Trung Quốc xây 27 thành phố New York ma: Nền kinh tế bấp bênh sắp sụp đổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc đều đang gánh những khoản nợ khổng lồ. Nợ xấu được ước tính lên tới 50% GDP, thừa sức làm mất khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Bong bóng tài sản của Trung Quốc sẽ sụp đổ.

Tính đến năm 2016, các căn hộ trống của Trung Quốc có thể chứa trọn 27 thành phố New York.

Thế thì ảnh hưởng gì đến tôi? Có thể bạn đang tự hỏi vậy. Có rất nhiều ảnh hưởng từ việc lãng phí quá nhiều tài nguyên. Khi bạn từ từ tìm hiểu về những hậu quả tàn khốc của bong bóng tín dụng, hãy cảm ơn Trời rằng, bạn không thực sự phải lo lắng về việc bị những con quỷ ác độc yểm lên bạn các khoản thế chấp.

Điều ấy có thể đáng sợ đấy. Hãy tưởng tượng rằng, có một con quỷ độc ác nào đó nhất quyết là không ưa bạn. Con quỷ này không thể làm một ma thuật nào ác độc hơn việc tặng cho bạn kho tàng khổng lồ chứa 70 triệu căn hộ trống đang tích bụi trên khắp Trung Quốc.

Bạn có lẽ nghĩ rằng, nó sẽ làm bạn trở thành tỉ phú, ông trùm bất động sản ngang hàng với Donald Trump. Nhưng hãy suy nghĩ lại đi nhé.

Đây có thể là thời điểm thích hợp cho một câu chuyện hấp dẫn khác thường mà Trump đã kể về bản thân mình, chúng ta hãy quay ngược thời gian trở về cuộc khủng hoảng tín dụng (khủng hoảng S&L) vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Đó là thời điểm mà 1.043 trong số 3.234 quỹ tín dụng ở Mỹ đã đóng cửa, khi họ phải ôm hàng tỉ USD chết cứng trong các bất động sản thế chấp mà họ đã tịch thu do không thu hồi được nợ chỉ có điều, những bất động sản đó đã trượt giá chóng mặt.

Vào thời điểm đó, một buổi tối, Trump đi dạo với bạn gái trên đường phố khu Upper East Side của Manhattan. Trên đường, họ bắt gặp một người ăn mày mặc một chiếc áo khoác len rách rưới đang nằm trên một tấm lưới. Trump nói với cô bạn, "Ông này có nhiều hơn anh 1 tỉ USD". Bạn gái Trump trả lời, "Nhưng trông ông ấy không giống như có lấy 1 xu". Trump trả lời, "Ông ấy chả có xu nào".

Vào lúc Trump nói thế, tài sản của ông đang làm con tin cho các ngân hàng chủ nợ của mình. Nếu Trump bán tống bán tháo chỗ tài sản của mình đi, thì ông vẫn còn cần thêm khoảng 1 tỉ USD nữa mới đủ trả nợ ngân hàng.

Tôi gọi câu chuyện này là "một câu chuyện hấp dẫn khác thường" bởi vì, Trump hầu như không được biết đến với việc tự mang mình ra làm trò cười. Tuy nhiên, ông ấy đã xác nhận với tôi trong một lần trò chuyện rằng, câu chuyện mà tôi chia sẻ với các bạn ở trên là có thật. Câu chuyện ấy cho chúng ta thấy việc Trump thừa nhận một cách hài hước và tích cực nhất những tác động của việc ghi sổ kép trong kế toán.

Chúng ta đã biết về câu chuyện của Trump rồi, giờ hãy thử nghĩ xem, con quỷ ác độc kia đã tặng bạn 70 triệu căn hộ trống không. 70 triệu căn hộ ấy được xây bằng tiền vay thế chấp xây dựng. Bây giờ, làm sao mà bạn có thể thanh toán các khoản vay khổng lồ ấy khi không có ai mua căn hộ nào? Câu hỏi khó đấy. Bạn sẽ phải đi thuyết phục các ngân hàng Trung Quốc, giống như Trump đã phải làm với các ngân hàng New York nhiều thập kỷ trước trong cuộc khủng hoảng S&L.

Hy vọng duy nhất của bạn để tránh bị hút vào hố đen vỡ nợ là, thuê vài tên du thủ du thực có khả năng sáng tạo một tí, để chúng cải trang thành mấy nhân viên kế toán, rồi mang chúng đi giúp bạn thuyết phục các ngân hàng cho bạn vay thêm hàng tỉ (thật ra có thể là hơn thế nữa, hàng nghìn tỉ), để trì hoãn ngày phán xét. Bạn nên lưu ý rằng, bạn mà càng thành công trong việc này, thì sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề đầu tư xấu. Tài sản của bạn sẽ không hề được tăng lên tí nào, nếu bạn ôm thêm nợ. Tài sản của bạn sẽ chỉ trở nên tốn kém hơn mà thôi.

