Trung Quốc: Trường học cho sinh viên về nhà, cảnh sát che giấu hành động đàn áp biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều trường đại học tại Trung Quốc đã đóng cửa ký túc xá, yêu cầu sinh viên về nhà. Chính quyền điều tra, truy lùng người biểu tình; nhưng không rầm rộ đưa tin.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh sau khi biểu tình diễn ra tại ít nhất 8 thành phố ở đại lục và Hong Kong, nhưng vẫn khẳng định sẽ tuân thủ zero-COVID - chính sách đối phó với COVID-19 khiến hàng triệu người Trung Quốc bị nhốt ở trong nhà nhiều tháng qua.

Sinh viên về nhà

Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) của Bắc Kinh, nơi sinh viên tập trung rất đông vào cuối tuần trước, và các trường khác ở thủ đô cũng như ở tỉnh Quảng Đông đã cho sinh viên về nhà.

Việc phân tán sinh viên đến các vùng quê xa xôi sẽ làm giảm khả năng xảy ra nhiều cuộc biểu tình hơn. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đặc biệt cảnh giác với các trường đại học, nơi từng là điểm nóng của nhiều hoạt động bao gồm cả cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989.

Hôm Chủ nhật (27/11), sinh viên Thanh Hoa được thông báo rằng họ có thể về nhà sớm cho học kỳ này. Trường học cũ của ông Tập Cận Bình đã sắp xếp xe buýt để đưa sinh viên đến nhà ga hoặc sân bay.

9 ký túc xá sinh viên tại Thanh Hoa đã bị đóng cửa vào thứ 2 sau khi một vài sinh viên dương tính với COVID-19, một sinh viên họ Chen cho biết. Sinh viên này không dám tiết lộ họ tên đầy đủ vì sợ bị chính quyền trừng phạt. Theo sinh viên này, việc đóng cửa ký túc xá sẽ góp phần khiến sinh viên khó tụ tập hơn.

Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh (Beijing Forestry University) cũng thông báo sẽ thu xếp để sinh viên về nhà. Đại diện trường này nói rằng tất cả giảng viên và sinh viên của họ đều âm tính với virus.

Các trường đại học tuyên bố các lớp học và kỳ thi cuối kỳ sẽ được tiến hành trực tuyến.

Ông Dali Yang, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago, cho biết các nhà chức trách Trung Quốc hy vọng sẽ “xoa dịu tình hình” bằng cách dọn sạch các khu học xá. Theo ông, tùy thuộc vào mức độ cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các nhóm có thể thay phiên nhau biểu tình.

Cảnh sát đàn áp biểu tình

Lực lượng an ninh Trung Quốc đã bắt giữ một số người, ráo riết truy tìm những người khác, đồng thời tăng cường giám sát xã hội.

Cảnh sát được điều động dày đặc ở Bắc Kinh và Thượng Hải để ngăn chặn các cuộc biểu tình dự kiến tổ chức vào thứ 2 (28/11) và thứ 3 (29/11).

Tại Thượng Hải, vào tối thứ 2, cảnh sát đã chặn người đi bộ và kiểm tra điện thoại của họ, theo một nhân chứng, để xem họ có dùng các ứng dụng như Twitter (bị cấm ở Trung Quốc) hoặc lưu hình ảnh các cuộc biểu tình hay không. Nhân chứng giấu tên vì sợ bị bắt nói rằng, anh đã đến một địa điểm biểu tình nhưng không thấy đám đông nào ở đó khi anh đến nơi.

Hãng tin AP cho biết họ đã xem nhiều bức ảnh của một cuộc biểu tình vào cuối tuần trước, trong đó cho thấy cảnh sát đã bắt giữ và đẩy nhiều người dân vào ô-tô. Một số người cũng bị cảnh sát truy quét sau khi các cuộc biểu tình kết thúc.

Một người sống gần địa điểm biểu tình ở Thượng Hải đã bị bắt vào hôm Chủ nhật và bị giữ cho đến sáng thứ 3, theo thông tin từ hai người bạn giấu tên vì sợ bị chính quyền trừng phạt.

Tại Bắc Kinh, cảnh sát hôm thứ 2 đã đến gặp một cư dân tham gia cuộc biểu tình vào đêm hôm trước, theo một người bạn từ chối tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù. Người này cho biết cảnh sát đã thẩm vấn người dân đó và cảnh báo ông ấy không được tham gia cuộc biểu tình nào khác.

Cảnh sát Trung Quốc dường như đang cố gắng che giấu cuộc đàn áp của họ. Họ muốn tránh thu hút sự chú ý của người dân đến quy mô các cuộc biểu tình. Vô số video và bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc về làn sóng biểu tình đã bị bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của ĐCSTQ xóa bỏ.

Không có thông báo nào được chính quyền đưa ra về việc giam giữ người biểu tình, mặc dù các phóng viên đã nhìn thấy nhiều người biểu tình bị cảnh sát bắt đi, các bài đăng trên mạng xã hội cũng cho thấy nhiều người đang bị giam giữ hoặc mất tích. Cảnh sát đã cảnh cáo những người biểu tình đang bị giam giữ rằng họ không được biểu tình trở lại.

Người dân đã đứng lên

Từ cuối tuần trước, làn sóng biểu tình bất đồng chính kiến ​​lớn nhất trong nhiều thập kỷ đã nổ ra ở Trung Quốc đại lục khi người dân tức giận vì những hạn chế nghiêm ngặt chống COVID-19. Họ kêu gọi nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình từ chức.

Xem thêm: Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc gây sốc đối với truyền thông quốc tế

Biểu tình đã lan đến Hong Kong. Vào thứ 3, những người biểu tình tại Đại học Hong Kong hô vang và giơ cao khẩu hiệu phản đối các biện pháp phòng dịch.

Một người hét to: “Chúng tôi không phải lực lượng nước ngoài mà là bạn học của bạn”.

Chính quyền Trung Quốc thường hạ thấp uy tín của những người bất đồng chính kiến trong nước bằng cách nói rằng họ làm việc cho các thế lực nước ngoài.

Theo ông Wang Dan, cựu lãnh đạo sinh viên của các cuộc biểu tình năm 1989 và hiện sống lưu vong, làn sóng biểu tình “tượng trưng cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới ở Trung Quốc… trong đó xã hội dân sự Trung Quốc đã quyết định không im lặng và sẽ đối đầu với bạo quyền”.

Xem thêm: Từ làn sóng biểu tình chưa có tiền lệ đến Sự sụp đổ của chế độ Bắc Kinh

Tuy vậy, ông cảnh báo tại một cuộc họp báo ở Đài Bắc (Đài Loan) rằng chính quyền có thể sẽ đáp trả với “lực lượng mạnh hơn để đàn áp người biểu tình một cách thô bạo”.

Xuân Hoa

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Trường học cho sinh viên về nhà, cảnh sát che giấu hành động đàn áp biểu tình