Trung Quốc: Nhân viên chống dịch cạy cửa vào nhà dân giết thú cưng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, các nhân viên chống dịch ở thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây đã vào nhà của người dân đang trong cơ sở cách ly và đánh đập, giết hại một con chó cưng của chủ nhà bằng gậy sắt. Sự việc thu hút sự chú ý và lên án từ dư luận, các chủ đề liên quan đều nằm trong danh sách tìm kiếm nóng. Đây không phải trường hợp hi hữu trong công tác phòng chống dịch ở Trung Quốc.

Cô Phó (Fu) là cư dân của khu nhà Kim Phong Hoa Uyển (Jinfeng Garden) ở quận Tín Châu, thành phố Thượng Nhiêu. Cô đăng một thông báo trên Weibo vào ngày 12/11, nói rằng vào sáng sớm ngày hôm đó nhận được thông báo chính thức rằng cư dân của khu nhà này được sắp xếp cách ly tại các khách sạn được chỉ định. Các nhân viên phòng chống dịch đảm bảo với cô Phó rằng, chỉ cần nhốt con chó cẩn thận, họ sẽ không mang con chó đi hoặc xử lý nó, họ chỉ có trách nhiệm khử trùng căn nhà.

Tuy nhiên, khi cô Phó đến khách sạn cách ly, cô đã xem camera theo dõi tại nhà qua điện thoại di động vào chiều hôm đó và phải chứng kiến cảnh thú cưng bị giết hại.

Cô Phó nói, hai nhân viên chống dịch mặc quần áo bảo hộ đã cạy cửa vào nhà và cố gắng đưa con chó Corgi đi. Sau khi chó con giãy thoát ra, nhân viên chống dịch đã dùng gậy sắt đánh vào đầu nó.

Để tránh bị đánh, chú chó đã chạy sang phòng khác, mặc dù camera không thể ghi lại cảnh bên phòng đó nhưng vẫn có thể nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của chú chó con. Vài phút sau, nhân viên chống dịch cầm chiếc túi ni lông màu vàng trên tay và nói với cô Phó qua camera (loại đàm thoại 2 chiều): “Lãnh đạo yêu cầu giải quyết tại chỗ”, “Xử lý xong thì đem nó đi”. Cô Phó hỏi “Là lãnh đạo nào?” thì đầu bên kia không trả lời.

Sau khi cô Phó tiết lộ sự việc lên mạng xã hội, đã thu hút rất nhiều tranh luận. Chính quyền địa phương đã đưa ra một thông báo vào ngày 13/11, thừa nhận rằng các nhân viên phòng chống dịch đã "cạy cửa" vào nhà và "xử lý con chó cưng theo cách vô hại".

Thông báo cũng nói rằng, chính quyền đã "thuyên chuyển công tác” các nhân viên có liên quan đến vụ việc và yêu cầu họ "xin lỗi" đương sự, và đã nhận được sự “lượng thứ” từ cư dân mạng này (tức cô Phó, người đã đăng video thú cưng bị giết hại lên mạng).

Tuy nhiên, cô Phó nói với truyền thông Trung Quốc rằng các nhân viên chính quyền vẫn chưa đến tìm cô để giải thích chuyện gì đã xảy ra. Do sự việc còn chưa giải quyết dứt điểm, cô và người thân đều chịu áp lực không nhỏ.

Khi chia sẻ với cư dân mạng, cô cho biết: “Giờ thì mọi mối đe dọa ập đến”; “Nếu bây giờ không xóa (video) thì ngày mai sẽ thất nghiệp mất”; “Ý của đơn vị là không xóa bài đăng thì trực tiếp thu dọn đồ rời đi”; “Cha mẹ tôi không chịu nổi nữa”. Cô cũng cầu cứu nói: "Không thể chọi lại chính quyền thì phải làm sao".

Ngoài ra, một người không rõ danh tính đã gọi điện và đe dọa cô Phó, yêu cầu cô xóa video về vụ vào nhà dân ở Thượng Nhiêu đánh chó trên Weibo. Đối phương nói rằng, bản thân chỉ là người dân bình thường, không phải người của chính quyền, và lấy được số điện thoại của cô Phó từ một bên khác. Trong cuộc gọi, người này không chỉ ủng hộ chính sách phòng chống dịch bệnh của chính quyền mà còn nắm được thông tin cá nhân của cô Phó.

