Virus Corona Vũ Hán - Ám ảnh sâu sắc đối với người dân Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái ngược với những tuyên truyền tích cực từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đợt “phong thành” kéo dài 11 tuần vì đại dịch virus Corona Vũ Hán không chỉ để lại những tổn thương sâu sắc đối với sức khỏe và tinh thần của người dân, mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cả nền kinh tế của thành phố Vũ Hán - trung tâm kinh tế, văn hóa và là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.

Trong vài tuần trở lại đây, ĐCSTQ liên tục thúc đẩy những tuyên truyền trên truyền thông về sự phục hồi thần kỳ của thành phố Vũ Hán, nơi được biết đến như là tâm chấn của thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện đang hoành hành trên toàn cầu. Sự kiện gần đây nhất là lễ hội âm nhạc dưới nước quy tụ 3.000 người tại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc khiến truyền thông nước ngoài xôn xao. Thông điệp mà ĐCSTQ muốn truyền tải hết sức rõ ràng, Vũ Hán là bằng chứng hùng hồn rằng các biện pháp xử lý đại dịch chuyên quyền cực đoan của chính quyền Bắc Kinh có hiệu quả “vượt trội so với nền dân chủ phương Tây như Hoa Kỳ”, theo Breitbart.

Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, “các cuộc phỏng vấn gần đây với hàng chục cư dân địa phương [ở Vũ Hán] cho thấy, họ sẽ cần phải mất nhiều tháng, hay thậm chí là nhiều năm, để có thể chữa lành những vết sẹo tâm lý sâu sắc và khôi phục những thiệt hại kinh tế” do đại dịch gây ra. Tin tức cho biết, sau khi ĐCSTQ ban hành lệnh phong tỏa toàn diện, nền kinh tế của Vũ Hán đã phải ngừng hoạt động ít nhất 76 ngày, và tổng sản phẩm GDP của Vũ Hán đã suy giảm 20% trong nửa đầu năm 2020.

Sau 150 ngày dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế của lệnh phong thành (từ ngày 7/4), giám đốc một khách sạn địa phương tên là Wang Dandan cho biết, lợi nhuận từ việc kinh doanh của cô thấp tới mức không đủ để giúp cô chi trả tiền thuê mặt bằng. Cô Wang chia sẻ, mặc dù so với năm ngoái, tỷ lệ phòng trống là khoảng 10%, nhưng giá phòng chỉ còn một nửa. Với mức lợi nhuận eo hẹp đó, khách sạn của cô Wang vẫn phải tiếp tục bù lỗ cho khoảng thời gian đóng cửa vì phong tỏa. Cô nói: “Chủ nhà đã nhiều lần thúc giục chúng tôi trả tiền thuê nhà, nhưng hiện tại chúng tôi không thể trả nổi, chúng tôi thực sự không có tiền”.

Có một biển người tại Lễ hội âm nhạc điện tử trên nước ở Vũ Hán. Mọi người mặc đồ bơi và ngâm mình trong nước, không ai đeo khẩu trang và không tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội. (Ảnh chụp màn hình video)
Có một biển người tại Lễ hội âm nhạc điện tử trên nước ở Vũ Hán. Mọi người mặc đồ bơi và ngâm mình trong nước, không ai đeo khẩu trang và không tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội. (Ảnh chụp màn hình video)

Cô Wang nhận định rằng tình cảnh tài chính của cô là ví dụ điển hình cho những áp lực căng thẳng mà người dân Vũ Hán hiện đang phải đối mặt, sau gần 3 tháng “ngừng mọi hoạt động kinh doanh”. Đối với cô và rất nhiều người khác ở Vũ Hán, “những tổn thương do đại dịch gây ra này quá sâu sắc”.

Mặc dù chính quyền thành phố Vũ Hán tuyên bố sẽ đưa ra “một số chính sách thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp”, nhưng khách sạn của cô Wang vẫn đang phải vật lộn và chờ đợi được xét duyệt, chứ chưa hề nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào, bởi thực tế chính sách được triển khai rất chậm và thủ tục hồ sơ thì phức tạp.

SCMP cho biết, việc chính quyền thành phố Vũ Hán không hỗ trợ khách sạn của cô Wang là một vấn đề rất đáng quan ngại, vì trước đó, trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch hồi tháng Giêng, chính quyền ĐCSTQ đã buộc cô phải cung cấp khách sạn của mình cho các chuyên gia y tế được cử đến Vũ Hán để “giải vây”.

Cô Wang không phải là trường hợp duy nhất cảm thấy bất lực và bế tắc trong tình hình ảm đạm của nền kinh tế Vũ Hán. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề nan giải mà siêu đô thị này phải đối mặt.

Dù ĐCSTQ ra sức tô vẽ Vũ Hán với hình tượng một trung tâm đô thị trẻ hóa, thịnh vượng và đầy sức sống, có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ Vũ Hán đang tiếp tục phải đối mặt với một làn sóng tái bùng phát dịch bệnh mới. Một cư dân địa phương kể lại với The Epoch Times rằng, hàng trăm người vẫn xếp hàng mỗi ngày bên ngoài các phòng khám bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đồng Tế và Bệnh viện Union - 2 bệnh viện lớn nhất của Vũ Hán, trong khi một số khu chợ trời đã đóng cửa và một số khu dân cư tái áp dụng chính sách phong tỏa. Cư dân địa phương còn cho biết, nếu họ tới mua thuốc hạ sốt tại các hiệu thuốc địa phương bằng thẻ bảo hiểm, họ sẽ lập tức được giới chức y tế cộng đồng liên hệ xem họ có bị nghi nhiễm virus Corona Vũ Hán hay không.

Trên thực tế, sau tất cả những gì diễn ra kể từ thời điểm khởi phát dịch bệnh virus Corona Vũ Hán, người dân ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới đều đang dần hiểu rõ hơn bộ mặt thật của ĐCSTQ, nhưng cái giá mà họ phải trả để nhận biết được sự thật này cũng thật “khắc cốt ghi tâm”.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Virus Corona Vũ Hán - Ám ảnh sâu sắc đối với người dân Vũ Hán