Trước cáo buộc tấn công tình dục, cựu Phó Thủ tướng TQ Trương Cao Lệ còn vướng vào những bê bối nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 2/11, ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã bị ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) dùng tên thật cáo buộc tấn công tình dục. The New York Times đưa tin, bài đăng của Bành Soái đã nhanh chóng bị xóa, tên của cô và "quần vợt" trở thành những từ nhạy cảm không thể tìm kiếm được, điều này "phản ánh rằng ở Trung Quốc, bất kỳ cuộc thảo luận nào về hành vi bất chính của các nhà lãnh đạo đảng đều cực kỳ nhạy cảm".

Vào tối ngày 2/11, Bành Soái đăng một bài viết dài trên Weibo tố cáo việc cô bị ép quan hệ tình dục với ông Trương Cao Lệ 75 tuổi. Bài đăng bị xóa sau 20 phút, tài khoản Weibo của Bành cũng bị chặn và hiện không rõ tung tích của cô. Tuy nhiên, bài tố cáo đã được chụp màn hình và lưu truyền ở trong và ngoài Trung Quốc. Mặc dù vậy, phía chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm Tổng cục Thể thao Nhà nước, Quốc vụ viện và các kênh truyền thông chính thức vẫn giữ im lặng về vấn đề này.

Mặc dù các nhà chức trách ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ dư luận trước vụ việc này, nhiều cư dân mạng vẫn tiếp tục bày tỏ ý kiến ​​của họ theo cách ám chỉ hoặc dùng VPN vượt tường lửa để thảo luận.

WTA phá vỡ nguyên tắc 'thể thao và chính trị tách biệt', lên tiếng cho tay vợt nữ

AFP đưa tin rằng, Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế (WTA), tổ chức quốc tế cao nhất chịu trách nhiệm thúc đẩy phát triển bộ môn quần vợt của phụ nữ, đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ Bành Soái vào ngày 14/11.

Chủ tịch WTA Steve Simon cho biết trong một tuyên bố: "Vụ việc gần đây ở Trung Quốc liên quan đến một vận động viên WTA - Bành Soái, điều này rất đáng lo ngại. WTA là một tổ chức dành riêng cho phụ nữ. Chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc mà chúng tôi đã thiết lập: Công bằng, cơ hội và tôn trọng. Bành Soái và tất cả phụ nữ nên được lắng nghe hơn là bị kiểm duyệt. Việc cô ấy cáo buộc cựu lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tấn công tình dục, phải được đối đãi một cách thận trọng và nghiêm túc".

Ông Simon cũng cho biết: "Chúng tôi mong muốn vấn đề này sẽ được xử lý thích đáng, tức là các cáo buộc của Bành Soái phải được điều tra một cách toàn diện, công bằng, minh bạch và không bị kiểm duyệt. Sức khỏe và sự an toàn của tay vợt là ưu tiên tuyệt đối và không bao giờ nhượng bộ của chúng tôi. Chúng tôi lên tiếng vì công lý".

Về vấn đề này, ông Tần Bằng (Qin Peng), nhà bình luận vấn đề thời sự, nói rằng: Một tuyên bố như vậy (của WTA) là rất hiếm và rất táo bạo đối với một tổ chức thể thao quốc tế mà trước nay luôn thực hiện quy tắc "thể thao và chính trị tách biệt".

Tuy nhiên, những bê bối mà ông Trương Cao Lệ bị cáo buộc còn nhiều hơn thế.

Bị báo cáo về lối sống trụy lạc

Trên thực tế, trước khi cô Bành Soái tố cáo ông Trương Cao Lệ tấn công tình dục, tạp chí The Trend của Hồng Kông đã đưa tin rằng, trong năm 2004, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã nhận được nhiều báo cáo vạch trần cuộc sống phóng đãng và gia đình tham nhũng của Trương Cao Lệ.

