Trung Quốc triển khai tên lửa mới chống lại hải quân Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 20/04, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiết lộ thông tin về hai tên lửa mới nhằm tăng khả năng áp đảo lên hàng rào phòng thủ của các hạm Hải quân Hoa Kỳ được dùng để ngăn chặn sự xâm lược của ĐCS Trung Quốc.

Mặc dù những thông tin tiết lộ được đưa ra trùng với dịp kỷ niệm 73 năm thành lập Hải quân PLA (PLAN), việc chọn thời điểm này cũng nhằm mục đích ngăn chặn những hậu quả của vụ chìm ​​tuần dương hạm Moscow của Nga hôm 14/04 đối với hải quân Trung Quốc vốn phụ thuộc vào công nghệ của Nga.

Những thông tin tiết lộ này cũng mang những đặc điểm chính của một vụ sắp đặt từ bộ phận tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc như: những hình ảnh mập mờ trích từ những đoạn video không rõ là từ đâu; và dàn cộng hưởng của các cơ quan tuyên truyền, lần này là của Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) và Thời báo Hoàn Cầu (Global Times).

Thông tin tiết lộ quan trọng hơn là về một loại tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) mới có khả năng đạt tốc độ siêu thanh, nhưng đủ nhỏ để có thể bắn từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) của các tuần dương hạm, khu trục hạm và khinh hạm của PLAN.

Đối với PLA, ASBM là vũ khí chủ chốt để ngăn chặn một vụ đáp trả của quân đội Hoa Kỳ trước một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Nhật Bản hoặc Đài Loan. Chúng có đủ độ chính xác để nhắm mục tiêu vào các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ như hàng không mẫu hạm và đủ độ nhanh để gây sức ép lên khả năng phòng thủ của chiến hạm Hoa Kỳ.

Các vũ khí ASBM của PLA từng được triển khai trước đây – như DF-16B, DF-21D, và DF-26B – lớn hơn nhiều, không được thiết kế để phóng từ tàu và được điều khiển bởi một lực lượng khác là Lực lượng Tên lửa PLA.

Nhưng vì PLAN có hơn 3,300 bệ phóng thẳng đứng, nên họ có khả năng áp đảo các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ hoặc của bất kỳ nền dân chủ nào khác trên thế giới thiếu phương tiện để phòng thủ trước ASBM.

Một số nhà quan sát trên mạng của Trung Quốc gọi tên lửa này là YJ-21, hay “Strike Eagle-21” và hình ảnh cho thấy là nó được phóng thẳng đứng từ một tuần dương hạm mới Type 055 nặng 13,000 tấn của PLAN. Nó có đường kính nguyên khối ở giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai có vây, có thể có hoặc không có động cơ tên lửa.

Tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) YJ-21 được phóng từ tàu trong một cảnh quay từ camera thời gian thực do truyền thông Trung Quốc công bố. (Ảnh: Được sự cho phép của ôngRick Fisher)
Tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) YJ-21 được phóng từ tàu trong một cảnh quay từ camera thời gian thực do truyền thông Trung Quốc công bố. (Ảnh: Được sự cho phép của ôngRick Fisher)

Trong một bài báo hôm 20/04, ông Minnie Chan, một phóng viên các đề tài quân sự của tờ Hoa Nam Buổi sáng với bề dày thành tích hỗ trợ các chủ đề tuyên truyền của PLA, đã trích dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc thông báo rằng ASBM mới này có tầm bắn từ 600 dặm đến 930 dặm.

Hôm 21/04, Thời báo Hoàn cầu đưa tin rằng thông tin về các tên lửa mới này “chỉ là lời phỏng đoán” và là một ví dụ về “sự thổi phồng của các phương tiện truyền thông ngoại quốc”.

Nhưng trước đó Trung Quốc đã có cảnh báo về loại tên lửa này. Trong một bản báo cáo sơ lược tại đại học nổi tiếng năm 2017 của mình về các chương trình hải quân Trung Quốc trong tương lai, vốn bị rò rỉ trên mạng Trung Quốc, Đô đốc Triệu Đăng Bình (Zhao Dengping) là người đầu tiên tiết lộ công khai rằng PLAN đang nghiên cứu một ASBM có thể được bắn từ bệ phóng thẳng đứng của các chiến hạm.

Vào đầu năm 2018, một nguồn tin tại một cuộc triển lãm quân sự Châu Á nói với nhà phân tích này rằng PLA đã bắt đầu thử nghiệm ASBM mới này và những thông tin tiết lộ gần đây nhất cho thấy tên lửa này có thể đã được đưa vào sử dụng.

Một thông tin tiết lộ khác hôm 20/04 được đưa ra dưới dạng một đoạn video ngắn cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn, nhưng không có độ nét cao, về tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) mới của PLA, được trang bị cho oanh tạc cơ hạng trung có thể tiếp nhiên liệu H-6N của Tập đoàn Phi cơ Tây An của Lực lượng Không quân PLA (PLAAF).

