Tuyên bố gây tranh cãi của các chuyên gia WHO: COVID-19 không đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời điểm nhóm chuyên gia điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đi tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2 (Coronavirus mới, COVID-19) tại Vũ Hán, Trung Quốc, thì câu hỏi “liệu virus có bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán hay không” một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của ngoại giới. Mặc dù sau khi đến thăm Viện Virus học Vũ Hán vào ngày 3/2, nhóm điều tra WHO đã tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy virus đến từ phòng thí nghiệm, tuy nhiên ngoại giới đã không ngừng đặt ra nghi vấn trước tuyên bố trên của nhóm điều tra.

Vào ngày 3/2, sau khi nhóm chuyên gia của WHO đến thăm Viện Virus học Vũ Hán, Tiến sĩ Peter Daszak, một trong những thành viên của nhóm chuyên gia, và là Chủ tịch của Liên minh Sức khỏe Sinh thái (EcoHealth Alliance), đã nói trên Twitter cá nhân rằng, ông và các nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán, bao gồm cả bà Thạch Chính Lệ - Phó giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, đã tổ chức một cuộc họp rất quan trọng vào ngày 3/2, và đã hỏi đáp về một số vấn đề then chốt.

Ông Daszak cũng nói với Reuters rằng, không có bằng chứng nào cho thấy virus đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng ông đã không giải thích thêm bất kỳ lý do nào cho kết luận này của mình. Ông Daszak nói rằng, virus có thể đã lây lan trước khi xuất hiện tại Vũ Hán. Điều mà nhóm chuyên gia cần làm hiện nay là lần theo dấu vết của bệnh nhân số 0 (F0) để tìm ra loài động vật nào là vật chủ của virus. Tuy nhiên, ông Daszak cũng chỉ ra rằng, do tính phức tạp của nguồn gốc virus, nên có thể phải mất đến vài tháng, thậm chí vài năm để tìm ra đáp án.

Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng nhắc lại mối quan hệ giữa virus và Viện Virus học Vũ Hán

Đúng vào thời điểm các thành viên của nhóm chuyên gia WHO đưa ra kết luận trên, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Matt Pottinger, hiện là học giả thỉnh giảng của Học viện Hoover, đã một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ giữa nguồn gốc của COVID-19 và Viện Virus học Vũ Hán trong một hoạt động trên Internet do Trường Quốc tế và Công vụ thuộc Đại học Florida (The Steven J.Green School of International and Public Affairs) đứng ra tổ chức vào ngày 3/2. Ông Pottinger cho biết: "Chúng tôi từng công bố một tài liệu chân thực rằng, vào tháng 11/2019, tại Viện Virus học Vũ Hán đã xảy ra một loại bệnh truyền nhiễm tương tự; ngoài ra, có một thông tin mới cho biết, chính là ‘người của quân đội Trung Quốc có vai trò tại Viện Virus học Vũ Hán’, điều này chưa từng được tiết lộ trước đây".

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, tài liệu mà ông Pottinger nói đến là một bản báo cáo có tiêu đề "Hoạt động của Viện Virus học Vũ Hán" do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 15/1, trước khi chính quyền Tổng thống Trump rời nhiệm sở. Hiện tại bản báo cáo này vẫn có thể được tìm thấy trên mạng.

Ngoài ra, “người của quân đội Trung Quốc có vai trò tại Viện Virus học Vũ Hán” chính là để nói rằng: kể từ năm 2017 đến nay, người của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn bí mật hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán.

Theo các thông tin công khai trên trang web chính thức của Viện Virus học Vũ Hán, vào năm 2015, nhà nghiên cứu Vương Hán Trung (Wang Hanzhong) của Viện này đã hợp tác với các nhóm nghiên cứu khoa học liên quan của Học viện Khoa học Quân y, Bệnh viện 302 Quân Giải phóng Nhân Dân của ĐCSTQ. Hai bên đã cùng hoàn thành dự án "Nghiên cứu Mầm bệnh và Kỹ thuật phòng chống virus truyền nhiễm mới xuất hiện ở đường hô hấp, đường ruột" và giành được giải nhất giải thưởng Thành tựu Y tế Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Các tài liệu của chính phủ Mỹ cũng xác nhận rằng, Viện Virus học Vũ Hán đã hợp tác với quân đội ĐCSTQ để xuất bản các ấn phẩm và các dự án bí mật. Kể từ năm 2017 đến nay, Viện này luôn thay mặt quân đội ĐCSTQ tiến hành các nghiên cứu tuyệt mật, trong đó bao gồm cả thí nghiệm về động vật.

Mặc dù hiện tại các thành viên của nhóm chuyên gia WHO tuyên bố rằng, không có bằng chứng nào cho thấy virus đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng vào giai đoạn đầu khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán mới bùng phát, ngoài những lo ngại của các quan chức nội bộ chính phủ Mỹ từ năm 2018, thì bản thân bà Thạch Chính Lệ - Phó giám đốc của Viện Virus học Vũ Hán cũng từng tự đưa ra nghi vấn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Scientific American vào tháng 2/2020, bà Thạch Chính Lệ đã tiết lộ rằng, khi được gọi khẩn cấp quay về Vũ Hán vào ngày 30/12/2019, suy nghĩ đầu tiên trong đầu bà là, "Virus rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm của chúng ta phải không?”.

Vào thời điểm đó, mẫu virus của hai bệnh nhân bị nghi nhiễm "Viêm phổi không điển hình" (Atypical pneumonia) đã được gửi đến Viện Virus học Vũ Hán. Trên đường từ Thượng Hải về Vũ Hán, bà Thạch đều cảm thấy bất an và nghĩ rằng, "Có phải Sở Y tế Hồ Bắc đã làm sai không? Lẽ nào virus đến từ phòng thí nghiệm của chúng ta?".

Trước mối quan hệ mờ ám giữa chính quyền Bắc Kinh và WHO, thêm nữa là việc sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát được hơn một năm, thì các chuyên gia của WHO mới được phép vào Trung Quốc để tiến hành điều tra nguồn gốc của virus, do đó, ngoại giới cũng bày tỏ không kỳ vọng quá nhiều về kết quả của cuộc điều tra lần này.

Ngoại giới nghi ngờ về kết quả điều tra lần này của WHO

Ông Đằng Bưu (Teng Biao), Giáo sư trợ giảng tại Học viện Hunter thuộc Đại học Thành phố New York, nói với VOA rằng rất khó để tìm ra sự thật về loại virus này thông qua một cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc vội vàng và muộn màng. Ông nói: "Thời gian điều tra tốt nhất đã qua từ lâu rồi. Thứ nữa là [phía Trung Quốc] đặt ra vô số trở ngại, có lẽ là đã can thiệp không ít vào việc lựa chọn chuyên gia. Ngoài ra, cũng có một số báo cáo nghi ngờ tính độc lập của một số chuyên gia trong đoàn... Rất khó để đưa ra kết luận thực sự thông qua cuộc điều tra ngắn ngủi và muộn màng này, rất khó để khám phá sự thật về virus".

Đồng thời, ông Đằng cũng chỉ ra rằng dịch bệnh này vốn chỉ là vấn đề sức khỏe y tế, nhưng đã bị chính phủ Trung Quốc coi như là một vấn đề chính trị, điều này cũng là do thể chế chính trị của Trung Quốc gây ra. Nó nhất định phải chính trị hóa vấn đề này và kết nối với những thành tựu chính trị, tính hợp pháp chính trị và sự ổn định chính trị. Vì vậy, sau khi dịch bùng phát, nó không ngừng dựng lên những chướng ngại vật để che đậy sự thật, đồng thời cản trở việc điều tra của WHO, các chuyên gia của WHO đã không được phép điều tra cho đến thời điểm 1 năm sau khi dịch bùng phát.

Ông Vương Trí Hoằng (Wang Zhihong), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Dự phòng của Đại học Stanford, Mỹ nói với tờ Deutsche Welle rằng, đã hơn một năm kể từ khi virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát từ chợ hải sản Hoa Nam, nếu như các chuyên gia WHO tìm thấy lộ tuyến lây truyền lúc ban sơ của virus ở khu chợ, thì cũng rất khó để biết được liệu Coronavirus mới có phải đã gián tiếp truyền sang người từ loài động vật nào đó ở chợ hay không.

Ngoài ra, ông Vương cũng cho rằng “nếu báo cáo cuối cùng mà các chuyên gia của WHO đưa ra không nhận được sự tín nhiệm từ mọi tầng lớp xã hội, thì uy tín của WHO sẽ bị ảnh hưởng nặng".

Ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), nhà nghiên cứu cấp cao tại "Ủy ban Quan hệ Đối ngoại", một viện nghiên cứu ở Washington, cũng cho rằng thời gian điều tra hai tuần là không đủ để các chuyên gia WHO ở Vũ Hán đưa ra kết luận về nguồn gốc của Coronavirus mới. Ông Hoàng cũng chỉ ra rằng, nếu khi dịch bệnh mới bắt đầu, WHO kiên trì yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin liên quan đến virus, thì họ đã có thể đưa ra cảnh báo sớm cho thế giới.

Ngoại giới cũng nhận thấy rằng, lịch trình của nhóm chuyên gia WHO đã bị chính quyền Trung Quốc sắp xếp và kiểm soát chặt chẽ, họ bị cấm tiếp xúc và nói chuyện với giới truyền thông và người dân. Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin AP vào ngày 3/2, ông Peter Daszak, một trong những thành viên của nhóm chuyên gia WHO, mặc dù ca ngợi Trung Quốc về sự “cởi mở” và “hợp tác”, nhưng ông cũng thừa nhận rằng nếu nhóm điều tra muốn hỏi người dân bản địa các vấn đề nhạy cảm, họ cần phải gửi các câu hỏi cho phía chính quyền Trung Quốc trước hai ngày để được chấp thuận.

Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc thậm chí còn phủ nhận chuyến đi của nhóm chuyên gia WHO là một cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus. Chẳng hạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, đây là "cuộc trao đổi và hợp tác giữa các chuyên gia quốc tế và các chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực liên quan về vấn đề truy xuất nguồn gốc của Coronavirus mới. Đây là một phần của nghiên cứu toàn cầu, không phải điều tra".

Ngọc Trân

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tuyên bố gây tranh cãi của các chuyên gia WHO: COVID-19 không đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán