Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch ‘Ăn sạch đĩa’, kêu gọi dân tích trữ nhu yếu phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 1/11, Bắc Kinh lại phát động chiến dịch “Ăn sạch đĩa" (‘Clean Plate’ campaign) để chống lãng phí thực phẩm. Ngay hôm sau, Reuters đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi dân tích trữ nhu yếu phẩm để đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Theo Bloomberg, kế hoạch "Ăn sạch đĩa" này sẽ kéo dài đến năm 2025, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về chống lãng phí thực phẩm và cải thiện an ninh lương thực.

Chiến dịch này được phát động lần đầu tiên vào năm 2013.

Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành "Kế hoạch Hành động Tiết kiệm Lương thực" vào ngày 1/11 và nêu rõ: "Đến năm 2025, chiến dịch ‘Ăn sạch đĩa’ sẽ được triển khai sâu rộng, vấn đề lãng phí thực phẩm sẽ được kiềm chế một cách hiệu quả, phản đối tình trạng lãng phí trong toàn xã hội".

Theo nội dung của “Kế hoạch Hành động Tiết kiệm Lương thực”, mục “Ngăn chặn lãng phí trong tiêu dùng thực phẩm và đồ uống” cũng đề cập đến sự lãng phí thực phẩm trong nhà hàng, trường học, cơ quan nhà nước và thậm chí cả hộ gia đình và cá nhân.

Trong ngành dịch vụ ăn uống, ngoài việc hướng dẫn các nhà cung cấp dịch vụ chủ động cung cấp các "khẩu phần nhỏ", "suất ăn nhỏ", Kế hoạch này cũng yêu cầu "phát huy hết vai trò giám sát xã hội của truyền thông và người tiêu dùng, khuyến khích báo cáo hành vi lãng phí của người kinh doanh dịch vụ ăn uống thông qua đường dây nóng”.

Ở trường học, “thiết lập một cơ chế mới và dài hạn để quản lý việc tiết kiệm đồ ăn thức uống”.

Trong gia đình, “mua thực phẩm theo nhu cầu và ‘tận dụng’ nguyên liệu”.

Tại căng tin các cơ quan, “thực thi đánh giá hiệu quả và thông báo về công tác chống lãng phí thực phẩm”.

Kế hoạch trên cũng yêu cầu nhân dân làm tốt công tác giám sát dư luận, báo cáo các hành vi lãng phí thực phẩm, "cấm sản xuất, phát hành và phổ biến các chương trình hoặc video cổ vũ các hành vi lãng phí như ăn uống vô độ"; khuyến khích cư dân ở cả đô thị và nông thôn “tổ chức đám cưới kiểu mới, đám tang giản đơn, không tổ chức các sự kiện dư thừa, kiểm soát chặt chẽ quy mô và tiêu chuẩn của các bữa tiệc, hạn chế bày biện lãng phí và tổ chức hoành tráng".

Ngoài ra còn các chi tiết khác bao gồm: hoàn thiện các tiêu chuẩn chứng nhận cho các giống cây trồng ngũ cốc chính; chế định và sửa đổi các quy tắc hướng dẫn kỹ thuật để giảm thiểu tổn thất trong thu hoạch bằng cơ giới đối với gạo, ngô, lúa mì và đậu nành; cải thiện điều kiện hong sấy lương thực và tăng công suất sấy khô; đẩy mạnh công nghệ thay thế để cắt giảm ngô và bã đậu nành trong thức ăn chăn nuôi lợn, gà.

Chính phủ liên tục thay đổi giọng điệu

Trên thực tế, kể từ tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã liên tiếp hứng chịu những trận mưa lớn và lũ lụt, bao gồm Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây, Tứ Xuyên và những nơi khác. Trong đó, lượng mưa lớn ở Hà Bắc đã phá kỷ lục mức cao nhất kể từ khi thành lập trạm quan trắc; mưa ở Hà Nam khiến ít nhất 302 người chết và 50 người mất tích; trong trận mưa lớn ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, lượng mưa đổ xuống tương đương với tổng lượng nước của 98,6 khu Tây Hồ ở Hàng Châu (theo Wikipedia, diện tích của khu vực hồ là khoảng 6,3 km2, trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 5,66 km2).

