Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P2): Âm mưu, thủ đoạn và tội ác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng tuyên bố, nếu họ muốn đả đảo, trấn áp ai đó thì chỉ cần không quá 3 ngày. Tuy nhiên, cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra đến nay đã hơn 20 năm, tiêu tốn 1/4 GDP quốc gia của Trung Quốc mỗi năm (từ năm 1999-2004), nhưng vẫn không thể thay đổi được chí nguyện của những người theo tập môn này.

Phần 1: Pháp Luân Công là gì?

Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công?

Vào khoảng năm 1998, khi số người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc lên đến khoảng 70 triệu người và cuốn sách chính của Pháp Luân Công là Chuyển Pháp Luân trở thành cuốn sách bán chạy nhất, người lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ là Giang Trạch Dân cảm thấy vô cùng lo sợ.

Ông này coi Pháp Luân Công là mối đe doạ nghiêm trọng đối với quyền lực của mình. Dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân, Hà Tộ Hưu vào ngày 11/4/1999 đã đăng một bài viết có nhan đề “Tôi không tán thành thanh thiếu niên luyện khí công” trên tạp chí "Thanh thiếu niên Bác lãm" (nghĩa là thanh thiếu niên đọc rộng, đọc nhiều) trực thuộc Học viện Giáo dục Thiên Tân Trung Quốc. Sau đó, ngày 23-24/4/1999, Cảnh sát Thiên Tân đã cử đi 300 thành viên của đội đặc nhiệm phản ứng nhanh, họ sử dụng vũ lực để giải tán các học viên Pháp Luân Công - những người đã đến Học viện Giáo dục Thiên Tân - để nói rõ sự thật.

Trước tình hình đó, ngày 25/4/1999, khoảng 10 ngàn học viên Pháp Luân Công từ các tỉnh, thành như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và các vùng khác đã tới Cục Khiếu nại Quốc gia thuộc Văn phòng Quốc vụ viện (Chính phủ) gần Trung Hải Nam, để thỉnh nguyện.

Ông Chu Dung Cơ, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, đã gặp những đại diện của Pháp Luân Công. Những đại diện của Pháp Luân Công đưa ra ba đề nghị:

  1. Thả tự do cho những học viên bị giam giữ ở Thiên Tân;
  2. Cung cấp cho các học viên Pháp Luân Công một môi trường tự do để tu luyện Pháp Luân Công;
  3. Cho phép xuất bản các cuốn sách của Pháp Luân Công.

Trong cùng ngày hôm đó, những học viên bị giam giữ ở Thiên Tân đã được trả tự do. Tất cả các học viên Pháp Luân Công, những người đến Cục Khiếu nại Quốc gia để thỉnh nguyện, đã rời đi vào khoảng 9h tối mà không có bất kỳ sự cố nào.

Cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 của học viên Pháp Luân Công
Cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4/1999 tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: minghui.org)

Tuy nhiên, vào buổi tối ngày 25/4/1999, Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ, đã viết một lá thư gửi cho các Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và những người lãnh đạo khác, tuyên bố: “Nếu Đảng Cộng sản [Trung Quốc] không chiến thắng được Pháp Luân Công, đó sẽ là trò cười cực lớn”. Lá thư này được truyền trong nội bộ từ cấp cao nhất của chính quyền và ĐCSTQ cho đến tất cả các cơ quan bên dưới.

Ngày 7/6/1999, Giang Trạch Dân phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ: “Vấn đề Pháp Luân Công có hệ lụy quốc tế phức tạp và ảnh hưởng xã hội sâu sắc” “là mâu thuẫn chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Phong trào Sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989”.

Giang Trạch Dân còn bí mật thành lập Phòng 610 vào ngày 10/6/1999 để lên kế hoạch và thực hiện chính sách đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Có hơn 10 ngàn “Phòng 610” địa phương tại tất cả các cấp trên khắp Trung Quốc, sử dụng gần một triệu người để đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

Những “Phòng 610” địa phương này được cấp rất nhiều tiền ngân sách, và thậm chí còn vượt quyền những cơ quan thông thường như sở cảnh sát, văn phòng công tố viên, tòa án. Trách nhiệm của tất cả các “Phòng 610” là hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan công an, tư pháp, tòa án, cũng như các cơ quan an ninh để điều tra, bắt giữ và xét xử các học viên Pháp Luân Công tại tòa án.

Ngày 19/7/1999, trong một cuộc họp bí mật của các quan chức cấp cao trong chính quyền, Giang Trạch Dân đã thông báo chính thức rằng ông này muốn “nhổ tận gốc Pháp Luân Công ra khỏi Trung Quốc”.

Ngày 19/07/1999, Giang Trạch Dân đã thông báo chính thức rằng ông muốn “nhổ tận gốc Pháp Luân Công ra khỏi Trung Quốc”. (Ảnh: Getty)
Ngày 19/7/1999, Giang Trạch Dân đã thông báo chính thức rằng ông này muốn “nhổ tận gốc Pháp Luân Công ra khỏi Trung Quốc”. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân chính thức phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Sau đó, Bộ Dân chính (tiền thân là Bộ Nội vụ) Trung Quốc chính thức tuyên bố cấm Hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp. Còn Bộ Công an Trung Quốc công bố “Sáu điều cấm”, bao gồm:

(1) Cấm bất cứ ai treo hoặc dán các biểu ngữ Pháp Luân Đại Pháp, biểu tượng, hình ảnh và các dấu hiệu khác của Pháp Luân Công ở bất kỳ vị trí nào;

(2) Cấm tất cả mọi người không được phân phát hoặc quảng bá các cuốn sách, băng hình, băng tiếng và các loại tài liệu khác của Pháp Luân Công;

(3) Cấm mọi người không được tụ họp để luyện Pháp Luân Công, quảng bá Pháp Luân Công hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào khác của Pháp Luân Công trong bất kỳ dịp nào;

(4) Cấm sử dụng thiền định, thỉnh nguyện, và các phương pháp khác để bảo vệ hoặc quảng bá Pháp Luân Công trong các cuộc hội họp, tuần hành hoặc các cuộc biểu tình;

(5) Cấm bất kỳ ai dựng chuyện hoặc bóp méo sự thật, cố ý lan truyền tin đồn, hoặc sử dụng các phương pháp khác để khuấy động và phá hoại trật tự xã hội;

(6) Nghiêm cấm bất kỳ ai tổ chức, kết nối, hoặc lãnh đạo các hoạt động chống lại các quyết định của chính quyền.

Đặc biệt, các đảng viên của ĐCSTQ không được tu luyện Pháp Luân Công.

Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: minghui.org)

Vở kịch tự thiêu tại Thiên An Môn

Ngày 23/1/2001 xảy ra màn kịch tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn. Chỉ một tiếng sau khi sự kiện này xảy ra, Tân Hoa Xã, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, đã phát sóng bản tin về sự việc này. Họ tuyên bố rằng có 5 học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu. Sau đó họ đã thay đổi số người tự thiêu từ 5 người thành 7 người.

Trong cùng ngày, trang Minghui.org đã công bố bài báo được ấn hành bởi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Dafa Information Center): “ĐCSTQ đã tự dựng màn kịch tự thiêu; Tân Hoa Xã đã chụp mũ Pháp Luân Công với những vu khống dối trá”. Website này cũng kêu gọi bên điều tra độc lập thứ ba tiết lộ sự thật.

trang Minghui.org đã công bố bài báo được ấn hành bởi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp: “ĐCSTQ đã tự dựng màn kịch tự thiêu; Tân Hoa Xã đã chụp mũ Pháp Luân Công với những vu khống dối trá”.
Trang Minghui.org đã công bố bài báo được ấn hành bởi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp: “ĐCSTQ đã tự dựng màn kịch tự thiêu; Tân Hoa Xã đã chụp mũ Pháp Luân Công với những vu khống dối trá”.

