Truyền thông Trung Quốc bị cấm nhắc đến 'người kế nhiệm', 'đấu tranh phe phái'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phiên họp toàn thể lần thứ năm kéo dài bốn ngày của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đang được tổ chức tại Bắc Kinh. Một thông báo nội bộ của truyền thông đảng gần đây đã tiết lộ rằng, "người kế nhiệm" và "đấu tranh phe phái" đều được coi là những chủ đề cấm kỵ.

VOA đưa tin, theo bài đăng hôm 22/10 của China Digital Times - một tờ báo theo sát tình hình chính trị của Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã công bố một chỉ thị tuyên truyền cho giới truyền thông về Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương Khóa 19, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc tuyên truyền trên Internet trên 5 phương diện sau: "tin đồn chính trị", "lãnh đạo quốc gia", “hình thái ý thức”, “duy trì ổn định” và “các vấn đề khác”.

Nội dung bị kiểm soát bao gồm:

"Tin đồn chính trị có hại, thông tin vu khống và công kích do nước ngoài lan truyền";

"Thông tin về đấu đá nội bộ cấp cao, tranh giành quyền lực, cách bố trí nhân sự của Đại hội Đảng 20, đội ngũ lãnh đạo kế cận và xác lập người kế nhiệm";

"Thông tin có hại, công kích, chế giễu và đồn thổi các nhà lãnh đạo và các bài phát biểu quan trọng";

"Thông tin có hại liên quan đến các nhà lãnh đạo và liên quan đến thay đổi nhân sự, như các cuộc đấu tranh phe phái, phái Tập, v.v.";

"Thông tin về độc lập Hong Kong, độc lập Đài Loan và các phát ngôn của những người ủng hộ Hong Kong và Đài Loan độc lập";

"Thông tin có hại tấn công chế độ chính trị, thể chế xã hội, đảng và chính quyền của nước ta";

"Thông tin phụ diện ảnh hưởng tới Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương, như thông tin gây hỗn loạn trong dân chúng, cuộc sống người dân bấp bênh, v.v.".

Một số nhà bình luận cho rằng, chỉ thị tuyên truyền bị lộ dường như là để ngăn cản các phe phái trong ĐCSTQ lợi dụng cuộc chiến dư luận để công kích đấu đá quyền lực, nhưng ngược lại đã làm nổi bật tình hình bất ổn ở Trung Nam Hải.

Thông báo cũng cấm tin về các vụ án hình sự nguy hiểm, sự cố hàng loạt, sự việc xâm hại trong khuôn viên trường học… xuất hiện trên các vị trí quan trọng như trang chủ, tin nổi bật... của các nền tảng Internet khác nhau, cũng không được phép trích dẫn tin tức nước ngoài, v.v.

Ông Lý Đại Đồng (Li Datong), cựu Biên tập viên chuyên mục "Điểm đóng băng" của tờ China Youth Daily - tờ nhật báo nổi tiếng và là cổng thông tin truyền thông của chính phủ trung ương hoạt động độc lập đầu tiên ở Trung Quốc, nói với VOA rằng, ĐCSTQ càng muốn tăng cường kiểm soát, điều đó càng cho thấy chính quyền này thiếu tin tưởng vào tính hợp pháp của chính mình: "Họ luôn luôn hoảng sợ, bạn cho rằng chính quyền này lớn mạnh sao? Chính quyền này không mạnh chút nào, nếu lớn mạnh thì họ đã công khai mọi thứ".

Ông Lý Đại Đồng lấy ví dụ nói rằng, Tổng thống Nga Putin đã dám giao tiếp với cư dân mạng trên Internet và trả lời các câu hỏi nhằm vào việc tham nhũng của ông ta, có lãnh đạo Trung Quốc nào dám tự tin làm vậy không? Trung Quốc đã trở thành một quốc gia cảnh sát, và chính quyền này hiện dựa vào cảnh sát để cai trị. Ông cho rằng, ĐCSTQ thiếu tự tin để cai trị và thậm chí còn tồi tệ hơn những người cai trị vào cuối thời nhà Thanh, "kiểu cai trị này có thể duy trì được bao lâu chứ?".