Tờ Vision Times đưa tin, ông Trương Cao Lệ từng tuyên bố công khai tại Hội nghị Thường trực Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Tỉnh ủy rằng: "Tôi muốn nói lại. Tỉnh ủy muốn bảo vệ Lâm X (X là tên bị giấu). Suy cho cùng, các vấn đề về lối sống và quan hệ ngoài hôn nhân là những điều nhỏ nhặt. Có người muốn làm lớn chuyện, gửi tài liệu lên trên, cuối cùng vẫn là tôi đưa ra quyết định. Tôi phản đối việc chủ trương sinh hoạt như tín đồ Thanh giáo”.

Hai vụ nổ ở Thiên Tân khiến 173 người thiệt mạng

Vào tháng 8/2015, hai vụ nổ lớn đã xảy ra tại một kho chứa hóa chất ở cảng Thiên Tân thuộc thành phố Thiên Tân, nơi ông Trương Cao Lệ là Bí thư Thành ủy. Theo Trung tâm Mạng lưới Địa chấn Trung Quốc, sức mạnh của vụ nổ đầu tiên tương đương với sức nổ của 3 tấn TNT, và sức mạnh của vụ nổ thứ hai tương đương với vụ nổ 21 tấn TNT. Tổng cộng 173 người đã thiệt mạng trong hai vụ nổ này.

Vào ngày 22/8/2015, nhà bình luận quân sự Ma Cao tên là Hoàng Đông (Huang Dong) tiết lộ với tờ Nhật báo Phương Đông Hồng Kông rằng, nguyên nhân của vụ nổ Thiên Tân có liên quan đến quy hoạch đô thị của quận mới Tân Hải ở Thiên Tân. Kế hoạch này đã được ông Trương Cao Lệ, quan chức cấp cao nhất ở Thiên Tân lúc bấy giờ, chấp thuận.

Tham nhũng bất động sản và tài chính

Ngày 3/11, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc công bố 8 vụ án tham nhũng lớn ở Thiên Tân. Trong đó có một số vụ liên quan đến các dự án phát triển bất động sản do ông Trương xúc tiến khi còn là Bí thư Thành ủy Thiên Tân.

Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, nhiều quan chức của Tập đoàn Xây dựng Đô thị Thiên Tân (Tianjin Urban Construction Group), doanh nghiệp nhà nước lớn nhất ở Thiên Tân, đã liên tiếp bị bắt giữ. Trong đó có bà Mã Bạch Ngọc (Ma Baiyu), người được mệnh danh là "Nữ trưởng môn của Xây dựng Đô thị" khi ông Trương Cao Lệ còn nắm quyền.

Báo điện tử Liberty Times của Đài Loan đưa tin, ông Trương Cao Lệ có liên quan đến một vụ lừa đảo quỹ cổ phần tư nhân Thiên Tân với tổng trị giá 15 tỷ USD. Giống như hầu hết các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ, ông ta đã chuyển khối tài sản khổng lồ đến Hồng Kông và nước ngoài thông qua gia đình của mình.

“Hồ sơ Panama” (Panama Papers) đã ghi lại chi tiết thông tin tài chính của hơn 214.000 thực thể nước ngoài. Kể từ khi được công bố vào ngày 3/4/2016, nó đã liên tiếp tiết lộ thông tin về bất động sản và công ty được thành lập ở Hồng Kông của các thành viên gia đình của nhiều nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Thậm chí, một số người trong đó còn có tư cách thường trú nhân của Hồng Kông.

Hồ sơ trên do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists) và hơn 300 nhà báo trên khắp thế giới điều tra và soạn thảo. Qua đó, tiết lộ phương thức hoạt động ẩn náu, những tham nhũng chính trị và quy mô toàn cầu khổng lồ của các thiên đường thuế xa bờ (offshore).

Trong Hồ sơ Panama xuất hiện ít nhất 8 lãnh đạo đương nhiệm hoặc cựu lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ, và gia đình của họ là cổ đông hoặc chủ sở hữu của các công ty bí mật ở xa bờ.

