Tượng tưởng niệm Thiên An Môn bị dỡ bỏ: ‘Hư hại trong bức tượng là tượng trưng cho cuộc đấu tranh ở Hồng Kông’

Giúp NTDVN sửa lỗi

24/12/2021, nhà điêu khắc bức tượng tưởng niệm các nạn nhân của cuộc đàn áp năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc cho biết, việc tháo dỡ bức tượng này khỏi Đại học Hồng Kông là "tàn bạo", nhưng bất kỳ sự hư hại nào cũng sẽ tượng trưng cho những đổi thay gần đây của thành phố dưới sự cai trị của Trung Quốc.

Bức tượng cao tám mét khắc họa nửa trên thân những con người đang trải qua đau đớn thống khổ là một trong số ít những đài tưởng niệm công cộng còn lại ở nơi từng là thuộc địa của Anh. Công trình khắc ghi thảm án Thiên An Môn của những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông— một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc đại lục — nơi nó không thể được tưởng nhớ công khai .

22/12/2021, Đại học Hồng Kông (HKU) đã tháo dỡ và di dời tác phẩm nghệ thuật "Cây cột của sự tủi nhục" bằng đồng nặng hai tấn. Tác phẩm bị di dời khỏi khuôn viên nơi nó đã ở trong hơn hai thập kỷ, với lý do pháp lý và các mối quan ngại khác.

Nhà điêu khắc người Đan Mạch Jens Galschiot nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Tất nhiên tôi có thể sửa chữa mọi thứ, nhưng có lẽ sẽ là điều hay nếu có một số hư hại trên bức tượng.

“Nghe có vẻ lạ, nhưng hư hại cũng là một biểu tượng. Đây là những gì họ đang làm với… Hồng Kông. ”

24/12/2021, Tờ Epoch Times đã thử liên hệ với Đại học Hồng Kông để lấy bình luận nhưng không thành công.

Bức tượng đã được các nhà hoạt động dân chủ coi là biểu tượng chính của các quyền tự do trên diện rộng được hứa hẹn cho Hồng Kông khi mảnh đất này được trả về Trung Quốc năm 1997. Chính các quyền tự do này đã làm nên sự khác biệt giữa trung tâm tài chính toàn cầu Hồng Kông với phần còn lại của Trung Quốc.

Trong 31 năm từ 1990 đến 2020, Hồng Kông hàng năm đã tổ chức các buổi cầu nguyện lớn nhất thế giới để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng từ năm 2020, Hồng Kông đã trở thành một chế độ độc tài sau khi Trung Quốc áp đặt toàn diện luật an ninh quốc gia, để đối phó với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài suốt 2019.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, luật này đang được sử dụng để đàn áp xã hội dân sự, bắt giam những người vận động dân chủ, và hạn chế các quyền tự do cơ bản. Các nhà chức trách cho biết, luật này đã khôi phục sự ổn định, và họ khẳng định các quyền cá nhân vẫn còn nguyên vẹn.

Đêm 22/12/2021, từ một khu vực quây kín, tiếng ồn lớn phát ra từ các máy móc và dây chuyền trong nhiều tiếng. Sau đó người ta nhìn thấy các công nhân mang các bộ phận đã tách rời của bức tượng ra ngoài, kéo lên cần cẩu, cẩu về một công-ten-nơ đang chờ sẵn. 23/12/2021, Đại học Hồng Kông cho biết họ đã cất chúng vào kho.

“Di chuyển công trình bằng cách đó thật là dã man”, nhà điêu khắc Galschiot nói. “Không ai có thể chấp nhận điều đó. Không ai nên làm điều đó. Đó thực sự là sai trái".

Các nhà cầm quyền Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra một bản tường trình đầy đủ về cuộc bạo động năm 1989 quanh Quảng trường Thiên An Môn. Các quan chức đưa ra con số thiệt mạng khoảng 300 người, nhưng các nhóm nhân quyền và nhân chứng nói rằng hàng nghìn người có thể đã bị giết, con số cao nhất mà tình báo Mỹ đưa ra là 10,000 người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát này.

24/12/2021, Hai trường đại học khác ở Hồng Kông đã dỡ bỏ tượng đài tưởng niệm Thiên An Môn.

Cao Dương

(Theo The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Tượng tưởng niệm Thiên An Môn bị dỡ bỏ: ‘Hư hại trong bức tượng là tượng trưng cho cuộc đấu tranh ở Hồng Kông’