Trung Quốc: Sau khi Vũ Hán đóng cửa các bệnh viện dã chiến, bệnh nhân bị từ chối điều trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus Corona Vũ Hán ở Trung Quốc nói với tờ The Epoch Times rằng tình trạng của bà xấu đi rất nhiều ngay sau khi bà được xuất viện từ một bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, các cơ sở y tế đều từ chối điều trị cho bà.

Kể từ ngày 10/3, sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm vùng tâm chấn của vụ dịch ở thành phố Vũ Hán, chính quyền địa phương đã cho đóng cửa tất cả các bệnh viện dã chiến. Họ cho rằng với lượng bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã giảm bớt, các cơ sở này không còn cần thiết nữa.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố trận dịch virus Vũ Hán này đã đạt đến giai đoạn “đỉnh điểm”, đồng thời dịch bệnh cũng đã được ngăn chặn thành công tại Trung Quốc .

Tuy nhiên, bà Fu, một bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus nhưng đã được xuất viện, cho biết rằng bà cùng gia đình mình và nhiều bệnh nhân khác vẫn đang phải chịu đựng thống khổ do dịch bệnh.

Bệnh nhân không được tiếp nhận điều trị y tế

Bà Fu hiện ở độ tuổi 60, sống cùng gia đình ở quận Hán Dương, thuộc trung tâm thành phố Vũ Hán. Bà có biểu hiện nhẹ của một số triệu chứng bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, xét nghiệm chẩn đoán của bà đã cho kết quả âm tính, vì vậy bà đã được chuyển tới một trung tâm kiểm dịch vào đầu tháng Hai năm nay.

Vào ngày 11/2, khi tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn, bà Fu được chuyển đến một bệnh viện dã chiến được thành lập tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Vũ Hán ở quận Hán Dương.

Bà nói rằng có hơn 900 bệnh nhân bị cách ly trong khu vực này. Các giường bệnh được đặt cạnh nhau mà không có rào chắn, và cứ 22 giường sẽ được tính là một khu.

“Mỗi bác sĩ phải chăm sóc cho tám khu như vậy, tương đương với 176 bệnh nhân”, bà Fu tường thuật lại.

“Các bác sĩ chỉ kiểm tra qua thân nhiệt của chúng tôi. Khi chúng tôi thấy không khỏe thì có thể lấy một ít thuốc từ trạm y tá. Nhưng chúng tôi không nhận được bất kỳ phác đồ điều trị nào”, bà nói thêm.

Ngày 28/2, bà Fu đã được duyệt xuất viện. Bà được gửi đến một trung tâm kiểm dịch khác tại một khách sạn, để tiếp tục việc theo dõi y tế. Bà Fu đã ở chung phòng với một bệnh nhân nữ 30 tuổi khác.

Sau khi chuyển vào trung tâm kiểm dịch, bà cảm thấy sức khỏe ngày càng tệ hơn.

“Tôi luôn bị hụt hơi. Mỗi lần nói một câu, tôi phải lấy hơi ít nhất một lần vào giữa câu”, bà Fu cho biết.

Vào ngày 10/3, một bác sĩ đã gửi bà đến Bệnh viện Puren Vũ Hán, là một bệnh viện được chỉ định để điều trị COVID-19. Bà đã tự thanh toán để chụp quét CT và xét nghiệm máu.

Báo cáo chẩn đoán của bệnh viện cho biết cả 2 lá phổi của bà Fu đều bị mờ màng mỏng, có khả năng bị tổn thương do nhiễm virus. Đồng thời, động mạch, gan và túi mật của bà đều đã bị tổn thương.

Nhiều bệnh nhân bị nhiễm viêm phổi vũ Hán đều có dấu hiệu mờ đục phổi.

Mặc dù các triệu chứng lâm sàng của bà Fu phù hợp với các dấu hiệu nhiễm COVID-19, bệnh viện đã từ chối điều trị cho bà và nói rằng xét nghiệm chẩn đoán của bà đã trở lại âm tính.

