Trung Quốc: Tiêm vaccine COVID-19 trở thành 'nhiệm vụ chính trị'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ kêu gọi "tự nguyện" cho đến cưỡng chế tiêm chủng, hiện tại việc tiêm vaccine viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã trở thành một nhiệm vụ chính trị trong các đơn vị ở Trung Quốc đại lục. Các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng phát động một chiến dịch tuyên truyền, trong đó CCTV đi đầu trong việc kêu gọi mọi người tiêm vaccine.

Kể từ khi vaccine do Trung Quốc sản xuất được đưa vào tiêm chủng, tính hiệu quả và an toàn của nó đã bị đặt dấu hỏi, ngoài ra, vì ở Hong Kong và nước ngoài đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong do tiêm vaccine nội địa Trung Quốc, nên càng khiến người dân nước này lo sợ và từ chối tiêm. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ tiêm chủng, các nhà chức trách ĐCSTQ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm tiêm chủng bắt buộc ở nhiều nơi, và thậm chí “chính trị hóa” tiêm chủng để ép buộc người dân phải đi tiêm.

Theo Vision Times, Hãng Thông tấn Trung ương của Đài Loan đưa tin ngày 30/3 cho biết, thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã chính thức ban hành "Kế hoạch triển khai chung về công tác tiêm chủng Coronavirus mới tại thành phố Yên Đài", yêu cầu giáo viên, sinh viên các trường đại học và nhân viên bảo đảm hậu cần "tiêm đủ tiêm hết”, và tỷ lệ tiêm phòng của mỗi đơn vị phải đạt hơn 95%.

Văn phòng chỉ huy phòng chống dịch huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến cũng đã ban hành thông báo, yêu cầu tất cả các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở chưa được tiêm chủng trên địa bàn toàn huyện phải hoàn thành việc tiêm chủng trước ngày 2/4; người phụ trách chính sẽ được gọi lên báo cáo tình hình.

Nhiều sinh viên cho biết, sau khi trường triển khai tiêm chủng miễn phí, ban đầu là hình thức đăng ký tự nguyện, nhưng do số lượng quá ít nên gần đây đã trở thành tiêm chủng bắt buộc. Ngoài ra, giáo viên của trường cũng được yêu cầu gửi phiếu điều tra cho phụ huynh học sinh, hỏi xem các em đã được tiêm phòng chưa và tại sao chưa tiêm.

Không những vậy, nhiều công ty cũng đã bắt đầu tiêm phòng bắt buộc, một số cư dân mạng nói rằng công ty họ đưa ra quy định với người từ chối tiêm chủng như sau, cứ cách 3 ngày phải xét nghiệm virus một lần thì mới được vào phòng làm việc. Một số cư dân mạng thì nhận được chỉ thị từ WeChat của lãnh đạo, cho biết đã thống kê số người tiêm chủng và nói rằng tỷ lệ số người tiêm không được ít hơn 60%, vì đây là một "nhiệm vụ chính trị".

Ông Lý đến từ Giai Mộc Tư, Hắc Long Giang nói với với phóng viên The Epoch Times rằng, xã Tứ Mã Giá thuộc huyện Hoa Xuyên, thành phố Giai Mộc Tư đã gửi thông báo tiêm phòng trong nhóm WeChat vào ngày 29/3, vào sáng ngày 30/3 lại gửi lần nữa, hơn nữa tất cả các thôn làng trong xã cũng sử dụng loa phát thanh gọi suốt cả buổi sáng để thông báo cho dân làng đi tiêm phòng.

Thông báo nêu rõ “Trung Quốc đã kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả, nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Để phòng bị các ca nhiễm nhập cảnh, kêu gọi toàn dân tiêm vaccine Coronavirus mới”. Và còn yêu cầu những ai không muốn tiêm vaccine thì phải nêu rõ tình trạng bệnh tật gần đây, nếu không thì “phải tiêm vaccine vô điều kiện”.

