Truyền thông ĐCS Trung Quốc ca ngợi ‘thành tựu’ của ông Tập, chuyên gia: Hoàn toàn là nhảm nhí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tân Hoa Xã đã đăng một bài viết dài hàng vạn chữ, trình bày chi tiết các "thành tựu" của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, có nhà bình luận cho rằng bài luận vạn chữ này hoàn toàn là nhảm nhí. Vì sau phong trào chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong và chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, phương Tây đã hình thành cơ chế "kiềm chế" đối với ĐCSTQ, đồng thời tình hình nội bộ của Trung Quốc cũng ngày càng xấu đi do đấu đá khốc liệt.

Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của ĐCSTQ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến ngày 11/11. Tại hội nghị, "Nghị quyết về thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trong chặng đường phấn đấu trăm năm của Đảng" sẽ được xem xét. Đây là "nghị quyết lịch sử" thứ ba của ĐCSTQ sau hai nghị quyết năm 1945 và 1981. Có nhà bình luận cho rằng, điều này cho thấy ông Tập đang mở đường cho kế hoạch tái đắc cử của ông tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ XX diễn ra vào năm sau.

Ngay trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương, Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài báo dài hàng vạn chữ có tiêu đề "Tập Cận Bình dẫn dắt đảng lớn trăm tuổi tiến lên hành trình mới", liệt kê tất cả những "thành tựu" mà ông Tập đã đạt được kể từ khi trở thành Tổng Bí thư vào năm 2012.

Bài viết nói rằng ông Tập "yêu thương nhân dân như yêu cha mẹ", là "nòng cốt lãnh đạo được quần chúng tín nhiệm", "nhà chiến lược, nhà lãnh đạo thiết thực giúp đất nước hùng mạnh", "người cải cách thời đại mở ra cảnh giới mới", "nhà lãnh đạo cường quốc có tấm lòng ôm cả thiên hạ" “người dẫn dắt kế thừa cái cũ, mở mang cái mới".

Bài báo còn nói rằng, trong 9 năm cầm quyền, ông Tập đã trải qua nhiều thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, bao gồm chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ do Mỹ phát động. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã ứng phó xung đột Trung - Mỹ với thái độ “không muốn đánh, không sợ đánh, [nhưng] khi cần thì không thể không đánh” và bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Bài báo chỉ ra rằng, từ việc thực hiện bình thường hóa tuần tra trong vùng biển quần đảo Điếu Ngư đến việc xung phá "phán quyết trọng tài về Biển Đông", từ việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp biên giới Trung - Ấn đến việc chào đón công dân Trung Quốc bị giam giữ trái phép (Mạnh Vãn Châu) trở về nước, ông Tập đã đích thân triển khai, đích thân chỉ đạo, đích thân thúc đẩy.

Về phong trào phản đối dự luật ở Hong Kong năm 2019, bài báo cho rằng ông Tập đã chỉ huy và bảo vệ sự nghiệp "một quốc gia, hai chế độ" và đập tan âm mưu "cuộc cách mạng màu" của các thế lực lượng chống Trung Quốc đang làm loạn ở Hong Kong.

Tình hình thực tế của Bắc Kinh

Có nhà bình luận thẳng thắn chỉ trích việc truyền thông ĐCSTQ cao giọng ca ngợi ông Tập là “nói nhảm”. Bởi vì quan hệ Trung - Mỹ vẫn đang căng thẳng, những hành động của ĐCSTQ ở Hong Kong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thế giới, do đó các nước phương Tây đã liên tiếp bày tỏ thái độ ủng hộ Đài Loan, không muốn quốc đảo này trở thành Hong Kong tiếp theo; Tại quốc tế, ĐCSTQ đã trở thành đối tượng mà hễ ai nhìn thấy cũng đều căm ghét, nhưng nó lại lố bịch tuyên truyền và lừa dối tỷ dân bên trong “bức tường lửa”.

Gần đây, dân biểu Mỹ Claudia Tenney cho biết, ĐCSTQ không phải là kẻ thù hư cấu / giả tưởng, mà là kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ ngày nay. Bà còn chỉ ra rằng, đã đến lúc xem xét lại chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ và bà cũng thẳng thắn bày tỏ không muốn Đài Loan trở thành một Hong Kong thứ 2.

Học giả Hong Kong Trung Kiếm Hoa (Zhong Jianhua) nói rằng các quỹ nước ngoài đang liên tục rút khỏi Trung Quốc; 32 quốc gia, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) đã hủy cơ chế ưu đãi thương mại với Trung Quốc. Điều này cho thấy nhiều ngành công nghệ thấp (Low-tech industry) sẽ rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam, Myanmar, v.v. Nếu xu hướng này tiếp diễn, tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc đại lục sẽ còn tồi tệ hơn nữa. “Tình hình hoạt động của quý gần đây nhất đã kém hơn so với quý trước, và quý tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn nữa”, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh, số dân thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể.

Ông Trung tiếp tục chỉ ra rằng, trong nước, ĐCSTQ tự tuyên truyền rằng họ rất cao cả, nhưng tình hình ở xã hội quốc tế thì hoàn toàn ngược lại. Gần đây, Tổng thống Mỹ Biden đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga không tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tổ chức ở Glasgow (Anh), đồng thời cho rằng ông Tập và ông Putin đang từ bỏ tầm ảnh hưởng của họ.

"Đây là một vấn đề to lớn mà họ thì không tới dự. Tại sao có thể cư xử như vậy rồi tuyên bố có khả năng lãnh đạo? Trung Quốc không xuất hiện là một sai lầm. Cả thế giới nhìn vào Trung Quốc và tự hỏi họ đang mang lại giá trị gì. Họ đã mất đi khả năng gây ảnh hưởng đối với người dân toàn thế giới và tất cả những người ở đây”, ông Biden nói.

Ông Trung cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, khi nguyên thủ các nước cùng nâng ly và nói chuyện vui vẻ, thì ông Tập Cận Bình lại giống như “người qua đường” (không quan trọng), không tương xứng với những người tại hội nghị. Có cư dân mạng mỉa mai rằng, đây là lý do tại sao ĐCSTQ chỉ có thể ngồi “đáy giếng” mà tự hào, một khi ra đến quốc tế thì sẽ bị làm cho bẽ mặt.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông ĐCS Trung Quốc ca ngợi ‘thành tựu’ của ông Tập, chuyên gia: Hoàn toàn là nhảm nhí