Vòng luẩn quẩn: Trung Quốc đang kích thích tăng trưởng bằng 4.000 dự án hạ tầng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ số liệu kinh tế nửa đầu năm nay của Trung Quốc có thể thấy, nếu tình hình quý III không khởi sắc thì kinh tế cả năm sẽ đi vào bế tắc. Quốc vụ viện, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và các ban ngành khác đã tổ chức 5 cuộc họp trong vòng một tuần, để triển khai 4.000 dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Có vẻ như Trung Quốc bế tắc vì tiêu dùng tiêu điều, khu vực FDI và tư nhân đang suy giảm trước các đòn trừng phạt độc quyền và đòi đưa Chi bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào giám sát...

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp vào ngày 28/7 để phân tích, nghiên cứu tình hình kinh tế hiện nay, đồng thời triển khai công tác kinh tế nửa cuối năm. Hội nghị chỉ ra các nhiệm vụ sau:

  • Hoạt động kinh tế hiện nay đang gặp một số mâu thuẫn, vướng mắc nổi cộm, cần làm tốt công tác kinh tế nửa cuối năm;
  • Tận dụng tốt nguồn vốn tín dụng mới tăng của các ngân hàng chính sách và vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;
  • Ổn định việc làm và giá cả;
  • Hỗ trợ chính quyền địa phương tận dụng tốt hạn mức nợ đặc biệt;
  • Cải thiện tính ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế;
  • Tăng cường bảo đảm an ninh lương thực;
  • Ổn định thị trường bất động sản, đảm bảo giao nhà, ổn định sinh kế của người dân
  • Giải quyết thỏa đáng rủi ro của một số ngân hàng địa phương; v.v.

Ngày 4/8, kênh truyền thông chính thống của Trung Quốc – Thời báo Chứng khoán đưa tin, sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương, các cơ quan gồm Quốc vụ viện, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia… đã tổ chức 5 cuộc họp trong vòng một tuần để triển khai công tác đầu tư.

Cụ thể là: "Nắm bắt mùa xây dựng cao điểm trong quý III, ưu tiên hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực trọng điểm về cơ sở hạ tầng".

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Thời báo Chứng khoán, các tỉnh, khu tự trị và thành phố trung ương trực thuộc Trung Quốc đã khởi công 3.876 dự án lớn trong tháng 7, với tổng vốn đầu tư hơn 2.393 tỷ nhân dân tệ.

Trong đó, ba tỉnh An Huy, Cam Túc và Hà Nam đã tổ chức hoạt động khởi công tập trung cho các dự án cấp tỉnh. An Huy có tổng vốn đầu tư cao nhất là 667,5 tỷ nhân dân tệ; Hà Nam có tổng vốn đầu tư thấp hơn một chút, nhưng có số lượng nhiều hơn với 1.033 dự án. Một số dự án cơ sở hạ tầng có lợi ích kinh tế quan trọng, chẳng hạn như một phần của Dự án Chuyển nước Nam-Bắc, đã tiếp tục được xúc tiến trong tháng.

Bà Uông Đào (Wang Tao), nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS, dự kiến tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng nửa cuối năm nay của Trung Quốc là từ 10% đến 12%: “Một phần do hiệu ứng cơ sở thấp, đem so sánh thì tăng trưởng theo năm trong quý II là 8,6%; trong đó quý III có thể tăng mạnh hơn, nhưng đến quý IV lại chậm lại, kéo theo là đầu tư cơ sở hạ tầng cả năm tăng hơn 10%, giữ cho GDP năm 2022 tăng ở mức 3%”.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu GDP của nửa đầu năm và của quý II hôm 15/7. Chính sách phòng chống dịch bệnh và cuộc khủng hoảng bất động sản đang khiến nền kinh tế đi xuống. Là thành phố có nền kinh tế mạnh nhất Trung Quốc, Thượng Hải cũng sa sút nghiêm trọng. Nếu quý III không cải thiện kinh tế thì nền kinh tế cả năm của Trung Quốc sẽ không có khởi sắc.

Tờ The Wall Street Journal chỉ ra rằng, suy thoái kinh tế phản ánh cái giá mà Bắc Kinh phải trả khi áp dụng chính sách phòng chống dịch bệnh "Zero Covid".

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, nếu chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường "không khoan nhượng" virus và dịch bệnh bằng mọi giá, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP 5,5% trong năm nay sẽ khó đạt được.

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) từ Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina cho rằng, hiện nay kinh tế Trung Quốc không thể phát triển theo hai hướng “xuất khẩu” và "tiêu dùng" của người dân dựa trên kích thích nhu cầu nội địa. Cả hai đều đang tiêu điều, đặc biệt tiêu dùng của người dân suy kiệt vì Zero-Covid.

Hiển nhiên, Trung Quốc chẳng còn biện pháp nào cho tăng trưởng ngoài cách xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng nó tồn tại rất nhiều vấn đề, do cơ sở hạ tầng đã bão hòa, không còn nhiều thị trường và nhu cầu.

Bloomberg cũng cho rằng, việc chính quyền Bắc Kinh dồn lực vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế đã là “lối mòn". Tăng cường cơ sở hạ tầng là để lôi kéo đầu tư, thông qua chuỗi công nghiệp thúc đẩy phát triển và ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trong quá khứ, phân tích cho thấy cách làm này chỉ có thể làm tăng nợ, dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm trong một số ngành.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay, ông Tập Cận Bình được cho là đang chạy đua vào nhiệm kỳ thứ ba. Trong năm biến động nhân sự cấp cao này, duy trì "ổn định" không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế, mà còn bao gồm vấn đề chính trị.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Vòng luẩn quẩn: Trung Quốc đang kích thích tăng trưởng bằng 4.000 dự án hạ tầng