Truyền thông Nhật: Ông Tập Cận Bình ra lệnh 'ủng hộ Putin'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong năm tờ báo lớn ở Nhật Bản cho biết, dù ông Tập Cận Bình không tuyên bố rõ ràng nhưng những người trong chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng ông Tập đã ra lệnh viện trợ cho Nga.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa tuyên bố rõ ràng về việc Nga xâm lược Ukraine, nhưng những người trong chính phủ Trung Quốc nắm được rằng ông Tập đã ra lệnh hỗ trợ Nga để đáp lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chưa từng có do Châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt. Bài báo phân tích rằng, trong bối cảnh xung đột lâu dài giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, để duy trì hợp tác với Nga, lập trường thân Moscow của chính quyền ông Tập ngày càng trở nên rõ ràng.

Bài báo cho biết, theo các nguồn tin liên quan, sau khi Nga xâm lược Ukraine, chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 24/2. Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thương mại và các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc đã thảo luận về các biện pháp đối phó. Ông Tập Cận Bình chỉ thị rằng, Nga vẫn chưa bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Trung Quốc dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, vì vậy họ sẽ tạm thời không biểu đạt thái độ (lập trường về cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine). Nhưng ông cũng chỉ thị các đơn vị liên quan hỗ trợ Nga về kinh tế và thương mại trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Anh, v.v.

Ngoài ra, để duy trì quan hệ với Anh, Pháp, Đức và đảm bảo an toàn cũng như lợi nhuận thương mại của các công ty Trung Quốc ở Ukraine, ông Tập cũng đã ra lệnh nghiên cứu các hành động quân sự của Nga.

Trong cuộc nói chuyện với ông Putin vào ngày 25/2, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc hiểu và tôn trọng những quan ngại chính đáng của các nước về vấn đề an ninh, đồng thời bày tỏ lập trường hiểu rõ hành động của Nga. Vào ngày 25 và 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đã có các cuộc điện đàm với các Ngoại trưởng của Anh, Pháp, Đức và Liên minh Châu Âu (EU). Ông Vương nhấn mạnh rằng các yêu cầu an ninh của Nga cần được giải quyết một cách ổn thỏa. Phía Trung Quốc cũng nhất quán phản đối việc sử dụng vũ lực và trừng phạt kinh tế dựa trên Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Bài báo dẫn tin đăng ngày 25/2 trên tờ The New York Times cho biết, trước khi quân đội Nga xâm lược, Hoa Kỳ đã nhiều lần hy vọng rằng ông Vương Nghị và các quan chức chính phủ Trung Quốc sẽ thuyết phục Nga không tiến hành cuộc xâm lược. Nhưng đã không đạt được sự đồng thuận nào từ phía Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói rằng, ông Putin đã triển khai cuộc xâm lược sau khi tin chắc rằng ông Tập sẽ không phản đối. Nó giống như việc Trung Quốc đứng sau lưng chống lưng cho Nga.

Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm khắc nhất từ ​​trước đến nay

Vài giờ sau khi Nga xâm lược Ukraine vào rạng sáng ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch trừng phạt chống lại Nga, chủ yếu là về tài chính. Ngoài ra, còn áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hơn một nửa số sản phẩm công nghệ cao của Nga, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, hàng không và hàng hải của Nga, nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế và công nghiệp của nước này trong dài hạn.

Ngày 25/2, Mỹ, EU và Anh liên tiếp công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Sau đó, Hoa Kỳ, EU, Vương quốc Anh, Canada và các nước phương Tây khác đã đạt được đồng thuận và quyết định loại trừ nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các nước phương Tây cũng quyết định hạn chế nghiêm ngặt khả năng tiếp cận thị trường vốn của Ngân hàng Trung ương Nga, nhằm làm "tê liệt" tài sản của họ, đóng băng các giao dịch và khiến họ không thể thanh lý tài sản. Các biện pháp trừng phạt mới cũng quy định rằng, các nhà tài phiệt Nga và gia đình của họ sẽ bị ngăn cản nhập quốc tịch phương Tây và lấy "hộ chiếu vàng" từ các nước phương Tây.

Nga được cho là phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT vì nước này thu về hàng tỷ USD trong các giao dịch dầu mỏ và khí đốt xuyên biên giới bằng đồng đô-la Mỹ thông qua hệ thống SWIFT. Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ ngay lập tức cắt đứt các giao dịch tài chính của Nga với hầu hết các quốc gia, bao gồm cả các giao dịch dầu mỏ và khí đốt đang diễn ra. Phần thu nhập này chiếm hơn 40% tổng thu nhập toàn quốc của Nga.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia: Nga đốt 15 tỷ Bảng Anh mỗi ngày

Hong Kong Economic Journal đưa tin ngày 28/2 cho biết, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Riho Terras phân tích rằng, quỹ và vũ khí của Nga đang cạn kiệt nhanh chóng nên kế hoạch tác chiến của ông Putin sẽ khó thực hiện. Theo hình thế hiện tại, chỉ cần thủ đô Kyiv (Kiev) của Ukraine có thể chống đỡ cuộc chiến với Nga trong 10 ngày, Nga sẽ phải đàm phán với chính phủ Ukraine.

Ông Terras cũng là thành viên của Nghị viện Châu Âu. Theo tin tình báo của Ukraine, ông cho biết Nga hiện phải đốt 15 tỷ Bảng Anh mỗi ngày cho cuộc chiến này, và tên lửa của họ chỉ có thể duy trì tối đa trong 3 hoặc 4 ngày. Hiện tại quân đội Nga đã giảm tần suất sử dụng tên lửa rất nhiều.

Vì vậy ông Putin bị buộc phải đàm phán với chính phủ Ukraine. Ông Terras cũng tweet rằng ông Putin rất tức giận vì cuộc chiến diễn ra không như mong đợi.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Nhật: Ông Tập Cận Bình ra lệnh 'ủng hộ Putin'