Vụ Bành Soái: Ủy ban Olympic Quốc tế bị nghi là đối tác soạn kịch của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach đã có cuộc gọi video với cô Bành Soái (Peng Shuai) vào Chủ nhật tuần trước (ngày 21/11). Sự việc này khiến báo giới nước ngoài chú ý đến mối quan hệ giữa IOC và cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). Vì ông Trương từng đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho đợt Thế vận hội 2022 trước khi rời nhiệm sở.

IOC thông báo rằng nữ ngôi sao quần vợt đã nói chuyện với ông Thomas Bach – Chủ tịch IOC, đồng thời là một cựu vận động viên đấu kiếm Olympic – trong 30 phút.

Sau đó, IOC đã công bố một tuyên bố và một bức ảnh của cuộc gọi lên Internet, nhưng không công bố video hoàn chỉnh hoặc giải thích tình hình của cuộc gọi trực tuyến, bao gồm cả cách sắp xếp liên lạc giữa hai người.

Tuyên bố chỉ đơn giản viết rằng, Bành Soái nói "Cô ấy đang ở nhà ở Bắc Kinh và rất an toàn, nhưng hy vọng rằng quyền riêng tư của cô ấy sẽ được tôn trọng vào thời điểm này. Vì vậy, hiện giờ cô ấy thích ở với bạn bè và gia đình hơn".

Cuộc gọi qua video còn có sự tham gia của một quan chức thể thao Trung Quốc và được thực hiện thông qua người phiên dịch tiếng Anh. Tuy nhiên trên thực tế, cô Bành rất thành thạo tiếng Anh.

Ngôi sao quần vợt Bành Soái và cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ. (Ảnh Vision Times tổng hợp từ Getty Images)
Ngôi sao quần vợt Bành Soái và cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ. (Ảnh Vision Times tổng hợp từ Getty Images)

IOC bị nghi ngờ là đối tác soạn kịch của Bắc Kinh

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) đã đăng một bài báo của nhà báo thể thao Jason Gay vào hôm thứ Hai (22/11), nói rằng IOC có thể nghĩ rằng họ đã thực hiện một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và đáng được khen ngợi khi cung cấp thông tin rõ ràng về Bành Soái. Tuy nhiên, liệu IOC có đóng vai trò đòn bẩy hay đóng vai trò là đối tác biên kịch của Trung Quốc hay không?

Theo một bài viết trên Vision Times, do chi phí đăng cai Olympic tiếp tục leo thang nên ngày càng có ít thành phố đăng ký đăng cai. Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào tháng Hai năm sau.

Và khi một quốc gia, tổ chức hoặc công ty muốn kinh doanh với chế độ Trung Quốc – nơi mà người ta không được phép chất vấn nhà chức trách, thì sẽ rất nguy hiểm nếu quyết định kinh doanh của họ được ngầm chấp thuận hoặc đi theo hướng ngược lại. Nhưng việc họ cúi đầu trước Bắc Kinh có thể sẽ dẫn tới sự phản kháng từ thị trường nước ngoài.

Ông Ho-Fung Hung, Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, nói với tờ WSJ trong một e-mail: “Sự bất mãn và thậm chí tức giận đối với những liên minh và công ty chịu khuất phục trước Bắc Kinh đã tích tụ bên ngoài Trung Quốc. Sớm muộn gì thì thiệt hại đối với hình ảnh thương hiệu của họ sẽ đạt đến mức mà họ không thể coi nhẹ được nữa".

Ông Trương từng là lãnh đạo Nhóm Công tác về Thế vận hội Mùa đông

The WSJ đưa tin vào ngày 24/11 rằng, vị cựu Phó Thủ tướng, đồng thời là cựu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nói trên từng được coi là một nhà kỹ trị mạnh mẽ và thuần thục khi còn trong nhiệm kỳ. (Kỹ trị là từ để chỉ các quan chức có chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định, đặc biệt liên quan đến khoa học hoặc kỹ thuật). Ông Trương cũng chịu trách nhiệm xử lý một số hạng mục công việc ưu tiên nhất của Bắc Kinh, trong đó bao gồm cả việc quản lý công tác về Olympic Bắc Kinh 2022.