Hiện tại, cô Phó đã thiết lập quyền riêng tư trên Weibo cá nhân và tất cả các thứ liên quan đến chủ đề "Chó cưng của người bị cách ly ở Thượng Nhiêu nghi bị giết" trên Weibo đã "biến mất không dấu vết".

Khu vực nơi cô Phó đang ở hiện đang thực hiện "chính sách Zero Covid” cực kỳ gay gắt. Với lý do chống dịch, địa phương đã kiểm soát giao thông trong khu vực thành thị cực kỳ nghiêm ngặt, người vi phạm quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Phóng viên của The Epoch Times đã tìm kiếm trên Internet và phát hiện rằng cô Phó không phải là trường hợp duy nhất ở Trung Quốc bị như vậy trong thời điểm dịch bệnh.

Theo trang Dongfang Net (eastday.com), một cư dân mạng sống cùng khu Kim Phong Hoa Uyển với cô Phó đã gặp tình huống tương tự gần đây. Ngoài ra China News Service cũng đưa tin, vào ngày 10/2 năm nay, khi chủ căn hộ trong một khu nhà ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây xuống lầu đi dạo cùng chó cưng, nhân viên phòng chống dịch đã đánh chết con chó với lý do không thể dắt chó đi dạo trong thời gian phòng chống dịch.

Tuy nhiên, các kênh truyền thông của chính quyền Trung Quốc coi vụ đánh chó trong nhà ở Thường Nhiêu chỉ là một trường hợp thông thường, và chỉ ra rằng "trong thời gian đặc thù phòng chống dịch bệnh, khó tránh được các hành động đặc thù""nên được xã hội hiểu cho".

Trước đó, SCMP đưa tin rằng, gần đây ở Trung Quốc cũng xuất hiện các trường hợp vật nuôi của bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị chính quyền địa phương cưỡng bức giết chết, như một phần của các biện pháp ngăn chặn virus hà khắc và cực đoan.

Trong tháng này, một cư dân Thành Đô đã viết trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng con mèo của cô đã bị giết sau khi cô được chuyển từ nhà đến nơi cách ly. Chỉ 2 tháng trước, một phụ nữ Cáp Nhĩ Tân cũng nói trên Weibo rằng 3 con mèo của cô đã bị nhân viên địa phương giết chết sau khi chúng có xét nghiệm dương tính với virus.

Nhân viên y tế phản bác rằng, không có phương pháp điều trị nào dành cho động vật và giết chúng là lựa chọn duy nhất.

Tuy nhiên, luật sư đại lục Vương Tiểu Minh (Wang Xiaoming) đã viết bài chỉ ra rằng, chỉ xét riêng về mặt pháp luật, hành vi đánh chết thú nuôi của nhân viên phòng dịch là không hợp pháp về bản chất và thủ tục. Luật sư Vương nói:

  1. Hành vi đánh chết chó cưng thiếu cơ sở thực tế nghiêm trọng;
  2. Thủ tục đánh chết chó cưng là bất hợp pháp;
  3. Cần phải bồi thường cho việc đánh chết động vật bị nhiễm bệnh theo quy định của pháp luật;
  4. Xử lý dịch bệnh là hành vi quản lý hành chính được thực hiện dưới sự lãnh đạo của cơ quan hành chính, cho nên trách nhiệm về hành vi đó nên do cơ quan hành chính đảm nhận, vậy nên việc yêu cầu "nhân viên có liên quan" đi xin lỗi rõ ràng là không xử lý thỏa đáng.

Về sự việc nhân viên phòng dịch vào nhà dân ở Thượng Nhiêu đánh chó, nhà văn đại lục Thủy Mộc Đinh (Shui Mu Ding) viết trên Weibo rằng, Trung Quốc có một câu nói cổ để mô tả mối quan hệ giữa chính quyền và người dân là "Nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền". Tình hình bây giờ là nước có thể chở thuyền, mà nước cũng có thể chảy đi. Cũng tức là nhân khẩu mà rời đi hết thì chính quyền thu thuế của ai? Những chính quyền địa phương mà không trân trọng người dân của mình thì nhất định sẽ lụn bại.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Nhân viên chống dịch cạy cửa vào nhà dân giết thú cưng