Trung Quốc: Căng thẳng leo thang, toàn dân Nội Mông biểu tình phản đối diệt chủng văn hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tình cảnh các thảm họa như dịch bệnh, lũ lụt liên tiếp hoành hành, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gia tăng áp lực kiểm soát đối với trong nước, khiến căng thẳng ở nhiều khu vực lại leo thang. Gần đây, các cuộc biểu tình quy mô lớn cũng đã nổ ra ở miền nam Mông Cổ nhằm phản đối chính sách diệt chủng văn hóa của ĐCSTQ khi thay thế giảng dạy tiếng tiếng Mông Cổ bằng tiếng Hán. ĐCSTQ đã ra tay trấn áp mạnh đối với các cuộc biểu tình này.

Cách đây vài ngày, Bộ Giáo dục của Chính phủ Nội Mông đã ban hành một văn bản cho biết bắt đầu từ học kỳ mới vào ngày 1/9, tất cả các trường tiểu học và trung học ở các vùng dân tộc Nội Mông, Cam Túc, Cát Lâm, Liêu Ninh, Thanh Hải và Tứ Xuyên, sẽ dần dần thống nhất sử dụng tài liệu dạy học chữ quốc ngữ, sử dụng Hán ngữ để giảng dạy với ba môn ngôn ngữ, chính trị và lịch sử .

Động thái này được coi là chính sách diệt chủng văn hóa dân tộc ở các vùng dân tộc thiểu số của ĐCSTQ. Việc này không chỉ khiến người dân Mông Cổ ở nước ngoài mà cả người dân nội Mông Cổ đều phẫn nộ.

Đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời một người Mông Cổ sống ở Hoa Kỳ, nói rằng nhiều bậc cha mẹ Mông Cổ không hài lòng với việc ĐCSTQ hủy bỏ việc dạy tiếng mẹ đẻ. ĐCSTQ đã đi quá giới hạn và đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ nền văn hóa của người Mông Cổ.

Người này cho biết hiện nay dù là người Mông Cổ ở Nhật Bản hay người Mông Cổ sống ở các nước khác, họ đều tích cực tham gia thu thập tài liệu và báo cáo về hành vi này, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để phản đối hành vi ngu xuẩn này của chính quyền Trung Quốc.

Ông Enhebatu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ, nói rằng ĐCSTQ từ lâu đã thúc đẩy chính sách tiêu diệt giáo dục ngôn ngữ Mông Cổ ở Nội Mông. Hiện tại hầu như tất cả mọi người từ mọi tầng lớp xã hội ở miền nam Mông Cổ đều biểu tình phản đối.

Các nhà hoạt động nhân quyền người Mông Cổ ở nước ngoài thường gọi những khu vực có hàng trăm nghìn người Mông Cổ sinh sống ở Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm là "Nam Mông Cổ".

Bức ảnh chụp các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở thủ đô Mông Cổ vào đầu năm 2019. (Getty Images)
Bức ảnh chụp các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra ở thủ đô Mông Cổ vào đầu năm 2019. (Getty Images)

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ (SMHRIC), có trụ sở chính tại New York, Mỹ. Ngày 29/8, SMHRIC cho biết người dân thuộc mọi tầng lớp, bao gồm một số quan chức chính phủ ở Nam Mông Cổ, đã đoàn kết và phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Phụ huynh và giáo viên từ khắp nơi trên cả nước cũng tham gia biểu tình phản đối, nhiều phòng học hiện đều trống không. Tại thành phố Erenhot, tất cả giáo viên Mông Cổ đều tham gia bãi công.

Một đoạn video do một cư dân mạng đăng tải cho thấy các học sinh của một trường học ở Nội Mông đã tập trung ở cổng trường để phản đối việc ĐCSTQ hủy bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ và ép dạy tiếng Hán. Nhiều học sinh đã khóc và hô khẩu hiệu không chịu đến trường

Một thanh niên ở Nội Mông nghe tin ĐCSTQ đang bắt người trên WeChat liền vội vã đi xe máy đến. Anh ta nói với những người dân Mông Cổ có mặt rằng: “Không cần là quen biết hay không, hễ bắt người tới sở công an tôi sẽ đi theo. Mọi người hãy nhớ tôi”. Anh còn nói với mọi người xung quanh địa chỉ nhà và tên của mình.

Nhiều bậc phụ huynh Nội Mông có kế hoạch dạy con tại nhà thay vì cho con đến trường để học tiếng Trung Quốc. Một số giáo viên nghỉ hưu và sinh viên đại học tự nguyện sử dụng tiếng Mông Cổ giảng dạy tất cả khóa học.

Những người chăn gia súc bình thường cũng tổ chức các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn trên khắp miền nam Mông Cổ để phản đối "sự diệt chủng văn hóa" của chính phủ. Hàng nghìn sinh viên địa phương mặc trang phục truyền thống của Mông Cổ đã tham gia biểu tình.

