Trung Quốc muốn ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông sau năm 2019 đầy biến động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đề xuất Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông trong nỗ lực “đè bẹp” các nhà hoạt động dân chủ đang đấu tranh vì nền tự do dân chủ của đặc khu này. Hồng Kông đã rơi vào tình trạng hỗn loạn cùng cực nhất trong năm 2019 vừa qua, kể từ khi thành phố này được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, tờ báo South China Morning Post (SCMP) cho biết điều luật này sẽ cấm ly khai, can thiệp từ nước ngoài, khủng bố và tất cả các hoạt động có chủ đích nhằm lật đổ chính quyền trung ương và bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào đặc khu vốn là thuộc địa cũ của Anh này.

Vào ngày 21/5, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã xác nhận rằng cơ quan lập pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Đại hội đại biểu Nhân dân Quốc gia (NPC), sẽ đề xuất bộ luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại phiên họp thường niên sắp tới.

Dự luật này có thể được đưa ra như một động thái tác động tới NPC Trung Quốc. Đây có thể là một bước ngoặt đối với thành phố tự do và quốc tế hóa nhất của Trung Quốc; Dự luật an ninh quốc gia có khả năng gây ra sự điều chỉnh lại tình trạng đặc biệt giữa Hồng Kông và Washington, dẫn đến nhiều bất ổn.

Đã có nhiều bài đăng trực tuyến kêu gọi mọi người tụ tập biểu tình vào tối thứ Năm (21/5), hàng chục người được nhìn thấy hô khẩu hiệu ủng hộ chế độ dân chủ trong một trung tâm mua sắm của Hồng Kông, trong khi lực lượng cảnh sát chống bạo động đứng gần đó.

Năm ngoái đã có rất nhiều người Hồng Kông xuống đường biểu tình để phản đối một dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục. Dự luật này sau đó đã được rút lại. Trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình, số người tham gia đôi khi lên đến hàng triệu. Phong trào đã mở rộng mục đích, bao gồm các yêu cầu có một nền dân chủ bao quát hơn trong bối cảnh ĐCSTQ đang thắt chặt sự kìm kẹp đối với Hồng Kông.

Nhà khoa học chính trị Ming Sing tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông đặt câu hỏi: “Nếu Bắc Kinh thông qua dự luật này... xã hội dân sự sẽ chống chọi lại luật pháp đàn áp như thế nào? Nó sẽ tác động đến Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế nhiều tới mức nào?”.

Đồng đô-la Hồng Kông đã bị rớt giá kể từ khi thông tin này được công bố.

Một nguồn tin chính phủ cấp cao của Hồng Kông cho biết, các chi tiết cụ thể của các đề xuất vẫn chưa được làm rõ, nhưng một thông báo đã được đưa ra tại Bắc Kinh sau đó vào ngày 21/5.

ĐCSTQ đã khởi động phiên họp thường niên vào thứ Sáu (22/5) tại Bắc Kinh, sau khi bị trì hoãn trong nhiều tháng bởi virus Corona Vũ Hán - chủng virus gây ra thảm họa đại dịch đang hoành hành toàn cầu.

Vào ngày 06/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết ông đã tạm hoãn công bố báo cáo đánh giá liệu Hồng Kông có đủ quyền tự trị để đảm bảo xứng đáng nhận những ưu đãi kinh tế đặc biệt từ Washington, điều vốn đã giúp đặc khu này duy trì vị thế trung tâm tài chính của thế giới.

Sự trì hoãn này là để chờ đợi động thái của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, ông giải thích.

Căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới đã gia tăng trong những tuần gần đây, khi hai bên đều đưa ra những lời buộc tội về việc xử lý đại dịch virus Corona Vũ Hán, khiến cho mối quan hệ thương mại của hai nước trở nên xấu đi.

Người biểu tình tập trung bên trong khu Charter Garden, Hồng Kông, vào ngày 19/1/2020. (Sun Pi-lung / The Epoch Times)
Người biểu tình tập trung bên trong khu Charter Garden, Hồng Kông, vào ngày 19/1/2020. (Sun Pi-lung / The Epoch Times)

Cơ chế ‘Bỏ qua’

Một nỗ lực trước đây vào năm 2003 của chính quyền Hồng Kông thân ĐCSTQ - được gọi là Điều 23 - đã vấp phải hàng loạt các cuộc biểu tình và bãi công ôn hòa.

Hồng Kông có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp để ban hành Điều 23 “theo cách riêng”, nhưng các điều luật tương tự có thể được Bắc Kinh đưa vào một phụ lục trong Luật cơ bản của đặc khu này.

Cơ chế pháp lý đó có thể bỏ qua cơ quan lập pháp thành phố, vì các điều luật có thể được ban hành bởi chính quyền thân Bắc Kinh của Hồng Kông.

Trao đổi với Reuters, nhà lập pháp thân Bắc Kinh Christopher Cheung nói: “Một số người đang phá hủy nền hòa bình và sự ổn định của Hồng Kông. Bắc Kinh đã chứng kiến ​​tất cả những gì xảy ra… Ban hành luật này là điều cần thiết và [nên được thiết lập] càng sớm càng tốt”.

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối Luật an ninh quốc gia. Họ cho rằng bộ luật này có thể làm xói mòn các quyền tự do và mức độ tự trị cao của Hồng Kông được bảo đảm dưới hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”, nguyên tắc được đưa ra khi đặc khu này được trả lại cho Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây (từ chối cung cấp danh tính) cho biết cách thức Trung Quốc áp đặt điều luật như vậy mà không thông qua bất kỳ quy trình lập pháp địa phương nào, sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức quốc tế về đặc khu này và nền kinh tế của nó.

Những người biểu tình đã tố cáo sự can thiệp leo thang ở Hồng Kông của nhà cầm quyền ĐCSTQ.

Du Miên

Theo NTD.com



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc muốn ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông sau năm 2019 đầy biến động