Trung Quốc tăng cường tuyên truyền nhằm kêu gọi ủng hộ luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường nỗ lực tuyên truyền quốc tế bằng chiến dịch lấy chữ ký của những người nổi tiếng, nhằm ủng hộ luật an ninh hà khắc đối với Hong Kong.

Đồng thời, cảnh sát Hong Kong đã cấm tổ chức lễ đốt nến tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Đây là lần đầu tiên lễ tưởng niệm này bị cấm kể từ năm 1997 khi Hong Kong được bàn giao cho Trung Quốc.

Các tổ chức thân Bắc Kinh tại Hong Kong cho biết họ đã thu thập được ba triệu chữ ký trong chiến dịch toàn thành phố ủng hộ luật an ninh quốc gia, nhằm vào “các hành động và hoạt động" bị coi là có mục đích lật đổ, có chủ đích, bị lực lượng nước ngoài xúi giục hoặc ủng hộ độc lập.

Mặc dù chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền lên án mạnh mẽ điều luật mới, và cho rằng điều này báo hiệu sự chấm dứt quyền tự trị và tư cách pháp lý của Hong Kong, luật an ninh này vẫn sẽ được áp dụng, bỏ qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong.

Các chữ ký được thu thập bởi các nhóm thân Bắc Kinh và nhân viên của các công ty Trung Quốc tại Hong Kong, theo đài truyền hình chính phủ Hong Kong RTHK đưa tin.

Khoảng 2.400 ca sĩ, diễn viên và các thành viên khác của ngành công nghiệp giải trí Hong Kong, vốn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc Đại lục, cũng ủng hộ luật này.

Những người tham gia ký tên ủng hộ bao gồm những nhân vật nổi tiếng thân Trung Quốc như Thành Long, Đàm Vịnh Lân, Vương Tổ Lam và Huỳnh Hạo Nhiên.

Trước viễn cảnh cảnh sát Trung Quốc hoạt động trong thành phố để “thực thi luật pháp”, rất nhiều người dân Hong Kong đã xin cấp hộ chiếu ở nước ngoài (BNO) của Vương Quốc Anh [theo Hong Kong Acts ban hành năm 1985 trước khi Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc].

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết London sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người có hộ chiếu này được ổn định ở Anh, gia hạn giấy phép miễn thị thực để họ sống và làm việc ở Anh từ sáu tháng đến một năm, và có thể tiếp tục gia hạn và cấp quyền công dân.

Hơn 300.000 người Hong Kong hiện đủ điều kiện để được cấp hộ chiếu, được hỗ trợ lãnh sự nhưng không được cấp quyền công dân [theo yêu cầu của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán trước khi trao trả Hong Kong].

Một chiến tuyến mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, tổ chức họp báo về Trung Quốc vào ngày 29/5/2020, tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington, DC. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP / Getty Images)

Nhà bình luận chính trị Hong Kong Lam Kei cho biết đặc khu này đang trở thành tiền tuyến của cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây.

Ông Lam viết: "Trong cuộc chiến vì tự do, dân chủ chống lại chủ nghĩa toàn trị, Hong Kong là chiến tuyến mới. Việc ĐCSTQ vi phạm các nghĩa vụ của hiệp ước được quy định trong Tuyên bố chung Trung-Anh đã không chỉ là vấn đề đối với người dân Hong Kong."

“Nó cũng cho thấy Bắc Kinh có thể giẫm đạp lên đạo đức để theo đuổi các mục tiêu của mình và sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong tương lai", ông Lam nói trong một bài bình luận được phát bởi RFA [Đài Phát thanh Tự do Á châu] ở Quảng Đông.

Theo ông Lam, những vấn đề mà Hong Kong đang phải đối mặt sẽ tiếp tục xảy ra ở Đài Loan, Đông Nam Á, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ trong tương lai. "[Từ sự kiện này] có thể suy ra như vậy", ông viết.

Năm vị giám đốc của năm trường đại học ở Hong Kong [Đại học Hong Kong, Đại học Trung Hoa [CUHK], Đại học Lĩnh Nam, Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm] cho biết, họ “hiểu sự cần thiết của luật an ninh quốc gia” trong việc duy trì ổn định xã hội và trật tự nơi công cộng.

Sự ủng hộ của những người đứng đầu các trường đại học trên là dấu hiệu cho thấy luật an ninh mới sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận trong thành phố.

Trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019, ​​những trận chiến gay gắt giữa sinh viên và cảnh sát chống bạo động đã diễn ra tại Đại học Bách khoa và CUHK. Cảnh sát đã bắn hàng ngàn viên hơi cay vào sinh viên khi họ tạo chướng ngại vật và ném cocktail Molotov vào cảnh sát để ngăn cảnh sát vào trường.

Các tổ chức nhân quyền và y tế cho biết cuộc chiến trên đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi cảnh sát bắt giữ các nhân viên y tế đang cố gắng giúp đỡ chữa bệnh và băng bó vết thương cho người biểu tình.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng các trường Đại học Khoa học và Công nghệ, Đại học Baptist và Đại học Thành phố đã không ký vào bản tuyên bố.

Lễ thắp nến tưởng niệm nạn nhân cuộc thảm sát Thiên An Môn bị cấm

Mọi người cầm nến khi tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến tại Công viên Victoria vào ngày 4/6/2019 tại Hồng Kông, Trung Quốc. Có tới 180.000 người dự kiến sẽ tham dự một buổi cầu nguyện dưới ánh nến ở Hồng Kông vào thứ ba trong lễ kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, khi lễ tưởng niệm diễn ra tại các thành phố trên khắp thế giới vào ngày 4/6 để tưởng nhớ những người đã chết khi quân đội Trung Quốc nghiền nát những người biểu tình ủng hộ dân chủ. (Ảnh của Anthony Kwan / Getty Images)
Mọi người cầm nến khi tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến tại Công viên Victoria vào ngày 4/6/2019 tại Hồng Kông, Trung Quốc. Có tới 180.000 người dự kiến sẽ tham dự một buổi cầu nguyện dưới ánh nến ở Hồng Kông vào thứ ba trong lễ kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, khi lễ tưởng niệm diễn ra tại các thành phố trên khắp thế giới vào ngày 4/6 để tưởng nhớ những người đã chết khi quân đội Trung Quốc nghiền nát những người biểu tình ủng hộ dân chủ. (Ảnh của Anthony Kwan / Getty Images)

Chiến dịch tuyên truyền quốc tế của Trung Quốc được tung ra khi cảnh sát cấm tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện hàng năm để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua, lễ tưởng niệm bị cấm tổ chức tại Hong Kong.

Liên minh Hong Kong ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc - nhà tổ chức buổi cầu nguyện, đã kêu gọi mọi người thắp nến bất cứ nơi nào họ có thể thay vì tại buổi lễ.

Cảnh sát nói rằng một cuộc tụ tập như vậy là "mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng" trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

You Weijie, phát ngôn viên của Tổ chức Các bà mẹ Nạn nhân Thiên An Môn, cho biết cô tin rằng các nạn nhân sẽ được tưởng niệm ở Hong Kong, bất chấp những gì đang xảy ra.

"Tôi biết rằng người Hong Kong luôn ủng hộ chúng tôi. Vào ngày 4/6 này, tôi biết người dân Hong Kong sẽ tự thắp nến tưởng niệm tại bất cứ nơi nào họ có thể", cô phát biểu với kênh truyền hình RTHK.

Nguyên Hương

Theo RFA



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tăng cường tuyên truyền nhằm kêu gọi ủng hộ luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong