Trước khi học ông Putin, Trung Quốc nên nhớ họ khác Nga đến nhường nào (Kỳ cuối)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc có thể nhanh chóng chiếm giữ Đài Loan bằng vũ lực hoặc có khả năng kéo dài cuộc chiến trong nhiều tháng như Nga đang làm ở Ukraine không? Có một điều chắc chắn, kinh nghiệm thực chiến, năng lực vũ khí và khả năng lỳ đòn của quân đội Trung Quốc khó lòng sánh với Nga; kẻ cứ hầu như mỗi vài năm đều tham gia vào một cuộc chiến tàn khốc ...

Các tuyên bố, các hành vi chiến lược chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh của Trung Quốc ngày một rõ nét: Quyết tâm và cơ hội xâm lược Đài Loan của Trung Quốc chưa bao giờ lớn và thuận lợi đến thế... Nhưng nhân định có thắng thiên?

Mời các bạn đọc: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4

Trung Quốc phụ thuộc vũ khí và công nghệ vũ khí từ Nga

Trung Quốc nhập khẩu một số lượng đáng kể vũ khí từ Nga trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng đã hướng tới việc phát triển và sản xuất vũ khí tiên tiến của riêng mình, một phần bằng cách sao chép công nghệ hoặc thành phần của Nga và đôi khi của Ukraine như động cơ chiến đấu và các loại máy bay khác.

Một số vũ khí mới nhất của Trung Quốc, đáng chú ý nhất là máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9, dường như gần giống với các biến thể trước đó mua từ Nga. Vào tháng 12/2019, hãng sản xuất vũ khí Rostec của Nga đã công khai cáo buộc Trung Quốc sao chép bất hợp pháp một loạt các công nghệ quân sự của Nga trong suốt gần hai thập kỷ.

Giám đốc CIA Mỹ William Burns cho rằng Trung Quốc sẽ không xâm lược Đài Loan ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào mùa thu năm nay
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trung tâm) duyệt đội danh dự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong lễ đón bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 08/06/2018 (Ảnh: Greg Baker / POOL / AFP qua Getty Images)

Bất chấp những lo ngại này, hoạt động buôn bán vũ khí giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2014 đến 2015, Moscow đã đồng ý cung cấp cho Bắc Kinh 6 hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu Su-35, một số vũ khí tối tân nhất của Nga.

Khi Trung Quốc trở nên tiên tiến hơn, Nga đã bắt đầu khám phá các cơ hội hợp tác phát triển vũ khí với Bắc Kinh. Vào năm 2016, hai nước đã hợp tác phát triển và sản xuất hơn 200 máy bay trực thăng hạng nặng thế hệ tiếp theo cho PLA vào năm 2040. Một sự hợp tác lớn khác được công bố vào tháng 8, khi các quan chức vũ khí Nga tiết lộ rằng Moscow và Bắc Kinh đã bắt đầu nghiên cứu phát triển một phi cơ mới - tàu ngầm hạt nhân.

“Rõ ràng là Nga đang chuyển sang vai trò chuyển giao công nghệ và ký hợp đồng phụ sang Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc hiện có thể chế tạo nhiều hệ thống của riêng mình, nhưng nước này vẫn thiếu kinh nghiệm kỹ thuật và khả năng phát triển nhiều thành phần quan trọng như của Nga”, ông Michael Kofman, giám đốc chương trình Nga tại trung tâm nghiên cứu quân sự CNA có trụ sở tại Washington nói.

Trên thực tế, người Trung Quốc vẫn chưa thể làm chủ các công nghệ quân sự quan trọng, đặc biệt là liên quan đến động cơ phản lực, như ông Keith Crane, nhà kinh tế cấp cao của tập đoàn RAND có trụ sở tại Mỹ đã chỉ ra: "Bất chấp chính phủ Trung Quốc ưu tiên mua hàng nội địa, Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) đã vận động thành công để mua máy bay Nga vì chúng có chất lượng vượt trội hơn so với các mẫu máy bay nội địa thuần túy".

Nga liên tiếp mài dũa năng lực thực chiến của mình trong khi Trung Quốc chỉ phát triển ngoại giao sói chiến

Nga dưới thời Putin đã nhiều lần điều động các lực lượng vũ trang của mình cho các nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài tới một loạt quốc gia, bao gồm Checnya, Gruzia, Syria,... và Ukraine, cũng như tiến hành các cuộc can thiệp quân sự lớn chống lại các quốc gia khác. Moscow cũng đã tích cực hỗ trợ các nhóm vũ trang và dân quân ở một số quốc gia tương tự như vậy và những quốc gia khác nữa.