Trung Quốc chính thức xin đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 vào tháng 11/2013. Vào tháng 7/2015, IOC thông báo rằng Bắc Kinh đã được trao quyền đăng cai. Sau đó, Bắc Kinh cũng bắt đầu công tác chuẩn bị.

Theo một tài liệu về đánh giá Thế vận hội Mùa đông 2022 do IOC ban hành vào tháng 6/2015, Phó Thủ tướng khi đó là ông Trương Cao Lệ đã lãnh đạo Nhóm Chỉ đạo Công tác Thế vận hội Mùa đông để hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các công tác liên quan. Vai trò của ông Trương trong nhóm cho phép ông liên lạc với các quan chức Olympic cấp cao nhất, bao gồm cả Chủ tịch IOC Thomas Bach.

Ngoài ra, từ các thông báo của chính quyền Trung Quốc và tin tức đăng trên các kênh truyền thông chính thức, cũng có thể thấy rằng ông Trương là lãnh đạo của nhóm trên. Thông báo nêu rõ, trước khi bàn giao công việc cho người kế nhiệm vào năm 2018, ông Trương đã đưa ra chỉ thị về công tác chuẩn bị cho Thế vận hội, bao gồm cả việc xây dựng sân vận động và vấn đề giao thông, v.v.

Tân Hoa Xã đưa tin vào tháng 12/2015 rằng, tại cuộc họp khai mạc của Ủy ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông và Thế vận hội Người khuyết tật Mùa đông tại Bắc Kinh 2022, trưởng nhóm chỉ đạo công tác – ông Trương Cao Lệ – đã tham dự và có bài phát biểu.

Sau khi IOC nói chuyện với Bành Soái, cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý đến Trương Cao Lệ

Ông Trương chưa phản hồi về cáo buộc tấn công tình dục của ngôi sao quần vợt Bành Soái. Nhưng sau đó cô Bành đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong hơn hai tuần, và khiến ngoại giới lo ngại về sự an toàn của cô. Hiệp hội Quần vợt nữ quốc tế thậm chí còn đe dọa sẽ rút các sự kiện khỏi Trung Quốc trong tương lai.

Sau cuộc gọi điện video vào ngày 21/11, IOC kết luận rằng Bành Soái an toàn. Nhưng ngoại giới vẫn chưa được nghe đích thân cô Bành bày tỏ ý kiến ​​cá nhân về vấn đề này. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc phải để Bành Soái tự nói.

Tờ WSJ cho biết, trước khi có thông báo về cuộc gọi điện video giữa IOC và Bành Soái, cộng đồng quốc tế đã chú ý nhiều hơn đến nơi ở và sự an toàn của cô, trong khi đó lại chú ý khá ít đến ông Trương Cao Lệ. Nhưng sau cuộc gọi video, tình hình đã thay đổi. Một bức ảnh chụp Chủ tịch IOC Thomas Bach và Phó Thủ tướng lúc đó là ông Trương Cao Lệ bắt tay nhau tại Bắc Kinh vào năm 2016 đã được đăng tải trên mạng xã hội.

Cơ quan ngôn luận Tân Hoa Xã đưa tin vào thời điểm đó rằng, ông Trương Cao Lệ đã cảm ơn ông Bach và IOC vì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022. Ông Trương nói, chính phủ Trung Quốc rất coi trọng công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

WSJ chỉ ra rằng, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa xử lý hoặc thừa nhận các cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái. Mặc dù việc tầng lớp đặc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có quan hệ ngoài hôn nhân không phải chuyện hiếm, nhưng ông Trương là nhân vật cấp cao đầu tiên phải đối mặt với cáo buộc công khai về hành vi tấn công tình dục như vậy.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, việc đảm bảo Thế vận hội Mùa đông được tổ chức suôn sẻ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Tập Cận Bình. Vì họ hy vọng rằng Thế vận hội sẽ trở thành nơi trưng bày những thành tựu của ĐCSTQ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vụ Bành Soái: Ủy ban Olympic Quốc tế bị nghi là đối tác soạn kịch của Bắc Kinh