Trung Quốc tuyên bố không giải cứu nợ địa phương sắp vỡ: 'con ai nhà nấy lo'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi nền kinh tế ngày càng tồi tệ, tài chính địa phương ngày càng eo hẹp, Bộ Tài chính Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ không giải cứu rủi ro nợ địa phương, đồng thời nhấn mạnh rằng “con ai nhà nấy lo”.

Vài ngày trước, ông Lưu Côn (Liu Kun), Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn truyền thông về “tầm quan trọng trong việc ngăn chặn rủi ro nợ của chính quyền địa phương". Ông nói, "bước tiếp theo, sẽ tiếp tục phá vỡ những kỳ vọng cơ bản của chính quyền địa phương" và thúc đẩy cái gọi là "chuyển đổi định hướng thị trường của các công ty là phương tiện tài chính địa phương", v.v.

Phương tiện nợ địa phương chính là các doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền địa phương thành lập. Các chính quyền địa phương sẽ phân bổ đất đai, vốn chủ sở hữu, phí, trái phiếu kho bạc và các tài sản khác, nhanh chóng đóng gói thành một công ty có tài sản và dòng tiền để có thể đáp ứng tiêu chuẩn có thể đi vay nợ. Trợ cấp tài chính [từ chính quyền] được sử dụng như một cam kết [tài sản đảm bảo] nhằm giúp phương tiện tài chính có thể nhận vốn từ nhiều nguồn khác nhau.

Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc đã có công văn trả lời đề xuất của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Trong đó cũng nhấn mạnh về “nguyên tắc trung ương không cứu trợ” rủi ro nợ địa phương và sẽ thực hiện “con ai nhà nấy lo”.

Cái gọi là “thúc đẩy chuyển đổi định hướng thị trường của các công ty là phương tiện tài chính địa phương” bao gồm việc: cấm chính quyền địa phương thành lập các công ty tài chính mới, cấm tiết lộ thông tin tài chính có liên hệ với tín dụng của chính quyền địa phương, tước bỏ các chức năng tài chính của chính quyền đối với các khoản nợ và tài sản của công ty tài chính, v.v.

Rõ ràng, các biện pháp này sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở các địa phương từ gốc rễ, mà chỉ tập trung vào việc "duy trì sự ổn định" và đùn đẩy trách nhiệm.

Các chính sách "phòng chống dịch bệnh" và kinh tế của chế độ Bắc Kinh đã đẩy nhanh suy thoái kinh tế. Trong nửa đầu năm 2022, tất cả 31 tỉnh của Trung Quốc đều bị thâm hụt tài khoá. Các tỉnh, thành phát triển kinh tế như Thượng Hải và Quảng Đông, trước đây phải miễn cưỡng duy trì thặng dư thì nay cũng chuyển sang thâm hụt tài khóa. Nhiều tỉnh hiện nay chỉ có thể dựa vào vay nợ để tồn tại, tỷ lệ nợ ngày càng lớn khiến chính quyền địa phương hoàn toàn không có khả năng trả nợ.

Vào tháng 12/2022, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phát hành 750 tỷ nhân dân tệ (CNY) trái phiếu kho bạc đặc biệt, tuyên bố rằng khoản tiền này "chủ yếu phục vụ cải cách kinh tế và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp lớn". Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhìn chung cho rằng, trong lượng trái phiếu mà chính phủ Trung Quốc phát hành hàng năm, một phần đáng kể được dùng để trả nợ cũ và giảm áp lực trả nợ.

Tiến sĩ Lâm Nhã Linh (Ya-Ling Lin), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan (INDSR), nói với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng trong tương lai, áp lực đáo hạn các khoản nợ của chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên, chính quyền sẽ không để các địa phương phá sản, nhưng sẽ đốc thúc các địa phương “giải quyết khoản nợ”.

Bà Lâm dự đoán rằng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục "vay nợ mới để trả nợ cũ" và các phương tiện tài chính địa phương sẽ còn được nới lỏng hơn nữa. Chỉ cần giới chức địa phương có thể giải quyết các vấn đề "trước mắt và hiện tại", họ sẽ không cân nhắc đoái hoài đến vấn đề nợ cho người kế nhiệm và sẽ đổ lên vai của mỗi người dân Trung Quốc ngày nay.

Trong những năm gần đây, chính quyền nhiều địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gặp khó khăn về tài chính, bao gồm cả các vùng ven biển phát triển kinh tế, và công chức đã nhiều lần bị giảm lương. Ở những vùng kinh tế lạc hậu như Đông Bắc và Hà Nam, đã xảy ra hiện tượng không thể trả lương cho công chức.

Ngoài việc "tiết kiệm chi tiêu", chính quyền địa phương cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tạo thu nhập mang "đặc sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc" như đẩy mạnh xử phạt người tham gia giao thông, xử phạt trong ngành công thương, cướp bóc các công ty tư nhân dưới chiêu bài "thực thi pháp luật", v.v. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng doanh nhân nơi khác bị “bắt cóc” liên tỉnh, thành để “đòi tiền chuộc”.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tuyên bố không giải cứu nợ địa phương sắp vỡ: 'con ai nhà nấy lo'