Vào ngày 4/2/2001, tờ Washington Post đã công bố một bài viết với nhan đề: “Ngọn lửa châm ngòi cho những bí mật ở Trung Quốc, động cơ mờ ám của vụ tự thiêu đã tăng cường cuộc chiến công khai nhắm vào Pháp Luân Công”. Bài báo này lưu ý rằng chưa một ai từng nhìn thấy Lưu Xuân Linh, một trong những nạn nhân của vụ tự thiêu, tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 14/8/2001, Hội nghị lần thứ 53 của Ủy ban Xúc tiến và Bảo vệ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rằng: “Sự kiện tự thiêu ở Thiên An Môn” được chỉ đạo bởi chính quyền Trung Quốc với mục đích duy nhất là để phỉ báng Pháp Luân Công. Tổ chức Giáo dục của Liên Hiệp Quốc cũng lên án cuộc “khủng bố toàn quốc” của chính quyền Giang Trạch Dân trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Mặc dù bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích về hành động vi phạm nhân quyền này, Giang Trạch Dân vẫn không nguôi tham vọng xoá sổ môn tu luyện này. Sau những màn đàn áp công khai bị dư luận quốc tế lật tẩy và lên tiếng, chính quyền Trung Quốc đã bí mật triển khai những chiến dịch man rợ khác.

Tra tấn, bỏ tù và tẩy não học viên Pháp Luân Công

Ngày 24/5/2019, đài Fox 11 bất ngờ đăng tải một video hé lộ tình trạng của các học viên Pháp Luân Công sau khi bị tra tấn dã man trong các trại lao động ở Trung Quốc. Người xem không khỏi bàng hoàng khi tội ác man rợ này lại có thể tồn tại ở thế kỉ 21.

Ming Yu là người đã quay lén đoạn phim này. Bản thân anh này trước khi bị bỏ tù là một doanh nhân thành đạt với một xưởng sản xuất quần áo gồm 100 nhân viên. Để có thể quay phim, anh phải mua chuộc bảo vệ trại giam. Anh cho biết, thời điểm ghi hình là vào năm 2008 khi Olympics Bắc Kinh diễn ra, các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải lao động khổ sai để làm các sản phẩm bán trên thế giới. Họ không được nghỉ ngơi và bị buộc phải làm việc đến khi kiệt sức. Nhiều học viên bị thương trầm trọng, cơ thể chỉ còn da bọc xương, một chân bị xích cố định lại một chỗ, thân thể, khuôn mặt bị tàn phá nghiêm trọng.

Trang Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp xác nhận, các thủ đoạn tra tấn và tẩy não phổ biến của trại tù bao gồm: sốc điện bằng dùi cui điện, đốt thân thể bằng bàn ủi, trói cơ thể trong tư thế vô cùng đau đớn kéo dài nhiều ngày, bức thực bằng một ống nhựa được nhét vào lỗ mũi, đóng các que tăm tre vào dưới móng tay cho bong móng ra, hãm hiếp và tra tấn tình dục, v.v.

Các thủ đoạn tra tấn học viên Pháp Luân Công bên trong trại tù ở Trung Quốc. (Ảnh: vn.minghui.org)

Tính đến nay, trang này đã ghi nhận hơn 4.000 cái chết của học viên Pháp Luân Công, và ít nhất 63.000 trường hợp bị tra tấn, ước tính số người chết trên thực tế lên tới hàng chục nghìn người.

Theo lời kể của một học viên Pháp Luân Công có họ là Lý - người từng trải qua quãng thời gian kinh hoàng trong trại lao động của ĐCSTQ vào năm 2000, vì tập luyện Pháp Luân Công, ông này đã bị bắt đưa vào Trại lao động Song Khẩu ở thành phố Thiên Tân.

Học viên họ Lý này cho biết, ở đây đầy ruồi muỗi ngay cả vào mùa đông, con rệp - từ lâu đã không còn được nhìn thấy ở ngoài xã hội - thì ở đây nhiều không thể hình dung nổi; không đủ chỗ nằm trên giường nên ông Lý phải nằm đất.

