Chuyên gia: Trung Quốc thanh trừng làng giải trí, Đại Cách mạng Văn hóa tái hiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên gia cho rằng, trong 20 năm qua, các nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã liên minh với các doanh nhân giàu có, rồi lại kết giao với các quan chức thông qua đường dây trên. Vậy nên họ rất dễ trở thành công cụ tranh giành quyền lực hoặc trở thành vật hy sinh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng rất lo sợ sức ảnh hưởng của các ngôi sao đối với lượng người hâm mộ khổng lồ của họ.

Ngày 27/8, Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) ban hành "Thông báo về tăng cường quản trị hỗn loạn trong các cộng đồng người hâm mộ (fandom)”, đề xuất 10 biện pháp như: bãi bỏ tất cả các bảng xếp hạng nghệ sĩ ngôi sao, điều chỉnh tối ưu các quy tắc xếp hạng, quản lý chặt chẽ công ty đại diện của ngôi sao, điều chỉnh tài khoản của người hâm mộ, đưa ra quy tắc cho các hoạt động hùn góp tiền...

Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố rằng, đây là biện pháp thắt chặt hơn sau khi CAC phát động chiến dịch kiểm soát hỗn loạn giữa các fandom vào tháng 6 năm nay.

Về mức độ ảnh hưởng, các nền tảng như Weibo, Douyin (phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok) và Kuaishou đều đã xóa danh sách xếp hạng liên quan đến người nổi tiếng.

Sau thông báo này, nhiều nghệ sĩ đại lục, bao gồm Vương Nhất Bác (Wang Yibo), Hàn Canh (Han Geng), Mạnh Mỹ Kỳ (Meng Meiqi) và Phạm Thừa Thừa (Fan Chengcheng), đã biểu đạt thái độ trên Internet và hưởng ứng lời kêu gọi của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc.

Cơn bão chấn chỉnh nghệ sĩ ngành giải trí

Chính quyền Trung Quốc đột nhiên chuyển mục tiêu sang ngành công nghiệp giải trí. Từ tối ngày 26/8 đến ngày 27/8, tin tức người nổi tiếng bị chấn chỉnh liên tục tăng cao thứ hạng trong danh sách tìm kiếm nóng của Weibo đại lục.

Trong số đó phải kể đến Trịnh Sảng (Zheng Shuang), ngôi sao từng dính scandal nhờ mang thai hộ và bỏ rơi con. Ngày 27/8, cô bị cơ quan chức năng thông báo về hành vi trốn thuế và phải nộp phạt 299 triệu nhân dân tệ (tương đương với hơn 1.000 tỷ VNĐ). Nhiều tác phẩm của Trịnh Sảng đã bị gỡ và Weibo bị cấm vĩnh viễn.

Vào tối ngày 26/8, ngôi sao Triệu Vy cũng bất ngờ bị “phong sát” toàn bộ trên mạng Internet, rất nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng của cô như "Hoàn Châu Cách Cách” đã bị gỡ bỏ, tên của cô cũng bị xóa khỏi danh sách những nhân vật chính. Tìm kiếm cái tên “Triệu Vy” trên nhiều trang web video nhưng đều không có kết quả.

“Phong sát” là một từ Hán Việt, có thể hiểu là lệnh cấm vận đối với các nghệ sĩ ở Trung Quốc. Bất kỳ ai dính tới “phong sát” cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp, không được phép tham gia hoạt động nghệ thuật.

Ngoài ra, còn có các tin tức như ca sĩ Hoắc Tôn (Huo Zun) rút khỏi showbiz; nhiều nhóm người hâm mộ của diễn viên Triệu Lệ Dĩnh (Zhao Liying) bị đóng cửa; tài khoản Weibo studio của Lâm Tâm Như (Ruby Lin Xinru) dừng hoạt động mà không có thông báo trước, v.v.

Trang tin tức đại lục NetEase cho biết vào ngày 27/8 rằng, chỉ trong vài giờ, dường như làng giải trí Hoa ngữ đã xảy ra một trận động đất lớn.

Phân tích: Tấn công ngành giải trí = thâu tóm của cải

Nhà bình luận gốc Hoa Tất Hâm (Bi Xin) nói rằng, trong 20 năm qua, các nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã liên minh với các doanh nhân giàu có, tham gia vào phát triển bất động sản, kinh doanh tài chính và kinh doanh nền tảng Internet, rồi lại kết giao với các quan chức thông qua các doanh nhân trên. Vậy nên họ rất dễ trở thành công cụ tranh giành quyền lực hoặc trở thành vật hy sinh.

