Trung Quốc thông qua bản dự thảo Luật Tổ chức, ông Tập ‘tiếp quản’ Quốc vụ viện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 11/3, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông qua "Luật tổ chức" tại lễ bế mạc. Có phân tích chỉ ra rằng, đây là một động thái của ông Tập Cận Bình nhằm tiếp tục tập trung quyền lực cao độ.

Chiều 11/3, tại lễ bế mạc Kỳ họp thứ tư Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 13 của ĐCSTQ, dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức đã được thông qua. Đây là lần sửa đổi đầu tiên sau 38 năm kể từ khi luật này được ban hành lại và thông qua vào năm 1982.

"Luật Tổ chức" sau khi được sửa đổi sẽ cho phép Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc bổ nhiệm và bãi miễn các vị trí cấp lãnh đạo của Quốc vụ viện trong khoảng thời gian không họp đại hội, ngoại trừ chức vụ Thủ tướng. Theo đó, Ủy ban này không những có thể quyết định người được chọn cho các vị trí Bộ trưởng, mà còn có thể bổ nhiệm và cách chức "các thành viên thuộc các cơ quan khác nằm dưới sự quản lý của Quốc vụ viện”, bao gồm các phó thủ tướng và các ủy viên của Quốc vụ viện.

Trước đây, các ứng cử viên cho chức vụ phó thủ tướng và ủy viên của Quốc vụ viện ĐCSTQ thường do Thủ tướng Quốc vụ viện đề cử trước. Sau đó các đề cử này sẽ được biểu quyết tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và cuối cùng do Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.

Ngày 11/3, tờ Apple Daily của Hong Kong đưa tin, có phân tích cho rằng ĐCSTQ sửa đổi "Luật Tổ chức" là để chuẩn bị cho cơ chế lãnh đạo của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình sau khi ông Tập tái đắc cử tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vào năm sau. Một phân tích khác chỉ ra rằng, cấp lãnh đạo của Quốc vụ viện ĐCSTQ có thể xảy ra biến động bất cứ lúc nào sau khi luật này được sửa đổi.

Trước đó, học giả theo chủ nghĩa hợp hiến ở Sơn Tây - ông Vương Chí Cường (Wang Zhiqiang) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, bề ngoài thì Luật Tổ chức mở rộng quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, nhưng trên thực tế vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ; điều đó cũng có nghĩa là Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường sẽ gần như không có quyền lực thực sự, thậm chí trở thành “Thủ tướng bù nhìn”.

Nhà bình luận Vương Hách (Wang He) gần đây đã viết trên tờ The Epoch Times rằng, nếu không có sự cố đặc biệt thì ban lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ (Bộ Chính trị) khó có thể xảy ra thay đổi về nhân sự, và động thái này của chính quyền ông Tập chủ yếu là để tập trung quyền lực hơn nữa. Có thể nói trước khi diễn ra "Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20", Tập Cận Bình sẽ tập quyền đến đỉnh cao.

Nhà bình luận chính trị hiện tại Lý Lâm Nhất (Li Linyi) thì cho rằng, trong các cuộc bầu cử quan chức chính phủ của ĐCSTQ, các ứng viên đều là những người được giới lãnh đạo cấp cao quyết định, kết quả đã được dàn xếp từ lâu và việc các đại biểu của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc “bỏ phiếu” chỉ là hình thức.

Theo NTDTV, ông Trịnh Hạo Xương (Zheng Haochang), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự hiện đang ở Mỹ, có cùng quan điểm với ông Lý Lâm Nhất, cho rằng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đều là do giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ chỉ định nên Ủy ban này sẽ không vì Luật Tổ chức được sửa đổi mà được tăng thêm quyền hạn. Ai làm phó thủ tướng thì ngay cả ông Lý Khắc Cường cũng không quyết được.

Ông Trình cũng cho rằng động thái của ĐCSTQ là để răn đe các quan chức cấp cao trong nhóm cốt lõi của ĐCSTQ rằng, nếu không nghe lời thì ông Tập Cận Bình có thể thay đổi họ bất cứ lúc nào, còn Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc chỉ cần đóng dấu là xong.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thông qua bản dự thảo Luật Tổ chức, ông Tập ‘tiếp quản’ Quốc vụ viện