Trung Quốc xây dựng thêm nhiều hầm phóng tên lửa Đông Phong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang xây dựng thêm các hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Theo The Epoch Times, gần đây, tờ South China Morning Post đưa tin rằng Trung Quốc đang xây dựng các hầm phóng tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) và Đông Phong-31AG (DF-31AG) ở khu vực Tây Bắc của nước này. ĐCSTQ tuyên bố rằng những tên lửa này có tầm bắn từ 10.000 km tới 14.000 km.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (The Federation of American Scientists, FAS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C., đã trích dẫn các hình ảnh vệ tinh trong một báo cáo vào cuối tháng 2 và nói rằng, lực lượng tên lửa của quân đội ĐCSTQ đã bắt đầu xây dựng ít nhất 16 hầm phóng tên lửa trong một khu huấn luyện đạn đạo ở phía tây thành phố Ô Hải, Nội Mông.

Báo cáo nói rằng, cùng với việc cạnh tranh quân sự với Hoa Kỳ gia tăng, ĐCSTQ đang có các hành động để mở rộng năng lực uy hiếp hạt nhân và việc thành lập các hầm chứa tên lửa mới là một phần trong đó.

ĐCSTQ tuyên bố rằng tên lửa liên lục địa DF-41 có thể được phóng từ bệ phóng silo hoặc bệ phóng di động trên đường bộ hoặc đường sắt.

Theo báo cáo, các hầm phóng mới được đặt tại Căn cứ Huấn luyện Cát Lan Thái (Thị trấn Cát Lan Thái nằm ở miền Trung của kỳ Alxa Tả, Nội Mông), với tổng diện tích 200 km vuông và khoảng cách giữa các hầm chứa từ 2,2 km đến 4,4 km. Vì vậy, hai trong số các hầm chứa không thể bị phá hủy trong một cuộc tấn công hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tuyên bố trong báo cáo thường niên năm 2019 về sức mạnh quân sự của ĐCSTQ rằng, ĐCSTQ đang xem xét thêm các phương án phóng DF-41, bao gồm bệ phóng di động trên đường sắt và hầm phóng silo. Vào năm 2020, một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng Căn cứ Huấn luyện Cát Lan Thái "ít nhất có thể được sử dụng để phát triển các hầm chứa tên lửa DF-41".

Tuy nhiên, báo cáo của FAS tuyên bố rằng ngay cả khi ĐCSTQ tăng gấp đôi hoặc gấp ba số lượng hầm chứa tên lửa đạn đạo, nó vẫn còn kém xa so với Hoa Kỳ và Nga về khả năng tấn công hạt nhân. Theo FAS, Hoa Kỳ có 450 hầm chứa, trong đó 400 hầm đã lắp đặt tên lửa, trong khi Nga có khoảng 130 hầm chứa đang hoạt động, còn ĐCSTQ chỉ có 18 đến 20 hầm chứa đang hoạt động.

Tổ chức này cũng nói rằng các hình ảnh vệ tinh về căn cứ huấn luyện của ĐCSTQ cho thấy căn cứ này có hai đường hầm xuyên thẳng với đủ không gian để chứa các bệ phóng tên lửa di động, có nghĩa là chúng có thể được giấu đi.

Ông Antony Wong Tong, một nhà phân tích quân sự ở Ma Cao, cho biết, các hầm chứa mới cho thấy rằng ĐCSTQ đang tăng cường triển khai “số lượng và chất lượng” tên lửa trên mặt đất. "Sử dụng hầm chứa là phương pháp phản công đáng tin cậy nhất, nhưng những cơ sở này cũng là mục tiêu chính của các đối thủ vì chúng dễ bị vệ tinh phát hiện hơn. Những cơ sở mặt đất này cần được các bệ phóng di động hỗ trợ", ông Wong nói.

Vào cuối năm 2020, ông Hans M. Kristensen , Giám đốc chương trình thông tin hạt nhân của FAS, và ông Matt Korda đã đồng tác giả viết báo cáo mới nhất về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc (Chinese nuclear forces, 2020), mô tả khá chi tiết về vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ.

Báo cáo cho biết, ĐCSTQ có tổng cộng 36 chiếc DF-31AG, được triển khai vào năm 2018 với tầm bắn 11.200 km, mang một đầu đạn duy nhất, có sức công phá tương đương với 200.000 đến 300.000 tấn thuốc nổ và trên thực tế có 36 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai. Tổng cộng có thể có 18 chiếc DF-41. Dự đoán nó sẽ chính thức được triển khai vào năm 2021, với tầm bắn 12.000 km, mang 3 đầu đạn, có sức công phá tương đương với 200.000 đến 300.000 tấn thuốc nổ, số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai thực tế có thể là 54.

Mặt khác, mặc dù đã cắt giảm quy mô lớn kho vũ khí hạt nhân, Mỹ vẫn còn hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân và đã triển khai khoảng 2.080 đầu đạn hạt nhân trong thực chiến. Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ kiểm soát tất cả vũ khí hạt nhân chiến lược, bao gồm: 450 tên lửa liên lục địa LGM-30G Minuteman III phóng từ giếng phóng trên đất liền; 14 tàu ngầm lớp Ohio, mỗi tàu được trang bị 24 tên lửa xuyên lục địa UGM-133A Trident II; khoảng 500 tên lửa hành trình AGM-86 phóng từ không trung, khoảng 400 quả bom hạt nhân có dẫn đường B61, và 650 quả bom hạt nhân B83.

Trung Quốc phát triển quân sự nhằm vào hai mục tiêu hàng đầu là Biển Đông và Đài Loan

Deutsche Welle đưa tin hôm 19/3, theo một tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Đức mà hãng AFP có được, chính phủ Đức đã cảnh báo về khả năng quân sự của Trung Quốc. Theo tài liệu, Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng quân đội nước này thành quân đội hàng đầu thế giới và lấy Mỹ làm tiêu chuẩn. Mục đích là để "bảo vệ sự phát triển kinh tế và định hình một trật tự quốc tế phù hợp với lợi ích của nước này". Trong đó, bước đầu tiên là đạt được lợi ích trong "vấn đề Biển Đông và Đài Loan".

Tài liệu của Bộ Quốc phòng Đức đã liệt kê và phân tích các khả năng quân sự của quân đội Trung Quốc. Thống kê cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có 2 triệu quân, 6.850 xe bọc thép chiến đấu, 1.600 máy bay chiến đấu và sức mạnh tên lửa thông thường lớn nhất thế giới. Nhưng điểm yếu gồm thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế và trình độ chuyên môn hóa chưa ngang tầm với các lực lượng quân sự phương Tây.

Về điểm yếu của quân đội Trung Quốc, trong một báo cáo về tình thế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương công bố hôm 15/3, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết ĐCSTQ đi theo thể chế tập quyền, hết thảy quyền lực nằm trong tay một nhà lãnh đạo, các quyết sách lớn cũng cần phải xin chỉ thị của lãnh đạo cấp cao. Điều này khiến quân đội Trung Quốc phản ứng chậm chạp, không thể tùy cơ ứng biến, đụng phải các vấn đề đột phát sẽ bó tay không biết giải quyết. Trong khi đó quân đội Hoa Kỳ chú trọng vào hình thức phân quyền (decentralize) tác chiến, do đó phát huy tối đa tính chủ động và tính độc lập của các sĩ quan cấp dưới, theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc xây dựng thêm nhiều hầm phóng tên lửa Đông Phong