Thông báo cũng đe dọa dân làng: “Nếu ai không tiêm phòng, nếu bị nhiễm Coronavirus mới, nhà nước sẽ không điều trị miễn phí, mọi chi phí sẽ do đương sự tự chịu, và sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý vì ‘lây nhiễm cho người khác' ."

The Epoch Times cũng nhận được tin rằng, có nhiều đơn vị thông báo tiếp tục phát huy tinh thần tiêm chủng, yêu cầu “tiêm, nhất định phải tiêm”, nhân viên nào không tiêm vaccine sẽ bị chuyển công tác. Thậm chí, một thị trấn ở tỉnh Hải Nam còn dán thông báo nói rằng, ai không tiêm sẽ bị đưa vào danh sách đen.

Vào ngày 31/3, chủ đề "Dân làng sẽ bị đưa vào danh sách đen nếu họ không tiêm phòng" xuất hiện trên danh sách tìm kiếm hàng đầu của Weibo. Thị trấn Vạn Thành ở thành phố Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam mới đây đã đăng thông báo "Chủ động tiêm phòng, toàn dân tiêm phòng, tiêm đủ tiêm hết", và nêu rõ 5 hậu quả nếu không tiêm phòng, gồm:

1) Ra ngoài không được ngồi xe công cộng;

2) Khó vào chợ, siêu thị, khách sạn;

3) Không được kinh doanh các dịch vụ ăn uống, khách sạn, siêu thị và các ngành dịch vụ khác;

4) Bị đưa vào danh sách đen theo hương ước của làng, không được hưởng các chính sách ưu đãi của chính phủ;

5) Trong tương lai, việc đi học, đi làm, nhập ngũ, xây dựng nhà ở, v.v. của con cái sẽ bị ảnh hưởng.

5 hậu quả nếu không tiêm phòng vaccine của thị trấn Vạn Thành, thành phố Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh trên Internet)
5 hậu quả nếu không tiêm phòng vaccine của thị trấn Vạn Thành, thành phố Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh trên Internet)

Theo truyền thông Trung Quốc, gần đây thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã phát động một chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, hiện toàn thành phố có tổng cộng 296 đơn vị tiêm chủng.

Trước đó, Đài Á Châu Tự Do (RFA) cũng đã trích dẫn lời người dân ở nhiều nơi tại Trung Quốc, tiết lộ rằng chính quyền buộc mọi người phải tiêm phòng. Ví dụ, người dân Quảng Đông cho biết nhân viên công tác trong cơ quan nhà nước đã bị ép tiêm vaccine; Vũ Hán cũng cưỡng chế các cơ quan chính phủ, hệ thống xe buýt và hệ thống taxi tiêm phòng; Cư dân quận Đại Hưng, Bắc Kinh cũng nói rằng tất cả các đơn vị ở Bắc Kinh bị buộc phải tiêm vaccine, nếu không tiêm sẽ không được đi làm; Người dân Chiết Giang cũng cho biết chính quyền địa phương đã đặt ra mục tiêu yêu cầu toàn dân tiêm chủng, tất cả đơn vị sẽ được phân hạn ngạch.

Tặng trứng gà và tiền mặt nếu tiêm vaccine

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiều nơi đã áp dụng các biện pháp nhằm khuyến khích người dân đi tiêm, trong đó phổ biến nhất là tặng trứng gà. Ngoài ra, một số khu vực cũng áp dụng cách tặng tiền mặt trị giá 100 nhân dân tệ (khoảng 350.000 VNĐ) và 200 nhân dân tệ (khoảng 700.000 VNĐ); một số khu dân cư ở Bắc Kinh thì tặng vé miễn phí vào Ung Hòa Cung.

Người làm truyền thông đại lục - ông Chu Học Đông đã đăng bài trên tài khoản Weibo của mình: "Tôi vừa nhận được thông báo từ văn phòng khu phố về việc tiêm phòng và nhận trứng gà. Thông báo bắt đầu bằng ‘Nhắc nhở nhẹ nhàng', nhưng ngôn từ thì như ra lệnh, không được từ chối".

