Trung Quốc phong tỏa toàn bộ thành phố giáp Việt Nam sau khi có 2 ca nhiễm virus Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 14/9, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam thông báo rằng, các khu vực giáp biên giới với Miến Điện (Burma), Lào và Việt Nam đã chuyển sang "tình trạng thời chiến" để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa toàn bộ thành phố Thụy Lệ (Ruili) ở tỉnh Vân Nam, thuộc phía tây nam Trung Quốc vào ngày 14/9, yêu cầu bất kỳ ai muốn ra vào thành phố phải xin giấy phép đặc biệt.

Ngày 14/9, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Nguyễn Thành Phát (Ruan Chengfa) thông báo rằng, các khu vực giáp biên giới với Miến Điện (Burma), Lào và Việt Nam đã chuyển sang "tình trạng thời chiến" để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Giới chức tuyên bố rằng, mục đích của việc phong tỏa là để ngăn chặn virus lây lan, sau khi 2 người vượt biên trái phép từ Miến Điện đến Thụy Lệ được chẩn đoán nhiễm virus Corona Vũ Hán vào ngày 13/9.

Tuy nhiên, theo chính sách kiểm dịch của một thành phố gần đó cho thấy, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn những gì chính quyền Thụy Lệ thông báo.

Trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, người dân ở thành phố Thụy Lệ nói với Epoch Times rằng, chính quyền đột nhiên lắp các thanh sắt để bịt kín các khu dân cư của họ và không cho họ thời gian chuẩn bị cho việc phong tỏa này.

“Hiện tại là ngày thứ 2 của đợt phong toả. Tôi không thể chịu đựng được. Tôi cảm thấy rất chán nản. Tôi mất tự do. Tôi rất tức giận vì bị mắc kẹt ở đây”, cư dân Zhao Liang (bí danh), sống trong khu dân cư Aoxing Century II cho biết.

Giới chức cũng thắt chặt kiểm soát biên giới. Vào ngày 14/9, họ tuyên bố rằng, một tòa án Thụy Lệ đã kết án những người Miến Điện 38 tháng tù với khoản tiền phạt 5.000 nhân dân tệ (khoảng 15 triệu VNĐ) vì đã vượt biên trái phép qua biên giới Miến Điện - Vân Nam.

Theo cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc - tờ Nhân dân Nhật báo - 3 người này là công dân Trung Quốc đã đến Miến Điện vào tháng Tư và sang thành phố Thụy Lệ vài ngày sau đó.

Tuy chính quyền thành phố Thụy Lệ chỉ báo cáo 2 bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán, nhưng ngày 15/9, chính quyền thành phố Đằng Xung (Tengchong) gần đó và cũng giáp với Miến Điện đã thông báo rằng, tất cả những người đến Đằng Xung từ Thụy Lệ sau 10 giờ tối ngày 14/9 phải quay lại Thụy Lệ.

Những người rời Thụy Lệ từ ngày 12/9 đến 10 giờ tối ngày 14/9 và đến Đằng Xung sau ngày 15/9, phải trả tiền cho xét nghiệm axit nucleic và tự cách ly tại nhà, chính quyền thành phố cho biết.

Nhà bình luận Tang Jingyuan tại Hoa Kỳ cho biết: “Chính quyền Trung Quốc không báo cáo quy mô thực sự của dịch bệnh hoặc các thảm họa khác. Thực tế là chính quyền Đằng Xung đã từ chối bất kỳ người nào từ Thụy Lệ đến, còn thành phố Thụy Lệ thì bị phong tỏa hoàn toàn - những điều này cho thấy sự bùng phát ở Thụy Lệ có thể nghiêm trọng hơn”.

Lệnh phong toả

Thành phố Thụy Lệ có 210.000 dân, có chung hơn 160km biên giới với Miến Điện. Những người sống sát 2 bên biên giới nói cùng một phương ngữ. Nhiều người trong số họ có người nhà sống ở cả 2 bên.

Phần lớn hoạt động buôn bán ngọc bích của Miến Điện được chuyển đến Trung Quốc thông qua thành phố Thụy Lệ, nơi có nhiều nhà máy chế tác và các nhà bán lẻ ngọc bích.

Tuy chính quyền thành phố đã phong tỏa các khu dân cư Aoxing Century I và Aoxing Century II vào tối ngày 12/9, nhưng họ đã không công bố bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán mới nào cho đến sáng ngày 14/9.

Trong một cuộc họp báo tối ngày 14/9, Thị trưởng Thụy Lệ, ông Xie Dapeng cho biết, một người tên Yang (32 tuổi) đã nhập cảnh vào Trung Quốc bất hợp pháp cùng 3 con và 2 bảo mẫu vào ngày 3/9. Tất cả đều có hộ chiếu Miến Điện. Sau khi đến Thụy Lệ, cả 6 người sống trong căn hộ của chị gái Yang, trong khu dân cư Aoxing Century I.

