Truyền thông Hong Kong tiết lộ 'ân oán Giang - Hồ', Hồ Cẩm Đào chỉ trích Giang Trạch Dân can thiệp chính sự

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân vừa qua đời vì bệnh tại Thượng Hải. Ngoài phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công năm 1999, Giang Trạch Dân còn là nhân vật chính trong nhiều cuộc tranh giành quyền lực. Theo truyền thông Hong Kong, ông Hồ Cẩm Đào từng phẫn nộ vạch trần hành vi can thiệp chính trị một cách vô sỉ của ông Giang Trạch Dân.

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đưa tin rằng ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo 96 tuổi của ĐCSTQ, qua đời lúc 12h13 ngày 30/11/2022 tại Thượng Hải, do bệnh bạch cầu và suy đa tạng.

Hồ Cẩm Đào vạch trần Giang Trạch Dân can dự chính sự

Tạp chí Zhengming (Tranh Minh) của Hong Kong số phát hành tháng 12/2015 đưa tin, ông Hồ Cẩm Đào từng phát biểu vạch trần bộ mặt can thiệp chính trị vô liêm sỉ của Giang Trạch Dân tại một cuộc hội thảo nội bộ với chính quyền Hồ Bắc.

Vào mùa thu năm 2015, ông Hồ Cẩm Đào đã đến Phúc Kiến, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và những nơi khác để dưỡng sức theo chỉ định của bác sĩ. Khi tham gia hội thảo nghiên cứu nội bộ tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ông Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên tiết lộ rằng Giang Trạch Dân lui về hậu trường chứ không nghỉ hưu, ông ta thâu tóm quyền lực để can thiệp vào chính trị, khiến ván cờ càng kịch liệt. Ông Hồ Cẩm Đào từng hai lần từ chức vì bị Giang Trạch Dân can thiệp chính sự.

Từ chức lần 1

Cụ thể, vào cuối tháng 7/2002, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ ở Bắc Đới Hà, danh sách các thành viên cấp cao của đảng, chính phủ và quân đội tại Đại hội 16 đã được thông qua, từng ủy viên Thường vụ đã ký xác nhận và chuẩn bị lập hồ sơ báo cáo.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, một số ủy viên Bộ Chính trị khi đó đã đề xuất để ông Giang Trạch Dân tái đắc cử làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước trong hai năm. Cuối cùng, nó đã được Bộ Chính trị thông qua mà không hề bị phản đối, và nghị quyết của cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã bị phủ quyết.

Vào cuối tháng 9/2003, trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đại hội 16, ba ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khi đó đã đề xuất kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước của Giang Trạch Dân thêm một khóa nữa, đồng thời trình đề nghị này ra Phiên họp toàn thể lần thứ ba để thông qua. Ngoài ra, còn đề xuất "đặc biệt mời" Giang Trạch Dân tham gia Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Lúc này, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ xuất hiện những ý kiến ​​bất đồng và phản đối đề xuất này, dẫn đến cục diện bế tắc. Do đó, ông Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên xin từ chức vì lý do sức khỏe.

Từ chức lần 2

Ông Hồ tiết lộ rằng, vào tháng 8/2005, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ở Bắc Đới Hà, ông đã đích thân từ chức lần thứ hai. Bởi vì khi đó có người đã đệ trình "một số đề xuất" liên quan đến Giang Trạch Dân, bao gồm cả việc nên để hai người khác nhau nắm giữ chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước, ngoài ra tuổi của chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương có thể được kéo dài đến 70 tuổi. Vào thời điểm đó, một ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị còn đề xuất rằng nên bắt đầu thực hiện trong giai đoạn đầu của Đại hội 17. Ông Hồ Cẩm Đào ngay lập tức phản đối điều này và thể hiện lập trường của mình bằng cách cương quyết xin từ chức.

Theo truyền thông Hong Kong, ba Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mà ông Hồ Cẩm Đào nhắc đến khi đó là Tăng Khánh Hồng, Lý Trường Xuân và Giả Khánh Lâm. Họ còn từng cố gắng thay đổi quy tắc nội bộ của ĐCSTQ, để cho Phó chủ tịch nước khi đó là ông Tăng Khánh Hồng thay thế vị trí Chủ tịch nước của ông Hồ Cẩm Đào.

Giang Trạch Dân không chỉ ‘ép vua thoái vị’ mà còn chiếm thực quyền

Theo cuốn sách "Giang Trạch Dân kỳ nhân", trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ năm 2002, sau nhiều cuộc họp và thảo luận, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và Bộ Chính trị Trung ương đã thông qua nghị quyết cho Giang Trạch Dân nghỉ hưu hoàn toàn.

Vào ngày 13/11/2002, tại cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Đại hội 16, ông Trương Vạn Niên, khi đó là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã bất ngờ đề xuất một "kiến nghị đặc biệt" được ký bởi 20 thành viên quân nhân của Đoàn chủ tịch, muốn dùng binh biến để ép Hồ Cẩm Đào thoái vị.

Hồ Cẩm Đào buộc phải "hoàn toàn đồng ý" với đề xuất của 20 tướng lĩnh quân đội bao gồm Trương Vạn Niên, Quách Bá Hùng, Tào Cương Xuyên, v.v. Kết quả là Giang Trạch Dân “được giữ lại làm” Chủ tịch Quân ủy thêm hai năm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 11/3/2015 trích dẫn nguồn tin quân sự cho hay, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng là tay chân của Giang Trạch Dân trong quân đội ĐCSTQ. Họ chiếm quyền của Hồ Cẩm Đào trong quân đội, và để Giang Trạch Dân tiếp tục gây ảnh hưởng tới các quyết sách của quân đội.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Hong Kong tiết lộ 'ân oán Giang - Hồ', Hồ Cẩm Đào chỉ trích Giang Trạch Dân can thiệp chính sự