Truyền thông nhà nước Trung Quốc: Các quỹ nghiên cứu hàng nghìn tỷ USD chủ yếu phục vụ du lịch và giải trí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu ​​một "phép màu bán dẫn" xảy ra, nó sẽ giúp Trung Quốc khẳng định lợi thế của cách tiếp cận kế hoạch tập trung, cũng như giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ do Mỹ áp đặt.

Giới chức Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào ngành công nghiệp chip nước này. Tuy nhiên, đã 8 năm kể từ khi Bắc Kinh thành lập Quỹ đầu tư Công nghiệp Vi mạch tích hợp Trung Quốc (từ đây gọi tắt là Quỹ đầu tư chip), hàng nghìn tỷ nhân dân tệ đã ‘đội nón ra đi’ mà chỉ mang lại rất ít thành công trong đổi mới công nghệ sản xuất chip.

Hồi tháng 7, cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra đối với các nhà quản lý tiền nhiệm và đương nhiệm của Quỹ đầu tư chip. Cùng với đó, 7 quan chức cấp cao có liên quan đến quỹ đầu tư này đã bị giáng chức.

Trên thực tế, việc sử dụng sai mục đích các khoản trợ cấp của chính quyền dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là điều phổ biến trong giới khoa học Trung Quốc.

Hàng nghìn tỷ USD tài trợ đã đi đâu?

Tháng 04/2018, trong một bài báo của mình, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Sina Finance đặt câu hỏi: “Trung Quốc từ lâu đã chi hàng nghìn tỷ nhân dân tệ cho lĩnh vực chất bán dẫn mỗi năm, nhưng số tiền khổng lồ đó đã đi đâu?”.

Bài báo tiết lộ trong vài năm qua, chỉ khoảng 40% kinh phí nghiên cứu của Trung Quốc thực sự được dành cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, trong khi 60% được chi cho các cuộc họp và các chuyến công tác.

“Cứ khi nào có cơ hội họp mặt kinh doanh, mỗi người đều có thể được hoàn trả chi phí đi lại, chi phí xăng xe; chi phí đi lại có thể lên rất lớn khi đoàn công tác ra nước ngoài. Ngay cả các nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh cũng không phải ngoại lệ”, bài báo cho biết. “Đại học Kỹ thuật An Huy cũng phát hiện ra rằng các quỹ nghiên cứu được sử dụng để trả phí giải trí, dịch vụ chăm sóc chân, phí HOA và các chi phí khác không liên quan đến dự án. Hơn nữa, đại học An Huy cũng nhận thấy các chuyến công tác nước ngoài gia tăng đáng kể trong những năm gần đây”.

Một nhà nghiên cứu tiết lộ với Sina Finance rằng đối với cái gọi là các chuyến đi kiểm tra ở nước ngoài, đội ngũ nghiên cứu chỉ đến các địa điểm kiểm tra trong chốc lát; thời gian còn lại họ dành cho giải trí và tham quan.

Bên cạnh việc tổ chức hoặc tham dự các cuộc họp kinh doanh, các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc cũng rất thích mua sắm thiết bị mới, theo bài báo.

“Hằng năm, khi nguồn tài trợ được phân bổ, điều đầu tiên họ làm là nâng cấp tất cả máy tính xách tay, máy quét, điện thoại di động và các trang thiết bị khác trong nhóm, và đôi khi một người quản lý vài đầu việc có thể sở hữu vài chiếc máy tính xách tay mới nhất”, bài báo tiết lộ.

Gian lận R&D

Nhiều nhà nghiên cứu rất khéo léo trong việc bán ý tưởng — thổi phồng một khái niệm, đôi khi là gian lận về các thành quả R&D, để xin một khoản tài trợ kếch xù.

“Một số dự án trọng điểm có thể nhận được vài triệu, thậm chí vài chục triệu nhân dân tệ dưới dạng tài trợ nghiên cứu. Mong muốn nhận được vốn của những người này lớn hơn nhiều so với việc thực sự nghiên cứu khoa học”, bài báo cho biết.

Lấy ví dụ về vụ bê bối Hoằng Tâm Vũ Hán (Wuhan Hongxin), bài báo kể lại rằng tháng 08/2002, ông Chen Jin, khi đó là hiệu trưởng của trường vi điện tử thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, đã mua một con chip Motorola từ Mỹ. Sau đó, ông này thuê một vài công nhân nhập cư dùng giấy nhám để đánh mờ logo MOTO trên con chip. Tiếp theo, ông Chen thuê một công ty nhỏ in nhãn hiệu “Hanxin One” lên con chip. Thông qua các mối quan hệ cá nhân, ông Chen lấy được nhiều giấy chứng nhận khác nhau, khẳng định rằng đó là chip DSP cao cấp đầu tiên của Trung Quốc với quyền sở hữu trí tuệ độc lập.

“Khi mà cả quốc gia vui mừng trước tuyên bố của ông, ông Chen đã đăng ký hàng chục dự án nghiên cứu cùng một lúc; thậm chí còn lừa dối Tổng cục vũ trang của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc với việc đệ trình Dự án Đổi mới Công nghệ Vũ khí và Thiết bị. Không ai nhận thấy bất kỳ vấn đề gì trước hoặc sau đó. Vì vậy, ông Chen đã lừa đảo thành công hơn 100 triệu nhân dân tệ của quỹ nghiên cứu khoa học”, bài báo cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 12/08, chuyên gia về Trung Quốc Lu Tianming đã chỉ ra rằng bản thân tham vọng phát triển chip của Trung Quốc là tốt, nhưng vấn đề là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mục ruỗng đến tận cốt lõi.

Chuyên gia Lu nói thêm: “Có thể nói rằng mọi quan chức ĐCSTQ đều tham nhũng. Trên thực tế, sẽ là bất thường nếu bất kỳ quan chức nào có liên quan [đến quỹ nghiên cứu] lại không tham ô tiền quỹ. Tất cả họ đều sẵn sàng thu tiền bất chính khi có cơ hội làm như vậy”.

Xuân Hoa

Theo Jessica Mao - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông nhà nước Trung Quốc: Các quỹ nghiên cứu hàng nghìn tỷ USD chủ yếu phục vụ du lịch và giải trí