Trung Quốc: Tài chính eo hẹp, nhiều nơi sa thải nhân viên ngoài biên chế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc đã bắt đầu sa thải nhân viên ngoài biên chế trên quy mô lớn, điều này đang được xã hội quan tâm rộng rãi. Trước đó, chính quyền trung ương Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra thông báo yêu cầu chính quyền các cấp “thắt lưng buộc bụng” và chuẩn bị cho “những tháng ngày khó khăn”.

Sau khi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố tinh giảm 5% biên chế trong các cơ quan nhà nước, nhiều địa phương đã lần lượt ra thông báo thanh lọc nhân viên ngoài biên chế trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Có thể kể đến như thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, thành phố Cù Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, thành phố Đồng Thành và Thiệu Dương thuộc tỉnh An Huy, v.v.

Tờ Tuần báo Tin tức Trung Quốc (China Newsweek) ngày 25/3 đưa tin, Ủy ban Biên chế Cơ quan của thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang gần đây đã công bố phương án thanh lọc nhân viên ngoài biên chế. Theo đó, phương án này được tiến hành từ tháng 3 đến cuối tháng 6.

Điều đáng chú ý là trước khi loại bỏ các lao động ngoài biên chế, trong những năm gần đây thành phố Cáp Nhĩ Tân đã thực hiện ít nhất hai đợt cải cách trong các cơ quan công quyền và sa thải lao động thuộc biên chế.

Giáo sư Mã Lượng (Ma Liang) của Trường Hành chính công thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng, không chỉ Cáp Nhĩ Tân, các tỉnh phát triển ở khu vực ven biển cũng tồn tại hiện tượng này.

Động thái sa thải này phát đi tín hiệu gì?

Giáo sư Nhiếp Huy Hoa (Nie Huihua) của Trường Kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng:

Thứ nhất, chính quyền trung ương đã quyết định tinh giảm số nhân viên biên chế, cho nên chính quyền địa phương cũng sẽ có hành động. Tỷ lệ trong biên chế và ngoài biên chế có quan hệ mật thiết với nhau, sau khi cắt giảm nhân viên ngoài biên chế, số lượng nhân viên trong biên chế cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thứ hai, do tài chính địa phương eo hẹp, dịch bệnh bùng phát ba năm khiến nền kinh tế suy giảm và chi tiêu tài chính tăng lên, nên việc cắt giảm nhân viên ngoài biên chế có thể là cách để giảm gánh nặng tài chính.

Bộ Tài chính Trung Quốc: ‘Thắt lưng buộc bụng’ là chính sách lâu dài

Vào ngày 1/3, ông Lưu Côn (Liu Kun), Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng "các cơ quan của đảng và chính phủ kiên trì không dao động trong những tháng ngày eo hẹp [tài chính]" và rằng đây “không phải là một biện pháp ngắn hạn, mà là chính sách phương châm cần được tuân thủ trong lâu dài”.

Ông cũng đề cập rằng, Bộ Tài chính sẽ lên kế hoạch dự toán chặt chẽ, cắt giảm và hủy bỏ các khoản chi tiêu hiệu quả thấp và không hiệu quả, đồng thời thúc giục chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng hệ thống đánh giá khả năng thu chi eo hẹp và cố gắng giảm chi phí vận hành hành chính.

Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2019, chính quyền ĐCSTQ đã nhiều lần ra thông báo, yêu cầu chính quyền các cấp “thắt lưng buộc bụng” và chuẩn bị cho “những tháng ngày khó khăn”.

Chính quyền địa phương Trung Quốc nợ nần chồng chất

Theo báo cáo ngân sách hàng năm của chính quyền địa phương ĐCSTQ, trong năm 2022 các tỉnh đã chi ít nhất 352 tỷ nhân dân tệ (hơn 51 tỷ USD) cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Thế nhưng, chính quyền trung ương đã có hai động thái gây ảnh hưởng đến nguồn thu của chính quyền địa phương. Một là thực hiện chính sách cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế. Hai là đàn áp các nhà phát triển bất động sản, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng bất động sản lan rộng khắp Trung Quốc. Thu nhập liên quan đến bất động sản thường chiếm hơn 30% doanh thu của chính quyền địa phương.

Chi tiêu tài chính tăng mạnh và thu nhập giảm mạnh đã khiến các chính quyền địa phương rơi vào cảnh khốn đốn. Họ phải liên tục vay nợ để lấp đầy khoảng trống.

Vào ngày 29/1 năm nay, Vụ Ngân sách thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố báo cáo "Tình hình số dư nợ và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tháng 12/2022”. Theo đó, tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, số dư nợ của chính quyền địa phương trên cả nước lên tới 35 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 5.000 tỷ USD), cao hơn mức 30,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 4.400 tỷ USD) của năm 2021.

Nợ ẩn tích lũy thông qua các phương tiện tài chính do chính quyền địa phương phát hành (LGFV) có thể khiến tổng gánh nợ tăng hơn gấp đôi. Ông Tống Hậu Trạch (Houze Song), một nhà nghiên cứu về nền kinh tế Trung Quốc tại tổ chức tư vấn MacroPolo, ước tính rằng khoản nợ mà LGFV nắm giữ đã vượt quá 70% GDP.

Theo một phản hồi đề án được tiết lộ trên trang web chính thức của Bộ Tài chính Trung Quốc, trước rủi ro nợ rõ ràng của các chính quyền địa phương, chính quyền trung ương duy trì nguyên tắc không cứu trợ và thực hiện “con ai người nấy lo”. Văn bản này cũng đề xuất thiết lập cơ chế xử lý nợ xấu để chia sẻ rủi ro giữa bên nợ và chủ nợ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Tài chính eo hẹp, nhiều nơi sa thải nhân viên ngoài biên chế