Vì sao Lý Gia Siêu được chọn trở thành Trưởng đặc khu Hong Kong?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Lý Gia Siêu đã trở thành lãnh đạo mới của Hong Kong sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/5. Vậy ông Lý Gia Siêu là ai? Vì sao được lựa chọn trở thành Trưởng đặc khu Hong Kong?

Trong 45 năm sự nghiệp, Lý Gia Siêu đã phục vụ trong lực lượng cảnh sát 35 năm, giữ các chức vụ Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục An ninh trong 9 năm và giữ chức Tổng thư ký hành chính trong vòng chưa đầy một năm.

Lý Gia Siêu từng mạnh tay trấn áp những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ (năm 2019), và thúc đẩy việc thực thi Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong (năm 2020).

Dự đoán về việc ứng cử viên đảm bảo ổn định và kinh tế đã sai

Một số phân tích cho rằng Trung Quốc đã gặp một số khó khăn do làn sóng dịch bệnh bùng phát. Do đó, ưu tiên của Bắc Kinh là duy trì sự ổn định. Có người lại cho rằng do dịch bệnh, nên ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là “đảm bảo nền kinh tế”, giữ vững địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, giữ được vốn đầu tư nước ngoài và niềm tin của nhà đầu tư.

Do đó, nhiều người suy đoán Cục trưởng Tài chính Trần Mậu Ba - người am hiểu về kinh tế và có tầm nhìn quốc tế sẽ là một trong những ứng cử viên. Nhưng kết quả cho thấy phe lạc quan về việc “đảm bảo nền kinh tế” đã đặt cược sai.

Chức năng trung tâm tài chính phải nhường chỗ cho an ninh đất nước

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đối mặt với nhiều thách thức, Lý Gia Siêu xuất thân từ lực lượng an ninh đã trở thành lựa chọn của Bắc Kinh.

Mặc dù Lý Gia Siêu chưa quen với công tác quản lý chính quyền, tài chính kinh tế, y tế…, nhưng đã mạnh tay trấn áp những người biểu tình phản đối việc sửa đổi dự luật dẫn độ, thực hiện Luật an ninh quốc gia và kiểm duyệt các phương tiện truyền thông. Đồng thời ông Siêu đã đến Tân Cương khảo sát chiến dịch chống khủng bố, từng cho rằng những kinh nghiệm đó đáng để Hong Kong tham khảo. Ông Siêu cũng là Chủ tịch Ủy ban xét duyệt tư cách ứng cử viên và chịu trách nhiệm xem xét các ứng cử viên cho Ủy ban bầu cử, Hội đồng lập pháp và Trưởng đặc khu. Những điều này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu “vững vàng về chính trị” của chính quyền Bắc Kinh.

Hình chụp ông Lý Gia Siêu năm 2019. Ông Lý xuất thân từ cảnh sát và vừa tuyên bố tranh cử chức Đặc khu trưởng Hong Kong
Hình chụp ông Lý Gia Siêu năm 2019. Ông Lý xuất thân từ cảnh sát và vừa tuyên bố tranh cử chức Đặc khu trưởng Hong Kong. (Billy H.C. Kwok/Getty Images)

Nhà văn nổi tiếng của Hong Kong, Đào Kiệt, cho rằng 3 năm qua đã chứng minh rằng trưởng đặc khu càng cứng rắn thì niềm tin quốc tế đối với vị thế của Hong Kong càng giảm. Việc chọn Lý Gia Siêu làm trưởng đặc khu có nghĩa là chính quyền Bắc Kinh chỉ cần Hong Kong một “thành phố an toàn”. Mọi thứ khác, bao gồm một “thành phố tài chính quốc tế” sẽ phải nhường chỗ. Vai trò quan trọng hơn của Hong Kong là phụ thuộc vào chiến lược của Trung Quốc trong tương lai, bao gồm cả các cuộc tấn công quân sự trên eo biển Đài Loan. Khi đó, Đặc khu hành chính Hong Kong cần tăng cường chức năng là công cụ quân sự và chính trị.

Định hướng quản lý Hong Kong như vậy đã được nhìn thấy từ hàng loạt đợt bố trí nhân sự hồi đầu năm nay:

  • Tháng 1, Thiếu tướng Bành Kinh Đường, Phó Tham mưu trưởng Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Hong Kong. Đây là lần đầu tiên một chỉ huy của lực lượng cảnh sát vũ trang, có kinh nghiệm chống khủng bố, làm Tư lệnh PLA tại Hong Kong.
  • Đầu tháng 2, các phương tiện truyền thông Hong Kong thân Trung Quốc đưa tin Vương Linh Quế, Phó Viện trưởng Học viện khoa học xã hội Trung Quốc sẽ giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau. Theo tư liệu, Vương Linh Quế từng là Viện trưởng Viện thông tin và tình báo thuộc Học viện khoa học xã hội, chuyên nghiên cứu về chống khủng bố và vấn đề Tân Cương, dự đoán sau khi nhậm chức sẽ tăng cường thu thập thông tin tình báo ở Hong Kong.
  • Ngày 28/3, Thiếu tướng Hải quân Lại Như Hâm được bổ nhiệm làm Chính ủy Hong Kong. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang sắp xếp lại hệ thống cầm quyền của Hong Kong để đối phó với tình hình quốc tế phức tạp và luôn thay đổi.

Tại kỳ họp Lưỡng hội (Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc – tức Quốc hội) vào tháng 3, trong Báo cáo công tác của Chủ tịch Lật Chiến Thư và cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường, đều nhiều lần nhắc đến việc cần chủ động sử dụng “biện pháp chính trị” để thực hiện các cuộc đấu tranh quốc tế. Hai ông không đề cập tới việc tiếp tục phát triển Hong Kong là trung tâm dịch vụ giải quyết tranh chấp và pháp lý quốc tế.

Hai thẩm phán không thường trực của Tòa chung thẩm Hong Kong gồm Chánh án Tòa án tối cao Robert Reed và Phó Chánh án Tòa án tối cao Patrick Hodge của Anh đã xin từ chức với lý do cơ quan hành pháp của Hong Kong đã rời xa tự do chính trị và ngôn luận, từ chối đứng lên đấu tranh cho Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Những tín hiệu trên cho thấy Hong Kong sẽ ngày càng hội nhập sâu hơn vào tình hình chung của Trung Quốc, ngày càng đi ngược lại thế giới về chế độ, chính sách phòng chống dịch bệnh, địa chính trị… Chỉ cần có một chút xáo trộn, sợi dây mong manh nhằm duy trì trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào.

Năm 2022 đánh dấu 25 năm Hong Kong được bàn giao chủ quyền cho Trung Quốc đại lục. Nhưng mới đi được một nửa của chặng đường “50 năm không thay đổi” mà xã hội Hong Kong đã có những thay đổi không thể nhận ra.

Hong Kong sẽ bước vào “thời kỳ đen tối”?

Ngoài các chính trị gia ủng hộ Lý Gia Siêu thì giới kinh doanh cũng đã lên tiếng ủng hộ. Ngày 7/4, 4 tập đoàn bất động sản lớn ở Hong Kong (Cheung Kong, Sun Hung Kai, Henderson và New World) đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Lý Gia Siêu.

Trớ trêu thay, ngay khi các lực lượng thân Trung Quốc đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử của Lý Gia Siêu và ca ngợi ông, nhiều người dân Hong Kong lo lắng nếu Lý Gia Siêu được bầu chọn, Hong Kong sẽ bước vào “thời kỳ đen tối nhất”.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, Hong Kong đã trải qua nhiều rắc rối dưới thời chính quyền của Lương Chấn Anh và Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Từ phong trào Chiếm trung tâm, biểu tình chống sửa đổi dự luật dẫn độ, Luật an ninh quốc gia, làn sóng di dân, dịch bệnh, vốn nước ngoài rời đi... Hong Kong ngày nay là một mớ hỗn độn. Tuy nhiên, Hong Kong vẫn quan trọng đối với Đại lục về mặt kinh tế. 70% vốn nước ngoài vào Đại lục đến từ Hong Kong, nếu Hong Kong sa sút thì cũng sẽ kéo Đại lục đi xuống.

Trong quá khứ, Hong Kong thực hiện chế độ dân chủ. Cho dù là Đổng Kiến Hoa xuất thân là doanh nhân hay Tăng Âm Quyền và Lâm Trịnh Nguyệt Nga xuất thân là quan chức hành chính, họ đều có trình độ học vấn cao, thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng phổ thông (Trung Quốc) và tiếng Anh, cũng như có quan hệ tốt với cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Lý Gia Siêu lại xuất thân từ lực lượng an ninh và trình độ học vấn của ông luôn bị nghi ngờ. Trước những thắc mắc của giới truyền thông vào năm 2021, chính quyền Hong Kong cho biết Lý Gia Siêu đã đạt điểm 1A trong kỳ thi tuyển sinh đại học và đỗ vào Khoa kỹ thuật của Đại học Hong Kong. Sau đó, ông đã chọn tham gia lực lượng cảnh sát vì lý do gia đình.

Lý Gia Siêu cho biết ông chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chính thức. Ông có bằng thạc sĩ về chính sách công và quản lý tại Đại học Charles Sturt ở Australia, bằng thạc sĩ có được từ một chương trình tự học do Lực lượng cảnh sát tổ chức. Hơn nữa, chỉ riêng thành tích của Lý Gia Siêu đã đủ để kích hoạt một làn sóng di cư, khiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy và sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong sẽ không bao giờ trở lại.

Ngày 7/8, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm (từ trái sang) Lạc Huệ Ninh - Giám đốc Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau Trương Hiểu Minh và Giám đốc Cục An ninh Hong Kong Lý Gia Siêu. (Epoch Times)
Ngày 7/8, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm (từ trái sang) Lạc Huệ Ninh - Giám đốc Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau Trương Hiểu Minh và Giám đốc Cục An ninh Hong Kong Lý Gia Siêu. (Epoch Times)

Trung Quốc đi vào ngõ cụt trong việc quản lý Hong Kong?

Trên thực tế, Hong Kong không phải là không có nhân tài có thể đảm nhận vị trí trưởng đặc khu. Hong Kong đã trở thành một trung tâm tài chính quốc tế trong nhiều thập kỷ và nhân tài là một trong những quyền lực mềm của thành phố này. Tuy nhiên, những tài năng thực sự yêu đất nước và Hong Kong này đã bị đưa vào tù sau khi Luật an ninh quốc gia được áp dụng, chẳng hạn như Hồ Tuấn Nhân, một trong những ứng cử viên cho chức trưởng đặc khu năm 2012.

Hà Tuấn Nhân đã dành nửa cuộc đời để đấu tranh cho sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989 và nền dân chủ, cuối cùng bị chế độ đưa vào tù, đó là một bi kịch lớn cho xã hội Hong Kong. Ông từng ủng hộ việc Hong Kong trở về Đại lục vào năm 1997, hy vọng rằng nền dân chủ của Hong Kong có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa của Trung Quốc. Hong Kong, nơi từng là tự do, đã bị chủ nghĩa toàn trị “nuốt chửng”.

Phải nói rằng công tác quản lý Hong Kong của Bắc Kinh đã đi vào ngõ cụt. Hong Kong là một hệ thống kinh tế định hướng xuất khẩu cao, do đó, thành phố này phải duy trì trạng thái mở cửa và tự do thì mới có thể duy trì vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế. Lâm Trịnh Nguyệt Nga hiểu rõ điều này nên vào ngày 21/3, bà đã tuyên bố nới lỏng chính sách phòng chống dịch bệnh “nắm đấm sắt”.

Tại sao Bắc Kinh chọn Lý Gia Siêu?

Nếu Lý Gia Siêu trở thành trưởng đặc khu thì điều này phản ánh rằng kỳ vọng của Bắc Kinh đối với vai trò của trưởng đặc khu Hong Kong đã khác trước đây. Duy trì sự ổn định sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong trong 5 năm tới. Đồng thời, Bắc Kinh cần sử dụng sức mạnh của lực lượng cảnh sát và bảo đảm an ninh quốc gia để răn đe các lực lượng đối lập ở trong và ngoài Hong Kong.

Sau phong trào biểu tình phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ, Bắc Kinh đã lên kế hoạch thay thế Hong Kong bằng Thâm Quyến và đưa vùng lãnh thổ này vào Khu vực Vịnh lớn gồm Quảng Đông, Hong Kong và Macau. “Động cơ chính” của Khu vực Vịnh lớn là Thâm Quyến và Hong Kong trở thành vai phụ. Bất kể ai là trưởng đặc khu Hong Kong cũng đều sẽ phải thực hiện các chủ trương, chính sách mà Trung Quốc đã thiết lập.

Do đó, việc tìm kiếm một Lý Gia Siêu không có nhiều kinh nghiệm trong điều hành nền kinh tế sẽ là sự lựa chọn tốt vì ông sẽ không phản đối. Mọi kế hoạch sẽ được giao cho các quan chức Bắc Kinh và Hong Kong chịu trách nhiệm thực hiện cụ thể. Điều này cho thấy rõ sự quản lý tổng thể của Bắc Kinh đối với Hong Kong, cũng đã mở ra một chương mới của thời đại “một nước, hai chế độ”.

Ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đến chào các thành viên Ủy ban Bầu cử tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Hồng Kông hôm 08/05/2022. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)
Ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đến chào các thành viên Ủy ban Bầu cử tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Hồng Kông hôm 08/05/2022. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

Theo nhà bình luận Đỗ Diệu Minh, các mối quan hệ của Lý Gia Siêu chủ yếu đến từ lực lượng cảnh sát và các lực lượng thực thi kỷ luật. Ông Siêu có lẽ không có mạng lưới doanh nhân như Đổng Kiến Hoa, cũng không có êkíp quan chức hành chính như Tăng Âm Quyền và Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể nhân cơ hội này để bố trí nhân sự mà Bắc Kinh muốn cho Lý Gia Siêu. Nói tóm lại, càng có ít người có liên quan đến Lý Gia Siêu thì các quan chức trung ương phụ trách Hong Kong và Macau càng cần phải điều phối và phối hợp hoạt động để tránh nảy sinh những công việc riêng biệt.

Dưới thời Đổng Kiến Hoa và Tăng Âm Quyền, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và trưởng đặc khu là “đối tác”. Đội ngũ điều hành của trưởng đặc khu có thể do chính trưởng đặc khu lựa chọn và cũng có nhiều không gian dàn xếp trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đến thời Lương Chấn Anh và Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chính quyền trung ương và trưởng đặc khu chuyển sang quan hệ “chủ tớ”. Vì vậy, cho dù Lý Gia Siêu được trung ương tín nhiệm thì cũng không thể tách rời mối quan hệ “chủ tớ”.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc Lý Gia Siêu thiếu kinh nghiệm chính trị không thành vấn đề. Không có êkíp quan chức hành chính, không có cương lĩnh quản lý Hong Kong, không được người dân ủng hộ cũng không quan trọng. Sự lựa chọn này làm nổi bật hoạt động một chiều của Trung Quốc trong việc lựa chọn trưởng đặc khu và đảo ngược tính đại diện của trưởng đặc khu. Trong quá khứ, trưởng đặc khu đại diện cho người dân Hong Kong và lợi ích của Bắc Kinh ở một mức độ nào đó, nhưng đến nay chỉ là người đại diện cho chính quyền trung ương quản lý Hong Kong.

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hong Kong trở về với Trung Quốc đại lục và cái gọi là “50 năm không thay đổi” đã đi được nửa chặng đường. Trong những năm qua, Trung Quốc luôn tìm cách đưa Hong Kong trở lại mô hình của Đại lục. Vì vậy trong hơn 20 năm qua đã cài người của mình vào các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, pháp luật, chính trị và tài chính, “cấy ghép” một cách tinh vi mô hình của Đại lục vào Hong Kong, nhằm giúp Hong Kong chuyển đổi suôn sẻ sang “một nước, hai chế độ” vào năm 2047.

Trong quá trình này, Hong Kong sẽ chuyển từ “người Hong Kong quản lý Hong Kong” thành “người Hong Kong mới quản lý Hong Kong” (người Hong Kong mới dùng để chỉ những người Đại lục chuyển đến Hong Kong sinh sống) và cuối cùng là “các quan chức Bắc Kinh quản lý Hong Kong”.

Lý Gia Siêu là trưởng đặc khu chuyển tiếp được Trung Quốc lựa chọn từ “người Hong Kong quản lý Hong Kong” thành “người Hong Kong mới quản lý Hong Kong”. Như trên đã phân tích, không giống như các trưởng đặc khu trước đây, Lý Gia Siêu không có kinh nghiệm quản lý Hong Kong nên sẽ không đi ngược lại chủ trương của Bắc Kinh.

(Theo Secret China)

Xem thêm:

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Lý Gia Siêu được chọn trở thành Trưởng đặc khu Hong Kong?