Từ một vụ gián điệp, xem cách Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 5/11, bồi thẩm đoàn liên bang Hoa Kỳ đã kết tội ông Từ Diên Quân, một quan chức của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ. Vụ án này cho thấy Bắc Kinh đang không từ thủ đoạn để có được công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ, nhằm phát triển hiện đại hóa quân sự và cạnh tranh với Mỹ để giành quyền bá chủ toàn cầu.

Hôm 5/11, bồi thẩm đoàn liên bang đã kết tội ông Từ Diên Quân (Xu Yanjun), Phó giám đốc Cục 6 thuộc Bộ An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô, phạm tội gián điệp. Bị cáo là quan chức tình báo Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ đến Hoa Kỳ để xét xử.

Người đứng đầu bộ phận phản gián của Cục Điều tra Liên Bang (FBI) ở miền nam bang Ohio đã làm chứng trong phiên xét xử. Người này nói rằng, trước khi diễn ra cuộc họp với một kỹ sư hàng không của công ty GE Aviation vào năm 2017, ông Từ đã tải xuống 200 bức ảnh gia đình của vị kỹ sư đó để đe dọa ông ấy trở thành gián điệp.

Các quan chức phản gián Hoa Kỳ đã dụ Từ Diên Quân ra khỏi Trung Quốc thành công vào năm 2018. Từ bị bắt tại Bỉ và sau đó bị dẫn độ về Hoa Kỳ để xét xử với tội danh cố ý đánh cắp công nghệ động cơ máy bay tiên tiến, loại mà quân đội Trung Quốc đang nỗ lực phát triển.

Đây là trường hợp mới nhất trong một loạt hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Để xây dựng một kho vũ khí tinh vi, Bắc Kinh đã đánh cắp bí mật công nghiệp và quân sự của Hoa Kỳ, của các đồng minh hoặc đối tác của Mỹ, thậm chí là cả Nga.

Từ Diên Quân (Xu Yanjun)
Hình ảnh bên trái là Từ Diên Quân (Xu Yanjun) và bên phải là Kỷ Siêu Quần (Ji Chaoqun) đều đã bị bắt. Theo tài liệu của Mỹ, Từ có thể là cấp trên của Kỷ. (Ảnh The Epoch Times tổng hợp)

Ba cách Trung Quốc đánh cắp công nghệ tiên tiến

Ông Alan E. Kohler Jr., trợ lý giám đốc đơn vị phản gián của FBI, cho biết hành động của Từ là một dạng "gián điệp kinh tế được nhà nước bảo trợ".

Bí mật quân sự không phải là mục tiêu duy nhất. Cơ quan phản gián hàng đầu của Mỹ ước tính rằng, mỗi năm Bắc Kinh đánh cắp các bí mật kinh tế trị giá từ 200 đến 600 tỷ USD từ Mỹ.

Vào ngày Từ Diên Quân bị kết án, ông Kohler nói: “Đối với những người nghi ngờ mục tiêu thực sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đây nên là một lời cảnh tỉnh; họ (Trung Quốc) đang đánh cắp công nghệ của Mỹ để kinh tế và quân sự của nước họ được hưởng lợi”.

Chính quyền Trung Quốc luôn tìm kiếm những công nghệ tiên tiến nhất, và Bộ An ninh Quốc gia (MSS) của họ thường áp dụng 3 phương pháp bổ sung cho nhau để thực hiện hành vi trộm cắp.

Đầu tiên là các hoạt động tình báo dạng truyền thống thông qua con người, tức là tìm cách tuyển dụng công dân nước ngoài làm gián điệp.

Thứ hai, bằng cách sử dụng những người thu thập thông tin tình báo phi truyền thống, chẳng hạn như sinh viên hoặc học giả, những người này không phải là quan chức tình báo, nhưng có thể truy cập các tài liệu nhạy cảm hoặc bí mật thông qua công việc của họ.

Cuối cùng, MSS sử dụng các cuộc tấn công mạng để đánh cắp các tài liệu về công nghiệp, cá nhân, kinh tế và quân sự nhạy cảm và bí mật nhất của nước ngoài.

Mọi công dân và doanh nghiệp Trung Quốc có nghĩa vụ chia sẻ thông tin với chính phủ

Theo Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc, mọi công dân và doanh nghiệp Trung Quốc có nghĩa vụ hợp tác với chính phủ Bắc Kinh về các vấn đề an ninh quốc gia. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc kinh doanh với các công ty nước ngoài phải chia sẻ bất kỳ công nghệ hoặc thông tin nào họ có được với quân đội hoặc cơ quan tình báo của Trung Quốc.

