Trung Quốc phong tỏa 51 triệu người dân giữa làn sóng Omicron tàng hình, người dân phẫn nộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tuần qua, những cảnh tượng phẫn nộ đã xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc khi các quan chức thực hiện chương trình "Zero COVID" trước làn sóng biến thể "Omicron tàng hình". Đây là đợt bùng phát tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi đại dịch bắt đầu cuối năm 2019. Trong số các khu vực bị ảnh hưởng có trung tâm công nghệ phía Nam của Thâm Quyến, nơi có 17,5 triệu cư dân đang bị phong tỏa. Thành phố Đông Quan ở Đông Nam Trung Quốc và Đông Bắc tỉnh Cát Lâm, nơi sinh sống của 10 triệu và 24 triệu dân, cũng phải chịu lệnh phong tỏa. 

Bên trong một bệnh viện mới bị phong tỏa của Trung Quốc, một điểm nóng COVID-19 mới nhất, các y tá phải làm việc quá sức. Họ bắt đầu đấu tranh với các bác sĩ và yêu cầu các biện pháp bảo hộ cơ bản.

Ở một số trường đại học Trung Quốc, sinh viên đã rơi nước mắt khi một số sinh viên khác bị phong tỏa trong ký túc xá của họ mà không có nước hoặc nhà vệ sinh.

Ở một số căn hộ cho thuê khác, những người thuê nhà đã bị sốc khi biết rằng họ phải dọn đồ chuyển đi trong vòng vài giờ vì nhà họ đang thuê sẽ được chuyển thành cơ sở cách ly.

Trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ ngày 1/3, Trung Quốc đã báo cáo hơn 10.000 trường hợp ở hầu hết các tỉnh, Lei Zhenglong, Phó Giám đốc Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia, cho biết vào ngày 14/3. Ông Zhenglong cho biết thêm rằng, ở một số huyện lỵ, dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát và “tỷ lệ nhiễm mới đang tăng vùn vụt”.

Các nhà phê bình từ lâu đã nghi ngờ các số liệu báo cáo chính thức về virus của Bắc Kinh. Họ viện dẫn thói quen của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là trấn áp thông tin làm tổn hại đến hình ảnh của họ và sự cần thiết phải duy trì tuyên truyền rằng chính quyền đang kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, con số mà ông Zhenglong đưa ra đánh dấu mức cao nhất chưa từng được ghi nhận trong nước kể từ tháng 4/2020.

“Những con số từ chính phủ không đúng đâu”, một người từ Trường Xuân, nơi 9 triệu cư dân đang bị nhốt trong nhà của họ kể từ ba ngày về trước, nói với The Epoch Times, đề cập đến số lượng lây nhiễm chính thức của Bắc Kinh.

Khi hầu hết các quốc gia học cách sống chung với virus, Trung Quốc đại lục nằm trong số những quốc gia cuối cùng ủng hộ chính sách "zero-COVID", mặc dù ngày càng có nhiều câu hỏi về việc liệu mục tiêu có thể đạt được hay không và những lo ngại về tổn hại ngày càng tăng của chính sách này đối với nền kinh tế.

Hôm thứ Hai (14/3), ông Zhenglong nhấn mạnh rằng cách tiếp cận gần đây của ĐCSTQ có tên là "zero-COVID", là "hoàn toàn hiệu quả."

Ông nói: “Chúng ta cần hành động sớm hơn, nhanh hơn, chặt chẽ hơn và triệt để hơn trong việc đối phó với các ổ dịch vì virus Omicron tàng hình đang lây lan rất nhanh".

Một nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ chờ hỗ trợ mọi người tại một địa điểm xét nghiệm COVID-19 hàng loạt ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/3/2022. (Kevin Frayer / Getty Images)

Chính sách này đã thúc đẩy các quan chức trì hoãn các kỳ thi nơi học đường và thi tuyển công chức. Gần một chục thành phố đã đóng cửa trường học. Nhiều trường đại học cấm sinh viên của họ ra ngoài.

Nhưng nhìn chung đã xuất hiện sự căng thẳng trong cộng đồng.

Tại Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải, nơi đang bị phong tỏa sau khi một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính, một y tá rẫ rất bức xúc khi được bác sĩ yêu cầu chăm sóc bệnh nhân COVID-19 mà không có đồ bảo hộ đầy đủ. Bác sĩ đã nói với cô rằng, "COVID-19 không phải là bệnh truyền nhiễm" và dường như ông ta đã đánh một nam y tá không chịu tuân thủ.

