Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thâm Quyến, một siêu đô thị với 17 triệu dân của Trung Quốc, đã bị phong tỏa do những lo ngại về việc bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, Foxconn đã khởi động lại một phần hoạt động ở Thâm Quyến.

Vài ngày sau khi phải đóng cửa nhà máy theo yêu cầu phong tỏa của chính phủ nhằm kìm hãm sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Foxconn đã khởi động lại một phần hoạt động của họ ở Thâm Quyến, Trung Quốc từ ngày 17/3.

Foxconn nối lại hoạt động nhà máy ở Thâm Quyến

Hãng tin Bloomberg cho biết hai trong số các cơ sở của Foxconn ở Thâm Quyến, trong đó một cơ sở chịu trách nhiệm sản xuất iPhone, đã được chấp thuận khởi động lại một phần hoạt động bằng cách áp dụng quy trình quản lý khép kín.

Thâm Quyến là một trong những đặc khu kinh tế của Trung Quốc và được biết đến là nơi tập trung nhiều nhà sản xuất điện tử. Việc phong tỏa kéo dài có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế. Đó có thể là lý do tại sao chính quyền Thâm Quyến cho biết họ sẽ cho phép các công ty hoạt động, miễn là họ thực hiện phương pháp “bong bóng nhà máy”.

Trong hệ thống khép kín hoặc hệ thống bong bóng nhà máy, các công nhân sẽ phải sống tại chỗ và chỉ có thể đi từ nhà ở của công ty đến nơi làm việc. Họ cũng phải được kiểm tra Covid-19 thường xuyên.

Hiện vẫn chưa rõ việc ngừng hoạt động của nhà máy Foxconn trong vài ngày có ảnh hưởng lớn đến tốc độ sản xuất thiết bị của Apple hay không. Nhà sản xuất iPhone đã phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng và tìm cách đẩy mạnh sản xuất để bắt kịp nhu cầu từ năm ngoái.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tổn thất

Ít nhất 5 thành phố công xưởng lớn bao gồm Đông Quan, Thâm Quyến, Trường Xuân, Cát Lâm, Lang Phường đã bị phong tỏa. Đây là nơi đặt nhiều nhà máy khổng lồ, trong đó có nhà máy sản xuất iPhone và các sản phẩm từ Apple của Foxconn. Một số thành phố nhỏ hơn như Tuy Phân Hà, Mãn Châu Lý sát biên giới Trung - Nga cũng rơi vào cảnh tương tự.

Chỉ trong vòng 2 ngày, danh sách các công ty thông báo ngừng sản xuất vì tình trạng phong tỏa ngày càng nhiều.

Hôm 15/3, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc thông báo bắt đầu từ đầu tuần sau đến ngày 1/5, các chuyến bay quốc tế đáp sân bay Phố Đông của Thượng Hải sẽ phải chuyển tuyến đến những thành phố khác.

Theo Julie Gerdeman, lãnh đạo công ty phân tích chuỗi cung ứng Everstream Analytics, tình trạng lưu thông khó khăn của phương tiện vận tải đường bộ khiến thời gian xuất phát của tàu hàng bị trì hoãn ít nhất 12 giờ và có thể sớm tăng lên thành 2 tuần.

Hiện các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở cửa, song số lượng tàu container đang neo chờ cập bến ngày càng tăng. Một số tàu thậm chí phải chuyển hướng sang các cảng khác để việc giao nhận hàng không bị chậm trễ.

Theo các chủ sở hữu tàu, các nhà quản trị chuỗi cung ứng và các chuyên gia phân tích, tình trạng này có thể sẽ khiến cước phí thuê tàu vận tải hàng hóa gia tăng, trong khi thời gian chờ xếp dỡ hàng tại cảng kéo dài hơn.

Có cư dân Thâm Quyến phải xét nghiệm 25 ngày liền

Thống kê của giới chức y tế Trung Quốc cho thấy chỉ trong vòng một tháng qua đã có hơn 30.000 ca nhiễm Covid-19 tại Thâm Quyến. Vốn theo đuổi chính sách "Zero Covid", nên chính quyền thành phố yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" và phải làm các xét nghiệm kiểm tra Covid-19 mỗi ngày.