Ông Trần (Chen), một công chức trong thể chế ở Trung Quốc, nói với phóng viên The Epoch Times rằng ngoài việc chấn chỉnh và tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp giải trí, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn muốn thâu tóm của cải trong ngành này.

Ông nói rằng động thái hiện tại của ĐCSTQ là “cắt rau hẹ” giới giải trí, tức là cắt tận, thu tận. Trước hết họ khuấy động dư luận và khiến toàn dân căm ghét giới này, sau đó chính quyền trung ương sẽ phạt nặng và thanh trừng họ. Nguyên nhân là do chính quyền trung ương đang gặp khủng hoảng tài chính, và cần phải thu hoạch từ nhóm người không có quyền không có thế nhưng lại có thu nhập khủng này.

Ông Trần chỉ ra rằng, ĐCSTQ tịch thu của những người giàu và các công ty tư nhân, nhưng các ngành công nghiệp và doanh nghiệp do giới quyền quý cấp cao trong đảng điều hành thì không thể đụng đến một sợi tóc. “Họ đem những người không có quyền có thế ra để giết gà dọa khỉ. Chính là như vậy".

Việc chỉnh đốn giới giải trí cũng bao hàm yếu tố chính trị

Bà Cao Du (Gao Yu), một người làm truyền thông thâm niên ở Bắc Kinh, tweet rằng những nỗ lực thanh trừng ngành giải trí của chính quyền trung ương đã trở thành xu thế không thể ngăn cản, có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và mạng Internet, có thể được coi là tiền đồn của “thịnh vượng chung"?

Vào ngày 17/8, ông Tập Cận Bình đã triệu tập cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh "thịnh vượng chung", xây dựng hệ thống "phân phối ba lần" và "điều tiết thu nhập bất hợp lý", v.v. Tuyên bố này khiến ngoại giới liên tưởng đến việc ĐCSTQ đang cướp bóc tài sản tư nhân và thu hoạch các doanh nghiệp!

Chuyên gia: Đàn áp người có tầm ảnh hưởng giống như làm "Cách mạng Văn hóa mới"

Vào ngày 27/8, ông Akio Yaita, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun Nhật Bản, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA): “Bây giờ chính phủ [Trung Quốc] lợi dụng lòng căm thù, lòng đố kỵ, lòng ngưỡng mộ của công chúng đối với những người giàu có và nổi tiếng. Trước tiên nhận định những người này là tội phạm và triệt để bêu xấu họ. Đây là một kiểu vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng".

Ông đề cập rằng, trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, một số nữ diễn viên đã bị treo giày hỏng lên cổ và bị bắt đi diễu phố vì diễn các mối quan hệ lãng mạn trong phim, họ bị chỉ trích là phần tử bại hoại đạo đức. Giờ đây, chính quyền ĐCSTQ cũng đang đứng trên đỉnh cao của chế định đạo đức để chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí, khiến người dân nghe theo một cách mù quáng, giống như đang phát động một cuộc "Đại Cách mạng Văn hóa Mới".

Ông Akio Yaita phân tích rằng, việc ĐCSTQ đàn áp ngành giải trí cũng bao hàm mục đích chính trị, đó là tăng cường kiểm soát xã hội. Các nhà chức trách cho rằng, một số ngôi sao rất có tiếng nói đối với lượng người hâm mộ khổng lồ của họ, điều này rất bất lợi cho chính phủ trung ương tập quyền của ĐCSTQ. Vụ bắt giữ ngôi sao Ngô Diệc Phàm (Wu Yifan) từng có tác động rất lớn, một lượng lớn người hâm mộ của Ngô thậm chí còn lập nhóm thảo luận trên mạng để tìm cách giải cứu và xúi giục cướp tù.

Ông nói rằng, hiện nay ĐCSTQ đang có cảm giác khủng hoảng lớn trên phương diện cai trị, khi họ nhận ra vấn đề này, họ nhất định phải dập lửa, nếu không sẽ không thể ngủ nổi.

Cô Diêu (Yao) đến từ Trung Quốc đại lục, một người thân cận với ngành giải trí, cũng cho biết rằng một phong trào chỉ trích những người nổi tiếng tương tự Đại Cách mạng Văn hóa đã bắt đầu, có rất nhiều người đang thu thập chuyện xấu trong quá khứ của những người nổi tiếng trên Internet. Bây giờ tất cả minh tinh ngành giải trí đều đang gặp nguy.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc thanh trừng làng giải trí, Đại Cách mạng Văn hóa tái hiện