Tiêm phòng được tặng 100 tệ ngay trong ngày. (Weibo)
Tiêm phòng được tặng 100 tệ ngay trong ngày. (Weibo)
Miễn phí tiêm phòng, có xe đưa đón tận nơi, tặng vé vào Ung Hòa Cung. (Weibo)
Miễn phí tiêm phòng, có xe đưa đón tận nơi, tặng vé vào Ung Hòa Cung. (Weibo)
Tặng 2 hộp trứng gà tươi. (Weibo)
Tặng 2 hộp trứng gà tươi. (Weibo)
Dân làng đăng ký tiêm chủng trước ngày 25/4, tiêm xong 2 mũi được tặng 100 tệ. (Weibo)
Dân làng đăng ký tiêm chủng trước ngày 25/4, tiêm xong 2 mũi được tặng 100 tệ. (Weibo)
Thưởng 5 kg trứng gà, tặng ly thủy tinh và phiếu đổi quà, v.v. (Weibo)
Thưởng 5 kg trứng gà, tặng ly thủy tinh và phiếu đổi quà, v.v. (Weibo)
Người trên 60 tuổi tiêm vaccine được tặng 1 hộp trứng gà. (Weibo)
Người trên 60 tuổi tiêm vaccine được tặng 1 hộp trứng gà. (Weibo)

Tuyên truyền "tẩy não"

Đồng thời, các băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền tiêm vaccine cũng được treo trên khắp các con đường, ngõ hẻm, thậm chí cả bệnh viện ở nhiều tỉnh thành cũng treo biểu ngữ đốc thúc người dân đi tiêm. Ví dụ như: “Có ngàn vạn cách phòng chống dịch, tiêm vaccine mới là cách hàng đầu”, “Việc lớn nhất năm 2021 là tiêm vaccine Coronavirus mới”, “Ai không tiêm thì người ấy chịu thiệt”, “Để hoàn thành nhiệm vụ toàn dân tiêm chủng, cần một ‘cánh tay’ của các bạn”, v.v.

Các biểu ngữ tuyên truyền tiêm vaccine ở Trung Quốc. (Weibo)
Các biểu ngữ tuyên truyền tiêm vaccine ở Trung Quốc. (Weibo)

Thậm chí người dẫn chương trình của CCTV còn hát bài hát kêu gọi mọi người đi tiêm chủng.

Người dẫn chương trình của CCTV còn hát bài hát kêu gọi mọi người đi tiêm chủng. (Weibo)
Người dẫn chương trình của CCTV còn hát bài hát kêu gọi mọi người đi tiêm chủng. (Weibo)

Theo thông báo mới nhất của các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đã có 100 triệu người được tiêm phòng. Tuy nhiên, do nhiều người tỏ ra nghi ngờ về độ an toàn của vaccine trong nước nên tốc độ tiêm chủng vaccine trong nước không nhanh như kỳ vọng của cơ quan chức năng.

Ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), nhà khoa học hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, giải thích trong một sự kiện công khai vào tuần trước rằng tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc thấp là do dân số đông. Ông thừa nhận rằng người dân đại lục nghi ngờ về vaccine nội địa.

Trước đó, truyền thông Peru đưa tin rằng tỷ lệ hiệu quả của vaccine do Sinopharm sản xuất trong đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại nước này chỉ là 11,5%. Theo dữ liệu do Brazil công bố trước đó, tỷ lệ hiệu quả của vaccine do Sinovac sản xuất là 50,4%.

Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 11 người ở Hong Kong đã tử vong sau khi tiêm vaccine của Sinovac, nguyên nhân cụ thể vẫn đang được điều tra.

Trong một đoạn video do cư dân mạng đăng tải cho thấy, tại một địa điểm tiêm chủng nào đó ở Trung Quốc có người đã ngay lập tức ngã gục xuống đất sau khi tiêm vaccine, nhân viên tại hiện trường yêu cầu người dân không được quay phim.

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Tiêm vaccine COVID-19 trở thành 'nhiệm vụ chính trị'