tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”. Tất nhiên, ai cũng hiểu đây là trò chơi “dọa nạt” mà ĐCSTQ vẫn luôn thường áp dụng để thị uy với Đài Loan.

Trước đó chỉ vài ngày, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 đang trong quá trình điều chỉnh và tối ưu hóa thiết kế tại thành phố Kinh Môn (Hồ Bắc). Và toàn bộ thành viên trong nhóm phát triển máy bay AG600 thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã trở lại làm việc, sau khi dịch bệnh giảm dần tại tỉnh Hồ Bắc.

Lý do gì khiến Bắc Kinh lại đẩy nhanh quá trình điều chỉnh AG600 để thử nghiệm bay trên biển, vốn sẽ thách thức hơn nhiều so với các chuyến bay trên đất liền, hồ hoặc sông mà AG600 đã từng bay thử nghiệm ở Chu Hải (Quảng Đông) vào tháng 12/2017.

Đơn giản, AG600 có thể giám sát môi trường hàng hải và thực hiện các nhiệm vụ tuần tra trên biển. Nếu được triển khai từ Tam Á (tỉnh Hải Nam), AG600 có thể bay đến bất kỳ địa điểm nào trên Biển Đông nhờ khả năng bay dài 12 tiếng, cũng như khả năng cất cánh và hạ cánh trên mặt nước. Và tất nhiên, Biển Đông sẽ có nhiều “tiền đồn” mà Trung Quốc đang dần chiếm đoạt từ các quốc gia nhỏ bé láng giềng.

Máy bay đổ bộ lớn nhất thế giới mang số hiệu AG600 của Trung Quốc. Nếu triển khai từ Tam Á (Hải Nam), AG600 có thể bay đến bất kỳ địa điểm nào trên Biển Đông nhờ khả năng bay dài 12 tiếng, cũng như khả năng cất/hạ cánh trên mặt nước. (Ảnh: Getty)
Máy bay đổ bộ lớn nhất thế giới mang số hiệu AG600 của Trung Quốc. Nếu triển khai từ Tam Á (Hải Nam), AG600 có thể bay đến bất kỳ địa điểm nào trên Biển Đông nhờ khả năng bay dài 12 tiếng, cũng như khả năng cất/hạ cánh trên mặt nước. (Ảnh: Getty)

Collin Koh, chuyên gia về An ninh biển hàng hải nhận định trên tờ Inquirer (24/3) rằng: “Hẳn nhiều người nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra có lẽ sẽ khiến Bắc Kinh không chú ý đến những điểm nóng hàng hải. Thực tế lại không như vậy. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bất chấp virus corona”.

Theo ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) khẳng định, nếu một đại dịch toàn cầu không khiến Trung Quốc làm dịu tình hình Biển Đông thì khó có khả năng nào buộc Trung Quốc hạ nhiệt.

Chết bởi ĐCSTQ

Nhìn rộng hơn, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã gây ra quá nhiều hệ lụy tới đời sống xã hội, kinh tế và đặc biệt là an ninh biển đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Trong khi đó, Trung Quốc - nơi xuất xứ virus Vũ Hán lại đang lợi dụng mọi “cơ hội” trong khủng hoảng y tế cộng đồng để định hình trật tự chiến lược ở vùng biển tranh chấp.

Trong khi nước Mỹ đang phải vật lộn với bệnh dịch từ Trung Quốc thì ĐCSTQ lại đang ở vị thế đắc địa để thâu tóm hoàn toàn các vùng biển tranh chấp, bao gồm cả bãi cạn bằng việc huy động sức mạnh quân sự từ những đội tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển.

Trong khi các quốc gia Đông Nam Á và đặc biệt Hoa Kỳ đang bận đối phó với virus Vũ Hán, Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, gây áp lực với các nước nhỏ để cuối cùng khiến họ mệt mỏi, và buộc phải chấp nhận sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Khi các quốc gia Đông Nam Á và Hoa Kỳ đang bận đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc mạnh mẽ hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, gây áp lực với các nước nhỏ để khiến họ mệt mỏi, buộc phải chấp nhận sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Các nhà phân tích chiến lược cho rằng, việc kiểm soát và quân sự hóa bãi cạn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận diện phòng thủ trên không, và từ đó khẳng định sự thống trị chiến lược ở Biển Đông.

Trong ngắn hạn, nếu vắng bóng sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, Trung Quốc có thể đẩy mạnh lực lượng hải cảnh và dân quân biển nhằm quấy rối các quốc gia bao gồm Việt Nam, Malaysia và có thể cả Indonesia. Trung Quốc sẽ tiến hành hàng loạt hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, như tăng cường tuần tra liên tục, gây áp lực với các nước nhỏ để cuối cùng khiến họ mệt mỏi, và buộc phải chấp nhận sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc.

Liệu chính quyền Bắc Kinh sẽ đi bao xa trong tham vọng bá chủ Biển Đông một khi hải quân Mỹ hoạt động tuần tra trở lại khu vực? Nhưng rõ ràng ĐCSTQ chưa bao giờ quyết tâm hơn thế. Bất chấp đại dịch virus Vũ Hán đang hoành hành và gây ra cái chết cho cả trăm nghìn người trên thế giới, ĐCSTQ vẫn thực hiện các bước kiểm soát các vùng biển và tài nguyên quan trọng ở Biển Đông.

Với tham vọng mở rộng, bành trướng và tiến tới nuốt trọn Biển Đông, ĐCSTQ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt và hung ác để hòng thực hiện sự bá quyền của nó. Quả thực thế giới đang dần chết bởi ĐCSTQ...

Xuân Trường

Xem thêm: Kỳ 8 & Kỳ 10



BÀI CHỌN LỌC

Lợi dụng “khoảng trống” của quân đội Mỹ, Trung Quốc lộng hành tại biển Đông... (Kỳ 9)