Trung Quốc ngược đãi lao động nhập cư trong khi xây dựng sân vận động World Cup lớn nhất Qatar

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc đã sớm bị loại khỏi Giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) 2022 tại Qatar, nhưng Trung Quốc vẫn tích cực quảng bá vai trò của họ với tư cách là nhà xây dựng Sân vận động Lusail - sân vận động lớn nhất ở Qatar.

Tuy nhiên, các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng trong quá trình xây dựng sân vận động này đang làm lu mờ những gì lẽ ra phải là thành tựu của kiến trúc hiện đại. Một số phương tiện truyền thông đã mô tả Sân vận động Lusail là “sân vận động của sự hổ thẹn” và gọi World Cup 2022 là “giải vô địch bóng đá thế giới xấu hổ của Qatar”.

Sân vận động này được xây dựng bởi liên doanh giữa HBK Contracting (HBK) của Qatar và Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) - một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Bắc Kinh ca ngợi Sân vận động quốc gia Lusail là một dự án mang tính bước ngoặt trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) tại Qatar. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là “chiếc bát vàng”.

Sân vận động hình chiếc bát mang tính biểu tượng này là một trong tám sân vận động được Qatar xây dựng cho World Cup.

Nhiều bài báo gần đây chỉ ra rằng những người lao động nhập cư tham gia xây dựng các sân vận động World Cup đã phải chịu đựng nhiều hành vi vi phạm nhân quyền, từ bị phân biệt đối xử do quốc tịch, tuyển dụng bất hợp pháp và ăn quỵt tiền lương, cho đến bị tước đoạt các quyền hợp pháp.

Báo cáo dài 75 trang (pdf) do nhóm nhân quyền Equidem phát hành vào tháng 11 gồm các cuộc phỏng vấn với 60 công nhân làm việc trên tất cả 8 sân vận động. Những công nhân này đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Philippines. Tất cả công nhân đều nhận phỏng vấn với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù.

Theo báo cáo, người lao động bị “vi phạm các quyền lao động một cách dai dẳng và trên diện rộng”, trong đó có “bạo lực tại nơi làm việc — bao gồm bạo hành thân thể, lời nói và tinh thần”. Các vụ bạo hành tại Sân vận động Lusail, địa điểm diễn ra trận chung kết, được đề cập nhiều lần trong báo cáo.

Trung Quốc ngược đãi lao động nhập cư khi xây dựng sân vận động World Cup lớn nhất Qatar, Sân vận động Lusail
Biểu tượng chính thức của Giải vô địch bóng đá thế giới Qatar 2022™, tại khu chợ Souq Waqif, trên tòa nhà Bảo tàng Lưu trữ Quốc gia Msheireb-Qatar, ở Doha, Qatar, ngày 03/09/2019. (Ảnh: Christopher Pike/Getty Images)

Ngược đãi người lao động

“Các giám sát viên sẽ đánh chúng tôi trước mặt những công nhân khác để gây áp lực buộc chúng tôi phải làm việc nhanh hơn và hoàn thành công việc đúng hạn. Nạn bạo hành thân thể này không bao giờ được giải quyết. Bạn có thể báo cáo về nó, nhưng sẽ không có gì xảy ra vì thủ phạm là người giám sát chúng tôi”, một công nhân người Kenya, được HBK thuê để làm việc tại dự án sân vận động Lusail, nói với Equidem.

Một công nhân Kenya khác làm việc tại dự án cho biết anh phải làm việc 14 giờ mỗi ngày mà không được trả lương làm thêm giờ trong hơn 2 năm qua.

Một công nhân người Nepal nói với Equidem rằng các công nhân buộc phải làm việc liên tục trong điều kiện thời tiết nóng bức.

“Một lần, khi nhóm FIFA đến Sân vận động Lusail, các công nhân vốn dĩ phải có mặt ở đó. Nhiều công nhân đã thiệt mạng hoặc gặp các tai nạn khác. Nếu họ khiếu nại [đến FIFA], có nguy cơ giấy phép của [nhà thầu] bị thu hồi. Để tránh điều này, tất cả chúng tôi đã được gửi đến trại ít nhất một hoặc hai tiếng đồng hồ trước khi nhóm FIFA đến. Tất cả mọi người đã được gửi đến trại. Không có công nhân tại chỗ đó”, công nhân người Nepal cho biết thêm, đồng thời nói rằng chuông báo cháy thường xuyên được rung lên để giải tán công nhân khỏi công trường.