Trước Phiên họp toàn thể lần thứ năm, những người đứng đầu Tân Hoa XãNhân dân Nhật báo - hai cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã bị thay đổi. Ông Hà Bình (He Ping) đảm nhận chức vụ Chủ tịch của Tân Hoa Xã, và ông Thỏa Chấn (Tuo Zhen) là Chủ tịch mới của Nhân dân Nhật báo. Ông Thỏa Chấn đã mang tiếng xấu là "tên côn đồ trong làng tin tức" sau khi chỉnh đốn kênh truyền thông táo bạo Southern Weekly. Những tin đồn về cuộc sống riêng tư của ông này đã được tung lên mạng sau khi nhậm chức Chủ tịch Nhân dân Nhật báo, việc này khiến ông Tập Cận Bình không hài lòng về người kiểm soát hệ thống tuyên truyền - ông Vương Hỗ Ninh - một trong bảy ủy viên Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ.

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng, không phải ngẫu nhiên mà hai cơ quan truyền thông lớn của ĐCSTQ thay đổi Chủ tịch mới trong cùng một ngày, điều hiển nhiên là ĐCSTQ sẽ tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình đối với các phương tiện truyền thông chính thống và sử dụng điều này để dẫn dắt xu hướng dư luận và truyền thông Trung Quốc.

Ngoài ra, trước Phiên họp toàn thể lần thứ năm lần này, Duowei News - kênh truyền thông của ĐCSTQ ở nước ngoài đã đăng một bài báo nói rằng, trong lịch sử Ban chấp hành Trung ương các khóa của ĐCSTQ, đã có ít nhất 8 lần điều chỉnh nhân sự ở Phiên họp toàn thể lần thứ năm, và điều này đã thay đổi số phận của nhiều lãnh đạo ĐCSTQ. Ví dụ các sự việc như ông Mao Trạch Đông lần đầu tiên trở thành ủy viên Bộ Chính trị, cựu lãnh đạo Hoa Quốc Phong mất quyền, cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu và ông Giang Trạch Dân lên thay, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng rớt đài, ông Tập Cận Bình trở thành người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, v.v. đều xảy ra trong Phiên họp toàn thể lần thứ năm.

Tờ Apple Daily của Hong Kong đưa tin vào ngày 27/10 rằng, mặc dù các Phiên họp toàn thể lần thứ năm trong lịch sử ĐCSTQ đã có những điều chỉnh nhân sự lớn, nhưng theo nguồn tin thì sẽ không có sự bổ nhiệm nhân sự lớn nào tại Phiên họp lần này. Ông Tập Cận Bình được cho là muốn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ nên người kế nhiệm ông ta vẫn chưa được chỉ định.

Kể từ năm 2020, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã tàn phá thế giới, chính quyền ĐCSTQ cũng khốn đốn từ bề, bên ngoài thì phải đối mặt với trách nhiệm giải trình toàn cầu về nguồn gốc của virus, bên trong thì tranh giành quyền lực khốc liệt ở Trung Nam Hải, khủng hoảng kinh tế và khó khăn về sinh kế của người dân. Đặc biệt, từ người dân cho đến tầng lớp đặc quyền “hồng nhị đại” - hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ, đều tỏ thái độ bất mãn với ông Tập Cận Bình, điều này khiến ông Tập Cận Bình rơi vào thế thực sự bấp bênh.

Tờ Deutsche Welle của Đức trước đây đã phân tích rằng, ông Tập Cận Bình lo lắng rằng sự bất mãn trong nội bộ và các thế lực chống đối ông đang lợi dụng tình thế bên ngoài xấu đi "để rục rịch ngóc đầu tạo phản hoặc gây sóng gió phá hoại". Đối với ông Tập Cận Bình thì “phóng mắt nhìn xa, đâu đâu cũng thấy kẻ thù”.

Theo bài báo, nếu mức độ kiểm soát chính trị được nới lỏng một chút, những người này rất có thể sẽ làm ra những việc bất lợi cho ông Tập, thậm chí là gây nguy hiểm đến an ninh của chế độ, vì vậy ông Tập nhất định sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực để duy trì và bảo vệ đảng, mà theo ông đó là cách để bảo vệ quyền lực của mình, nếu không nó sẽ tan tành từng phút từng giây một. Làn sóng đấu đá ngày càng dữ dội, cơn bão chính trị của ĐCSTQ có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Đông Phương

Theo Secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Trung Quốc bị cấm nhắc đến 'người kế nhiệm', 'đấu tranh phe phái'