Trung Quốc thêu dệt huyền thoại ‘không’ có ca nhiễm virus Corona Vũ Hán mới nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hành động kiểm duyệt và bóp méo thông tin về tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc đang là mối đe dọa đối với sức khỏe của cộng đồng thế giới và là hành động vi phạm nhân quyền.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một khẩu hiệu mới: “Không”, điều này nghĩa là mục tiêu các ca nhiễm virus Corona Vũ Hán mới sẽ giảm về 0. Việc đạt được mục tiêu này rất quan trọng để ông Tập có thể tiến tới mục tiêu lớn hơn của mình, đó là lãnh đạo và thống trị toàn cầu. Trong khi ông Tập phải “minh oan” trước thế giới rằng hệ thống chính trị “toàn trị” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đánh bại dịch virus, sự thật về tình hình dịch bệnh trong nước Trung Quốc trở thành trở ngại lớn nhất cho tham vọng của ông.

Trong nhiều năm nay, ĐCSTQ đã cố gắng lãnh đạo Trung Quốc để trở thành “nhà vô địch”, với tham vọng thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới theo một trật tự toàn cầu mới. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 ở Davos, Thụy Sĩ, ông Tập đã phát biểu rằng chính phủ Trung Quốc quyết tâm trở thành một quốc gia đảm nhiệm trọng trách, trong việc bảo vệ và đóng góp cho các nỗ lực đa phương để “bảo đảm hòa bình và giảm thiểu nghèo đói”. Ông được hoan nghênh vì phản đối Chính sách Bảo hộ Mậu dịch. Ông tuyên bố: “Tất cả các quốc gia nên xem xét lợi ích riêng của mình trong bối cảnh rộng lớn hơn, và kiềm chế theo đuổi lợi ích riêng bằng chi phí của quốc gia khác”.

Ngoài ra, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để khẳng định ảnh hưởng của mình trong các tổ chức toàn cầu, đặc biệt là các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Hiện tại, 4/15 lãnh đạo của các cơ quan trên là người Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (thông qua video trực tuyến) vào ngày 26/3, ông Tập thể hiện quyết tâm trở thành nhà lãnh đạo thế giới.

Để thành công trong cuộc “viễn chinh” xuyên qua cộng đồng quốc tế, ông Tập cần tạo dựng được uy tín trong việc ứng phó với các thách thức như dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong một bài báo gần đây trên tờ Foreign Affairs, hai nhà theo dõi tình hình Trung Quốc kỳ cựu, Kurt M. Campbell và Rush Doshi, đã chỉ ra rằng tính hợp pháp của một nhà lãnh đạo toàn cầu phụ thuộc vào sự lãnh đạo của người đó đối với chính quyền trong nước, khả năng cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu, khả năng và sự sẵn sàng tập hợp và phối hợp phản ứng toàn cầu đối với các cuộc khủng hoảng. Để lãnh đạo thế giới ứng phó với đại dịch, Trung Quốc phải đưa ra mô hình kiểu mẫu trên toàn cầu.

Kế hoạch lâu dài của ông Tập gặp phải một cú “phản đòn” mạnh mẽ, với những tiết lộ về việc chính quyền của ông đang che đậy và bóp méo sự thật về tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán; cũng như những tiết lộ về việc ĐCSTQ đang nỗ lực “đổi trắng thay đen”, thêu dệt câu chuyện về thành tích “anh hùng” của họ. Tất cả những bằng chứng đều được ghi chép lại. Kế hoạch của ông Tập có thể bị “mắc cạn” nếu dịch bệnh bùng phát lần thứ hai ở Trung Quốc. Theo một số chuyên gia cảnh báo, đây là điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh này, ĐCSTQ đang xoay chuyển theo chiến thuật truyền thống của họ: tuyên truyền và kiểm soát thông tin.

Vô hiệu hóa các kênh truyền thông độc lập

Trung Quốc đã trục xuất các phóng viên của tờ Washington Post, New York Times Wall Street Journal vì không thể kiểm soát được các nguồn tin này. ĐCSTQ không ngừng đàn áp các nhà báo độc lập để dập tắt thông tin về sự lạm quyền và vô nhân đạo của chính quyền, đặc biệt là trong vấn đề đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo, bắt giam hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Trong xếp hạng về tự do báo chí quốc tế trên thế giới, Trung Quốc xếp hạng rất thấp. Năm 2019, trong một cuộc khảo sát trên 180 quốc gia liên quan đến độc lập truyền thông, đa nguyên truyền thông và tôn trọng sự an toàn và tự do của các nhà báo, tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders) xếp hạng Trung Quốc ở vị trí thứ 177. Trong báo cáo mới của Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc tại Bắc Kinh (FCCC) có tiêu đề: “Kiểm soát, Dừng hoạt động, Xóa: Báo giới ở Trung Quốc bị đe dọa trục xuất”, các nhà báo nước ngoài đã ghi chép các hình thức giới chức Trung Quốc sử dụng nhằm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của họ.

