Trung Quốc thông qua dự thảo sửa đổi hệ thống bầu cử Hong Kong; Anh, Mỹ, Đài, Nhật và EU lên án

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (11/3), Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bỏ phiếu thông qua "Quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc về việc Cải thiện Hệ thống Bầu cử của Đặc khu Hành chính Hong Kong". Động thái này đã làm dấy lên chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 11/3, kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 13 của ĐCSTQ đã họp bế mạc. "Dự thảo Quyết định về việc Cải thiện Hệ thống Bầu cử của Hong Kong" đã được thông qua với 2.895 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Theo thông tin, theo đúng thủ tục thì sau khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thông qua “Quyết định” trên, sẽ công bố các sửa đổi đối với Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của “Luật cơ bản Hong Kong”. Phụ lục 1 quy định cách bầu Đặc khu trưởng, Phụ lục 2 quy định cách thành lập hội đồng lập pháp.

Tờ Apple Daily của Hong Kong chỉ ra rằng, về số ghế trong hội đồng lập pháp, 5 khu vực bầu cử theo nghiệp đoàn (functional constituency) và 5 “siêu ghế” của họ sẽ bị hủy bỏ, và bổ sung thêm 25 ghế do Ủy ban Bầu cử đề cử.

Các nước lên án hành vi của ĐCSTQ

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong một tuyên bố: "Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tước đoạt các cuộc thảo luận dân chủ. Nó đi ngược lại với các cam kết của chính Trung Quốc. Với tư cách là một thành viên chính của cộng đồng quốc tế, điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc mất thêm lòng tin và sự tín nhiệm [của thế giới] đối với việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia này".

Hôm 10/3, Quốc hội Anh đã tranh luận về vấn đề Hong Kong. Các nghị viên của các đảng phái khác nhau đã chất vấn chính phủ Anh, rằng chính phủ không nên chỉ nói suông mà không làm gì, nên sử dụng "Đạo luật Nhân quyền Magnitsky" để trừng phạt bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và các quan chức Hong Kong, Trung Quốc khác.

Trong số đó, Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Layla Moran nói rằng các nhà dân chủ ở Hong Kong hiện đang ngồi tù, đài BBC bị Trung Quốc cấm phát sóng, Đại sứ Anh tại Trung Quốc bị khiển trách, cuộc bầu cử dân chủ [của Hong Kong] bị hủy bỏ, “Bất luận là có vạch lằn ranh đỏ như thế nào đi nữa thì chắc chắn là đã bị (ĐCSTQ) vượt qua", "Chỉ bằng cách thay đổi hành động, kẻ bắt nạt mới nghe hiểu những lời phê bình".

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Duncan Smith, các nghị sĩ Chris Bryant và Andrew Gwynne thuộc Đảng Lao động, v.v. đều tuyên bố rằng Vương quốc Anh không thể chỉ động khẩu không động thủ, "Đừng thoái thác làm lấy lệ nữa, bây giờ là lúc phải thực sự hành động”. Quan chức chuyên phụ trách khu vực Châu Á của Bộ Ngoại giao Anh Nigel Adams trả lời rằng, Anh đang xem xét một cách "thận trọng và thấu đáo" để áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân.

Đài Loan cũng đã bày tỏ thái độ về vấn đề này. Ông Khâu Thùy Chính (Qiu Chuizheng), Người phát ngôn của Ủy ban Đại lục (Mainland Affairs Council) thuộc Hành chính viện của Đài Loan, cho biết hôm 11/3, ông kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng hành vi đàn áp ngang ngược đối với nền dân chủ và tự do của Hong Kong, cần nỗ lực duy trì mức độ tự trị cao của Hong Kong và thực hiện lời hứa của họ với người dân Hong Kong.

Có kênh truyền thông đặt câu hỏi về việc gần 200 công chức ở Hong Kong đã từ chối ký vào tuyên bố ‘ủng hộ Luật Cơ bản và trung thành với Đặc khu hành chính Hong Kong’. Ông khâu nói rằng, một mặt, các quan chức Hong Kong đã làm trái lời hứa "Người Hong Kong cai trị Hong Kong với mức độ tự trị cao" và làm tổn hại đến các quyền và lợi ích cơ bản của người Hong Kong như quyền tự do, dân chủ và pháp quyền; mặt khác, lại yêu cầu công chức phải dùng giấy trắng mực đen để thề sẽ trung thành. Những tiêu chuẩn kép như vậy "khiến người trong thiên hạ đều không dám gật đầu bừa”.

Còn Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về việc cải cách hệ thống bầu cử ở Hong Kong của ĐCSTQ và thúc giục ĐCSTQ cho phép các cuộc bầu cử công bằng diễn ra ở Hong Kong.

Trước đó, khi ĐCSTQ tuyên bố sửa đổi dự thảo hệ thống bầu cử Hong Kong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/3 rằng, Hoa Kỳ lên án Trung Quốc vì "các cuộc tấn công liên tục [của chính quyền này] vào thể chế dân chủ của Hong Kong". Ông Price cũng nói rằng, những hành động này sẽ phá hoại nghiêm trọng thể chế dân chủ của Hong Kong và rằng Hoa Kỳ đứng cùng phía với người dân Hong Kong.

Bộ Ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã đưa ra tuyên bố vào ngày 5/3 rằng, ĐCSTQ đã vi phạm các nghĩa vụ trong chính quốc gia của họ và trên cả quốc tế; các biện pháp cải cách của ĐCSTQ sẽ đi ngược lại với các cải cách bầu cử trước đây của Hong Kong. EU kêu gọi Bắc Kinh xem xét cẩn thận tác động của bất kỳ quyết định nào nhằm thay đổi hệ thống bầu cử của Hong Kong; EU sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo để đối phó với tình trạng tự do chính trị và nhân quyền của Hong Kong ngày một xấu đi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Trình Tường (Ching Cheong), một nhà bình luận cấp cao về các vấn đề thời sự, đã phân tích cách làm của ĐCSTQ đối với Hong Kong và nói rằng, mục tiêu của ĐCSTQ là lật đổ hoàn toàn “chế độ bầu cử kép” (gồm bầu cử Đặc khu trưởng và bầu cử hội đồng lập pháp) như đã hứa với Hong Kong trong Luật Cơ bản. Điều này cho thấy ĐCSTQ không tuân theo những lời hứa của nó, ngay cả khi những lời hứa đó được viết trên giấy trắng mực đen, nó cũng không thực hiện. Chỉ khi người dân Trung Quốc nhận ra bản chất của ĐCSTQ, họ mới có thể thoát khỏi sự kiểm soát tinh thần của ĐCSTQ và thực sự thức tỉnh.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thông qua dự thảo sửa đổi hệ thống bầu cử Hong Kong; Anh, Mỹ, Đài, Nhật và EU lên án