Tương tự, các nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh tham gia vào các dự án khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học cũng phải chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ với Bắc Kinh.

Các công ty Mỹ luôn đứng đầu trong danh sách các mục tiêu của Trung Quốc, nhưng các quốc gia “hữu hảo” với Bắc Kinh cũng không an toàn. Đầu năm nay, có thông tin rằng Cục Thiết kế Rubin (Rubin Design Bureau), một trong những đơn vị thiết kế tàu ngầm chính của Nga, đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Năm 2012, hai học giả Nga đã bị bỏ tù vì chuyển thông tin về tên lửa hạt nhân cho cơ quan tình báo Trung Quốc.

Nhiều vụ trộm cắp bí mật bị phanh phui nhờ "Sáng kiến ​​Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ

Vào năm 2018, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ lúc đó là ông Jeff Sessions đã phát động hành động "Sáng kiến ​​Trung Quốc". Đây là phần cốt lõi trong lập trường cứng rắn của chính quyền cựu tổng thống Trump đối với chế độ Trung Quốc.

Vào đầu tháng này, MIT Technology Review, tạp chí thuộc sở hữu hoàn toàn của Viện Công nghệ Massachusetts, đã xác định được 77 vụ án dựa trên sáng kiến trên. Trong đó có 1/4 vụ là bị cáo nhận tội hoặc bị kết án, và gần 2/3 vụ vẫn đang trong quá trình thẩm tra xử lý. Năm 2020, có 31 trường hợp mới được đệ trình theo "Sáng kiến ​​Trung Quốc", và một nửa trong đó là nhắm vào các nhà khoa học hoặc nhà nghiên cứu.

Ví dụ về một số trường hợp nhận tội như sau:

Vào ngày 11/5/2020, nhà sinh vật học người Hoa tên là Xiao-Jiang Li, đồng thời là cựu Giáo sư Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, Mỹ, bị kết tội và buộc hoàn trả 35.089 USD; vì che giấu việc nhận tiền từ chính phủ Trung Quốc và nộp tờ khai thuế giả. Ông này là người tham gia "Chương trình Ngàn nhân tài" của Trung Quốc.

Theo một báo cáo năm 2019 của Thượng viện Hoa Kỳ, kế hoạch “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc có mục tiêu là đánh cắp các kết quả nghiên cứu nhạy cảm từ Mỹ.

Vào tháng 5 năm nay, Giáo sư, học giả nghiên cứu về bệnh thấp khớp (rheumatology) của Đại học Bang Ohio, tên là Song Guo Zheng đã bị kết án 37 tháng tù giam vì bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với chế độ Trung Quốc, cung cấp thông tin giả cho cơ quan liên bang để gian lận nhận kinh phí cho nghiên cứu miễn dịch học.

Sau khi Song Guo Zheng bị kết án, các công tố viên nói rằng họ hy vọng kết cục của ông ta có thể truyền tải một thông điệp đến các học giả khác. "Chúng tôi hy vọng rằng việc Zheng bị bỏ tù sẽ ngăn cản những người khác có bất kỳ mối quan hệ nào với cái gọi là 'Kế hoạch Ngàn nhân tài' của Trung Quốc hoặc bất kỳ biến thể nào của nó", ông Vipal J. Patel, quyền Kiểm sát trưởng khu vực phía Nam của bang Ohio, cho biết.

Vào khoảng 1h30 chiều ngày 17/12/2021, ông Charles Lieber (trái) và luật sư của mình bước ra khỏi Tòa án Liên bang Boston. (Liu Jingye / The Epoch Times)

Vụ án được xét xử gần đây nhất là của ông Charles Lieber, cựu trưởng khoa Hóa tại Đại học Harvard, là người tiên phong trong lĩnh vực khoa học nano. Ông này bị bắt vào tháng 1/2020 và bị cáo buộc nói dối chính quyền Hoa Kỳ về việc tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc và về mối quan hệ của ông ta với Đại học Công nghệ Vũ Hán.

Ông Lieber đang phải đối mặt với 6 tội danh. Bao gồm bị buộc tội khai man và che giấu các khoản tiền nhận được từ chính phủ Trung Quốc, v.v. Phiên tòa xét xử đã diễn ra vào tuần trước (ngày 17/12). Ông phủ nhận tất cả tội danh.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Từ một vụ gián điệp, xem cách Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại nước ngoài