Mặc dù được trông thấy lần đầu tiên vào năm 2017 và trở thành một phần nổi bật trong cuộc diễu binh lớn của PLA vào năm 2018, người ta đã không thấy oanh tạc cơ này được trang bị ALBM mới. Bộ tuyên truyền Trung Quốc chỉ cho phép một hình ảnh mập mờ khác về loại tên lửa này xuất hiện.

Nhưng hình ảnh mới nhất dường như xác nhận các nguồn tin từ đầu năm 2017 của Trung Quốc về một phiên bản H-6 mới sẽ được trang bị ALBM cỡ lớn.

Cảnh tên lửa đạn đạo phóng từ trên không của quân đội Trung Quốc trang bị cho oanh tạc cơ H-6N trong một cảnh quay từ camera thời gian thực do truyền thông Trung Quốc công bố. (Ảnh: Được sự cho phép của ông Rick Fisher)
Cảnh tên lửa đạn đạo phóng từ trên không của quân đội Trung Quốc trang bị cho oanh tạc cơ H-6N trong một cảnh quay từ camera thời gian thực do truyền thông Trung Quốc công bố. (Ảnh: Được sự cho phép của ông Rick Fisher)

Tên lửa này dường như là một phiên bản phóng từ trên không của DF-21D ba tầng của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Trung Quốc (CASIC), một tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm bắn 1,050 dặm. Khi được phóng từ độ cao, phiên bản ALBM này có thể có phạm vi vượt quá 1,200 dặm.

Nếu không được tiếp nhiên liệu, H-6N có thể tiến hành các cuộc tấn công ALBM nhằm vào các căn cứ quân sự ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ tại đảo Guam.

Nhưng với nhiều lần tiếp nhiên liệu trên không từ các phi cơ tiếp dầu Y-20U mới của PLAAF, H-6N có thể tiếp cận Hawaii đủ gần để thực hiện các cuộc tấn công ALBM nhằm vào căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng.

Cũng có khả năng là các phiên bản hiện tại hoặc tương lai của ALBM của PLA sẽ có thể nhắm mục tiêu các vệ tinh quân sự của Hoa Kỳ ở quỹ đạo Trái đất thấp, vốn rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự phân tán của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

ALBM mới của PLA và ASBM phóng từ tàu hiện nằm trong số ít nhất 20 loại vũ khí nhắm vào các tàu lớn của Hải quân Hoa Kỳ. Các ASBM phóng từ tàu có thể tăng cường khả năng của PLA trong việc áp đảo các tàu Hải quân Hoa Kỳ bằng các cuộc tấn công tên lửa tầm xa.

Ngoài ra, ALBM, giống như các tên lửa tầm lớn khác của PLA, có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, trong khi ASBM nhỏ có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật nhỏ vốn cũng được dùng cho các tên lửa hành trình và đạn đạo tầm ngắn hơn của PLA.

Bắt đầu dưới thời chính phủ Tổng thống Trump, một phản ứng của Mỹ là rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Trung cấp (INF) năm 1987 vốn ngăn cản Hoa Kỳ triển khai các tên lửa với tầm bắn lớn hơn 300 dặm, và bắt đầu phát triển các tên lửa tầm trung mới.

Theo các báo cáo, Quân đội Hoa Kỳ có thể mua hơn 3,900 tên lửa tấn công chính xác (PrSM) có tầm bắn từ 300 đến 500 dặm; một tên lửa đạn đạo tầm trung Typhon 930 đến 1,200 dặm; và một vũ khí siêu thanh tầm xa có tầm bắn từ 1,860 đến 3,100 dặm (LRHW).

Vì Typhon dựa trên tên lửa đánh chặn và phòng không Raytheon SM-6 của Hải quân Hoa Kỳ, nên có khả năng tên lửa này cũng có thể được phát triển trong một ASBM phóng thẳng đứng mới của Hoa Kỳ.

Ở Châu Á, các chiến hạm của Hải quân Mỹ có thể triển khai hơn 4,200 hệ thống phóng thẳng đứng. Mặc dù số lượng này lớn hơn của Trung Quốc, nhưng PLAN có thể bắt kịp nhanh chóng; từ năm 2021 đến đầu năm 2022, họ đã triển khai hơn 1,200 VLS mới trên các chiến hạm mới.

Một ASBM mới của Hoa Kỳ có thể tạo ra sức răn đe mạnh mẽ đối với ĐCS Trung Quốc khi họ sử dụng chiến hạm của mình để tấn công Nhật Bản hoặc xâm lược Đài Loan. Đồng thời, tên lửa đất đối không đa năng có thể cho phép phòng thủ vững chắc hơn trước nhiều loại tên lửa PLA nhắm mục tiêu vào các chiến hạm lớn của Hải quân Hoa Kỳ.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Rick Fisher là một thành viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc triển khai tên lửa mới chống lại hải quân Hoa Kỳ