Bắc Kinh đã trì hoãn và hạn chế cấp thị thực cho các nhà báo nước ngoài. Trong khi visa cấp cho các nhà báo dài hạn (J1 Visa) thông thường là 1 năm, đối với những phóng viên nước ngoài nào đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc thì họ chỉ được cấp thị thực giới hạn. Năm 2018, có 5 phóng viên nước ngoài đã phải nhận thị thực giới hạn. Năm 2019, có ít nhất 10 phóng viên phải nhận thị thực tối đa 6 tháng. Thị thực ngắn hạn khiến phóng viên phải gia hạn thường xuyên và việc gia hạn cũng bị chính quyền Bắc Kinh gây khó khăn, không chỉ đối với nhà báo mà còn cả với cả gia đình của họ. Vấn đề này đã được nêu trong báo cáo của FCCC.

Ba phóng viên của Tạp chí Wall Street đã bị trục xuất vào ngày 19/2 vì viết bài chỉ trích sự ứng phó của Bắc Kinh trước sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, dưới tiêu đề: “Trung Quốc là ‘người bệnh’ của châu Á”. Khi tuyên bố lệnh trục xuất, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao nói rằng bài báo này là “sự phân biệt chủng tộc”. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, các nhà báo hợp pháp đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Từ sau năm 2013, cũng có một số nhà báo khác bị trục xuất nhưng là do hết hạn thị thực.

Bắc Kinh cũng đã thiết lập “đường ranh đỏ” cho các phóng viên nước ngoài, đặc biệt liên quan đến việc không được chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình và gia đình ông. Năm 2019, Bắc Kinh đã từ chối gia hạn thị thực cho 1 phóng viên khác của tạp chí Wall Street vì nhà báo này đã báo cáo về các cuộc điều tra tại Úc liên quan đến các hoạt động của một người thân trong gia đình ông Tập. Người này bị nghi ngờ có dính líu đến vấn đề tội phạm có tổ chức và các hoạt động rửa tiền. Trong báo cáo của FCCC, người đứng đầu văn phòng của một cơ quan truyền thông tiếng Anh, cho biết rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rõ với họ rằng, nếu họ không chịu đưa tin theo sự chỉ đạo, họ sẽ phải hứng chịu “cơn thịnh nộ” từ những “tay chân” thân cận khác của ông Tập, chứ không phải chỉ riêng từ Bộ ngoại giao.

Những bài viết chỉ trích cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng khiến chính quyền nổi giận. Năm 2018, Megha Rajagopalan, giám đốc văn phòng BuzzFeed News ở Bắc Kinh, đã bị từ chối gia hạn visa. Trong sáu năm ở Trung Quốc, bà Rajagopalan đã báo cáo rộng rãi về các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm đối tượng khác ở Tân Cương. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo coi việc chính phủ Bắc Kinh từ chối gia hạn thị thực trong những trường hợp như của bà Rajagopalan là “hành vi trả thù”.

Năm 2019, phóng viên Matt Rivers của CNN ở Bắc Kinh đã báo cáo rất nhiều về việc ông liên tục bị kiểm tra thị thực và bị sách nhiễu bởi các quan chức tỉnh Tân Cương trong chuyến công tác tới tỉnh này. Các nhà chức trách địa phương tìm mọi cách để ngăn chặn báo cáo của ông, tổ chức người theo dõi ông. Báo cáo của FCCC cũng cho biết, giới chức Trung Quốc thường xuyên có các cảnh báo đe dọa và xúc phạm nhằm gây áp lực tới người dân để họ tránh tiếp xúc với giới báo chí nước ngoài. Các nhà báo và nguồn tin của họ bị theo dõi bởi hệ thống nhận dạng khuôn mặt và các kỹ thuật giám sát khác của ĐCSTQ.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng kiểm duyệt phương tiện truyền thông mới một cách rộng rãi. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc đã chặn 18.000 trang web, trong đó có nhiều nguồn tin quốc tế độc lập. Trong số đó có các thuật ngữ kiểm duyệt trên Internet, như là: “quyền con người”, “đàn áp”, và các từ liên quan đến Quảng trường Thiên An Môn, người bất đồng chính kiến, và nhà hoạt động nhân quyền đoạt giải Nobel Lưu Hiểu Ba. Do thường đưa tin chỉ trích chính phủ Trung Quốc, đài BBC cũng đã bị chặn ở Trung Quốc. Tất cả các cuốn sách xuất bản tại Trung Quốc đều bị kiểm duyệt. Phạm vi kiểm duyệt và kiểm soát truyền thông của ĐCSTQ đã được chính ông Tập Cận Bình mô tả: “ĐCSTQ là cha, toàn bộ truyền thông là con đẻ”.