Xét về kinh nghiệm thực chiến, Nga là quốc gia duy nhất sánh ngang với Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc cũng đang ngày càng hung hăng hơn, sử dụng các lực lượng vũ trang, khoe khoang vũ khí bên ngoài biên giới của mình trong những năm gần đây, nhưng Bắc Kinh chưa từng có hoạt động tác chiến thực sự. Hầu hết chỉ là diễu binh đe doạ.

Một đội hình của hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh (ở giữa), trong cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, hôm 2/1/2017. (Ảnh: STR / AFP/Getty Images)

Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích, đối đầu và thậm chí là đụng độ bạo lực xung quanh khu vực ngoại vi của mình. Nhưng không giống như Nga, Trung Quốc đã hạn chế các cuộc can thiệp, xâm lược hoặc chiếm đóng quy mô lớn tại các nước khác kể từ khi nước này xâm lược Việt Nam vào năm 1979.

Các đợt triển khai quân lớn nhất của Trung Quốc ra nước ngoài trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh chỉ là cho các sứ mệnh Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc. Trong khi Nga có hơn 20 cơ sở quân sự bên ngoài biên giới của mình, cho đến nay, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự chính thức ở nước ngoài - Djibouti (được thành lập vào năm 2017) - và một số cơ sở khác mà nước này không chính thức thừa nhận.

Trung Quốc cũng không ngần ngại sử dụng vũ trang và một loạt các công cụ cưỡng chế xung quanh khu vực ngoại vi của mình. Họ xây dựng các con đường và hầm trú ẩn ở các khu vực biên giới xa xôi của dãy Himalaya cao dọc theo biên giới tranh chấp với Ấn Độ và xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Trong những năm gần đây, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc cũng đã tham gia vào các cuộc đụng độ chết người và đối đầu bạo lực với các đơn vị quân đội Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế tranh chấp, quấy rối và đâm vào các tàu đánh cá và tàu tuần dương của Việt Nam, Philippines và các nước khác.

Ngoài phát triển quân sự ở tầm ‘quấy nhiễu' biển đảo, biên giới quốc gia, thành công lớn nhất của Bắc Kinh là phát triển thành công ngoại giao sói chiến, gây kinh ngạc cho chính giới khắp toàn cầu.

Vào ngày 18/3/2021, ở Alaska, trên lãnh thổ của Hoa Kỳ, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị kiêm giám đốc Văn phòng Đối ngoại của ĐCSTQ, đã “tố cáo” Hoa Kỳ và nâng chiến thuật này lên cấp độ ngoại giao cao nhất. Một số cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đã sử dụng từ “tố cáo” trong các bản tin của họ để mô tả bài phát biểu kéo dài 17 phút của ông Dương tại cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Trung.

Các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của Bắc Kinh đang có sức ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, và Trung Quốc được cho là đang cố gắng gây hấn với các nước giàu hơn và nghèo hơn ở châu Âu để gây mâu thuẫn nội bộ EU (Ảnh: Getty Images)
Các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của Bắc Kinh đang có sức ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, và Trung Quốc được cho là đang cố gắng gây hấn với các nước giàu hơn và nghèo hơn ở châu Âu để gây mâu thuẫn nội bộ EU (Ảnh: Getty Images)

Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp gọi ông Antoine Bondaz, một học giả người Pháp và chuyên gia về Trung Quốc, là “con linh cẩu điên cuồng” và “dư luận viên mang ý thức hệ”. Nó tuyên bố trên trang web chính thức của mình rằng, "nếu có chiến binh sói, thì đó là bởi vì có quá nhiều chó điên hung dữ".

Phong cách "ngoại giao sói chiến" của Trung Quốc mở mắt cho cả thế giới, khiến những người đã từng ca ngợi Trung Quốc không tiếc lời phải suy nghĩ lại, những người từng im lặng trước tội ác Trung Quốc để đổi lấy kim tiền buộc phải lựa chọn, những người hiểu rõ và sẵn lòng nói tiếng nói công minh về Trung Quốc thốt lên "thì ra đã đến lúc họ không thể che giấu bản chất của họ nữa rồi". Không thể che giấu bản chất là khi kẻ đó hoặc là đã thống trị thế giới đó, hoặc là bị bức đến đường cùng. Trung Quốc có vẻ là lựa chọn thứ hai.