Vào cuối tháng 9, ông Ngô Quốc Định (Wu Guoding), Phó chủ tịch tỉnh Hà Nam, thẳng thắn cho biết lũ lụt lần này cực kỳ lớn và đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề. Ông nói rằng, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại trên toàn tỉnh là 15,15 triệu mẫu, trong đó có 5,21 triệu mẫu là mất trắng, "sản lượng vụ thu của chúng tôi sẽ giảm một mức độ nhất định".

Tuy nhiên, vào giữa tháng 10, chính quyền Trung Quốc lại đổi giọng và nói rằng vụ thu hoạch ngũ cốc mùa thu đã tiến hành được hơn một nửa, thậm chí còn tuyên bố rằng năm nay sẽ là một mùa bội thu. Chương trình "Tiếp sóng Tin tức" (Xinwen Lianbo) của CCTV cũng đưa tin vào ngày 31/10 rằng, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đã duy trì trên 650 tỷ kg trong 7 năm liên tiếp.

Mặc dù chính quyền nhấn mạnh về mùa màng bội thu, nhưng cùng ngày Tân Hoa Xã cũng đưa tin rằng Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành "Kế hoạch Hành động Tiết kiệm Lương thực". Người phụ trách Văn phòng Nông nghiệp Trung ương nói rằng, giảm thất thoát lương thực là một cách quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, và “phải luôn có ý thức khủng hoảng về an ninh lương thực”.

Kêu gọi dân tích trữ lương thực

Không những vậy, Reuters đưa tin vào ngày 2/11 rằng, chính phủ Trung Quốc đã thông báo cho các gia đình dự trữ nhu yếu phẩm hàng ngày trong trường hợp khẩn cấp, sau khi dịch COVID-19 bùng phát và mưa lớn bất thường đã đẩy giá rau tăng cao làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung.

Chỉ thị của Bộ Thương mại Trung Quốc vào cuối hôm thứ Hai (ngày 1/11) đã làm dấy lên một số lo ngại trên mạng xã hội trong nước rằng có thể bởi vì căng thẳng gia tăng với Đài Loan, một số cư dân mạng cho biết mọi người đang đổ xô tích trữ gạo, dầu ăn và muối.

Bộ Thương mại cũng thúc giục chính quyền các địa phương làm tốt công việc đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định, đồng thời đưa ra những cảnh báo sớm đối với bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung.

Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực tiếp tục tăng

Theo báo cáo năm 2019 của Thời báo Kinh tế Hong Kong (Hong Kong Economic Times), Trung Quốc nhập khẩu hơn 100 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm và mức độ phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu vượt quá 80%. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm lượng đậu nành nhập khẩu tăng hơn 6,5 triệu tấn. Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 95 triệu tấn đậu nành trong năm 2017 và hơn 88 triệu tấn vào năm 2018, trở thành nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu hàng năm chiếm khoảng 60% tổng lượng toàn cầu.

Lượng nhập khẩu có thể còn cao hơn trong năm 2021. Theo số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố, nhập khẩu ngũ cốc từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay của Trung Quốc là 50,792 triệu tấn, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia Trung Quốc từng dự đoán rằng, vào cuối kỳ "Kế hoạch 5 năm lần thứ 13" (năm 2016 - 2020), tức là trong năm 2020, Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 100 triệu tấn ngũ cốc.

Báo cáo do Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đưa ra trong tuần này cũng dự đoán rằng, khi kết thúc "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" (năm 2021-2025), Trung Quốc có thể thiếu khoảng 130 triệu tấn lương thực, trong đó 3 loại lương thực chủ đạo là lúa gạo, lúa mì, ngô sẽ thiếu khoảng 25 triệu tấn.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch ‘Ăn sạch đĩa’, kêu gọi dân tích trữ nhu yếu phẩm