Trung Quốc vẫn đang loay hoay giải quyết khủng hoảng dân số

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Trung Quốc đã thông qua Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình để cưỡng chế thực hiện chính sách một con. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số, và Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình nay đã biến thành “Hiệp hội Thúc đẩy sinh đẻ”.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học là một thách thức nhãn tiền đối với nhà cầm quyền Trung Quốc. Quy mô và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của Trung Quốc vượt xa các nước tiên tiến như Nhật Bản và Ý. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn đang giảm ngay cả khi chính quyền đã bãi bỏ hạn chế sinh đẻ và chuyển sang thúc đẩy chính sách "ba con".

Kế hoạch hóa Gia đình dẫn đến cuộc khủng hoảng dân số

Nhiều thập kỷ bắt buộc thực hiện chính sách một con đã khiến quy mô của các gia đình Trung Quốc suy giảm nhanh chóng. Bắc Kinh đã buộc phải bãi bỏ chính sách một con vào năm 2016. Vào thời điểm đó, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 18 triệu trẻ chào đời, nhưng hiện tại con số này đã giảm xuống dưới 10 triệu, tương đương với giảm 46%. Ngay cả thời Nạn đói lớn xảy ra vào đầu những năm 1960, khi dân số Trung Quốc chưa bằng một nửa so với hiện nay, số ca sinh chưa bao giờ giảm xuống dưới 10 triệu.

Theo tờ Wall Street Journal, đứng trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng, Trung Quốc đã lại triển khai một cuộc vận động khác nhằm cố thay đổi tâm lý của thế hệ không muốn lập gia đình ngày nay, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ chính sách sinh đẻ. Cơ quan nòng cốt thực hiện cuộc vận động này vẫn là Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình. Hiệp hội này ban đầu được thành lập vào năm 1980 để thực thi chính sách một con nhằm hạn chế sinh đẻ. Nhưng hiện nay nó đã được tổ chức lại và bắt đầu tập trung vào việc thúc đẩy sinh con.

Ông Vương Bồi An (Wang Pei'an), Bí thư đảng tổ Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình, đã kiên quyết bảo vệ chính sách Kế hoạch hóa Gia đình trong nhiều năm. Giờ đây, ông này lại đang dẫn đầu chiến dịch "thúc đẩy sinh đẻ".

Tại một công viên ở quận Mật Vân, ngoại ô Bắc Kinh, chính quyền địa phương đã đặt một tác phẩm điêu khắc về một cặp vợ chồng đang chơi với ba đứa trẻ để thúc đẩy "chính sách ba con". Chi hội Kế hoạch hóa Gia đình quận Mật Vân còn thành lập một đội gồm 500 người để tổ chức các hoạt động khác nhau nhằm thúc đẩy "văn hóa hôn nhân và sinh đẻ kiểu mới".

Chi hội Kế hoạch hóa Gia đình quận Mật Vân cho biết trong một tuyên bố vào đầu tháng 5 rằng, tương tự như trước kia khi thực hiện chính sách một con, hiện nay một phần tiêu chuẩn để đánh giá các quan chức Mật Vân sẽ là liệu họ có thể thay đổi xu hướng kết hôn và sinh đẻ hay không.

Mật Vân là một trong 20 thí điểm cho chiến dịch sinh sản mới được phát động vào năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc cho biết vào tháng trước rằng, 20 thành phố khác sẽ được thêm vào làm thí điểm.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề tỷ lệ sinh giảm sẽ hạn chế sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, khủng hoảng dân số sẽ là vấn đề lớn nhất của Trung Quốc. (Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Cuộc vận động ‘thúc đẩy sinh đẻ’ gặp thách thức

Hôm 1/6 tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, cô Yang Ri, nhân viên 35 tuổi tại một doanh nghiệp nhà nước, nói với tờ Wall Street Journal rằng con gái cô hiện đang học lớp một và chi tiêu hàng năm cho việc ăn uống, mua đồ chơi và học thêm của cô bé lên tới 28.000 USD (khoảng 650 triệu VND). Cô Yang Ri không đủ khả năng để nuôi thêm một đứa con nữa.

