Trung Quốc tập trận hải quân ở Biển Đông và biển Bột Hải trong khi Nga - Ukraine giao chiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi Nga đang xâm lược toàn diện vào Ukraine, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành huấn luyện quân sự ở các khu vực trên Biển Đông và Biển Bột Hải từ ngày 27/2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Đài Loan nên cảnh giác nhưng không nên diễn giải hành động của Trung Quốc quá mức để tránh giúp Bắc Kinh tuyên truyền và tạo ra hiệu ứng hăm dọa.

Trang web của Cục An toàn Hàng hải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (MSA) mới đây đã đưa ra cảnh báo hàng hải, cho biết từ 11h đến 15h các ngày từ 27/2 đến 1/3, sẽ tiến hành huấn luyện quân sự ở một số vùng biển tại Biển Đông, và (tàu thuyền) bị cấm đi vào.

Đồng thời, Cơ quan An toàn Hàng hải của thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh cũng đưa ra cảnh báo hàng hải rằng, từ 16h ngày 27/2 đến 16h ngày 13/3, sẽ thực hiện các nhiệm vụ quân sự ở phía bắc Hoàng Hải thuộc eo biển Bột Hải, và (tàu thuyền) bị cấm đi vào.

Ngoài ra, từ ngày 24 - 28/2, Trung Quốc cũng liên tục điều máy bay xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam của Đài Loan, và bị lực lượng tuần tra trên không của không quân Đài Loan trục xuất.

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc hiện cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Nhà chức trách lo lắng rằng Trung Quốc có thể lợi dụng tình hình hiện tại để ra tay với Đài Loan.

Phân tích: Bắc Kinh muốn lợi dụng các kênh truyền thông để mở rộng tuyên truyền, nhằm tạo hiệu ứng hăm dọa

Liên quan đến các vấn đề trên, The Epoch Times đã phỏng vấn ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan (Institute for National Defense and Security Research), và ông Lý Chính Tu (Li Zhengxiu), một chuyên gia quân sự Đài Loan, vào ngày 28/2.

Ông Tô cho rằng Đài Loan nên duy trì cảnh giác trước các cuộc tập trận quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng cũng không cần tự dọa chính mình.

Ông nói, cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông không cấm máy bay qua lại mà chỉ kiểm soát tàu thuyền trên mặt biển, nên đây chỉ là cuộc tập trận vũ khí quy mô nhỏ. Nếu những thông điệp này của Trung Quốc được khuếch đại quá mức, ngược lại sẽ hình thành một cái gọi là "chiến tranh nhận thức".

Ông chỉ ra rằng, trước giờ ĐCSTQ luôn theo hướng 7 phần chính trị 3 phần quân sự. Cuộc tập trận quân sự của nước này rất có khả năng là cuộc thử nghiệm định kỳ đối với các loại vũ khí nhỏ, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc thường sẽ nhân cơ hội này để tuyên truyền rầm rộ nhằm tạo hiệu ứng chính trị.

Bức ảnh máy bay quân sự của ĐCSTQ quấy rối Đài Loan. (Do Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc cung cấp)

Ông Tô nói, "Việc này đã xuất hiện nhiều lần từ năm 2018, và mỗi lần đều nói là nhằm vào Đài Loan hoặc là cuộc tập trận đổ bộ lên đảo. Thực tế nó có thể chỉ là cuộc tập trận cấp trung đội hoặc đại đội, nhưng lại được đưa tin rầm rộ trên các kênh truyền thông. Điều này tương đương với việc uy hiếp Đài Loan với chi phí rất thấp. Nếu chúng ta diễn giải nó một cách thái quá, sẽ tương đương với việc giúp ĐCSTQ làm công tác tuyên truyền, điều này sẽ gây bất lợi".

Ông nhấn mạnh, “Chúng ta cần chắt lọc những thông tin này thật kỹ để đưa ra những phán đoán chính xác, chứ không nên phản ứng thái quá với một cuộc diễn tập nhỏ”. “Cần tránh tạo thành trạng thái tê liệt trước quá nhiều tiếng hét ‘sói đến’, đây mới là chỗ cần thận trọng".

Chuyên gia quân sự Đài Loan Lý Chính Tu cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông nói rằng đối thủ quân sự lớn nhất của ĐCSTQ hiện tại là Hoa Kỳ. Mục đích chính của các cuộc tập trận trên biển lần này là để phòng khi xảy ra chiến tranh, ĐCSTQ sẽ ứng phó với liên quân Mỹ - Nhật và phản ứng trước các bố trí quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương như thế nào.

Ông Lý nói rằng, bởi vì đây là một đề bài tương đối mới đối với ĐCSTQ, là một bước chuẩn bị chiến thuật tương đối mới. Dù gì thì Hoa Kỳ cũng đã triển khai quân sự ở Tây Thái Bình Dương trong một thời gian dài kể từ Thế chiến II. Do hạn chế về sức mạnh quân sự nên Hải quân Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các hoạt động gần bờ. Nhưng khi toàn bộ vũ khí của họ được hiện đại hóa và nâng cấp, tất nhiên Hải quân Trung Quốc sẽ từ từ bước ra khỏi vùng gần bờ.

Phân tích: Eo biển Đài Loan không giống như chiến trường Ukraine

Ông Lý Chính Tu nói rằng Hoa Kỳ luôn quan tâm đến an ninh và sự ổn định của Tây Thái Bình Dương. Vì Châu Á hiện là một đầu tàu quan trọng của nền kinh tế thế giới và là một thị trường rộng lớn, nên đối với Hoa Kỳ, vị trí chiến lược như vậy không thể mất đi. Vì vậy, Mỹ sẽ sử dụng các lợi thế ngoại giao và quân sự để tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo của mình.

Ông cho rằng mặc dù Trung Hoa Dân Quốc không có quan hệ ngoại giao chính thức với Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ có trách nhiệm đạo đức đối với sự an toàn của Đài Loan. Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Đài. Dù Washington chưa nói rõ có đưa quân đến hay không, nhưng rõ ràng sự an nguy của Đài Loan rất quan trọng đối với Mỹ. Đó là lý do tại sao họ đã nhiều lần nhắc nhở ĐCSTQ không được sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan, vì điều này chắc chắn sẽ buộc Hoa Kỳ phải ra tay.

Ông Tô Tử Vân cũng nhấn mạnh rằng, việc tấn công vào eo biển Đài Loan không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với ĐCSTQ. Ông nói, eo biển Đài Loan khác với chiến trường Ukraine, Ukraine là chiến tranh trên bộ, còn eo biển Đài Loan là chiến trường trên biển và trên không. Tại eo biển Đài Loan, ĐCSTQ sẽ phải tập trung quân đội lên tàu và vượt biển, nó sẽ rất dễ bị đánh bại. "Vì vậy, Đài Loan may mắn hơn Ukraine rất nhiều. Chỉ cần tận dụng tốt vị trí địa lý, điều kiện địa hình, và đầu tư quân sự hợp lý là có thể tạo được thế bất khả chiến bại".

Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở rằng, Nga đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh cũng đang tăng cường mạnh mẽ khả năng phóng vũ khí hạt nhân và sản xuất đầu đạn hạt nhân. Vì vậy việc đổi mới hệ thống phòng thủ tên lửa rất quan trọng, hệ thống phòng thủ tên lửa phải hoàn thiện hơn thì mới có thể ngăn chặn những vụ đe dọa hạt nhân như vậy.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tập trận hải quân ở Biển Đông và biển Bột Hải trong khi Nga - Ukraine giao chiến