Về phần thức ăn, mỗi ngày chỉ có 5 cái bánh bao rất bé. Bữa sáng và tối thì chúng màu đen, bữa trưa thì hơi trắng một chút và thường có phân chuột ở bên trong bánh. Có thể đếm được số hạt gạo bên trong bát cháo loãng. Cải trắng không được rửa và cho thẳng vào nồi, sau khi nấu xong vớt ra, bên trên thấy rất nhiều con bọ nổi lên.

"Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi chép các trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công", ông Francisco Bencosme, Giám đốc Hỗ trợ Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết. "Chúng tôi đã lập hồ sơ tất cả các trường hợp tra tấn, đối xử vô nhân đạo, kìm hãm tự do ngôn luận. Thật không may là chúng ta không được chứng kiến bằng mắt tất cả những sự kiện đó".

Học viên Pháp Luân Công diễn lại những tội ác tra tấn của ĐCSTQ tại Hong Kong vào năm 2004. (Ảnh: Getty Images)

Mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn đang sống

Không chỉ đánh đập, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức lao động, ĐCSTQ còn tiến hành mổ cướp nội tạng trái phép đối với các học viên Pháp Luân Công và thu lợi bất chính từ việc bán tạng trên thị trường chợ đen.

Hai nhà hoạt động nhân quyền là nguyên Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương của Canada, ông David Kilgour, và luật sư nhân quyền quốc tế người Canada, ông David Matas, đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập để tìm hiểu sự thật. Ngày 6/7/2006, hai ông công bố bản báo cáo điều tra cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn đang sống, và nói rằng đây là “hành động tà ác nhất từ trước đến nay, chưa từng có trên hành tinh này”.

Cuốn sách Thu hoạch đẫm máu được xuất bản vào năm 2007 của hai ông David Kilgour và David Matas cho thấy một loạt các chứng cứ chứng minh chính quyền Trung Quốc đã hậu thuẫn cho việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.

Vào tháng 6/2019, Tòa án độc lập, được thành lập bởi "Liên minh Quốc tế về Chấm dứt việc Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc" - một tổ chức điều tra về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, đã kết luận rằng: "Việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô lớn và việc này vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay". Thông tin này đã được nhiều hãng tin quốc tế uy tín như Reuters, Forbes... đưa tin. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận hành động mổ cướp nội tạng này.

Ngày 14/11/2019, trang The Guardian đưa tin, một nghiên cứu do nghiên cứu sinh tiến sĩ Matthew Robertson tại Đại học Quốc gia Úc đã chỉ ra: chính quyền Trung Quốc đã cung cấp dữ liệu giả về các ca hiến nội tạng ở Trung Quốc. Bởi lẽ, các con số thống kê mỗi năm vừa khớp hoàn hảo với một công thức toán học - điều không thể xảy ra trong thực tế. “Đây rõ ràng không phải là con số thật, chúng là những con số được tạo ra từ một phương trình”, ông Robertson chia sẻ.

Trong khi đó, vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc công khai khẳng định không dùng nội tạng từ các tù nhân, và khăng khăng rằng họ tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn y tế quốc tế về hiến tạng như: sự đồng ý và không vì mục đích lợi nhuận.

Các học viên Pháp Luân Công diễn lại khung cảnh tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ tại Áo. (Ảnh: Getty)
Các học viên Pháp Luân Công tại Áo diễn lại cảnh tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 26/10/2019, hãng Fox News cũng đăng một bài viết chấn động về việc các học viên Pháp Luân Công bị mổ cướp nội tạng khi còn đang sống. Không như con số 10.000 ca ghép nội tạng/năm mà chính quyền Trung Quốc báo cáo, con số thực tế lên đến 60.000 - 100.000 ca/năm.

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Nạn mổ cướp tạng tại Trung Quốc (COHRC), vào năm 2007, trang web của Trung tâm Hỗ trợ Mạng lưới Cấy ghép Quốc tế Trung Quốc (CITNAC) đã niêm yết giá cấy ghép cho người nước ngoài như sau: 65.000 đô-la Mỹ cho một quả thận, 130.000 đô-la Mỹ cho một lá gan, và hơn 150.000 đô-la Mỹ cho mỗi một ca ghép phổi và tim. CITNAC được thành lập bởi Khoa ghép tạng trong Bệnh viện Trực thuộc Đầu tiên của Đại học Y khoa Trung Quốc (The First Affiliated Hospital of China Medical University) ở tỉnh Liêu Ninh.

Cô Zeng, người đã may mắn thoát chết khỏi việc bị mổ cướp nội tạng, kể lại với Fox News: Vào tháng 2/2000, cô bị bắt vì là một học viên Pháp Luân Công và bị thẩm vấn chi tiết về tiền sử y tế tại một trại lao động ở Trung Quốc. Họ lấy máu của cô nhưng cô nói rằng mình bị viêm gan C trước khi tu luyện. Mười hai ngày sau, người bị giam cùng phòng với cô đã chết vì bị bức thực. Cô may mắn thoát chết vì không đủ tiêu chuẩn làm người hiến tạng. Đây là cơn ác mộng của rất nhiều học viên, nhưng nó đã bị chôn vùi và che giấu dưới lớp áo của sự im lặng trong hơn hai thập kỷ qua.

Vắt kiệt tài chính, khiến gia đình các học viên Pháp Luân Công phải ly tán

Các học viên Pháp Luân Công đều phải chịu sự phân biệt đối xử tại Trung Quốc. Họ bị đuổi khỏi nơi làm việc, trường học, một số trở thành vô gia cư, không được hưởng chế độ phúc lợi xã hội như những người khác. Ông Tần Úy, 50 tuổi, từng là một giáo viên mỹ thuật tại trường Trung học Bát Nhất Bắc Kinh. Từ năm 2000, ông đã bị ĐCSTQ bắt nhiều lần, và bị kết án tổng cộng chín năm rưỡi.

Ông Tần Úy, 50 tuổi, từng là một giáo viên mỹ thuật tại trường Trung học Bát Nhất Bắc Kinh. Từ năm 2000, ông đã bị ĐCSTQ bắt nhiều lần, và bị kết án tổng cộng chín năm rưỡi.
Ông Tần Úy, 50 tuổi, từng là một giáo viên mỹ thuật tại trường Trung học Bát Nhất Bắc Kinh. Từ năm 2000, ông đã bị ĐCSTQ bắt nhiều lần, và bị kết án tổng cộng chín năm rưỡi. (Ảnh: vn.minghui.org)

Năm 2006, khi đang bị giam giữ trong trại tù Trà Điếm ở Thiên Tân, ông Tần nhận được thông báo bị sa thải. Sau khi được thả, ông nhận được thư của chính quyền quận Hải Điến, thông báo việc ông bị cắt bảo hiểm y tế, lương hưu, việc làm và phúc lợi nhà ở. Bấy giờ, ông phải làm các công việc vặt để kiếm sống.

ĐCSTQ còn gây áp lực cho người thân của họ nhằm ép họ từ bỏ tu luyện. Nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán, xung đột sâu sắc trong cuộc bức hại tàn khốc này.

Với chiêu bài kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, tuyên truyền dối trá nhằm lèo lái dư luận về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã biến hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc thành những con rối “nhìn mà không thấy, nghe mà không thông". Thông tin báo chí quốc tế trở thành “xa xỉ phẩm" chỉ dành cho những ai biết cách “vượt tường lửa” tìm kiếm sự thật. Điều này lý giải một phần vì sao cuộc đàn áp ở Trung Quốc rất tàn khốc nhưng kéo dài đến hơn 20 năm mà vẫn chưa kết thúc.

Theo điều tra của Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), 1/4 GDP của Trung Quốc mỗi năm trong giai đoạn từ 1999-2004 đã được dùng để đàn áp Pháp Luân Công. Vì sao ĐCSTQ phải “nhọc sức" như vậy? Liệu lòng đố kỵ và sự sợ hãi mất quyền lực của Giang Trạch Dân có phải là để đảm bảo an ninh quốc gia như ông này rao giảng? Ẩn sau những tội ác man rợ chưa từng có trong lịch sử này, ĐCSTQ muốn che giấu điều gì?

Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn một tay che cả bầu trời

Với số dân lớn nhất thế giới, chính quyền Trung Quốc nuôi tham vọng làm bá chủ toàn cầu. Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực tăng tốc phát triển kinh tế và đạt được thành tích đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng này là hàng loạt những âm mưu, thủ đoạn và tội ác.

Một nhóm các thành viên thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả hành vi kiểm duyệt nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận của chính quyền Trung Quốc tại Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh 2008.
Một nhóm thành viên thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế miêu tả lại hành vi kiểm duyệt nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận của chính quyền Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. (Ảnh: Getty Images)

Về mặt kinh tế, để kiếm lời tối đa, các công ty và thương nhân Trung Quốc làm thực phẩm giả, hàng giả, rồi cung ứng với giá rẻ cho thị trường quốc tế. Trung Quốc còn dùng “bẫy nợ" dưới chiêu bài “Một vành đai, Một con đường" (BRI), khiến các nước nhỏ như Kenya và Uganda lệ thuộc vào mình. Để cạnh tranh về công nghệ, quân sự và kinh tế, Trung Quốc cài gián điệp tại Mỹ để ăn cắp bí quyết và sáng chế. Hàng nghìn đặc vụ của Trung Quốc nằm vùng ở mọi lĩnh vực trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, để thu thập thông tin mật rồi chuyển về cho Bắc Kinh tổng hợp. Viện Khổng Tử cũng bị nghi ngờ là một chiến thuật của Trung Quốc để thực hiện âm mưu gián điệp.

Trong năm 2019, Huawei - một tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc - bị cấm nhập khẩu linh kiện điện tử từ Mỹ. Bà chủ tịch Mạnh Vãn Châu bị khởi tố về việc thông qua Huawei tiếp tay cho chính quyền Bắc Kinh do thám chính phủ các nước. Ngoài ra, ứng dụng Tik Tok rất thịnh hành của Trung Quốc cũng tiềm ẩn mối đe doạ về bảo mật, an ninh quốc gia và đánh cắp thông tin của người sử dụng.

Hàng triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối Dự Luật dẫn độ (Ảnh: The Epochtimes)
Hàng triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ. (Ảnh: The Epoch Times)

Năm 2019 cũng là thời điểm ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều vụ kiện về nhân quyền nhất trong lịch sử (riêng Giang Trạch Dân nhận 60.000 đơn kiện, theo trang tin Trung Quốc Không bị kiểm duyệt - China Uncensored), phần lớn liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Tháng 11/2019, Vương Lập Cường, tự xưng là gián điệp của chính quyền Trung Quốc, trốn sang Úc và tiết lộ một tài liệu mật dài 400 trang về kế hoạch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của ĐCSTQ. Sau đó, "Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế" đã lần đầu tiên phơi bày thông tin chi tiết về 1 triệu người bị giam giữ trong các trại tập trung của ĐCSTQ. Theo đó, các tù nhân bị đối xử như nô lệ, bị cưỡng bức, thí nghiệm và tẩy não nghiêm trọng. Cũng trong năm đó, Mỹ đã xem xét việc cấm các quan chức đàn áp Pháp Luân Công và người thân trực hệ của họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

30 năm trước, ĐCSTQ khiến dư luận quốc tế dậy sóng bởi cuộc thảm sát sinh viên trí thức trên quảng trường Thiên An Môn. 30 năm sau, chính quyền này tiếp tục gây chấn động bởi cuộc trấn áp người biểu tình Hong Kong. Cảnh sát Hong Kong dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh đã không từ thủ đoạn mà đánh đập, xịt hơi cay, bắt bớ người dân Hong Kong một cách “vô Thiên vô Pháp".

Cảnh sát trấn áp người biểu tình Hồng Kông (Ảnh: The Epochtimes)
Cảnh sát trấn áp người biểu tình Hong Kong. (Ảnh: The Epoch Times)

Chính quyền Trung Quốc tàn bạo và thâm độc với thế giới, và trong bản thân nội bộ của họ cũng lục đục đấu đá, chia bè kéo cánh đầy thủ đoạn. ĐCSTQ ưa chuộng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Với phương châm cai trị độc tài, quân đội là tay sai để phục vụ mục đích của Đảng; lạm dụng thiên nhiên, phá hoại môi trường mà không phát triển bền vững. ĐCSTQ đã biến một Trung Hoa 5.000 năm văn minh trở thành một quốc gia mất đi giá trị cốt lõi.

Tất cả những gì ĐCSTQ phơi bày cho thế giới đã chứng minh bản chất giả dối, tàn ác và đầy tranh đấu của họ. Khi một chính quyền luôn điều hành và giải quyết mọi chuyện nhờ bạo lực và dối trá, liệu chính quyền ấy có để những giá trị phổ quát, nhân bản và nhân văn của nhân loại lên ngôi hay không? Khi ĐCSTQ chấp nhận cái Thiện thì chính là họ đang tự hủy diệt đi bản chất tà ác của mình. Vậy nên, ĐCSTQ run sợ trước các giá trị Chân Thiện Nhẫn - những điều mà các học viên Pháp Luân Công theo đuổi. ĐCSTQ bằng mọi giá phải đàn áp môn tu luyện này và đã che giấu nó hơn 20 năm nay.

Tuy nhiên, “nhân chi sơ, tính bổn thiện", thiên tính của loài người là hướng tới sự tự do và tốt đẹp. Cả thế giới đã nhìn thấy rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ, và công lý sẽ sớm được thực thi. Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc sẽ sớm thoát khỏi cuộc “khủng bố, diệt chủng" ghê rợn nhất trong lịch sử nhân loại này.

Minh Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. David Matas và David Kilgour (2007), Thu hoạch đẫm máu,
    (chrome-extension://oemmndcbldboiebfnladdacbdfmadadm/http://vn.minghui.org/books/bloody-harvest-vn.pdf)
  2. Falun Dafa Information Center, Cuộc đàn áp Pháp Luân Công: https://faluninfo.net/why-persecution/
  3. FOX LA, Tiết lộ video chứng minh chính quyền Trung Quốc tra tấn tàn bạo các học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động:
    http://www.foxla.com/news/national-news/undercover-video-reveals-brutal-treatment-of-falun-gong-prisoners-inside-chinese-labor-camps
  4. The Epoch Times, Cuộc bức hại tà ác nhất trong lịch sử, chương 4: Pháp Luân Công không phải tà giáo:
    https://www.theepochtimes.com/an-unprecedented-evil-persecution-chapter-four-falun-gong-is-not-a-cult_3022479.html
  5. Reuters, chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công:
    https://www.reuters.com/article/us-britain-china-rights/china-is-harvesting-organs-from-falun-gong-members-finds-expert-panel
  6. The Guardian, Chính quyền Trung Quốc làm giả số liệu hiến tạng:
    https://www.theguardian.com/world/2019/nov/15/chinese-government-may-have-falsified-organ-donation-numbers-study-says
  7. FOX News, Những nạn nhân sống sót từ nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc:
    https://www.foxnews.com/world/organ-harvesting-china-survivors-victims
  8. The Epoch Times, Nhân chứng tố cáo nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc:
    https://www.theepochtimes.com/witness-speaks-out-on-organ-harvesting-taking-place-in-china_2976550.html
  1. China Uncensored, 60.000 vụ kiện Giang Trạch Dân tại Trung Quốc được chấp thuận:
    http://www.chinauncensored.com/index.php/real-china/833-60000-lawsuits-against-jiang-jemin-accepted-in-china
  2. Minghui Website (2004), Quá trình phát triển của Pháp Luân Công:
    http://vn.minghui.org/news/50061-hanh-trinh-cua-phap-luan-dai-phap-mot-con-duong-tuoi-sang-nhung-gian-kho.html
  3. China Organ Harvest Research Center: Trung tâm nghiên cứu mổ cướp tạng tại Trung Quốc https://www.chinaorganharvest.org
  4. Independent Tribunal into Forced Organ Harvesting from Prisoners of Conscience in China: Tòa án độc lập về nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc: https://chinatribunal.com/final-judgement-report/



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P2): Âm mưu, thủ đoạn và tội ác