Tỷ lệ sinh ở Tân Cương giảm nhiều nhất trong lịch sử các dân tộc thời hiện đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây vài ngày, một tổ chức tư vấn của Úc đã công bố báo cáo mới nhất cho biết tỷ lệ sinh ở vùng Tân Cương của Trung Quốc đã giảm gần 50% trong những năm gần đây, có thể nói đây là tỷ lệ sụt giảm sinh nở cao nhất trong lịch sử các dân tộc thời hiện đại. Chuyên gia cho rằng hành động của chính quyền Bắc Kinh ở Tân Cương là tội ác diệt chủng.

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), vào ngày 12/5, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố báo cáo mới nhất cho thấy tỷ lệ sinh ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đã giảm 48,74% từ năm 2017 đến năm 2019. Đây là tỷ lệ sụt giảm sinh nở cao nhất trong lịch sử thế giới thời hiện đại, thậm chí vượt qua cả tỷ lệ sinh giảm trong cuộc nội chiến ở Syria, Rwanda và nạn diệt chủng ở Campuchia.

Bà Beth Van Schaack, một học giả của Trung tâm Nhân quyền và Tư pháp Quốc tế tại Đại học Stanford, Mỹ đã phát biểu tại phiên điều trần của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) - một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ vào ngày 12/5 rằng, cần phải nhấn mạnh rằng tội ác diệt chủng không những giới hạn ở phạm vi tàn sát hàng loạt, mà trên thực tế, nó có những hình thức tiêu diệt giống nòi khác, chẳng hạn như hạn chế khả năng sinh sản, chia rẽ con cái khỏi gia đình, khiến chủng tộc đó không thể sinh sống và truyền thừa liền mạch theo quần thể. Tân Cương bây giờ là một ví dụ điển hình.

Bà Beth Van Schaack, một học giả của Trung tâm Nhân quyền và Tư pháp Quốc tế tại Đại học Stanford, Mỹ. (Ảnh từ Twitter @BethVanSchaack)
Bà Beth Van Schaack, một học giả của Trung tâm Nhân quyền và Tư pháp Quốc tế tại Đại học Stanford, Mỹ. (Ảnh từ Twitter @BethVanSchaack)

Bà Van Schaack kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, hạn chế thương mại, viện trợ nhân đạo và các biện pháp hỗ trợ khác để tiếp nhận người tị nạn sau khi Hoa Kỳ xác định tội ác diệt chủng đang xảy ra ở Tân Cương, đồng thời thông qua các tổ chức phi lợi nhuận và Liên Hợp Quốc để đối phó một cách có chiến lược với những hành động tàn ác của chính quyền Bắc Kinh ở Tân Cương.

Vi phạm “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội diệt chủng” của Liên Hợp Quốc

CNN cho biết, vào ngày 9/3, Viện Chiến lược và Chính sách Newlines (Newlines Institute for Strategy and Policy) ở Washington, Mỹ đã công bố một báo cáo điều tra cáo buộc rằng, tới nay các hành vi diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của chính phủ Trung Quốc đã vi phạm “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội diệt chủng” (Genocide Convention), vì vậy Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

Báo cáo cho biết, đây là lần đầu tiên một tổ chức phi chính phủ đưa ra phân tích pháp lý độc lập về các cáo buộc diệt chủng mà nhà chức trách Bắc Kinh vi phạm ở Tân Cương, trong đó bao gồm cả trách nhiệm chịu nhận hình phạt. Báo cáo độc lập này do hơn 50 chuyên gia về nhân quyền, tội phạm chiến tranh và luật pháp quốc tế trên khắp thế giới cùng hoàn thành.

Ông Azeem Ibrahim, người đứng đầu Viện Chiến lược và Chính sách Newlines và là một trong những tác giả của báo cáo độc lập trên, nói rằng báo cáo này có bằng chứng "áp đảo" có thể chứng thực cho cáo buộc của ngoại giới về việc Trung Quốc phạm tội "diệt chủng".

Trong “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội diệt chủng” đã định nghĩa rõ tội ác diệt chủng, và liệt kê 5 hành vi, chỉ cần vi phạm một trong các hành vi đó là đủ cấu thành "tội diệt chủng". Đó là:

  1. Gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho thành viên của nhóm người đó
  2. Giết hại thành viên của nhóm người đó
  3. Thực hiện các biện pháp ngăn cản thành viên của nhóm người đó sinh đẻ
  4. Cưỡng bức chuyển trẻ em của nhóm người đó sang nhóm khác
  5. Cố ý bức hại điều kiện sinh tồn của nhóm người đó

Báo cáo này dựa trên một lượng lớn lời khai của các nhân chứng là những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong - những người đã tận mắt chứng kiến sự việc, và các tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời xem xét 5 hành vi trên, sau đó thông qua các tiêu chuẩn rõ ràng và thuyết phục để xác định rằng: “Các hành động của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương đã cấu thành [tội diệt chủng] vì vi phạm tất cả các hành vi trên".

Kế hoạch triệt sản quy mô lớn

RFA đưa tin, vào ngày 22/4, Bảo tàng Nhân quyền Canada đã tổ chức hội nghị chuyên đề về tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Cuộc họp đã mời cặp vợ chồng Gary và Andrea Dyck người Canada chia sẻ qua video về trải nghiệm chân thực của họ khi sinh sống ở Tân Cương trong hơn 10 năm. Họ chỉ trích cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Bắc Kinh, và mô tả Tân Cương là một nơi đầy bất hạnh và nỗi sợ hãi.

Hội nghị cũng mời học giả người Đức Adrian Zenz đến trình bày về hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ông Zenz nhấn mạnh rằng chiến lược của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “phá bỏ dòng dõi, gốc gác”. Thứ nhất là tách cha mẹ ra khỏi con cái; thứ hai là cưỡng bức lao động và chuyển họ đi làm việc ở tỉnh khác; thứ ba là kiểm soát sinh đẻ và buộc phụ nữ cấy vòng tránh thai hoặc thực hiện các biện pháp triệt sản. Ở các trường học địa phương, thậm chí cả trường mẫu giáo, họ sẽ lắp đặt dây thép gai và camera theo dõi, bằng mọi cách để kiểm soát người dân.

Học giả người Đức Adrian Zenz, chuyên gia nghiên cứu về trại lao động ở Tân Cương. (Public Domain)
Học giả người Đức Adrian Zenz, chuyên gia nghiên cứu về trại lao động ở Tân Cương. (Public Domain)

Ông Adrian Zenz là nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức VCMF - một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ, ông đã theo dõi các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và từng xuất bản các báo cáo liên quan. Báo cáo vào tháng 6 năm ngoái của ông Zenz tiết lộ rằng, trong một loạt tài liệu năm 2019, ông đã phát hiện ra một kế hoạch triệt sản quy mô lớn đối với một số phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi sinh đẻ tại hai huyện ở Tân Cương, nơi mà người Duy Ngô Nhĩ sinh sống; một báo cáo mới được công bố vào tháng 3 năm nay chỉ ra rằng, Tân Cương đang thực hiện một dự án lao động cưỡng bức quy mô lớn, và dự án này được chính phủ hậu thuẫn.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ lệ sinh ở Tân Cương giảm nhiều nhất trong lịch sử các dân tộc thời hiện đại