Nữ doanh nhân Guo Qiaoqiao cho biết đã liên tục phải "ngoáy mũi" test Covid-19 trong suốt 25 ngày qua. "Như thế đã là quá đủ" - vị nữ doanh nhân nói và thể hiện sự mệt mỏi vì qui định phòng chống dịch bệnh hiện hành của Thâm Quyến.

"Thâm Quyến hiện tại dành quá nhiều nguồn lực cho việc kiểm tra sàng lọc để xác định không Covid-19. Tôi cảm thấy cách làm này là không ổn" - bà Guo Qiaoqiao nhấn mạnh - "Sự bùng phát dịch tại Thâm Quyến được cho là lây lan bởi những người nhập cảnh trái phép từ Hồng Kông. Nhưng ngay cả khi điều này không đúng thì thực tế giữa Hồng Kông và Thâm Quyến cũng có rất nhiều hoạt động giao lưu. Vì thế, không thể ngăn chặn được dịch bệnh lây lan".

Đa số các ca nhiễm mới Covid-19 tại Thâm Quyến do biến chủng Omicron (đặc biệt là chủng BA.2), có thể dẫn tới không còn truy tìm được nguồn gốc của các đợt bùng phát khác nhau.

Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến

Kể từ 13/3, thành phố Thâm Quyến bị đặt trong tình trạng phong tỏa, chính quyền địa phương cho biết. Lệnh phong tỏa được ban ra sau khi giới chức phát hiện 66 ca mắc Covid-19 mới, theo hãng tin AFP.

Trước đó, Thâm Quyến đã đóng cửa khu vực trung tâm kinh tế của thành phố, dừng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hoạt động không thiết yếu, đồng thời khuyến cáo người dân ở trong nhà.

Trung Quốc công bố có 3.393 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 13/3, cao hơn hai lần con số của ngày trước đó.

Thâm Quyến là nơi có trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và Tencent. Giới chức y tế thành phố yêu cầu người dân ở yên tại nhà từ chiều ngày 13/3.

Thời gian phong tỏa được áp dụng đến ngày 20/3, và mạng lưới giao thông công cộng cũng sẽ ngừng hoạt động trong giai đoạn này. Ngành y tế gấp rút triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng, với tổng cộng 3 đợt sẽ được thực hiện ở Thâm Quyến, theo hãng tin Reuters.

Omicron lan rộng ở Trung Quốc

Gần 19 tỉnh, thành Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát dịch của các biến chủng Omicron và Delta. Thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, đã bị phong tỏa một phần, một quan chức công bố hôm 13/3.

Thành phố Cát Lâm đã thực hiện 6 đợt xét nghiệm đại trà. Riêng ngày 13/3, thành phố này ghi nhận hơn 500 ca nhiễm mới biến thể Omicron.

Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị phong tỏa từ 11/3. Số ca mắc mới tăng mạnh trên toàn quốc, buộc giới chức nước này phải đóng cửa trường học ở "đại đô thị" Thượng Hải

"Đợt bùng dịch phản ánh rằng sự lây lan của biến chủng Omicron đang rất nhanh chóng và khó phát hiện ở giai đoạn đầu", Zhang Yan, quan chức y tế tỉnh Cát Lâm, cho biết.

Trung Quốc đã duy trì chính sách “Zero Covid-19” nghiêm ngặt để kiểm soát số ca mắc, trong đó có các biện pháp phong tỏa nhanh, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt khi ổ dịch xuất hiện.

Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất, được thúc đẩy bởi biến chủng Omicron và sự gia tăng đột biến trong các ca nhiễm không có triệu chứng, đang thách thức cách tiếp cận này.

Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc ngày 11/3 cho biết sẽ cho phép người dân xét nghiệm nhanh tại nhà. Các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên được bán trực tuyến hoặc tại các tiệm thuốc.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng