Việc dỡ bỏ chính sách Zero Covid tiết lộ nỗi sợ lớn nhất của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid tiết lộ nỗi sợ hãi to lớn nhất của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): chịu chung số phận với Liên Xô.

Chính sách phòng dịch Zero Covid không khoan nhượng, đã được áp dụng nghiêm ngặt hàng tháng trời trong gần ba năm qua, là quyết định cá nhân của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Năm ngoái, ông Tập tuyên bố rằng, phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với đại dịch Covid-19 là vấn đề thuộc về ý thức hệ.

Trong một bài báo đăng trên tờ Study Times - một ấn phẩm của của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Mã Hiểu Vĩ (Ma Xiaowei) vào hồi tháng 4/2022, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường đối với chính sách Zero Covid.

Ông này nói thêm rằng, “Trung Quốc phải duy trì lập trường rõ ràng chống lại những quan niệm sai lầm hiện nay như cái gọi là 'sống chung với virus'".

Theo người đứng đầu cơ quan y tế nước này, lý do là mặc dù ông đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế và các nhà khoa học, nhưng “Ủy ban Trung ương với nòng cốt là ông Tập Cận Bình” mới là người quyết định, dựa trên “quan niệm về ý thức hệ” về một “vấn đề thuộc về ý thức hệ”.

Ông nói rằng có một “Tư tưởng Tập Cận Bình” về đại dịch Covid.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Tập Cận Bình đã biến những niềm tin theo chủ nghĩa Marx của mình thành hành động.

Theo Marx và Engels, dịch bệnh là do chủ nghĩa tư bản gây ra.

Theo kết quả phân tích hệ tư tưởng này, virus phải xâm nhập vào Trung Quốc từ một nước tư bản. Do đó, đã xuất hiện những tuyên bố vô căn cứ rằng những người Mỹ tham gia Thế vận hội Quân sự thế giới năm 2019 ở Vũ Hán phải chịu trách nhiệm về trận đại dịch này.

Đó là một lý do khác khiến ĐCSTQ không đồng ý về một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguyên nhân của đại dịch Covid.

Một phụ nữ đi bộ trên đường phố ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 11/4/2020. (Ảnh: Getty Images)

Vậy tại sao lại có sự thay đổi đột ngột khi ông Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố các chính sách của ĐCSTQ là đúng đắn về phương diện lịch sử?

Một sự cố thổi bùng sự bất mãn bấy lâu nay

Lời giải thích rõ ràng nhất là do các cuộc nổi dậy của người dân Trung Quốc để phản đối chính sách phong tỏa Zero Covid của ông Tập Cận Bình. Các cuộc biểu tình bùng phát sau một vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà chung cư ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), thủ phủ của tỉnh Tân Cương ở cực tây của đất nước. Tòa chung cư này đã bị bít kít để hạn chế lây lan Covid-19, do đó, vụ hỏa hoạn tại tòa chung cư đã cướp đi sinh mạng của 44 nạn nhân xấu số.

Tin tức về sự kiện này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, làm dấy lên các cuộc biểu tình ở một số thành phố của Trung Quốc. Cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất diễn ra ở Thượng Hải, nơi những người biểu tình tập trung trên đường Urumqi, gần nhiều tòa nhà chung cư, để đặt hoa và yêu cầu chính quyền dỡ bỏ các chướng ngại vật được dựng lên xung quanh các tòa nhà dân cư trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid.

Những cuộc biểu tình đã lan sang các thành phố khác. Mặc dù thành phần cốt yếu của các cuộc biểu tình là sinh viên, nhưng đám đông cũng bao gồm nhiều người dân Trung Quốc - từ lâu đã phản đối các chính sách Zero Covid hà khắc của chính quyền nước này.

Cuộc biểu tình của nhân viên Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu

Hàng nghìn công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu đã phá rào chắn và lao vào hỗn chiến với cảnh sát. Để tránh các hạn chế về Covid, nhà máy này đã đóng cửa. Điều này đã khiến cho công nhân của Foxconn phải sinh sống và làm việc trong một khu vực khép kín, cách ly với phần còn lại của đất nước.

Đáp lại, một phần trong số 200.000 công nhân tại nhà máy Foxconn, nơi sản xuất một nửa số iPhone trên toàn thế giới, đã nghỉ việc, trở về các thị trấn và làng mạc xa xôi.

Tại Quảng Châu, những người biểu tình trốn thoát khỏi các tòa nhà bị phong tỏa. Tại Vũ Hán, nơi khởi nguồn của đại dịch Covid-19, cư dân đã dỡ bỏ cánh cổng sắt khổng lồ được dựng lên để phong tỏa các con phố.

Việc các quan chức Trung Quốc nói rằng họ sẽ điều chỉnh các chính sách hà khắc của mình đã làm gia tăng tình trạng bất ổn trong bối cảnh các lệnh phong tỏa lan rộng khắp đất nước.

Bất đồng quan điểm về phản đối phong tỏa

Các cuộc biểu tình phản đối các chính sách Zero Covid nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Bất chấp những luật lệ nghiêm ngặt chống bất đồng chính kiến, những người biểu tình đã nghĩ ra đủ phương thức mới lạ để truyền tải thông điệp của họ.

Nhiều người giương cao những tờ giấy trắng, một biểu tượng truyền thống phản đối sự kiểm duyệt của ĐCSTQ. Mặc dù Apple trước đó đã đồng ý với yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh về việc vô hiệu hóa ứng dụng AirDrop (dùng để chia sẻ tệp tin) ở Trung Quốc, nhưng thông tin về "cuộc biểu tình Giấy trắng" vẫn lan rộng.

Các sinh viên tại Đại học Thanh Hoa, một trong những Đại học uy tín nhất nước này, đã kêu gọi "tự do ngôn luận, pháp quyền và dân chủ".

Những người khác gần Quảng trường Thiên An Môn đã hô vang: "Chúng tôi muốn các giá trị phổ quát", "Chúng tôi không muốn chế độ độc tài" và "Chúng tôi không muốn sùng bái cá nhân". Ở Thành Đô, người dân hô vang "Người Trung Quốc không cần hoàng đế" và "không có nhiệm kỳ suốt đời".

Khắp các thành phố vang lên những khẩu hiệu: "Đả đảo Tập Cận Bình, ĐCSTQ hãy hạ đài" và "chúng tôi cần nhân quyền, chúng tôi cần tự do". Những tài xế còn bấm còi để ủng hộ những người biểu tình đang giương cao những tờ giấy trắng. Bất chấp những nỗ lực của các cơ quan kiểm duyệt của chính quyền ĐCSTQ, tin tức về những sự kiện này đã lan rộng khắp cả nước.

Trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng chứng kiến các cuộc biểu tình về nhiều vấn đề khác như chống lại các ngân hàng, nhưng những cuộc biểu tình này đã đặt ra một thách thức to lớn đối với chính quyền nước Trung Quốc.

ĐCSTQ đã sử dụng các chiến thuật thông thường của mình là cử lực lượng an ninh đến và đổ lỗi cho “các thế lực nước ngoài chống phá Trung Quốc” đã xúi giục các cuộc biểu tình và cố gắng châm ngòi cho một “cuộc cách mạng màu”. Động thái này khiến những người hiểu biết trên mạng xã hội tự hỏi rằng, phải chăng “các thế lực nước ngoài” ở đây có phải là Marx và Engels hay không.

Người biểu tình giương cao tờ giấy trắng phản đối cơ quan kiểm duyệt khi họ diễu hành trong cuộc biểu tình phản đối chính sách phong tỏa Zero Covid hà khắc của Trung Quốc tại Bắc Kinh, hôm 27/11/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Điều thú vị là ĐCSTQ kể từ đó đã tìm cách tuyên bố rằng, việc đột ngột đảo ngược chính sách Zero Covid vào hôm 10/11/2022 là quyết định của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, mà ông Tập Cận Bình chính là Chủ tịch của Ủy ban này. Động thái này xảy ra trước vụ hỏa hoạn ở Urumqi và các cuộc biểu tình tại nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu.

Những tin tức này mâu thuẫn với tuyên bố trước đây của ĐCSTQ rằng chính sách Zero Covid đã bị dỡ bỏ vào ngày 7/11/2022.

Điều đáng chú ý là nó mâu thuẫn với tin tức của kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV về cuộc họp ngày 10/11/2022.

Bản dịch tiếng Anh của báo cáo cuộc họp trong đó nhấn mạnh rằng, "Trung Quốc phải tập trung nỗ lực để chống lại dịch bệnh ở các khu vực trọng điểm, thực hiện các biện pháp kiên quyết và quyết đoán hơn để giải quyết vấn đề, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh càng sớm càng tốt, cũng như khôi phục trật tự sản xuất và sinh hoạt bình thường càng sớm càng tốt".

Cuộc họp cũng kêu gọi "phòng ngừa và kiểm soát một cách khoa học và chính xác" - không từ bỏ chính sách Zero Covid.

Lời giải thích khả dĩ nhất về việc ông Tập Cận Bình từ bỏ chính sách Zero Covid chính là để xoa dịu các cuộc biểu tình đang leo thang - và rất có thể sẽ đe dọa đến ĐCSTQ.

Ông lo ngại rằng các cuộc biểu tình sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Hon. Kevin Andrews phục vụ trong Quốc hội Úc từ năm 1991 đến năm 2022. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc và giữ nhiều chức vụ trong Nội các nước này.



BÀI CHỌN LỌC

Việc dỡ bỏ chính sách Zero Covid tiết lộ nỗi sợ lớn nhất của ĐCSTQ