Vào ngày 10/9, Yang bị mất khứu giác và vị giác. Chị gái cô đã đưa cô đến một bệnh viện. Yang và bảo mẫu 16 tuổi tên Yi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona Vũ Hán vào ngày 12/9 và được chẩn đoán chính thức vào ngày 13/9.

Vào khoảng 6 giờ chiều ngày 12/9, chính quyền thành phố Thụy Lệ nhanh chóng phong tỏa khu dân cư Aoxing Century I và Aoxing Century II.

Tại cuộc họp báo, Thị trưởng Xie cho biết, tất cả các cửa hàng ngọc bích đã đóng cửa từ nửa đêm ngày 13/9 và toàn thành phố đã bị phong toả vào ngày 14/9. Chỉ có siêu thị, nhà thuốc và chợ thực phẩm ngoài trời mới được hoạt động.

Đồng thời, tất cả cư dân ở Thụy Lệ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm axit nucleic.

Phó Thị trưởng Thụy Lệ, ông Yang Mou cho biết, thành phố có 11 bệnh viện với khả năng điều trị cho 1.540 bệnh nhân nhập viện. Thành phố đã chỉ định Bệnh viện Thụy Lệ Zhongdai là cơ sở điều trị virus Corona Vũ Hán chuyên dụng, có 291 giường bệnh.

Ngày 14/9, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin rằng, thành phố Đại Lý (Dali) đã cử hơn 200 nhân viên y tế đến Thụy Lệ, trong khi thành phố Mang đã cử 61 nhân viên y tế tới đây để giúp điều trị bệnh nhân.

Cư dân chán nản

"Tôi đã được thông báo rằng chúng tôi [thành phố Thụy Lệ] đang trong tình trạng cảnh báo cấp độ một!", một chủ doanh nghiệp sống trong khu dân cư Aoxing Century I cho biết.

Một doanh nhân kinh doanh ngọc bích cho biết, có khoảng 100.000 đến 200.000 người buôn bán ngọc bích ở Thụy Lệ mỗi ngày. Nhưng hiện tại, mọi hoạt động đã ngừng lại.

Một người dân Thụy Lệ khác cho biết, con cô học ở thành phố Mang, cách đó khoảng một giờ lái xe. Nhà trường yêu cầu học sinh xét nghiệm axit nucleic và tự cách ly trong ký túc xá.

Người này cũng nhấn mạnh rằng, con cô đã không về Thụy Lệ gần đây nhưng vẫn bị đối xử khác biệt chỉ vì gia đình cô sống ở Thụy Lệ.

Zhao Liang, một cư dân tại khu dân cư Aoxing Century II, cho biết: "Chúng tôi được thông báo rằng việc phong tỏa sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần".

Zhao cho biết cô và những người hàng xóm đã làm các xét nghiệm axit nucleic vào ngày 12/9 và 13/9.

“Họ đã dùng song sắt để bịt kín tất cả các cổng. Không ai có thể vào khu dân cư của chúng tôi. [Chúng tôi] bị nhốt ở nhà, tôi rất chán nản", cô Zhao nói.

Cô cho biết, chính quyền địa phương đã yêu cầu tất cả người dân gửi 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu VNĐ) vào tài khoản WeChat Pay dưới dạng tín dụng. Sau đó, nhóm quản lý của khu dân cư sẽ sử dụng tín dụng để mua hàng tạp hóa cho họ.

Lo sợ bị giới chức trả đũa, những người được phỏng vấn đều chọn giấu tên.

Ngày 15/9, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Caixin đưa tin rằng, việc phong tỏa đã khiến giá lương thực ở Thụy Lệ tăng đột biến. Và những cư dân sống trong các khu dân cư khác cũng không được phép rời khỏi nhà của họ.

Một người dân thành phố nói với Caixin rằng, anh đã đi mua đồ ăn lúc 2 giờ sáng ngày 14/9 sau khi nghe tin về việc phong tỏa. Anh nói: “Tất cả rau và thịt đã được bán hết một cách nhanh chóng. Giá thịt lợn tăng lên hơn 60 nhân dân tệ / 500 gram (khoảng 160 nghìn/nửa kg)”.

Tại Vân Nam, giá thịt lợn trung bình là 24 - 31 nhân dân tệ / 500 gram (khoảng 60 - 90 nghìn VNĐ / nửa kg), theo báo cáo thị trường Trung Quốc.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc phong tỏa toàn bộ thành phố giáp Việt Nam sau khi có 2 ca nhiễm virus Vũ Hán