Phá vỡ sự bóp méo của truyền thông nhà nước

Chiến dịch “Không” này phụ thuộc vào sự kiểm duyệt thông tin, và mọi công dân Trung Quốc phải có nghĩa vụ chính trị phổ quát là cùng nhau phủ nhận cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của chính họ. Chính quyền Trung Quốc thao túng các số liệu thống kê y tế vì lợi ích chính trị của ĐCSTQ. Giới chức địa phương, nhân viên y tế, và, thực sự là, toàn xã hội Trung Quốc cần phải tham gia vào chiến dịch lừa dối này. Đây là nhiệm vụ mới nhất trong chuỗi nhiệm vụ bất khả thi mà ĐCSTQ yêu cầu người dân Trung Quốc thực hiện.

Điều này gợi nhớ đến chiến dịch “Đại Nhảy Vọt” với những báo cáo về “hạn ngạch năng suất phi lý” từ thời Mao Trạch Đông, và những hình phạt “chết người” của ông ta dành cho những ai dám chống lại. Cũng như nhà triết học Roger Scruton đã nói rằng: “Cần phải có biện pháp ép buộc không giới hạn, để khiến mọi người thực hiện những điều không thể”.

Gần đây, ĐCSTQ tuyên bố rằng hầu như không có ca nhiễm virus mới nào tại Vũ Hán, và bắt đầu mở cửa tỉnh Hồ Bắc. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát nhận thức của dân chúng về các sự kiện trong nước, sự tức giận và sự mất lòng tin vào chính phủ vô đạo đức và bất tài đã lan rộng trong quần chúng, và đang làm dấy lên làn sóng ngầm của các nhà báo dân chủ. Họ đang cố gắng phá vỡ bộ máy tuyên truyền chính thức của ĐCSTQ là Tân Hoa Xã (CCTV), Đài truyền hình Toàn cầu (CGTN), Nhật báo Nhân dân (People Daily), Thời báo Toàn cầu (Global Times) để phơi bày sự thật về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.

Bằng chứng họ đưa ra về dịch viêm phổi Vũ Hán là trái chiều với những tin tức của chính quyền. Những câu chuyện tiết lộ trên mạng xã hội Trung Quốc rằng chính quyền địa phương che dấu các ca nhiễm mới, bệnh viện được lệnh báo cáo các ca nhiễm mới là nhiễm cúm, hoặc viêm phổi thông thường. Các tin này đều bị kiểm duyệt hoặc bị xóa gần như ngay sau khi được đăng.

Dân chúng và cảnh sát ở các tỉnh lân cận biết rõ tình hình ở Hồ Bắc, và kể lại rằng Hồ Bắc chưa hề kiểm soát được dịch virus, và đã bị đóng cửa ngay sau khi có lệnh nới lỏng. Một video cho thấy có một cuộc bạo loạn xảy ra khi cảnh sát Hồ Bắc cố gắng mở cửa biên giới với Giang Tây. Người dân và cảnh sát ở Giang Tây đã chống đối vì sợ phải tiếp xúc với ổ dịch Hồ Bắc. Chính phủ khoe khoang về hàng loạt ca nhiễm virus được chữa khỏi, trong khi mạng truyền thông độc lập báo cáo rằng có tới 14% trong số này đã tiến hành xét nghiệm lại và có kết quả dương tính.

Chính quyền dường như đang “xào xáo” các thống kê về dịch bệnh, không báo cáo các trường hợp xét nghiệm dương tính không kèm triệu chứng. Các nhà kiểm duyệt nhanh chóng xóa một bức ảnh ra khỏi trang web Caixin cho thấy hình ảnh một chiếc xe tải chở 2.500 chiếc bình chứa đầy tro cốt của người chết được hỏa táng. Kiểm duyệt cũng loại bỏ báo cáo đi kèm rằng cùng ngày hôm đó cũng có một chiếc xe tải khác như vậy.

Trước đây, ĐCSTQ đã hạn chế luồng thông tin tự do đối với phóng viên người Mỹ và các nước dân chủ khác, chủ yếu liên quan đến vấn đề nhân quyền của người dân Trung Quốc, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, việc bóp méo sự thật của ĐCSTQ giờ đây không chỉ đơn thuần là “khó hiểu” đối với cộng đồng quốc tế, mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe của cộng đồng toàn cầu. Thực sự, đây là vấn đề sống còn của thế giới.

Jianli Yang là người sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc. Aaron Rhodes là biên tập viên nhân quyền của tạp chí Bất đồng chính kiến và là Chủ tịch Diễn đàn vì Tự do Tôn giáo Châu Âu.

Thu Hà

-Theo nationalreview

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thêu dệt huyền thoại ‘không’ có ca nhiễm virus Corona Vũ Hán mới nào