Cô nói: "Đột nhiên, chúng tôi lại phải sinh ba đứa con trong khi không có bất kỳ sự giúp đỡ nào. Điều đó thật vô lý".

Cô Li Juan, 40 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tài chính, cho biết cô cảm thấy buồn cho cậu con trai vì cậu bé sẽ lớn lên mà chẳng có anh chị em bầu bạn, nhưng nếu không có người chăm sóc trẻ, cô sẽ phải nghỉ việc nếu muốn sinh thêm một đứa con.

Cô Li Juan nói: “Việc này không chỉ đơn giản là thiếu tiền trợ cấp”.

Hiện nay, có không ít người trẻ Trung Quốc ngại kết hôn và lập gia đình. Tỷ lệ đăng ký kết hôn đã giảm trong nhiều năm qua và còn giảm hơn nữa trong thời gian Trung Quốc phong tỏa vì Covid-19. Thậm chí số lượng đăng ký kết hôn vào ngày 20/5 cũng tụt xuống, đây vốn là ngày có mức đăng ký cao nhất vì ngày 520 (tháng viết trước ngày) có cách phát âm gần giống với "Anh yêu em / Em yêu anh" trong tiếng Trung. Hiện tượng này càng cho thấy rõ tình hình kết hôn hiện nay ở Trung Quốc.

Bộ Dân chính Trung Quốc thường phải công bố một bộ dữ liệu bao gồm số lượng kết hôn, ly hôn và hỏa táng trong mỗi một quý, nhưng họ đã không đưa ra bất kỳ báo cáo nào kể từ quý 3 năm ngoái.

Cả Bộ Dân chính và Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận của Wall Street Journal.

Chính quyền địa phương ở Trung Quốc còn thử nghiệm các biện pháp bao gồm tặng tiền mặt và kéo dài thời gian nghỉ thai sản để tăng tỷ lệ sinh; hay để khuyến khích những người độc thân kết hôn, các quan chức địa phương còn tổ chức những buổi hẹn hò giấu mặt (cuộc gặp gỡ giữa hai người khác phái mà trước đó họ chưa hề quen biết nhau). Nhưng những biện pháp này dường như không có hiệu quả rõ rệt.

Ông John Casterline, một nhà nhân khẩu học tại Đại học Tiểu bang Ohio, Mỹ cho rằng các chính sách khuyến khích sinh đẻ của chính phủ Trung Quốc có tác động rất nhỏ, cần phải có một sự thay đổi về văn hóa. Bởi văn hóa ở Trung Quốc hiện nay là cha mẹ đầu tư nhiều nhất vào con cái, cho nên họ sẽ có xu hướng chỉ sinh một con. Trong khi đó, các chính sách và chương trình của chính phủ lại tập trung vào việc thúc đẩy các giá trị văn hóa theo hướng sinh nhiều con hơn.

Bắc Kinh tự chuốc lấy thất bại

Để khuyến khích sinh đẻ và giảm chi phí nuôi con cho các gia đình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp các nhà phát triển bất động sản và ngành dạy thêm nhằm kiểm soát giá nhà đất tăng cao cũng như ngăn chặn những buổi phụ đạo đắt đỏ. Kết quả là chính quyền tự chuốc lấy thất bại vì có một lượng lớn lao động trong các ngành bị đàn áp đã mất việc, điều này lại làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ.

Vấn đề mà giới trẻ Trung Quốc quan tâm nhất hiện nay là khó kiếm được thu nhập ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16 - 24 tại Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 20,4% vào tháng Tư năm nay.

Một thanh niên 27 tuổi bị một công ty công nghệ tư nhân ở Bắc Kinh sa thải vào năm ngoái nói với Wall Street Journal rằng, anh đã nộp hơn 200 hồ sơ xin việc và tham gia 8 cuộc phỏng vấn nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.

Anh nói, "Tôi vốn nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn trong năm nay, nhưng mọi thứ lại tồi tệ hơn", và cho biết thêm rằng anh không có kế hoạch kết hôn với bạn gái cho đến khi tìm được việc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc vẫn đang loay hoay giải quyết khủng hoảng dân số