Ngoài ra, bệnh viện số 9 Vũ Hán cũng từ chối bà, dù đây là bệnh viện được chỉ định nhận bệnh nhân từ trung tâm kiểm dịch nơi bà Fu đang ở.

Bệnh nhân xuất viện khi chưa hồi phục hoàn toàn

Bà Fu cho biết bà không phải là bệnh nhân duy nhất phải xuất viện khi chưa hồi phục hoàn toàn.

Sau khi thành phố thông báo rằng tất cả các bệnh viện dã chiến sẽ bị đóng cửa, Trung tâm Hội chợ Vũ Hán đã cử một chiếc xe buýt tới đưa các bệnh nhân đến các trung tâm kiểm dịch. Bệnh nhân trong tình trạng bệnh nặng sẽ được chuyển đến các bệnh viện. Những người khác được coi là khỏe mạnh thì sẽ phải trở về nhà.

Bà Fu nói rằng bà đã nói chuyện với khoảng 20 bệnh nhân khác trên xe buýt. Họ đều có những tổn thương ở phổi tương tự như bà.

Bà Fu cho biết một người đàn ông 36 tuổi ở bệnh viện tạm thời cùng bà đã tử vong sau 36 giờ được xuất viện.

Chồng bà, ông Fu, cũng bị nhiễm virus Vũ Hán. Sau khi con trai ông bà Fu đăng tải thông tin lên án sự việc trên lên mạng xã hội, ông Fu đã được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Tân Châu, nằm ở vùng ngoại ô Vũ Hán.

“Chồng tôi còn ốm nặng hơn tôi. Tôi phải làm gì đây?", bà Fu nói trong nước mắt.

The Epoch Times đã nói chuyện với con trai bà Fu vào hồi tháng Hai. Anh ấy cho biết rằng cha anh thực sự đã qua đời vào ngày 8/2, nhưng gia đình không muốn cho bà Fu biết. Sau đó, cháu gái 17 tuổi của bà cũng bị nhiễm virus Vũ Hán và đang được điều trị tại Bệnh viện Kangtai Vũ Hán.

Trên mạng xã hội, cũng có các bằng chứng cho thấy các cư dân Vũ Hán khác cũng phải đối mặt với tình huống tương tự như bà Fu.

Ngày 14/3, Yang Zhanqing, một nhà nhân quyền người Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã chia sẻ một video trên Twitter, trong đó có một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa anh và một bác sĩ tên là Wei ở Vũ Hán.

Wei nói trong video: “Ở đây, chúng tôi áp dụng ‘chẩn đoán chính trị’ và ‘điều trị chính trị’ ”. Anh nói rằng có những bệnh nhân chưa hồi phục, nhưng bệnh viện vẫn cho họ xuất viện, mục đích là để các nhà chức trách thấy rằng có rất nhiều bệnh nhân đang hồi phục.

Là một bác sĩ, Wei cho biết anh cảm thấy việc để bệnh nhân xuất viện như vậy là thiếu đạo đức, nhưng anh không có cách nào ngăn chặn sự việc.

Anh cho biết: “Vì các bác sĩ chuyên khoa đã ký duyệt cho bệnh nhân xuất viện, tôi buộc phải để họ ra viện. Nếu tôi không làm vậy thì cũng sẽ có các bác sĩ khác làm”.

Yang nói thêm, anh nghe được từ những người quen rằng một số cụm dân cư ở quận Hán Dương đã bị nhiễm virus Vũ Hán hàng loạt trong những ngày gần đây, phần lớn là do các bệnh nhân xuất viện đã trở về nhà, và họ vô tình truyền virus cho các thành viên trong gia đình và hàng xóm của mình.

Vào tối ngày 13/3, cư dân mạng Vũ Hán Zhang Yi đã phát trực tiếp một đoạn video cho thấy xe cứu thương tới đón bệnh nhân từ nhà của họ, nhưng khi xe dừng lại ở một bệnh viện, bệnh nhân này đã bị từ chối tiếp nhận do bệnh viện đã quá tải.

Du Miên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Sau khi Vũ Hán đóng cửa các bệnh viện dã chiến, bệnh nhân bị từ chối điều trị