“Nếu ông khẳng định nó không lây nhiễm, thì ông hãy tháo khẩu trang ra đi”, nữ y tá hét vào mặt người bác sĩ đối diện với cô đang mặc bộ đồ bảo hộ y tế và đeo mặt nạ trong suốt trong một video lan truyền trên Internet ở Trung Quốc.

Các nhà chức trách ở thành phố cảng Quảng Châu thuộc miền Nam Trung Quốc đã đóng cửa triển lãm giữa chừng khi xác định được một trường hợp nhiễm virus. Họ đã cách ly khoảng 50.000 du khách ở bên trong khu triển lãm để tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Sự việc này khiến một số người đã phải trèo rào để thoát ra ngoài.

'Nực cười'

Phản ứng dữ dội cũng xảy ra sau khi các quan chức Thượng Hải trục xuất người thuê nhà mà không có thông báo để lấy mặt bằng làm nơi cách ly F1.

Vào ngày 10/3, Li Min, một người đang thuê căn hộ ở quận Xuhui cao cấp của thành phố cho biết, cô và khoảng 100 nhân viên văn phòng khác phải dọn ra khỏi tòa chung cư trong vòng hai tiếng đồng hồ.

Thoạt đầu cô ấy đã bị sốc. Cô nói: “Đây đâu phải là khách sạn, nó là một tòa chung cư. Một số người trong chúng tôi sống ở đây đã 3, 4 năm rồi. Chung cư này là nhà của chúng tôi”.

Các cư dân bắt đầu phản đối thông qua tất cả các kênh truyền thông mà họ có thể, gọi cảnh sát và chính quyền khu phố đến. Cuối cùng, chính quyền đã kéo dài thời hạn giả phóng căn hộ đến nửa đêm. Các nạn nhân đã trả tất cả chi phí di chuyển bằng tiền túi của họ mà "không được bồi thường một xu", Li nói với The Epoch Times.

Cô nói: “Nếu họ cho chúng tôi ít nhất hai ngày, thì chúng tôi đều có thể hiểu được. Nhưng họ lại tỏ thái độ như vậy… tại sao họ lại đối xử như thể chúng tôi là những người vô gia cư?”

Một quan chức từ Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Thượng Hải nói với Li rằng, phàn nàn với chính quyền sẽ không có ích gì vì một nửa cán bộ trong quận của cô ấy đang bị cách ly. Ông khuyên cô “chuyển ra ngoài càng sớm càng tốt”.

Một nhân viên y tế (C) giúp mọi người điền thông tin được yêu cầu vào một ứng dụng để lấy mã và có thể được kiểm tra như một biện pháp chống lại coronavirus Covid-19 gần Bệnh viện Trung tâm Thượng Hải ngày 14/3/2022. (Nguồn ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

The Epoch Times gọi điện đến chính quyền quận Từ Hối ở Thượng Hải để xác nhận việc các quan chức quận bị cách ly. Một nhân viên cho biết, họ “có các quy định về việc không tiết lộ và không thể tiết lộ những thông tin như vậy”.

“Xin đừng đẩy tôi vào tình thế khó xử”, người nhân viên nói.

Các quan chức quận Từ Hối sau đó đã xin lỗi vì khung thời gian quá cập rập. Họ nói rằng họ "chịu áp lực đáng kể" trong việc ngăn chặn virus và phải "chạy đua với thời gian".

Cô Li phải gửi một số thùng đồ được đóng gói vội vàng của mình ở chỗ bạn bè và dự định thuê khách sạn gần nơi làm việc của cô trong một tuần để tìm một căn hộ khác lâu dài hơn.

“Thật nực cười” cô Li nói, và nói rằng các chính sách của chính phủ Thượng Hải mang tính chính trị hơn là vì người dân.

“Họ không muốn công khai thông tin”. Nếu thừa nhận toàn bộ mức độ bùng phát thì các nhà chức trách Thượng Hải sẽ bị mất uy tín, Zhou Bin (bí danh), một giám đốc tiếp thị khách sạn ở Thượng Hải bày tỏ sự đồng ý.

Ông Zhou nói với The Epoch Times: “Chính sách zero-COVID đã đem lại ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Thượng Hải. Nhưng chính sách này có liên quan đến sự nghiệp của các quan chức địa phương".

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phong tỏa 51 triệu người dân giữa làn sóng Omicron tàng hình, người dân phẫn nộ