Quân đội Trung Quốc có thể chỉ là hổ giấy

Thứ nhất, không chỉ ít tham chiến, cuộc chiến bằng quân đội thô sơ duy nhất của Trung Quốc với Việt Nam cũng thất bại nhanh chóng cách đây 43 năm

Quân đội Trung Quốc có kho vũ khí công nghệ cao ngày càng ấn tượng, nhưng khả năng sử dụng những vũ khí và thiết bị này vẫn chưa rõ ràng.

Có những lý do để hoài nghi. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) phải chiến đấu dưới di sản của một hệ thống chỉ huy lỗi thời, nạn tham nhũng tràn lan, và đào tạo chủ nghĩa hiện thực gây tranh cãi cũng như các vấn đề khác. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã chỉ đạo các nỗ lực lớn để giải quyết từng khuyết điểm này và nâng cao khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Kể từ năm 2016, những cải cách tổ chức và các cải cách khác đã đạt được động lực.

Tuy nhiên, một tài sản mà PLA rõ ràng thiếu là kinh nghiệm chiến đấu, và ông Tập có thể làm được rất ít điều đó nếu không tiến hành chiến tranh.

Mặc dù đã tham gia một cuộc giao tranh nhỏ giữa hải quân với Việt Nam tại Bãi đá ngầm Gạc Ma vào năm 1988. Nhưng đây là một giao tranh mà Trung Quốc được xem như đã đánh lén; một cuộc tấn công mang sắc thái hèn nhát, mang hình thái của các bộ tộc man rợ hơn là bóng dáng của một quốc gia có tầm vóc. Không kể cuộc chiến ở Gạc Ma, lần cuối cùng PLA đã chiến đấu trong một cuộc xung đột lớn cũng đã cách đây gần 40 năm. Kết quả của cuộc chiến ngắn ngủi đó là quân đội dày dạn kinh nghiệm của Việt Nam đánh bại một cuộc xâm lược thô sơ của Trung Quốc vào năm 1979.

Tù binh Trung Quốc ở Việt Nam năm 1979
Tù binh Trung Quốc ở Việt Nam năm 1979. (Ảnh wikipedia)

Bóng ma của thất bại đó vẫn còn hiện hữu trong PLA. Ở Trung Quốc, các nhà chức trách phần lớn đã chọn cách phớt lờ cuộc xung đột đáng xấu hổ này khi tạo ra câu chuyện về sự trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh, nhưng sự im lặng chính thức đã khiến nhiều cựu binh PLA vỡ mộng về việc họ tham gia vào cuộc chiến. Một số ít cựu binh chiến đấu còn phục vụ sẽ nghỉ hưu trong vòng vài năm tới, điều này có nghĩa là quân đội sẽ sớm không còn nhân sự có kinh nghiệm chiến đấu.

Nếu không có thử nghiệm chiến đấu, năng lực chiến đấu của PLA vẫn chưa được chứng minh. Các nhà chức trách Trung Quốc đã thừa nhận quan điểm này vào đầu năm nay khi tờ báo chính thức của quân đội, PLA Daily , chỉ trích cái mà họ mô tả là “căn bệnh hòa bình”. Tờ báo cảnh báo nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng đã làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng và suy giảm khả năng sẵn sàng.

Thứ hai, tinh thần chiến đấu của những đứa trẻ con một là tử huyệt của PLA

Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục gia tăng đầu tư vật lực tài lực vào quân sự, nhằm mục đích xây dựng "quân đội hạng nhất" vào năm 2049. Tuy ngoại giới quan sát thấy rằng, bản thân quân đội ĐCSTQ lại tồn tại những khiếm khuyết rất lớn. Theo phân tích của tờ Nikkei Asian Review, Bắc Kinh đã có hai động thái mà vô tình bộc lộ điểm yếu chí mạng của quân đội nước này, chính là: Tinh thần chiến đấu sa sút.

Trong bài đăng hôm 19/9/21 Nikkei Asian Review có viết, một trong hai động thái đó là xây dựng một cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới ở vùng sa mạc nội địa Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thúc đẩy một loạt chính sách để khuyến khích người dân sinh sản. Hai động thái này cho thấy ĐCSTQ đang giải quyết mối lo ngại về tinh thần chiến đấu sa sút và sức bền thấp trong quân đội.

Ông Vương Trung Nghị nói rằng, quân đội Trung Quốc không thể chống đỡ được bất kỳ cuộc ngoại chiến nào, nếu đụng phải quân đội Hoa Kỳ thì sẽ vỡ tan. (Getty)
Hình ảnh quân đội Trung Quốc (Getty Images)

Theo bài báo, 10 năm gần đây, ĐCSTQ đang bận rộn xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông; sau đó triển khai thiết bị radar và tên lửa đạn đạo, nhằm ngăn chặn máy bay quân sự và tàu chiến nước ngoài tiếp cận khu vực này; cuối cùng là triển khai các tàu ngầm hạt nhân chiến lược có khả năng phóng tên lửa đạn đạo trong khu vực.