Hình ảnh chụp một đoàn tàu ở Nội Mông, chỉ có các ký tự Trung Quốc và bính âm, không có chữ Mông Cổ. (Getty Images)
Hình ảnh chụp một đoàn tàu ở Nội Mông, chỉ có các ký tự Trung Quốc và bính âm, không có chữ Mông Cổ. (Getty Images)

Theo VOA, xu hướng các cuộc biểu tình địa phương đang ngày một tăng lên và chính quyền đang gia tăng trấn áp.

Hàng trăm phụ huynh của trường Ngôn ngữ Mông Cổ kỳ Zarud đã tập trung trước cổng trường, tức giận và yêu cầu thả ngay con em họ đang bị giữ trong ký túc xá của trường. Họ đã bị cảnh sát chặn lại. Vài giờ sau, các phụ huynh đã phá vỡ phong tỏa của cảnh sát và xông vào trường đón con họ.

Tại Horqin, cuộc biểu tình của phụ huynh Nội Mông đã bị cảnh sát đàn áp. Một số phụ huynh bị cảnh sát đánh đập và giam giữ trong xe cảnh sát. Tại cuộc biểu tình, các phụ huynh người Nội Mông ở kỳ Horqin Hữu Dực Trung Hure đã hát các bài hát của Mông Cổ, bao gồm "Tôi là người Mông Cổ”.

Sinh viên và phụ huynh trong trường liên kết với Đại học Sư phạm Nội Mông ở thành phố Hohhot đã biểu tình trước cổng trường và đưa ra một bản kiến ​​nghị chung. Họ cũng bị cảnh sát đàn áp.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ cho biết hàng trăm nhà hoạt động Mông Cổ đã bị chính quyền bắt giữ hoặc quản thúc tại nhà.

Bà Ulaantuyaa, một nữ giáo viên người Mông Cổ ở kỳ Zarud, đã bị cảnh sát bắt vì tổ chức biểu tình công khai phản đối chính sách dạy ngôn ngữ mới. Các thủ lĩnh người dân chăn nuôi địa phương cũng nhận được lệnh không được rời khỏi nhà.

Một số người trong nhóm WeChat ở Nội Mông đã thảo luận về việc đình chỉ dạy tiếng Mông Cổ cũng đã bị cảnh sát bắt giữ. Kubis, một người Mông Cổ sống ở Nhật Bản, nói với RFA: "Các phụ huynh đã thành lập ba nhóm, họ đều đang đang thảo luận về vấn đề này. Kết quả là sáng nay cảnh sát đã bắt giữ chủ nhóm. Một nhóm có 500 người, ba nhóm tất cả có 1.500 người".

Bainu, nền tảng xã hội bằng tiếng Mông Cổ duy nhất ở Trung Quốc với khoảng 400.000 người dùng, cũng bị chính quyền Bắc Kinh chặn sau khi cư dân mạng đưa ra những bình luận phản đối "việc dạy song ngữ".

Ông Tập Hải Minh (Xi Haiming), Chủ tịch hội Nam Mông Cổ, hiện đang sống ở Đức, cho rằng động thái của chính quyền Trung Quốc rõ ràng là thực hiện chính sách tiêu diệt văn hóa đối với dân tộc Mông Cổ, nhằm đồng hóa và xóa bỏ văn hóa của các dân tộc khác. Đây là một thách thức và chà đạp lên nền văn minh nhân loại.

Ông Tập Hải Minh nói: "Người Mông Cổ chúng tôi nhất định sẽ kháng cự đến cùng. Chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ chú ý, không ngồi nhìn nền văn hóa cổ xưa của một dân tộc bị tiêu diệt như thế này, một sự việc đang diễn ra trong thế kỷ 21".

Trên thực tế, trước khi chính quyền ĐCSTQ tiêu diệt ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, đã tàn phá chữ Hán truyền thống ở Đại lục.

Theo cuốn "Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta" của ban biên tập "Cửu Bình" có viết: "Trung Quốc vốn có văn hóa truyền thống thâm sâu. Để cắt đứt liên hệ giữa người Trung Quốc và văn hóa truyền thống, từ trước khi đảng cộng sản được thành lập, chủ nghĩa cộng sản đã thao túng cuộc “Vận động Văn hóa Mới”, tiến hành công kích một cách ác độc đối với ngôn ngữ văn học, tư tưởng đạo đức truyền thống. Các cuộc “vận động văn bạch thoại”, “vận động đơn giản hóa chữ Hán” đã cắt đứt liên hệ giữa người Trung Quốc và văn hóa truyền thống. ĐCSTQ sau khi giành được chính quyền, đã nhanh chóng hoàn tất việc quốc hữu hóa giáo dục, lấy tư tưởng của đảng cộng sản làm nội dung cơ bản trong sách giáo khoa, đã bồi dưỡng mấy thế hệ người Trung Quốc thành “lũ sói con” hung hăng, hiếu chiến".

Minh Thanh
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Căng thẳng leo thang, toàn dân Nội Mông biểu tình phản đối diệt chủng văn hóa