Nợ nần của bạn có thể cứ bay cao bay xa mãi được không?

Đây là một câu hỏi trị giá 36,4 nghìn tỉ USD?

Đây là một câu hỏi trị giá ít nhất là 36,4 nghìn tỉ USD. Có thể là 45,9 nghìn tỉ USD, hoặc thậm chí có thể là một câu hỏi trị giá 116,6 nghìn tỉ USD. Cái giá chính xác phụ thuộc vào mức nợ thực tế của Trung Quốc. Không giống như thách thức mà Trump phải đối mặt ba thập kỷ trước, khi vấn đề nợ hệ thống được tính bằng hàng tỉ USD, vấn đề nợ xấu của Trung Quốc còn tệ hơn 1.000 lần.

Tờ Forbes đưa tin, ước tính của Giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California San Diego nói rằng, số liệu nợ chính thức của Trung Quốc đã được chứng minh là vô cùng không đầy đủ.

Đây là một câu hỏi trị giá 45,9 nghìn tỉ USD?

Năm 2017, GDP Trung Quốc được báo cáo đạt 14 nghìn tỉ USD. Năm ấy, GS. Shih đặt tổng nợ của Trung Quốc ở mức 328% GDP. Do vậy, tổng nợ của Trung Quốc là 45,9 nghìn tỉ USD.

Theo GS. Shih, "tổng các khoản thanh toán lãi suất từ ​​tháng 06/2016 đến tháng 06/2017 đã vượt quá mức tăng dần của GDP danh nghĩa khoảng 8 nghìn tỉ nhân dân tệ".

Nếu vậy thì sắp xong phim rồi. Nhưng mà, tuy tình hình nghe có vẻ đã xấu lắm rồi, thực tế có thể còn tệ hơn thế nữa.

Hay đây là một câu hỏi trị giá 116,6 nghìn tỉ USD?

Nếu bạn là một người sành sỏi về những sự thật bị khóa chặt, như tôi đây này, bạn sẽ không thừa nhận cái giá trị bề ngoài của những con số được đưa ra chính thức. Bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm những dấu hiệu có thể vén màn câu chuyện thực tế. Tôi tin rằng, các số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc cũng toàn là các con số ma như ở Mỹ mà thôi. Mà thậm chí còn ma hơn thế nữa.

Một người đàn ông đi bộ trên đường vắng tanh tại Vịnh Conch, đối diện khu tài chính Vu Gia Bảo (于家堡), tại Thiên Tân, phía Bắc Trung Quốc, 14/05/2015. Dự án khổng lồ này của nhà nước thường được gọi là Manhattan của Trung Quốc, được hy vọng trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Nhưng một số đã gọi nó là “thành phố ma”. (Greg Baker / AFP, qua Getty Images)

Năm 2017, Giáo sư Christopher Balding thuộc Trường Kinh doanh HSBC, Đại học Bắc Kinh một người có nhiều nguồn tin tốt trong Ban Ổn định Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cũng chính là ngân hàng trung ương của nước này — đã làm một số tính toán kết hợp "tài sản trên bảng cân đối kế toán" với "tài sản ngoại bảng". Chúng ta hãy nhớ rằng, trong khi các khoản nợ là nợ phải trả đối với người đi vay, thì chúng lại là tài sản đối với người cho vay.

GS. Balding kết luận rằng, tổng nợ ở Trung Quốc là một khoản chóng mặt, lớn bằng 833% GDP. Có nghĩa là khoản nợ này trị giá khoảng 116,6 nghìn tỉ USD.

Ôi trời đất ơi!

Mức nợ thực tế có thể cao gấp 3,5 lần số liệu chính thức. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc (NDRC) cho biết, khoản nợ của Trung Quốc đạt 260% GDP (36,4 nghìn tỉ USD). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp nhận một ước tính chính thức là 230%, thấp hơn mức mà NDRC đưa ra. Nhưng giả sử ước tính 833% của GS. Balding là đúng. Trong trường hợp đó, đây là một vấn đề có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế thế giới và đối với các khoản đầu tư của chính bạn.

Trả lãi hàng năm 29% GDP?

Hãy nhớ rằng, lãi suất ở Trung Quốc không thấp lè tè như ở Mỹ, hay âm như ở Châu Âu và Nhật Bản. Giả sử lãi suất bình quân là bằng với lãi suất tiền gửi liên ngân hàng ngắn hạn, tức là 3,5%. GS. Balding nhận xét, "điều này có nghĩa là nền kinh tế phải chịu một chi phí dịch vụ tài chính tương đương 29% GDP danh nghĩa". Đây là một bài toán khó nhằn đấy. Ngay cả tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng sẽ không thể đáp ứng được chi phí bảo tồn hàng lưu kho hàng năm ở mức 29%.

Có thể nào ông Balding đã đúng?

Có thể. Tôi thấy có nhiều dấu hiệu chứng tỏ ông ấy đã đúng.

Các số liệu tài chính chính thức có sai hoàn toàn không?

Một dấu hiệu là, hầu hết những vụ phá sản của Trung Quốc đều mang lại bằng chứng về các khoản nợ không được tiết lộ của các công ty riêng lẻ. Theo GS. Balding, "người ta thường phát hiện những khoản nợ khổng lồ không được tiết lộ, hoặc các sản phẩm quản lý tài sản (giống Enron) trong các vụ phá sản hay vỡ nợ ở Trung Quốc".

Điều này làm gia tăng sự nghi ngờ rằng, ước tính mức nợ thực tế đã bị cố tình giảm xuống. Theo cách nói của GS. Balding, điều đó cũng có nghĩa là, có khả năng "các số liệu tài chính chính thức trên bảng cân đối kế toán của Trung Quốc là hoàn toàn sai, với những hậu quả thảm khốc". Ông cảnh báo, "Điều này ngụ ý rằng chúng ta cần phải cân nhắc lại toàn bộ câu chuyện về sự phát triển và tài chính của Trung Quốc kể từ khoảng năm 2000".

Khu tài chính Vu Gia Bảo (于家堡) (Bên trái tấm ảnh), và Vịnh Conch (Bên phải tấm ảnh), tại Thiên Tân, phía Bắc Trung Quốc, 14/05/2015. Dự án khổng lồ này của nhà nước thường được gọi là Manhattan của Trung Quốc, được hy vọng trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Nhưng một số đã gọi nó là “thành phố ma”. (Greg Baker / AFP, qua Getty Images)

GS. Balding tiếp tục: "Nợ quá nhiều được phân bổ ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trước đây, nếu có một cú sốc đối với khu vực doanh nghiệp, các chủ hộ và chính phủ có thể vào cuộc và giúp đỡ. Tuy nhiên, hầu như không có lĩnh vực nào của nền kinh tế Trung Quốc mà không mắc nợ khổng lồ. Phân phối nó (nợ quá nhiều) xuyên suốt [nền kinh tế] chỉ làm giảm thêm nữa khả năng ứng phó với một cú sốc".

Chính quyền Trung Quốc trừng phạt GS. Balding vì tiết lộ sự thật?

Nói đến "cú sốc", bạn không nên thấy sốc khi biết rằng GS. Balding đã bị sa thải khỏi Đại học Bắc Kinh, sau khi đưa ra kết luận của mình dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc rằng tổng nợ ở Trung Quốc đã tăng lên 833% GDP danh nghĩa.

Trong một thế giới tham nhũng, nơi mọi người có hàng nghìn tỉ lý do để nói dối về nền kinh tế (và một số không nghi ngờ gì đã mất mạng vì không để ý đến những lý do ấy), việc Giáo sư Balding bị sa thải là dấu hiệu chắc chắn nhất mà bạn có thể có được, để xác nhận chính thức rằng, số của ông ấy là chính xác.

Có một cách để giải thích lại cho rõ ràng hơn những gì GS. Balding đã tiết lộ là, không ai biết ai nợ ai cái gì, hay có thể dàn xếp được bao nhiêu, trước khi toàn bộ nền kinh tế bấp bênh của Trung Quốc sụp đổ. Ước tính nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc lên tới 50% GDP tương đương khoảng 7 nghìn tỉ USD. Quá đủ để làm cho hệ thống ngân hàng mất khả năng thanh toán.

Sự sụp đổ của bong bóng tài sản của Trung Quốc đang ở trước mắt. Tôi không cho là có nhà tài phiệt Trung Quốc nào đang đi dạo trên đường phố Thượng Hải với bạn gái, mà lại đùa cợt về việc những người vô gia cư có nhiều hơn họ hàng nghìn tỉ nhân dân tệ. Điều đó nhấn mạnh một vấn đề là, chính phủ làm phình to nợ đến mức vượt quá quy mô tài sản của ngay cả những người giàu có nhất. Điều đó khiến cho việc giải chấp càng trở nên không tưởng hơn, khi mà người đi vay còn đang gánh chịu mức nợ lớn đến như thế này.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận James Dale Davidson là một nhà kinh tế học và nhà dự báo tài chính được đánh giá cao. Ông là đồng tác giả bản tin đầu tư nổi tiếng Strategic Investment, được xuất bản từ năm 1984. Một trong những người hâm mộ lớn nhất của ông Davidson là tỉ phú Peter Thiel. Anh Thiel nói rằng, ông Davidson đã truyền cảm hứng cho anh thành lập PayPal, và anh gọi ông Davidson là "người lựa chọn cổ phiếu mà anh yêu thích".

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc xây 27 thành phố New York ma: Nền kinh tế bấp bênh sắp sụp đổ