Tờ Apple Daily của Đài Loan đưa tin vào năm 2018 rằng, có ít nhất 6 thành viên đương nhiệm hoặc cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ sở hữu bất động sản ở Hồng Kông, mà hầu hết đều thuộc sở hữu của gia đình ông Trương Cao Lệ. Ngoài ra, ông Trương còn mua bất động sản trị giá gần 110 triệu USD đứng tên con gái Trương Hiểu Yến (Zhang Xiaoyan) và con rể Lý Thánh Bái (Li Shengpo). Lý Thánh Bái là cổ đông của 3 công ty xa bờ trong Hồ sơ Panama.

Cáo buộc diệt chủng và mổ cướp nội tạng sống

Trương Cao Lệ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Phúc Kiến và đã làm việc trong một công ty dầu mỏ hơn 10 năm. Ông tự nhận mình xuất thân là một công nhân bốc vác và sau đó bước chân vào chính trường. Ông cũng là một thành viên quyền lực của "băng đảng dầu mỏ" trong phe cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Ngoại giới đều biết rằng Trương Cao Lệ rất trung thành với Giang Trạch Dân.

Tờ Apple Daily của Hồng Kông đưa tin vào năm 2006 rằng, Trương Cao Lệ, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, đã ra lệnh cho đóng cửa núi Thái Sơn trong hai ngày sau khi biết rằng Giang Trạch Dân, người đã thoái vị vào năm đó, sẽ đi leo núi. Bất chấp việc khi đó đúng vào thời điểm nghỉ lễ ngày 1/5 ở Trung Quốc, nghĩa là sẽ có rất đông du khách tới đây. Cán bộ địa phương còn phải “xếp hàng chào đón” và cấp dưới được chỉ thị gọi Giang Trạch Dân là “vị lãnh tụ kính yêu nhất của toàn đảng, toàn quân, của nhân dân cả nước". Trương Cao Lệ cũng chuẩn bị một chiếc kiệu 8 người khiêng và "tháp tùng" Giang trong chuyến đi.

Kể từ khi Giang Trạch Dân khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Trương Cao Lệ luôn trung thành theo sát chính sách diệt chủng của Giang và đã tích cực thực hiện cuộc bức hại ở Quảng Đông, Thâm Quyến, Sơn Đông và Thiên Tân.

Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) báo cáo rằng, Trương Cao Lệ bị tình nghi phạm tội diệt chủng, tra tấn và tội ác chống lại loài người.

Vào ngày 5/7/2021, người đứng đầu WOIPFG, ông Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan) tuyên bố với báo chí nước ngoài rằng, vào ngày 24/6/2015, ông từng điều tra và thu thập bằng chứng chống lại Phó Thủ tướng ĐCSTQ Trương Cao Lệ, người đang trong chuyến thăm Kazakhstan lúc bấy giờ.

Vào ngày 25/6/2015, trang web chính thức của WOIPFG đã đăng một bài viết với tiêu đề "Trương Cao Lệ không phủ nhận việc mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công đã lên tới hàng triệu người". Bài viết liệt kê các kết quả điều tra sau cuộc điện thoại với ông Trương Cao Lệ (Link bài viết tiếng Trung, tiếng Anh và bản ghi âm cuộc gọi), bao gồm ba mục chính:

Đầu tiên, cuộc gọi đã gián tiếp xác nhận rằng Giang Trạch Dân đã ra lệnh mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công, con số lên đến vài triệu người;

Thứ hai, Trương Cao Lệ hứa rằng sẽ “xử lý thích đáng những học viên Pháp Luân Công còn lại”, điều này chứng tỏ ngân hàng nội tạng sống lấy từ các học viên Pháp Luân Công, những người bị giam giữ bất hợp pháp, vẫn tồn tại cho đến nay;

Thứ ba, Trương Cao Lệ nói rằng hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công trong và ngoài Trung Quốc đã kiện Giang Trạch Dân, điều này đã gây ra áp lực đáng kể lên các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Giờ đây, ngoài cáo buộc tấn công tình dục, Trương Cao Lệ còn phải đối mặt với những bê bối khác đang lần lượt bị phanh phui.

Đông Phương

Theo Lô Dĩ Tâm - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trước cáo buộc tấn công tình dục, cựu Phó Thủ tướng TQ Trương Cao Lệ còn vướng vào những bê bối nào?