Vậy tại sao Bắc Kinh lại vội vàng xây dựng các căn cứ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới ở sa mạc nội địa? Các chuyên gia cho rằng, mặc dù ĐCSTQ đã quân sự hóa và triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ở một số vùng của Biển Đông, nhưng họ cũng không còn tự tin rằng nếu xảy ra xung đột thì quân đội của họ có thể bảo vệ khu vực này.

Bài báo cũng chỉ ra rằng, vào tháng 1/2018, một tàu ngầm Trung Quốc đã vô tình bộc lộ điểm yếu của quân đội này. Khi chiếc tàu này di chuyển dưới đáy biển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, đã nhanh chóng bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện. Thế là họ nhanh chóng cho tàu nổi lên và giương quốc kỳ mà không do dự. Nikkei Asian Review nói rằng, hành động này chẳng khác gì giương cờ trắng đầu hàng, các thủy thủ đoàn lo ngại rằng tàu của họ sẽ bị bom ở khu vực nước sâu tấn công.

Căn cứ theo luật pháp quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có thể coi con tàu này là một "tàu ngầm không xác định" đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Theo Nikkei, rất nhiều quan chức Nhật Bản và Mỹ cho rằng, hành động này của quân đội ĐCSTQ cho thấy sĩ khí của họ đang đi xuống. Trong 25 năm qua, ĐCSTQ đã liên tục đẩy mạnh đầu tư vào quân sự, tổ chức các cuộc duyệt binh và kiểm tra hải quân. Tuy nhiên các lực lượng hữu hình như tên lửa và xe tăng cũng chỉ là một phần của sức mạnh quân sự. Mà còn lực lượng vô hình khác cũng rất quan trọng, ví như tinh thần của binh lính.

Hải quân Trung Quốc vẫn đang thực hiện kế hoạch hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự đoán rằng, nếu xung đột xảy ra, các hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ sẽ không rời cảng, vì họ lo lắng rằng họ có thể bị tấn công và đánh chìm.

Một số người cho rằng, một phần nguyên nhân khiến tinh thần binh lính Trung Quốc sụt giảm là do “chính sách một con” bấy lâu nay mà chính quyền cưỡng chế thực hiện. Vì thế mà hiện nay quân đội nước này đã trở thành "quân đội con một".

Ông Kinichi Nishimura, cựu sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, nói rằng: "Hơn 70% quân nhân Trung Quốc là ‘con một’ ". Ông Nishimura đã có nhiều năm kinh nghiệm phân tích cán cân quân sự của khu vực Đông Á khi làm việc tại Trụ sở Tình báo Quốc phòng và nhiều cơ quan khác của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, do người dân cho rằng đi lính không có hy vọng gì, lại thêm quan điểm ‘con cái cần phải kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ’ đã cắm rễ sâu trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, vậy nên họ cực kỳ không muốn thấy cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, cũng không muốn để con cái nhập ngũ.

Ngày 1/8 vừa qua, chính quyền ĐCSTQ ban hành luật bảo vệ địa vị và quyền lợi của quân nhân. Đây là một dấu hiệu cho thấy quân đội ĐCSTQ không thể đảo ngược tình thế tuyển quân khó khăn, đặc biệt là khi tỷ lệ sinh sản ở khắp Trung Quốc đang giảm xuống.

Ông Nishimura nói: "Từ vài năm trước quân đội Trung Quốc đã tăng cường triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu nhưng tần suất hoạt động không cao. Họ dường như không thể đào tạo đủ binh sĩ có kỹ thuật cao để bảo dưỡng và sửa chữa phần cứng công nghệ cao”.

Đây cũng là một nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào thiết bị máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo những năm gần đây. Số lượng tên lửa đạn đạo mà ĐCSTQ triển khai đã tăng lên con số hàng nghìn.

Những gì đang xảy ra với Nga – Ukraine có khiến Trung Quốc suy ngẫm?

Kinh nghiệm chiến đấu của Nga ở Ukraine sẽ có tác động lan tỏa đến cách Trung Quốc nghĩ về Đài Loan. Nếu các lực lượng vũ trang Nga vẫn sa lầy trong bế tắc ở Ukraine trong một thời gian dài và / hoặc đối mặt với một cuộc nổi dậy kéo dài và lan rộng, điều này có thể khiến ông Tập và các thành viên Bộ Chính trị của ông tạm dừng lại không?