Người công nhân này tiết lộ, tại một số thời điểm, các cảnh báo cháy rõ ràng là giả và người lao động đã ngừng chú ý đến chúng. Điều này thật nguy hiểm nếu đám cháy thực sự xảy ra.

“Có công nhân trốn [khỏi nơi làm việc] để có cơ hội khiếu nại với nhóm FIFA. Sau đó, công ty bắt đầu kiểm tra xem có những ai đang ở nơi làm việc. Nếu bất cứ ai bị bắt gặp trốn đi, họ sẽ bị đuổi về nước hoặc bị trừ lương”, công nhân này nói thêm.

Báo cáo của Equidem cũng ghi nhận nhiều trường hợp công nhân thiệt mạng do các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo.

Một công nhân người Nepal nói với Equidem rằng một công nhân từ Bangladesh đã tử vong vào tháng 03/2019 do rơi xuống từ tầng 5. Được biết, anh này không thắt dây an toàn. Và vào năm 2021, một công nhân Trung Quốc đã ngã từ độ cao khoảng 25 mét và tử vong.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với nhà báo người Anh Piers Morgan vào tuần trước, quan chức Qatar Hassan al-Thawadi thừa nhận rằng có “khoảng 400 đến 500” công nhân nhập cư đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu quá trình xây dựng sân vận động.

Tuy nhiên, trong một báo cáo vào năm 2021 dựa trên dữ liệu từ các quốc gia có người lao động tham gia dự án sân vận động, The Guardian ước tính rằng khoảng 6.500 công nhân đã thiệt mạng trong thời gian xây dựng.

Vậy mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc lại vẽ ra một bức tranh khác.

Ngày 18/11, tờ 21st Century Business Herald của Trung Quốc đăng một cuộc phỏng vấn độc quyền với Li Chongyang - Tổng giám đốc của CRCC. Ông Li cho biết “nhiệt độ ở Qatar rất cao. Khi nhiệt độ đạt đến một mức nhất định, công nhân của chúng tôi phải thay phiên nhau nghỉ ngơi. Đôi khi vào những ngày nắng nóng, thời gian làm việc không quá 2 tiếng đồng hồ. Đây là quy định của Qatar và chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt”.

Ông Li từng nói với Business Herald rằng CRCC và HBK “đã thành lập một liên doanh chặt chẽ” để xây dựng các sân vận động World Cup 2022 ở Qatar. Ông lưu ý rằng HBK là một trong những công ty xây dựng có quy mô lớn nhất ở Qatar và “hợp tác với các công ty địa phương là hướng đi chung mà sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc ủng hộ”.

Chuyên gia: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm

Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan) nói với The Epoch Times vào ngày 28/11 rằng, khi nói đến việc ngược đãi và bóc lột lao động nhập cư tại Sân vận động Lusail của Qatar, CRCC là một tổng thầu và do đó, phải chịu rất nhiều trách nhiệm.

“Trong ngành xây dựng kỹ thuật quốc tế, các công ty Trung Quốc thường thắng thầu với giá thấp. Họ sử dụng những mánh khóe nhỏ nhặt nhất và tai tiếng nhất. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất là đối xử tồi tệ với công nhân”, ông Hạ nói.

Ông Hạ cho biết ông lo sợ CRCC sẽ trốn tránh các trách nhiệm về các hành vi bạo hành: “Tôi không nghĩ rằng CRCC sẽ để lại lỗ hổng pháp lý. Bởi vì các công ty địa phương có các kênh để tránh rủi ro”.

Nhà bình luận thời sự Trung Quốc nói rằng nếu dự án diễn ra ở Mỹ, thì việc vi phạm quyền của người lao động sẽ không xảy ra. Ở một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất, CRCC sẽ không thể “gánh chịu được hậu quả đến từ việc hạ thấp lương người lao động, chứ đừng nói đến việc ngược đãi người lao động đến chết”.

Xuân Hoa

Theo Kathleen Li & Sean Tseng - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ngược đãi lao động nhập cư trong khi xây dựng sân vận động World Cup lớn nhất Qatar