Rốt cuộc, một cuộc xâm lược Ukraine là tương đối đơn giản với Nga. Ukraine tiếp giáp về mặt địa lý với Nga, có chung đường biên giới trên bộ mở rộng với địa hình hầu hết là bình địa. Chưa kể, khác với Trung Quốc, Nga thực sự là một cường quốc về quân sự và vũ khí. Nga có những vị tướng lừng danh khắp toàn cầu sau hàng loạt cuộc chiến gây địa chấn ở Syria, Gruzia, Chechnya,... Kho vũ khí của Nga liên tục được thanh lý sau các cuộc chiến này và bổ sung vào các thiết bị, vũ khí công nghệ hiện đại hơn.

Ngược lại, một cuộc xâm lược đảo Đài Loan là một hoạt động phức tạp hơn nhiều. Chưa biết kho vũ khí và nhân sự trong quân đội Trung Quốc có chịu được áp lực cho một chiến dịch thành công đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận và phối hợp thực hiện giữa các lực lượng không quân, hải quân và mặt đất. Cuộc chiến cũng sẽ liên quan đến các cuộc đổ bộ cùng với chiến tranh đô thị đáng kể - trên quy mô thậm chí còn lớn hơn ở Ukraine. Chắc chắn, PLA sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng chiến dịch Ukraine của Nga và rút ra bài học từ đó, giống như họ đã nghiên cứu các chiến dịch của các cường quốc khác.

Ngoài ra, Nga tự chủ về năng lượng và lương thực. Mà Trung Quốc, dù đã tích trữ một lượng lương thực và và năng lượng lớn nhất toàn cầu thì vẫn là một quốc gia mất tự chủ. Nếu chiến tranh kéo dài, sự bất mãn của người dân trong cả một thế kỷ qua cộng với các kho dự trữ cạn kiệt sẽ là vấn đề lớn với sự tồn vong của Bắc Kinh.

Một cách mà giới lãnh đạo Trung Quốc có thể ghi nhận từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga là xem xét lại những rủi ro liên quan sẽ leo thang. Ngoài việc lưu ý đến sự bối rối tiềm tàng về quân sự mà Nga đang phải đối mặt, Trung Quốc có thể cảnh giác với các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng mà cộng đồng quốc tế áp dụng.

Nếu Trung Quốc nhận được phản ứng dữ dội tương tự Nga cho một cuộc xâm lược Đài Loan, sức chống chọi của Trung Quốc sẽ yếu. Lý do là tăng trưởng của Bắc Kinh phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hoá chứ không phải năng lượng như Nga, nền kinh tế đang đối mặt với khủng hoảng tài chính - tiền tệ tồi tệ, nợ xấu đang lan khắp hệ thống NHTM,...

Nga dù tăng trưởng thấp nhưng Nga chưa bao giờ cần tăng trưởng cao như một lý do để tồn tại thể chế này. Chưa kể, năng lượng là hàng hoá thiết yếu nhất, Nga có thể không xuất sang phương tây vì bán lậu cho Trung Quốc và các đối tác nhiệt tình với dầu thô trên biển đông. Trung Quốc nếu bị ngừng các đơn hàng xuất khẩu, họ sẽ bán lậu đi đâu? Đây không phải là bài toán dễ giải.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thuỷ Tiên

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://www.dw.com/en/why-russia-needs-china-to-buy-its-weapons/a-18870472
  2. https://www.usip.org/publications/2022/03/china-not-russia-taiwan-not-ukraine
  3. https://www.forbes.com/sites/miltonezrati/2022/04/18/trade-is-surging-between-china-and-russia/?sh=5235cc713ae1
  4. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/China-rises-from-Russian-customer-to-competitor-in-arms-industry
  5. https://www.israelunwired.com/china-bribes-and-corrupts-developing-countries-to-extract-key-resources-to-fuel-its-explosive-growth/
  6. https://www.breitbart.com/asia/2021/03/04/china-using-emotion-recognition-technology-to-arrest-people/
  7. https://www.christianpost.com/news/chinas-use-of-technology-for-religious-oppression-a-threat-to-all-of-us-warns-brownback.html
  8. https://nypost.com/2018/09/17/china-is-inventing-a-whole-new-way-to-oppress-a-people/
  9. https://www.rand.org/blog/2018/11/chinas-military-has-no-combat-experience-does-it-matter.html



BÀI CHỌN LỌC

Trước khi học ông Putin, Trung Quốc nên nhớ họ khác Nga đến nhường nào (Kỳ cuối)